Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Ô nhiễm không khí hại tim hơn cả ma túy

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho biết ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ đau tim hơn cả sử dụng ma túy.

Ô nhiễm không khí dày đặc hôm 21-2 tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Ông Tim Nawrot - trưởng nhóm nghiên cứu, công tác tại ĐH Hasselt (Bỉ) - đã tổng hợp dữ liệu và tính toán nguy cơ tương đối về các tác nhân gây ra những cơn đau tim từ 36 nghiên cứu riêng biệt.

Kết quả thu được như sau: ô nhiễm không khí tại nơi có mật độ xe dày đặc: 7,4%; làm việc quá sức: 6,2%; rượu: 5%; cà phê: 5%; cảm xúc tiêu cực như bực bội, nóng giận: 3,9%... trong khi cocain - loại ma túy được chiết xuất từ lá coca chỉ chiếm 0,9%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là “một nguy cơ lớn của môi trường tới sức khỏe con người” và là nguyên nhân khiến khoảng 2 triệu người chết yểu mỗi năm. Trong khi đó, mọi người lại thường xuyên tiếp xúc nhiều khói bụi thải ra từ giao thông công cộng và các nhà máy công nghiệp.

Một báo cáo vào cuối năm ngoái cho biết ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn của châu Á đã vượt mức cho phép của WHO đề ra. Hậu quả là có khoảng 530.000 ca tử vong sớm/năm tại khu vực này do hít phải các hỗn hợp chất khí độc hại.

Hút thuốc lá thụ động không được thống kê trong nghiên cứu này nhưng theo các nhà khoa học, ảnh hưởng của hút thuốc thụ động có thể sẽ tương tự ô nhiễm không khí. Họ cũng dẫn ra các nghiên cứu trước đây cho thấy lệnh cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ đau tim. Điển hình tại Anh, lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng được ban hành năm ngoái đã giúp giảm đáng kể số trường hợp bị đau tim và tiết kiệm được 13 triệu USD chi phí y tế.

Theo các nhà nghiên cứu, bên cạnh ô nhiễm môi trường, việc dùng quá nhiều rượu, cà phê và làm việc quá sức cũng là những mối đe dọa lớn đến tim mạch.

“Nếu mọi người muốn phòng ngừa đau tim thì việc cần làm trước mắt là không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục, có chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý”, Tim Chico - chuyên gia về tim mạch công tác tại ĐH Sheffield (Anh) - nói.

TTO

Ấn Độ: tiêm dung dịch nhiễm bẩn, 13 thai phụ tử vong

Các quan chức y tế Ấn Độ đang mở cuộc điều tra sau cái chết của 13 thai phụ ở bang Rajasthan sau khi những người này được tiêm glucose tĩnh mạch tại một bệnh viện nhà nước.

Tất cả các ca tử vong đều xảy ra tại thành phố Jodhpur trong 10 ngày qua. Các kết quả kiểm tra ở phòng thí nghiệm sau đó xác nhận dung dịch glucose tiêm qua tĩnh mạch cho họ “bị nhiễm bẩn”.

Mỗi năm có hàng chục ngàn phụ nữ tại Ấn Độ tử vong do các vấn đề liên quan đến thai kỳ - Ảnh: PA

BBC dẫn lời các quan chức nói loại dung dịch này do một công ty ở địa phương cung cấp. “Cảnh sát đã khởi tố vụ việc và công tác điều tra đang được tiến hành”, họ cho biết thêm.

“Những phụ nữ này đã tử vong sau khi bị xuất huyết trầm trọng và chúng tôi tin nguyên nhân chính có thể là họ bị nhiễm trùng do tiêm phải dung dịch bị nhiễm bẩn”, Narendra - lãnh đạo bệnh viện Umaid nói.

“Qua kiểm tra ở phòng thí nghiệm, chúng tôi phát hiện có ba mẻ glucose bị nhiễm bẩn. Chúng tôi đã chuyển vụ việc cho cảnh sát và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các nhà sản xuất”, ông khẳng định.

Ấn Độ là nước có số trường hợp các bà mẹ tử vong cao nhất thế giới, với hàng chục ngàn phụ nữ chết mỗi năm do các vấn đề liên quan đến mang thai.

Các chuyên gia y tế nói đa số các trường hợp tử vong có thể ngăn ngừa được dễ dàng nếu thai phụ được quan tâm chăm sóc tốt hơn và được trả phí bệnh viện.

TTO

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Long não chứa naphthalene độc hại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trường Giang (Viện Hóa học) cho rằng viên long não, loại được tổng hợp từ naphthalene, khá độc hại với người sử dụng, nhất là với trẻ em.

Để viên long não (còn gọi là băng phiến) vào tủ quần áo đuổi kiến, gián - Ảnh: THANH ĐẠM

>> Long não có nguy cơ gây bệnh về máu và não
>> Chưa có quy định về quản lý long não

VN đã cấm từ năm 2008

Ông Nguyễn Huy Nga - cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) - cho hay long não, loại được tổng hợp từ naphthalene độc hại, đã nằm trong danh sách chế phẩm diệt côn trùng gia dụng và y tế bị cấm năm 2008. “Tôi đã xem và thấy nhiều sản phẩm long não (băng phiến) có đăng ký tác dụng xua đuổi kiến, gián, thuộc nhóm phải đăng ký, nhưng chưa thấy sản phẩm nào đăng ký ở Bộ Y tế”- ông Nga cho biết.

Cũng theo ông Nga, long não sản xuất từ naphthalene đã được sử dụng ở nhiều nước. Vài năm nay đã có những thông tin về nguy cơ gây bệnh tan máu ở trẻ em có tiếp xúc thời gian dài với sản phẩm, nhưng những nghiên cứu cụ thể về tác hại hay cảnh báo về sản phẩm này còn rất ít ỏi, cả ở VN và quốc tế.

Khi được hỏi, lãnh đạo nhiều cơ quan thuộc Bộ Y tế và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ) vẫn rất lúng túng, mơ hồ không biết long não tổng hợp từ naphthalene có nằm trong danh mục quản lý hay không, cơ quan nào quản..., còn người tiêu dùng chắc chắn lơ mơ hơn nhiều.

Theo một chuyên gia của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), long não có rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp, thực phẩm, đời sống cũng như trong y học. Có nhiều phương pháp tổng hợp long não, một trong các phương pháp này là sử dụng naphthalene, một nguyên liệu tương đối sẵn có. Quá trình tổng hợp long não từ naphthalene trong công nghiệp thường không đạt hiệu suất cao và trong sản phẩm thường còn dư lại một lượng naphthalene. Naphthalene được xếp vào nhóm các hợp chất có thể gây ung thư cho người và động vật.

Độc hại

Long não là một chất rắn kết tinh màu trắng hay trong suốt giống như sáp với mùi thơm hăng mạnh đặc trưng. Nó là một loại terpenoid với công thức hóa học C10H16O, được tìm thấy trong gỗ của cây long não. Nó cũng có thể được tổng hợp từ nhựa thông. Long não được tổng hợp nhân tạo lần đầu tiên vào năm 1903 và do là một sản phẩm ít có trong tự nhiên, với nhu cầu rộng khắp thế giới nên từ năm 1907 long não đã là chất tổng hợp toàn phần công nghiệp. Hiện long não tổng hợp từ naphthalene là một trong hai loại long não phổ biến nhất, được sử dụng nhiều trong công nghiệp, môi trường và dân dụng.

Những thông tin về việc ba trẻ em ở Úc tử vong có liên quan đến naphthalene trong long não gần đây không phải là cảnh báo lần đầu tiên. Theo các bác sĩ, từng có trường hợp trẻ nhầm băng phiến để trong tủ quần áo là kẹo và phải đi cấp cứu. Vì thế, các gia đình có sử dụng băng phiến nhằm bảo quản quần áo hoặc xua đuổi côn trùng nên để xa tầm tay trẻ em.

Cũng theo các bác sĩ, trẻ sơ sinh và trẻ thiếu men G6PD là nhóm dễ bị ngộ độc băng phiến chứa chất naphthalene nhất, vì thế không nên sử dụng băng phiến bảo quản quần áo của trẻ. Nếu đã sử dụng thì nên phơi quần áo có mùi băng phiến ngoài nắng để chất độc hại bốc hơi hết, trước khi cho trẻ mặc.

Với trẻ lớn, gia đình cũng cẩn thận tránh ngộ độc cho trẻ vì tính tò mò, hiếu động, do chỉ cần ngộ độc một viên băng phiến chứa naphthalene trẻ cũng có nguy cơ bị phá hủy tế bào máu.

Liều cao hơn, từ bốn viên băng phiến trở lên, trẻ có nguy cơ bị co giật. Xử trí cấp cứu tại nhà, theo các bác sĩ, nên nhanh chóng rửa sạch băng phiến dính ở miệng, da, tay trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện.

Theo ông Lê Trường Giang, các thử nghiệm trên chuột khi tiếp xúc với hơi naphthalene có nồng độ 30ppm liên tục 6 giờ/ngày, 5 ngày/tuần trong hai năm cho thấy naphthalene tác động mạnh đến sự phát triển các khối u phổi, mũi, dạ dày, đặc biệt với chuột cái (89% các trường hợp). Khi tiếp xúc với lượng lớn naphthalene gây ra bệnh thiếu máu đặc biệt ở trẻ em.

Khi bị ngộ độc naphthalene có thể gây các triệu chứng gồm mệt mỏi, biếng ăn, bồn chồn, nhầm lẫn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, máu trong nước tiểu và vàng da. Trẻ em, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai khi tiếp xúc với hơi naphthalene hoặc bằng đường miệng có thể gây đục thủy tinh thể, thiếu máu và vàng da. Giá trị giới hạn tiếp xúc tham khảo cho naphthalene theo Tổ chức EPA (Mỹ) là 0,02mg/kg-ngày cho đường miệng và 0,003mg/m3 cho đường hô hấp.

Trong 2-3 năm gần đây, báo chí đã có nhiều cảnh báo về tác hại của viên băng phiến và ngộ độc băng phiến. Nhưng dường như cơ quan chức năng vẫn đang rất lơ mơ với sản phẩm này dù VN đã cấm từ năm 2008. Vì vậy, rất nên công bố, quảng bá những thông tin này, khuyến cáo người tiêu dùng để tránh những tai nạn đáng tiếc.

TTO

WHO: 2,5 triệu người chết mỗi năm vì rượu

Con số này vừa được WHO đưa ra trong một báo cáo gửi 193 quốc gia trên toàn thế giới. Đáng lưu ý là có đến 1/3 trong số này là giới trẻ.

TS Shekhar Saxena - giám đốc phụ trách về bệnh tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện thuộc WHO, cho biết rượu cồn cũng là nguyên nhân của 9% số ca tử vong ở nhóm đối tượng 1-29 tuổi.

“Rượu cồn còn là nguyên nhân gây ra 60 loại bệnh và chấn thương”, Saxena nhấn mạnh.

Một "đệ tử lưu linh" đổ gục trên bàn nhậu tại một quán rượu ở Upington, Nam Phi - Ảnh: AFP

Theo Saxena, uống rượu có thể gây xơ gan, động kinh, ngộ độc và rối loạn tâm thần, cũng như thường xuyên gây tai nạn giao thông và bạo hành. Nhiều nghiên cứu gần đây thậm chí đã chứng minh có mối liên quan giữa lạm dụng rượu và bệnh ung thư.

Tân Hoa xã cho biết trong vài thập kỷ qua một số nước đã hạn chế việc mua bán rượu và kiểm soát việc uống rượu, song hiệu quả đem lại không cao; ở nhiều nước khác chính sách kiểm soát rượu cồn còn yếu và thiếu.

"Chiến lược toàn cầu giảm tác hại của việc tiêu thụ rượu", được các thành viên của WHO tán thành, đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giảm tác hại liên quan tới rượu, trong đó có đánh thuế rượu, giảm phân phối rượu, tăng độ tuổi người được phép mua rượu…

TTO

Ăn trái cây giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Một nghiên cứu mới của Trường Y tế công cộng Harvard ở Boston (Mỹ) cho thấy phụ nữ và nam giới thường xuyên ăn các loại hoa quả như dâu, táo, cam... có thể giảm rủi ro mắc bệnh Parkinson.

Thường xuyên ăn trái cây mọng nước làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson - Ảnh: slimmerandtrimmer.com

Nghiên cứu thực hiện trên 49.281 đàn ông và 80.336 phụ nữ. Các nhà nghiên cứu phân tích mối liên hệ giữa lượng flavonoid đưa vào cơ thể và nguy cơ mắc bệnh Parkinson, dựa trên 5 nguồn thực phẩm giàu flavonoid là trà, dâu, táo, rượu vang đỏ, cam hay nước cam. Những người tham gia nghiên cứu được theo dõi từ 20 đến 22 năm.

Flavonoid, được tìm thấy trong thực vật và trái cây, được gọi chung là vitamin P và citrin. Chúng được tìm thấy trong trái cây mọng nước, chocolate và trái cây họ citrus như bưởi, cam...

Kết quả cho thấy có 805 người mắc bệnh Parkinson. Ở nam giới, những người tiêu thụ lượng flavonoid cao có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn 40% so với nhóm tiêu thụ thấp.

Ở phụ nữ, không có mối quan hệ giữa việc tiêu thụ flavonoid tổng thể và sự phát triển bệnh Parkinson. Tuy nhiên, khi phân tích flavonoid có trong trái cây mọng nước, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng có mối liên hệ với việc giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở cả nam giới và phụ nữ.

Tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Xiang Gao, cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên ở người nhằm kiểm tra mối liên hệ giữa flavonoid và nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Nếu được xác nhận, flavonoid có thể là một biện pháp trị liệu tự nhiên và lành mạnh để giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson”.

NGUYỄN LÊ MINH (Theo Science Daily)