Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Chuyện của một luật sư bị bác sĩ từ chối mổ cho mẹ mình


 Luật sư, từ chối mổ, bác sĩ, BS Vũ Bá Quyết

Nhận vụ việc BS Vũ Bá Quyết từ chối mổ cho một bệnh nhân là "người viết báo", Luật sư Thái Bảo Anh - Giám đốc Công ty luật Bao & Partners đã kể câu chuyện từng “bị” một bác sĩ ngần ngại từ chối cho mẹ của anh vì một phần biết anh là luật sư.

Năm 2008, mẹ tôi bị chẩn đoán ung thư. Khối ung thư to đến nỗi tất cả các bác sỹ bệnh viện Hữu Nghị không thể xác định được là khối u ăn vào dạ dày hay ruột hay gan. Vì thế họ phải mời bác sỹ Phạm Hồng Sơn (Phó Giám đốc BV Việt Đức) sang để xử lý.

Vào giai đoạn cuối, khối u của mẹ tôi phát triển ngày càng lớn, trông bà như là đang có bầu. Tôi và bố sốt ruột lên gặp chú Sơn (sau ca mổ của mẹ tôi, tôi gọi ông là “chú”). Chú Sơn giải thích rất cặn kẽ cho tôi biết là khối u của mẹ tôi phát triển to như vậy thì phải có thời gian ủ bệnh từ 2 – 3 năm.
Luật sư, từ chối mổ, bác sĩ, BS Vũ Bá Quyết
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc không phát hiện ra sớm khiến cho cơ hội sống của mẹ tôi rất thấp vì bệnh đã đi vào giai đoạn cuối. Ông nói rất thẳng thắn là khả năng mẹ tôi chết trên bàn mổ là 95%. Khi mổ, sẽ có 3 khả năng xảy ra. Một là khi thấy khối u quá lớn, ăn vào quá nhiều cơ quan thì bác sỹ sẽ đóng vết mổ lại, không động dao kéo. Hai là nếu có cắt thì với khối u lớn vậy khả năng còn sót là rất cao và chỉ một thời gian ngắn, khối u lại phát triển lại. Ba là cắt được toàn bộ khối u nếu nó chưa ăn lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Khả năng này chỉ 5%.

Chú Sơn cũng thành thật nói thêm là ông ngần ngại chuyện mổ khi biết tôi là luật sư. Chú nói rằng, khi mất người thân, ai cũng đau khổ, và khi đau khổ, có khi họ sẽ đổ lỗi cho bác sỹ. Mà vì ngành y là ngành quá chuyên sâu nên không phải ai cũng hiểu được rằng bác sỹ đã cố hết sức. Chú Sơn lo rằng sau này tôi sẽ kiện tụng. Chú cũng nói, chú không sợ cho bản thân, nhưng một ngày chú mổ vài ca, toàn các ca khó như của mẹ tôi nên chú mà dính kiện tụng thì không còn tâm sức để tập trung cho bệnh nhân nữa. Chú sợ cho bệnh nhân chứ không sợ cho bản thân mình. Chú nói với tôi và ba rằng chúng tôi nên lựa chọn giữa việc mẹ có thể sống thêm vài tuần hoặc là chết ngay trên bàn mổ.

Tôi nói với chú rằng gia đình tôi và mẹ tôi đã quyết định rằng chúng tôi tin tưởng vào chuyên môn và y đức của chú. Tôi nói rằng sẽ ký bất kỳ giấy tờ nào để chú yên tâm là không bị kiện. Chú Sơn đưa cho tôi 1 bản cam kết để người nhà bệnh nhân ký. Đọc xong tôi nói với chú là bản cam kết này được soạn bởi một bác sỹ giỏi về chuyên môn và chưa bao giờ phải đối mặt với những mặt xấu của con người. Bản cam kết được viết quá đơn giản vì chính người soạn không hiểu hết những thủ đoạn hại nhau bằng câu chữ mà người đời vẫn làm. Chú cười hiền bảo là “bọn chú chỉ biết mổ cứu người chứ có đi tranh chấp với ai bao giờ”. Tôi viết lại một bản cam kết cho chú, ký và dặn chú rằng hãy sử dụng nó về sau – vì tôi biết bản cam kết đó là để bảo vệ người sẽ có thể cứu được tính mạng mẹ tôi.

Khối u của mẹ tôi bị vỡ trước ngày lên lịch mổ 2 ngày. Việc vỡ khối u dẫn đến khả năng mẹ tôi có thể chết trong một vài giờ nếu không mổ gấp. Tôi gọi điện cho chú. Lần đầu chú tắt máy, lần hai chú nghe. Khi nghe giọng hốt hoảng của tôi chứ nhẹ nhàng nói “tôi đang trong ca mổ. Anh cứ tắt máy và để các bác sỹ bên đó chuẩn bị. Tôi sẽ sang ngay.” 30 phút sau chú tới.

Ca mổ kéo dài 8,5 tiếng đồng hồ. Khi đêm xuống, một bác sỹ phụ mổ gọi tôi vào để chứng kiến khối u của mẹ tôi đã được lấy ra – khối u chiếm 1/2 thể tích chiếc xô nhựa trong tay bác sỹ. Khi tôi ngỏ lời muốn cảm ơn chú Sơn thì bác sỹ phụ tá nói chú bị tụt huyết áp vì buổi sáng chú mổ 2 ca liên tiếp rồi sang mổ cho mẹ tôi trong 8 tiếng rưỡi. Trong ca mổ của mẹ tôi đã phải thay kíp mổ ban đầu bằng kíp mổ mới vì kíp mổ đầu tiên kiệt lực vì căng thẳng. Duy chú Sơn phải có mặt từ đầu tới cuối và tụt huyết áp vì nhịn đói từ sáng.

Luật sư, từ chối mổ, bác sĩ, BS Vũ Bá Quyết
PGS.TS Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc BV Việt Đức - Nhân vật trong bài viết.

Mấy ngày sau tôi rình gặp chú khi chú đi thăm bệnh nhân, vừa thấy tôi, chú cười hết cỡ bảo rằng “mẹ cháu trúng số độc đắc rồi! Loại ung thư của mẹ cháu có thuốc chữa mà không cần phải hóa trị hay xạ trị. Đó là loại ung thư duy nhất đến lúc này có thể chữa được bằng thuốc. Chính chú là người đã nghiên cứu về loại ung thư này đầu tiên ở Việt Nam nên chú biết.” Nói rồi chú đi, gật đầu nghe lời cảm ơn vội vàng của tôi. Sau này tôi nhờ một anh bạn là cháu chú dẫn đến nhà để cảm ơn. Anh bạn tôi hỏi chú có được không. Chú nói là “nó đã cảm ơn chú rồi, đến nhà cảm ơn làm gì nữa!” Từ đó năm nào tôi cũng nhờ bạn tôi dẫn tới nhà chú vào dịp Tết. Năm nào bạn tôi cũng trả lời là chú về quê để tránh bệnh nhân tới cảm ơn. Chú muốn người bệnh không phải phiền hà chuyện chú đã chữa bệnh cho họ.

Đến giờ gần 7 năm từ ngày chú mổ. Mẹ tôi hoàn toàn khỏi bệnh, nhìn bà không ai biết là bà từng bị ung thư giai đoạn cuối. Phòng bệnh của mẹ tôi lúc đó có 8 người, giờ 7 người đã chết, còn lại mỗi mình mẹ tôi là còn sống và khỏe mạnh.

Tôi biết rằng có nhiều người nói rằng ngành y tế của chúng ta có vấn đề về y đức, về tham nhũng, hạch sách dân. Tuy nhiên tôi kể ở đây một câu chuyện thực của gia đình tôi và về một bác sỹ thật. Tất cả những người có liên quan tới câu chuyện đều còn sống. Hồ sơ y tế của mẹ tôi bệnh viện Hữu Nghị vẫn giữ. Và tôi khẳng định một điều là chú Sơn cứu sống mẹ tôi mà không nhận một xu nào, cũng không phải vì áp lực, giới thiệu, hay sự nịnh nọt nào cả. Sau này tôi hỏi mọi người thì biết là ca mổ 8 tiếng rưỡi cho mẹ tôi, chú được trả theo chế độ nhà nước mức thù lao khoảng 150.000 đồng gì đó. Trong câu chuyện của tôi, chú Sơn cũng đã từng ngần ngại chuyện mổ vì ngại chuyện thị phi (không phải vì chú mà vì các bệnh nhân sẽ không được chú mổ khi chú bị phân tâm).

Có rất nhiều cán bộ, bác sỹ thầm lặng cống hiến trong ngành y tế. Vì họ chỉ tập trung vào chuyên môn nên không biết, không có những thủ đoạn để ngoắt ngoéo câu chữ khi bị những người có ý xấu gây khó dễ. Nếu chúng ta muốn chăm lo cho sức khỏe của chính mình hay người thân của mình thì hãy bảo vệ bác sỹ – những người bảo vệ ta trước bệnh tật – khỏi những lời ác ý, những bắt nạt, đe dọa.

Từ Facebook LS Thái Bảo Anh

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Từ chối mổ mới là có y đức !


 bác sĩ, bệnh nhân, từ chối mổ, từ chối khám chữa bệnh, BS Vũ Bá Quyết

Tiến sĩ Võ Xuân Sơn – nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, tâm sự: Ông đã từ chối mổ cho bệnh nhân, thậm chí cả nhà báo!

Mổ hay không cũng bị “lên thớt”

Sau khi câu chuyện Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ chối mổ dịch vụ cho một cộng tác viên của báo Người đưa tin, Tiến sĩ Bác sĩ Võ Xuân Sơn đã có chia sẻ của mình về chuyện từ chối mổ cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Sơn tâm sự, ông không biết thực tình câu chuyện của bác sĩ Quyết và cô cộng tác viên tên Trang diễn ra như thế nào, nhưng nghe qua thông tin trên truyền thông, tình huống này “mổ hay không mổ cũng thành vô đạo đức cả”.

Theo BS Sơn, nếu mổ cho bệnh nhân kia, lỡ bác sĩ bị gài, sau đó lại có tin lên báo chí cho rằng bác sĩ ăn cắp thời gian nhà nước đi mổ dịch vụ kiếm tiền, rồi đủ các thông tin này nọ cũng dở. Còn không mổ lại bị báo chí đưa là không chịu mổ cho người viết báo. Kiểu gì cũng tiến thoái lưỡng nan.

"Nhưng khi biết cộng tác viên này làm ở một cơ quan báo chí mà mình đã từng bị phóng viên của báo đó gài bẫy viết bài về cá nhân mình thì việc không mổ cho bệnh nhân như bác sĩ Quyết là đúng. Bác sĩ không mổ là có tâm với nghề!" – TS Sơn nhấn mạnh.

Bác sĩ Sơn cho biết, trước đây ông đã từ chối mổ cho nhiều người, trong đó có một phóng viên ở báo lớn. Chuyện xảy ra cách đây vài năm, khi có một bệnh nhân đã kiện bác sĩ Sơn vì mổ để lại biến chứng cho bệnh nhân. Lúc ấy, chỉ có một tờ báo đưa tin về vụ kiện.

"Tôi đã đọc bài viết và thấy bài viết không khách quan, mang xu hướng bảo vệ người bệnh mà không cần biết rõ đúng sai, phải trái như nào. Lúc ấy, tôi đang chuẩn bị làm thủ tục để ra nước ngoài làm việc. Còn một năm nữa là tôi được chứng chỉ làm việc ở nước ngoài nên tôi thực sự không suy nghĩ nhiều đến truyền thông, đến bài báo đó.

Sau đó, trong một lần phẫu thuật, mọi thủ tục vào phòng phẫu thuật hầu như gần xong. Ban đầu, tôi không quan tâm bệnh nhân làm ở đâu, nghề gì. Khi chuẩn bị mổ thì anh ta nói mình làm ở tờ báo đã viết bài báo về vụ kiện của tôi. Lúc ấy, tôi đã từ chối thắng thừng rằng tôi không thể mổ cho anh” - Tiến sĩ Sơn nhớ lại.Sau đó, bác sĩ Sơn đã giải thích cho bệnh nhân vì sao mình không mổ cho họ mà khuyên họ nên tìm bác sĩ khác.

Có tâm sẽ không mổ cho bệnh nhân

Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, bản thân anh cũng theo dõi vụ việc này trên báo chí. BS Chính cho rằng, bác sĩ Quyết từ chối mổ vì bận hay vì lý do người đó làm ở báo Người Đưa tin cũng không có gì sai vì theo y đức, bác sĩ được phép từ chối bệnh nhân trong trường hợp không phải cấp cứu, không nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

Trường hợp phóng viên Trang không bị đe dọa tính mạng. Trang chỉ bị u xơ buồng trứng, một loại bệnh nhiều chị em phụ nữ nào mắc phải, có thể bắt buộc phải mổ hoặc chỉ định nội khoa.

Bác sĩ Chính cho biết anh cũng đã từng từ chối rất nhiều bệnh nhân khi họ gây khó dễ cho anh, có thái độ không tôn trọng bác sĩ…

Do đó, BS Chính tỏ ra ủng hộ quyết định của BS Quyết: "Nếu bác sĩ Quyết vẫn mổ cho bệnh nhân khi ông có áp lực hay tư tưởng không thoải mái thì có thể xảy ra rủi ro trong khi mổ. Lúc này bác sĩ hoàn toàn có quyền từ chối".

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Võ Xuân Sơn khẳng định, khi mổ cho bệnh nhân nếu tâm trí không thoái mái, trong đầu có chút lăn tăn, bực tức vì tờ báo đã “gài” mình thì cuộc mổ không thể diễn biến tốt đẹp. Khi đó, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong cuộc mổ, biến chứng rồi đủ các thứ nguy hiểm.

Tâm trạng không thoải mái, đầu óc nặng nề có thể khiến bác sĩ không thể xử lý hết những diễn biến xấu của cuộc mổ. Như thế, người thiệt nhất là bệnh nhân chứ không phải là bác sĩ. Lúc đó, là nhà báo hay bất kì ai cũng vậy!

(Theo Khánh Ngọc/Infonet)