Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Đừng để bị điếc vì viêm tai giữa

Thời tiết bất ngờ từ nắng nóng chuyển sang mưa lạnh ở TPHCM những ngày qua khiến số trẻ viêm đường hô hấp gây viêm tai giữa gia tăng.

Thời tiết thay đổi, trẻ dễ bị viêm tai giữa Ảnh: L.N
Thời tiết thay đổi, trẻ dễ bị viêm tai giữa. Ảnh: L.N.

Dù đã được vá màng nhĩ bên tai bên trái do hậu quả của viêm tai giữa gần một tháng nay nhưng cháu Nguyễn Thị Xuân Quỳnh 6 tuổi ở quận 7 vẫn chưa nghe rõ như bình thường. Chị Hoài Anh, mẹ bé Quỳnh ân hận vì quá chủ quan khi cứ nghĩ con bị cảm cúm, sổ mũi thông thường nên không đưa đi viện.

“Tưởng con bệnh nhẹ nên cứ ra nhà thuốc mua thuốc uống đến 1 tuần không khỏi mới đưa cháu đi bệnh viện. Bác sĩ bảo bị viêm đường hô hấp trên và gây ra biến chứng viêm tai giữa, biến chứng thủng màng nhĩ buộc phải vá màng nhĩ”, chị Anh cho biết.

Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, nhiều trẻ rơi vào trường hợp như vậy. Tại bệnh viện này, mỗi năm có hơn 3.000 trẻ được đưa đến khám vì viêm tai giữa, trong đó, khoảng 300 ca phải phẫu thuật để khôi phục thính lực, chủ yếu là vá màng nhĩ.

Tại phòng khám Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trong một tháng qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 trẻ được chẩn đoán viêm tai giữa sau khi đến khám, tăng gấp 3 lần so với những tháng trước đó. Có trường hợp phát hiện muộn nên buộc phải mổ vá màng nhĩ, có trường hợp viêm tai nặng đã gây ra biến chứng viêm màng não rất nguy hiểm.

Bác sĩ Phan Dzư Lê Lợi, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết, khi thời tiết chuyển mùa, thay đổi, số trẻ viêm tai giữa nhiều.

Biến chứng nguy hiểm

Bác sĩ Phan Dzư Lê Lợi cho biết, viêm tai giữa hay nhiễm trùng tai giữa là bệnh khá thông thường của trẻ em. “Bị nhiễm bệnh nhiều nhất là 1-2 tuổi, bệnh hay xuất nhiều vào mùa mưa, thời tiết thay đổi”, bác sĩ Lợi cho biết.

Triệu chứng là nhiễm trùng nhanh, ồ ạt, sốt, đau tai, có thể chảy dịch ở tai, trẻ quấy khóc, cáu gắt, có thể nôn ói hay tiêu chảy, màng nhĩ bị xung huyết, đỏ, phồng lên... Trong khi viêm tai giữa mạn tính có những triệu chứng tai như tai bị chảy dịch, màng nhĩ bị co lõm, có thể bị thủng màng nhĩ.

Theo các bác sĩ, nếu bị viêm tai giữa mà không chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm. Một khi bệnh phát nặng, dễ xảy ra biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Nguy hiểm hơn là biến chứng xảy ra trong sọ não như viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng... dễ gây tử vong ở trẻ.

Dễ phòng ngừa

Hầu hết trẻ khi bị viêm tai giữa trước đó có những triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên. Vì vậy, theo bác sĩ Sơn, khó phát hiện viêm tai giữa ở trẻ trong giai đoạn đầu vì nó có biểu hiện giống các bệnh hô hấp thông thường như sổ mũi, cảm cúm, nóng sốt, hay quấy khóc...

Mặc dù được phẫu thuật và điều trị thành công nhưng chỉ có khoảng 30-60% trẻ viêm tai giữa phục hồi được khả năng nghe. Ở mức 30%, trẻ gần như không thể nghe được, còn nếu phục hồi được 60% thì khả năng nghe của trẻ giống như người bị lãng tai. Có đến 20-30% trẻ bị điếc vĩnh viễn dù được phẫu thuật.

“Khi thấy trẻ tự kéo tai như đang có gì khó chịu ở đó, khóc nhiều hơn bình thường, khó ngủ hơn, không phản ứng khi nghe tiếng động kèm sốt, nhức đầu và chảy mủ lỗ tai… nên nghĩ ngay đến viêm tai để can thiệp kịp thời”, bác sĩ Lợi khuyên.

Ngoài ra, không cho trẻ đến gần các trẻ bệnh. Không cho đi nhà trẻ quá sớm, không tự ý dùng thuốc, giữ không cho trẻ hít khói thuốc, rửa mũi bằng dung dịch và cho trẻ bú mẹ ít nhất là 6 tháng đầu vì trong sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống bệnh.

Theo các chuyên gia, khoảng 1/3 số trẻ mắc bệnh sau chữa trị sẽ có ít nhất 6 lần tái bệnh trong vòng 7 năm nên cần cho trẻ tái khám thường xuyên.

YSK

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Để vết thương mau lành

Bệnh nhân N.T.D., 35 tuổi, đến khám bác sĩ do té xe có vết trầy nhỏ ở bắp chân hơn một tháng mà vết thương không lành.

Băng bó đúng cách vết thương mới mau lành - Ảnh: T.T.D.

Nghe nói với người bệnh đái tháo đường, vết thương thường không lành, sợ quá nên bà đi khám. Cuối cùng bác sĩ tìm ra nguyên nhân do mỗi ngày vết thương của bà đều được rửa sạch bằng oxy già và thoa Cortibion. Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương, ngưng dùng các thuốc trên, sau hai tuần vết thương của bà đã khô và lành hẳn.

Kéo dài nhiều tháng

Trong cuộc sống không ít lần chúng ta bị những vết cắt, trầy xước, nếu được chăm sóc đúng cách vết thương sẽ mau lành, không để lại sẹo xấu. Mặc dù một vết thương thường khép miệng và có thể cắt chỉ trong 3-14 ngày, ở một vài vị trí có thể lâu hơn như da đầu, vùng cử động cọ xát nhiều như gối, khuỷu... nhưng quá trình lành vết thương sẽ vẫn kéo dài trong nhiều tháng.

Trước một vết thương chảy máu, việc chảy máu có tác dụng rửa sạch vết thương, chúng ta dùng áp lực đè lên vị trí vết thương để cầm máu bằng miếng vải sạch, gạc hay tờ giấy xốp trong 5-10 phút đến khi máu hết chảy. Nếu máu thấm ướt hết miếng gạc, bạn cũng không lấy ra mà tiếp tục dùng miếng gạc mới đè lên miếng cũ vì nếu lấy ra có thể làm máu chảy nhiều hơn. Một vết thương nhỏ thường tự cầm máu sau thời gian ngắn. Một vết thương ở đầu, mặt, miệng... có thể chảy nhiều máu hơn vì ở những vị trí này có nhiều mạch máu. Nếu vết thương ở tay hay chân bạn có thể nâng cao hơn vị trí của tim, làm giảm bớt chảy máu.

Nếu vết thương sắc gọn, nông có thể tự lành. Đối với những vết thương như vậy chỉ cần rửa sạch xung quanh vết thương bằng xà phòng, tránh để xà phòng chảy vào vết thương có thể gây kích ứng, sau đó băng lại bằng băng dính hay băng cá nhân.

Chú ý vết thương dơ

Nếu vết thương sâu, bờ nham nhở, có nhiều cát bụi, tốt nhất nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chăm sóc. Những vết thương như vậy cần được rửa sạch cát bụi, cắt lọc bỏ các mô chết và may lại mới mong lành sẹo và hạn chế nhiễm trùng. Nếu vết thương rỉ dịch, bạn cần thay băng mỗi ngày để vết thương được sạch, khô thoáng. Một số vết thương lớn mất nhiều da nên được phủ bằng gạc ẩm có tẩm vaseline hay dầu mù u giúp giảm sẹo xấu và lành vết thương nhanh hơn.

Nếu vết thương có ít mủ, mô chết thì nên thoa một ít pomade có pha kháng sinh sẽ giúp vết thương không bị nhiễm trùng, sạch sẽ và giữ ẩm, nhờ đó vết thương sẽ lành tốt hơn. Một khi miệng vết thương đã khép liền thì không cần thoa pomade hay thay băng nữa. Với một số vết thương có mày, tự chúng sẽ bong ra khi vết thương lành, nếu bạn cạy bỏ lớp mày này khi vết thương chưa lành sẽ làm chảy máu và có thể để lại sẹo xấu.

Sau khi được xử trí đúng cách bạn giữ vết thương cao hơn vị trí tim vài ngày sẽ giúp vết thương bớt phù nề và lành sẹo nhanh. Ví dụ với vết thương ở tay chân, tối ngủ bạn kê tay chân lên một cái gối. Kháng sinh thật sự chỉ cần thiết trong một số trường hợp như vết thương dơ có triệu chứng nhiễm trùng, sưng, nóng, đỏ, đau... Cần tránh để vết thương tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Một vết thương dơ có nguy cơ gây uốn ván, có thể dẫn đến tử vong do gây co cứng toàn thân và suy hô hấp. Bạn cần đến bác sĩ chích ngừa uốn ván nếu trước đó bạn chưa được tiêm ngừa đủ ba mũi chống uốn ván hay trong vòng năm năm qua bạn chưa hề chủng ngừa uốn ván.

Một số sai lầm

Để một vết thương mau lành chúng ta tránh một số sai lầm như bệnh nhân trên. Oxy già chỉ diệt khuẩn khi vết thương mới xuất hiện, hay chỉ rửa sạch khi vết thương dơ nhờ khả năng oxy hóa mạnh và tạo bọt đẩy những chất như cát, bụi, mủ, mô hoại tử từ trong các hốc sâu của vết thương ra ngoài. Phản ứng của oxy già tạo ra oxy nguyên tử có tính tẩy rửa và diệt khuẩn mạnh, đồng thời sinh nhiệt. Nhờ đặc tính này mà một vết máu dính trên áo quần hay vật dụng sinh hoạt dễ dàng bị tẩy trôi.

Còn Cortibion có chứa corticoide chỉ có tác dụng chống dị ứng như ngứa do chàm, chứ không có tác dụng trong điều trị vết thương vì gây ức chế quá trình tạo collagen, chất cần thiết cho sự lành sẹo.

Ngoài ra quá trình lành vết thương còn cần nhiều chất khác nhau như: đạm, béo, các vitamin A, C... một số loại thực phẩm như rau bồ ngót, diếp cá, các loại rau họ cải được đông y khuyên dùng. Đặc biệt nghệ rất cần cho sự tái tạo tế bào. Các nguyên tố vi lượng khác như selen, acid folic, kẽm... là những yếu tố vô cùng quan trọng cho quá trình lành vết thương. Chúng có nhiều trong các loài nhuyễn thể như hàu...

Một vết thương mãn tính, lâu lành chúng ta còn phải tìm kiếm một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, viêm da thần kinh, bệnh tuyến giáp.

BS LƯU KÍNH KHƯƠNG - TTO

Bị di chứng sau 8 năm chích silicon nâng ngực

Ngày 17-3, TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, phó khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân P.T.T., 32 tuổi, ở Cà Mau, nhập viện do bị biến dạng, viêm vón cục, đau nhức hai bên ngực.

Bệnh nhân kể tám năm trước đã ra nước ngoài để chích silicon nâng ngực. Những ngày gần đây chị T. mới thấy ngực đau, bị biến dạng, sờ vào thấy có cục nổi lên. Hiện các bác sĩ đang chuẩn bị phẫu thuật để lấy bớt mô viêm vón cục ở ngực cho bệnh nhân, tuy nhiên khả năng phục hồi hình dáng bộ ngực cho chị T. như ban đầu là điều không thể.

Bác sĩ Quốc Khanh khẳng định 100% bệnh nhân chích silicon để nâng ngực, nâng mũi đều sẽ có biến chứng, di chứng. Có người bị biến chứng tức thì ngay lúc chích, có người bị di chứng về sau. Những biến chứng, di chứng thường gặp trong chích silicon là nhiễm trùng, hoại tử da, biến dạng vùng được bơm, gây đau nhức, thậm chí làm tử vong.

Hiện nay, các nước đã không sử dụng silicon để chích nữa. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương vẫn gặp một số bệnh nhân bị biến chứng tức thì do tự chích silicon hoặc được chích tại các cơ sở thẩm mỹ nhỏ, chích silicon dạo.

TTO

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

3 “thủ phạm” làm xấu ngực

Ngực tượng trưng cho sự diu dàng và cũng là nơi thể hiện tình cảm vô điều kiện của người mẹ. Vì vậy phụ nữ chúng ta nên chú ý bảo vệ sức khỏe của bộ ngực và tránh 3 việc sau đây.



Thói quen ăn uống phiến diện, đơn điệu

Thói quen ăn uống đơn điệu, phiến diện sẽ làm cho tế bào mỡ nhanh chóng giảm đi, chỉ còn trơ lại lớp da bọc xương lỏng lẽo, chính vì vậy, những người muốn giảm béo nhưng vẫn giữ cho bộ ngực được đẹp thì không nên bỏ hoàn toàn các thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất béo. Thay vào đó nên tăng cường vận động.

Áo ngực quá chặt hoặc không vừa

Nếu bạn muốn có một bộ ngực căng, tràn đầy sức sống thì lựa chọn một bộ áo ngực vừa vặn là cần thiết, bởi vì da ngực rất dễ bị trọng lượng của ngực kéo trễ xuống làm mất đi độ đàn hồi. Những người phụ nữ có bộ ngực nhỏ và không thích mặc áo ngực thì ít nhất là khi vận động mạnh cũng nên mặc áo ngực để giữ và bảo vệ cho bộ ngực.

Tắm nắng quá nhiều

Da mặt và da ngực đều rất nhạy cảm, da ở các bộ phận này sẽ bị xấu đi nhanh chóng do sự chiếu rọi của ánh mặt trời. Kết quả là sẽ sản sinh ra nhiều nếp nhăn nhỏ ở giữa hai quả ngực, đồng thời sẽ gây ra các nốt thâm nám, đen sạm ở các vùng da từ cổ trở uống và từ ngực trở lên.Vì vậy, khi chúng ta đi dưới ánh nắng mặt trời hoặc khi sưởi nắng, chúng ta nên bôi kem chống nắng có chỉ số và hàm lượng chống nắng cao.

DT

Thanh Hóa: Hơn 200 công nhân ngộ độc thực phẩm

Chiều 12- 3, ông Nguyễn Văn Đệ - chủ tịch hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực - một bệnh viện tư nhân ở TP Thanh Hóa- cho biết đầu giờ chiều 12- 3, bệnh viện đã tiếp nhận 185 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tập thể vào cấp cứu trong tình trạng bị đau bụng dữ dội, nôn thốc nôn tháo, co giật.

Số bệnh nhân này là công nhân đang làm việc tại Công ty giầy Hong Fu ở khu đô thị - công nghiệp Hoàng Long, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Các công nhân của Công ty giầy Hong Fu được đưa đến cấp cứu tại Bệnh Đa khoa viện Hợp Lực (TP Thanh Hóa) do bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh: Hà Đồng

Ngay sau khi tiếp nhận số lượng bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã huy động 160 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên của bệnh viện và giáo viên Trường Trung cấp Y - dược Hợp Lực; sử dụng cơ sở vật chất của tòa nhà mới, các giường hiện đại, đưa nhiều cơ số thuốc dự trữ để cấp cứu cho bệnh nhân.

Do bệnh nhân vào nhập viện một lúc quá đông, bệnh viện đã quá tải.

Trao đổi với chúng tôi, các bệnh nhân bị ngộ độc cho biết: Trong bữa ăn ca trưa 12-3, anh em phát hiện canh có hiện tượng thiu. Sự việc được phản ánh lên bộ phận quản lý, nhưng được trả lời là "canh không sao cả".

Khoảng 20 phút sau bữa ăn trưa thì các công nhân xuất hiện các triệu chứng co giật, đau bụng, buồn nôn phải nhập viện cấp cứu tập thể.

Ngoài các bệnh nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, theo ghi nhận của chúng tôi, hơn 20 bệnh nhân khác cũng bị ngộ độc thực phẩm đang được cấp cứu tại một số bệnh viện ở TP Thanh Hóa.

Đến cuối giờ chiều 12-3, sức khỏe số bệnh nhân nêu trên đã dần bình phục. Một số bệnh nhân hồi phục nhanh, sức khỏe tốt, sau khi truyền dịch giải độc đã có thể về nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, trong tối và đêm 12-3, toàn bộ số y, bác sĩ, điều dưỡng viên của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực sẽ túc trực tại bệnh viện để theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nêu trên.

TTO

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Mỹ phẩm không có tác dụng trị mụn, giảm béo

Kể từ 1-4, mỹ phẩm mới đưa ra lưu thông trên thị trường sẽ không được công bố các tác dụng như trị mụn, giảm béo, làm săn chắc, ngăn chặn lão hóa..., những cụm từ rất phổ biến hiện nay.

Trang web vatgia... quảng cáo nhiều sản phẩm dầu gội có tính năng trị gàu - Ảnh: T.T.D.

Không có tác dụng điều trị

Theo hướng dẫn trong thông tư mới nhất của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm có hiệu lực từ 1-4, Bộ Y tế sẽ không chấp nhận các hồ sơ công bố mỹ phẩm có các tính năng như:

- Loại bỏ gàu vĩnh viễn, phục hồi tế bào tóc, nang tóc, làm dày sợi tóc, chống rụng tóc, kích thích mọc tóc (sản phẩm chăm sóc tóc).

- Trị mụn, chữa khỏi, làm lành mụn, xóa sẹo, săn chắc cơ thể, săn chắc ngực, ngăn chặn sự thoái hóa do tuổi tác, giảm mỡ, giảm béo, diệt virus, giảm dị ứng (sản phẩm chăm sóc da).

- Tăng cường cảm xúc, hấp dẫn giới tính (nước hoa).

- Chữa trị hay phòng chống các bệnh nha chu, apxe răng, răng xô lệch, ố răng do tetraxylin, viêm lợi, loét miệng, nhiễm trùng răng miệng (sản phẩm chăm sóc răng miệng).

- Dừng quá trình ra mồ hôi (sản phẩm ngăn mùi)...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phòng quản lý chất lượng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cơ quan xây dựng hướng dẫn này, cho hay so với quy định hiện hành, hướng dẫn mới kể trên quy định cụ thể các tính năng không được chấp nhận của mỹ phẩm, nhằm hài hòa với quy định chung của ASEAN. “Không được công bố các tác dụng mạnh như trị cái này, chữa cái kia vì mỹ phẩm chỉ là sản phẩm làm thơm, làm đẹp, còn sản phẩm có tác dụng điều trị như trị mụn, trị nấm nên đăng ký là thuốc” - ông Tiến cho biết.

Khảo sát trên thị trường cho thấy các quảng cáo/công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm rất tập trung vào tác dụng trị mụn, chữa mụn, giảm béo đặc trị, làm săn chắc, ngăn ngừa thoái hóa do tuổi tác, loại bỏ gàu...

Trên trang web nuochoa... có quảng cáo bộ trị mụn mini giá 730.000 đồng. Trên trang vatgia... cũng quảng bá rất nhiều sản phẩm dầu gội có tính năng trị gàu, ngăn rụng tóc, thậm chí có cả sản phẩm làm đen tóc bạc mà không cần nhuộm, không lo dị ứng... Với thời gian thực hiện quy định mới còn chưa đầy một tháng, rõ ràng Bộ Y tế có rất nhiều việc phải làm.

Sẽ phạt nặng

Theo Bộ Y tế, kể từ 1-4, sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo an toàn mỹ phẩm, đặc biệt về thành phần chất màu, chất cấm (như chì, asen, thủy ngân), chất lọc tia tử ngoại, chất bảo quản... sẽ phải thu hồi, không được lưu thông trên thị trường.

Theo đại diện Bộ Y tế, quy định mới cho phép cơ quan chức năng lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng, trường hợp sản phẩm không đạt yêu cầu, cơ sở có sản phẩm kém phải chi trả phí xét nghiệm. Mức chế tài cũng tăng nặng: kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm chất lượng kém, gây hại sức khỏe người sử dụng sẽ bị thu hồi, đình chỉ lưu hành sản phẩm và phạt tiền, người sử dụng mỹ phẩm chất lượng kém có thể khởi kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thay cho mức phạt tiền chỉ vài triệu đồng không đủ sức răn đe như hiện nay.

Quy định rất chặt chẽ, nhưng thực tế liệu Bộ Y tế và các cơ quan liên quan có đủ sức thực thi nhằm giúp người dùng phân biệt được mỹ phẩm và thuốc, ngăn ngừa tình trạng quảng cáo mỹ phẩm quá mức? Nói đâu xa, ngay tại Hà Nội một hệ thống chuyên bán mỹ phẩm giả, nhái sản phẩm nổi tiếng hoạt động công khai 2-3 năm nay, nhưng ngành y tế cho rằng chống hàng giả là việc của... quản lý thị trường.

Hướng dẫn mới của Bộ Y tế khẳng định việc kiểm tra chất lượng mỹ phẩm sẽ không bỏ qua bất kỳ điểm bán hàng nào, kể cả chợ bình dân, cơ sở làm đẹp, phòng khám da liễu. Đồng thời khuyến cáo các nhà sản xuất thay tính năng sản phẩm từ các từ “mạnh” sang các từ nhẹ hơn và mang tính mỹ phẩm hơn! Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng trong tình hình thị trường đa dạng, sản phẩm đa dạng, việc cấm công bố các tính năng điều trị của mỹ phẩm chỉ có thể là cấm trên hồ sơ, còn trên thị trường trước mắt sẽ khó cấm.

TTO

Món ăn giúp trị viêm gan mạn

Trong trị liệu bệnh chứng, Đông y có nhiều cách như dùng thuốc thang, thuốc hoàn tán, cứu và châm cứu… nhưng đặc biệt là món ăn thuốc vừa tiện lợi, lại dễ ăn khiến cho mỗi khi người bệnh uống thuốc mà vẫn cho rằng là món ăn chứ không phải là thuốc.

Song trong trị liệu chứng viêm gan mạn vấn đề ăn uống nhiều khi còn quan trọng hơn cả dùng thuốc. Đông y có những món ăn bài thuốc giúp chữa trị hoặc hỗ trợ quá trình trị liệu chứng viêm gan mạn, đã được kiểm chứng trên thực tế và có thể áp dụng trong điều kiện gia đình. Tùy vào bệnh cảnh biểu hiện mà chọn lựa sử dụng sao cho phù hợp, an toàn.

Nhân trần mạch nha hồng táo thang: phù hợp cho trường hợp viêm gan mạn với các triệu chứng như hai bên sườn trướng đau, bụng trướng, ngực khó chịu hoặc lợm giọng, nôn ọe nước chua, kém ăn, đau bụng, tiêu chảy, khắp mình đau buốt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền.

Ba ba hấp gừng là món ăn tốt cho người viêm gan.

Nhờ phương này có công hiệu xúc tiến chứng năng gan, thông mật, thanh nhiệt, trừ thấp, tiêu thực, trừ trướng.

Phương gồm: Nhân trần 15g, mạch nha (hoặc cốc nha, tức mầm thóc) 20g, hồng táo (táo tàu) 10 quả, đường trắng vừa đủ ngọt. Táo tàu đem ngâm nước ấm một lúc rồi rửa sạch. Cho nhân trần, mạch nha và táo vào nồi, đổ nước vào cho ngập thuốc, đun sôi, giữ lửa nhỏ khoảng 30 phút, sau đó cho thêm chút đường vào. Chia làm hai phần dùng 2 lần trong ngày; uống nước, ăn táo, bỏ bã.

Gan lợn xào củ cải: Có công dụng điều trị nhất định đối với bệnh viêm gan mạn và viêm túi mật, phòng biến chứng từ viêm gan sang ung thư gan. Nhờ công hiệu của phương là bổ gan, sáng mắt, thanh nhiệt, tiêu thực.

Phương gồm: Gan lợn 250g, củ cải 250g, dầu thực vật, bột mỳ, muối, mì chính, gia vị vừa đủ. Gan lợn đem rửa sạch, thái lát mỏng, trộn đều với muối, tẩm chút bột mỳ. Củ cải cũng thái mỏng, cho một thìa dầu thực vật vào chảo đun nóng già, cho gan lợn vào xào độ 3 phút rồi đổ củ cải vào tiếp khoảng 3 phút, thêm mắm muối, gia vị rồi múc ra là ăn được. Dùng làm thức ăn trong bữa cơm hằng ngày.

Ba ba hấp với gừng: Đây là món ăn có nhiều chất bổ, rất tốt với những bệnh nhân viêm gan mạn, cơ thể suy nhược. Nên dùng tốt cho những trường hợp viêm gan kèm theo sốt nhẹ, đêm ngủ ra mồ hôi trộm. Nhờ công hiệu của phương là dưỡng âm thanh nhiệt.

Phương gồm: Ba ba một con cỡ 200-300g, gừng tươi 5g, muối, rượu nếp mỗi thứ một chút. Dùng nước nóng rửa sạch bên ngoài, mổ bụng, bỏ ruột, giữ lại gan và trứng, rửa sạch, lau khô. Đặt ngửa con ba ba lên một cái đĩa, cho gừng đã thái lát, muối và một chút rượu nếp vào bụng. Đem hấp cách thủy 30-45 phút. Có thể dùng làm món điểm tâm hoặc làm thức ăn trong bữa cơm, chú ý là cần ăn lúc nóng.

BS. Hoàng Xuân Đại