Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Bé trai lão hóa và chết sau khi tiêm vắc xin

Bé trai tám tháng tuổi Little Rui Rui đã qua đời vài tháng sau khi được tiêm vắc xin. Trước khi chết, cơ thể của bé có dấu hiệu lão hóa thành người già.

Bé Rui Rui trước và sau khi tiêm vắc xin - Ảnh: AsiaOne

Lần đầu bé được tiêm vắc xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG) vào ngày 26-10 năm ngoái tại một bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang.

Lúc đó, việc tiêm vắc xin là để cơ thể bé có khả năng đề kháng bệnh lao phổi. Tuy nhiên, một tháng sau khi tiêm, các hạch bạch huyết của bé bắt đầu sưng lên.

Chỉ vài tuần gần đây, cuộc sống của bé Rui Rui gần như ngàn cân treo sợ tóc. Cơ thể của bé teo nhỏ lại làm lộ ra lớp xương sườn gầy còm. Da của bé trở nên nhăn nheo và tự tróc ra.

Bé Rui Rui đã từng được chuyển đến điều trị tại Hàng Châu, Thượng Hải và một số nơi khác nhưng do gia đình không kham nổi chi phí đắt đỏ (575 USD/ngày) nên bé được chuyển về bệnh viện cũ tại Chiết Giang vào ngày 5-5.

Thân thể bé Ruirui bỗng teo tóp lại, còn da thì tự tróc ra - Ảnh: AsiaOne

Trung tâm Y tế Lâm sàng Thượng Hải chẩn đoán bé bị viêm phổi phế quản cấp tính, máu nhiễm khuẩn, phổi nhiễm trùng... và kết luận không còn khả năng có thể cứu chữa cho bé. Cách đây một tuần, vào ngày 19-5, bé Ruirui đã qua đời.

Theo báo chí Trung Quốc, dân chúng đã phẫn nộ về việc sử dụng vắc xin BCG này. Đại diện Sở Y tế đã phải nhanh chóng lên tiếng giải thích rằng những gì xảy ra với Ruirui là do khiếm khuyết của hệ miễn dịch trong cơ thể bé. Vị này cho biết thêm xác suất để một trường hợp tương tự xảy ra với trẻ em khác là rất hiếm, khoảng 0,19-1,56 trên tổng số một triệu em.

Thân thể bé Ruirui bỗng teo tóp lại, còn da thì tự tróc ra - Ảnh: AsiaOne

Báo động muỗi kháng hóa chất

Muỗi đang có xu hướng kháng hóa chất khiến việc cố gắng tiêu diệt muỗi ở nhiều khu dân cư, nhiều hộ gia đình không có kết quả. Trong khi muỗi là nguồn lây truyền khá nhiều bệnh...

Phun thuốc diệt muỗi các phòng làm việc - Ảnh: THANH ĐẠM

Nhà nằm dọc sông Tô Lịch, chị Vũ Ngọc Anh (ngụ Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Mới đầu hè mà chỗ nào cũng đầy muỗi. Tự xịt bằng bình xịt muỗi không ăn thua, nhà tôi thuê cả “đội hóa chất” tiếp thị hằng ngày ở xóm đến phun diệt trừ mà tình hình không cải thiện”.

Không riêng chị Ngọc Anh, nhiều gia đình tại Hà Nội, nhất là gia đình có con nhỏ, quá lo trước thông tin dịch sốt xuất huyết gia tăng mỗi ngày đã vội vã thuê những “đội hóa chất” rong đến để diệt trừ muỗi.

Theo TS Phạm Thị Khoa, trưởng khoa hóa thực nghiệm Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng trung ương, hiện người dân lạm dụng mua hóa chất về phun hoặc tự ý đăng ký dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi giá rẻ vừa không có tác dụng, vừa làm tăng kháng hóa chất, có thể tiến đến nguy cơ không có hóa chất nào tiêu diệt được loài côn trùng có khả năng lây truyền bệnh dịch này. Trước đây, với những hóa chất hiện có muỗi có thể bị diệt đến 98-100%. Nay cùng loại hóa chất đó, lượng muỗi bị diệt chỉ đạt mức 60-70%.

Một phát hiện khá bất ngờ của các nhà khoa học Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng trung ương là nước đọng lại từ máy điều hòa chảy ra lại là nơi trú ngụ, sinh sản ưa thích của muỗi Aedes aegypti. Do đó, người dân cần thường xuyên làm sạch vùng nước đọng từ máy điều hòa.

Nghiên cứu mới đây của Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng trung ương cho thấy mức độ kháng hóa chất của muỗi ngày càng mạnh mẽ, rải khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Theo đó, loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti đã kháng với các hóa chất đã và đang sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế và gia dụng: DDT 4% và các hóa chất nhóm Pyrethroids: permethrin, lambda-cyhalohin, deltamethrin và alphacypermethrin với tỉ lệ muỗi chết 52,25% (Hà Nội), 3,03% (Nha Trang), 16% (TP.HCM), 13,37% (Kiên Giang), 6,15% (Đồng Nai), 14,58% (Đắk Lắk).

Theo Th.S Nguyễn Văn Dũng, khoa côn trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng trung ương, khảo sát riêng tại Hà Nội có đến hơn 50 công ty tư nhân mở dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi, gián, côn trùng cho hộ gia đình. Song mục tiêu chính của họ chỉ là bằng mọi cách làm hài lòng tức thời “thượng đế”, làm sao để muỗi, gián chết càng nhiều càng tốt. Khi một loại hóa chất bị kháng, không diệt được muỗi nữa thì họ tự động trộn nhiều loại hóa chất với nhau.

“Cả việc tùy tiện tăng liều hay pha trộn chất nọ vào chất kia đều làm tăng kháng hóa chất ở muỗi”, ông Dũng khẳng định. Quy định của Bộ Y tế chỉ rõ việc chọn hóa chất phun diệt muỗi phải được thử nghiệm từng bước, tỉ lệ muỗi chết 90-100% mới chọn mua. “Trong hóa chất chắc chắn có độc chất. Sử dụng, pha chế bừa bãi sẽ chỉ ngấm ngầm gây hại cho sức khỏe con người”, TS Phạm Thị Khoa cho hay.

Về nguyên tắc phòng dịch, việc phun chỉ đạt hiệu quả bằng kỹ thuật phun sương. Nếu phun đúng liều, muỗi không đạt mức bị tiêu diệt đến 90-100% thì đó là hóa chất dỏm. TS Phạm Thị Khoa cho hay bản chất của việc phun hóa chất diệt muỗi chủ yếu để dập dịch và chống lây lan thành dịch. Theo đó, hóa chất chỉ dùng diệt muỗi ở vùng có bệnh nhân sốt xuất huyết một cách tức thời (trong 1-2 ngày), chứ hoàn toàn không có tác dụng lâu dài, đặc biệt với muỗi đã kháng hóa chất.

TTO

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

“Chung sống hòa bình” với viêm gan siêu vi

Bệnh lây truyền bằng cách nào? Nên điều trị và theo dõi bệnh ra sao? Kết hôn với người bị bệnh viêm gan siêu vi có bị sao không?... Đó là những băn khoăn của nhiều bạn đọc gửi đến các bác sĩ tại buổi tư vấn trực tuyến về bệnh viêm gan siêu vi được Tuổi Trẻ tổ chức sáng qua 18-5.

Chích ngừa văcxin viêm gan B cho trẻ tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: N.C.T.

Gần 1.000 câu hỏi của bạn đọc về bệnh viêm gan siêu vi B, C và A được gửi đến các bác sĩ tham gia tư vấn trực tuyến chứng tỏ mức độ “nóng” và sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc đến căn bệnh thời sự này.

Theo dõi định kỳ

Về điều trị viêm gan siêu vi C, BS Nguyễn Hữu Chí - phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm Đại học Y dược TP.HCM - cho biết ở VN cũng như trên thế giới, phác đồ điều trị tốt nhất cũng không mang lại kết quả 100%. Đối với viêm gan siêu vi C, điều trị thành công là khi sau sáu tháng ngưng thuốc (thời gian điều trị tùy thuộc vào type siêu vi C) mà không tìm thấy siêu vi C trong máu của bệnh nhân. Những trường hợp này, tỉ lệ tái phát sau năm năm không vượt quá 1%, vì vậy có thể được xem là hết bệnh.

Rất nhiều bạn đọc đã hỏi bệnh lây truyền bằng cách nào, phòng ngừa được không. Thậm chí có bạn đọc còn lo lắng không biết ăn uống chung với người bị viêm gan siêu vi có bị lây bệnh. Các bác sĩ cho biết bệnh viêm gan siêu vi A thường lây qua đường tiêu hóa, biểu hiện bệnh chủ yếu vào giai đoạn cấp tính, không để lại hậu quả và di chứng lâu dài về sau.

Riêng viêm gan siêu vi B và C lây truyền qua ba đường: máu, tình dục và mẹ truyền cho con. Vì vậy để phòng ngừa phải lưu ý không tiêm chích, sử dụng chung những vật dụng có khả năng dính máu với người khác; không sử dụng ma túy; quan hệ tình dục an toàn; thăm khám thai và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi mang thai, đặc biệt ở những bà mẹ mang thai có nhiễm siêu vi B, C.

Bệnh viêm gan siêu vi B có thể điều trị khỏi được không? Sao cùng bị viêm gan siêu vi B nhưng có người phải điều trị, có người thì không? Phác đồ điều trị như thế nào, kéo dài bao lâu? Câu hỏi này của bạn Trần Trung Long, 21 tuổi, cũng là điều hàng trăm bạn đọc khác băn khoăn hỏi các bác sĩ.

Giải đáp vấn đề này, ThS. BS Lê Thị Tuyết Phượng - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân Dân 115 - cho biết viêm gan siêu vi B có hai dạng, một là cấp tính: có thể khỏi hoàn toàn và tạo được kháng thể miễn dịch suốt đời. Việc điều trị trong giai đoạn cấp đa số chỉ cần nghỉ ngơi và có các biện pháp hỗ trợ thích hợp. Hai là mãn tính: nếu ở dạng không hoạt động chỉ cần theo dõi định kỳ, chưa cần điều trị đặc trị. Nếu ở dạng hoạt động, căn cứ vào trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị đặc trị dạng uống hoặc chích. Thời gian điều trị tùy từng bệnh nhân nhưng thông thường phải kéo dài từ một đến vài năm, thậm chí một số người phải điều trị suốt đời.

Theo bác sĩ Phượng, khi bị nhiễm siêu vi B mãn tính, mục tiêu của điều trị là làm sao thải trừ được virut đến mức không phát hiện được trong máu, hạn chế tối đa gây tổn thương gan, hạn chế tỉ lệ xơ gan, ung thư gan. Tỉ lệ bệnh nhân được chữa khỏi hẳn siêu vi B mãn tính rất thấp.

Các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh viêm gan siêu vi - chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 18-5 - Ảnh: T.ĐẠM

Kết hôn, sinh con bình thường

Bị viêm gan siêu vi B có nên lập gia đình và sinh con không, nếu có thì cần lưu ý gì? Băn khoăn của bạn Lương Quốc Sinh, 24 tuổi, được TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa - phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm Đại học Y dược TP.HCM - khẳng định người bị nhiễm siêu vi B vẫn lập gia đình và có con bình thường. Nếu mang thai mà có HBeAg dương tính thì có thể truyền siêu vi B cho con.

Tuy nhiên, hiện nay tất cả bé sinh từ mẹ bị nhiễm siêu vi B đều được chích văcxin và dùng HBIg ngay sau sinh để được bảo vệ trong tháng đầu đời. Trẻ cũng cần được xét nghiệm HBsAg và antiHBs sau 18 tháng để bảo đảm việc chủng ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng là hiệu quả và có kháng thể bảo vệ. Ngoài ra, viêm gan siêu vi B không lây từ cha sang con, chỉ lây từ mẹ sang con.

Phụ nữ mang thai bị bệnh viêm gan siêu vi B có chữa trị được không? Khi nào tiến hành chữa trị? Cần kiêng ăn, uống gì? TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa cho biết phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan siêu vi B không có tăng men gan và chưa điều trị thì không cần điều trị cho đến khi sinh đủ số con mong muốn. Khi không còn muốn mang thai thêm, có thể cân nhắc các chủ định điều trị để kiểm soát virut và phòng ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan. Trong trường hợp bệnh đã có biến chứng xơ gan hay xơ hóa gan nặng thì nên tránh mang thai vì có thể nguy hiểm cho mẹ.

Một bạn đọc nam bị viêm gan siêu vi B đặt câu hỏi bị bệnh viêm gan siêu vi B có ảnh hưởng đến tinh trùng hoặc khả năng có con, có lây nhiễm cho vợ? ThS. BS Lê Thị Tuyết Phượng giải thích nếu người vợ đã chích ngừa viêm gan B và có đủ kháng thể bảo vệ thì sẽ không bị lây nhiễm từ chồng và ngược lại. Nhiễm viêm gan B ở dạng không hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến tinh trùng hoặc khả năng có con, tuy nhiên nếu viêm gan mãn hoặc xơ gan sẽ có ảnh hưởng.

Khi nào chuyển sang xơ gan, ung thư?

Một số bạn đọc còn lo lắng về nguy cơ chuyển sang ung thư gan, khi nào và mất bao nhiêu thời gian thì viêm gan siêu vi B, C sẽ chuyển sang ung thư gan? BS Trần Nguyên Hà - trưởng khoa nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết cả viêm gan siêu vi B và C đều được coi là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Tuy nhiên, không phải ai bị viêm gan B, C cũng sẽ chuyển sang xơ gan hay ung thư nếu có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thích hợp. Người bị bệnh vẫn có thể sống chung với viêm gan siêu vi mà không chuyển qua xơ gan hay ung thư gan (chỉ có một tỉ lệ nhỏ bệnh viêm gan mãn tính kết hợp với nhiều yếu tố nguy cơ khác mới dẫn đến xơ gan và ung thư gan).

Khi đến giai đoạn ung thư gan là bó tay phải không bác sĩ? Trả lời câu hỏi này của bạn đọc Nguyễn Thị Mão, 78 tuổi, BS Trần Nguyên Hà cho biết tùy giai đoạn của bệnh mà tiên lượng của người bị bệnh ung thư gan có khác nhau. Nếu phát hiện sớm, bướu còn nhỏ và không có bệnh lý gan khác đi kèm như xơ gan thì phẫu thuật là phương pháp có thể điều trị tận gốc. Nếu không phẫu thuật được, cũng có những phương pháp khác để điều trị như TOCE, TACE, phẫu thuật đông lạnh, diệt bướu bằng sóng cao tần... Ngoài ra mới đây người ta còn điều trị ung thư gan giai đoạn trễ bằng thuốc sinh học hay còn là liệu pháp nhắm trúng đích.

TTO

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Những thói quen tưởng sạch hóa độc hại

Có những thói quen tưởng sạch sẽ nhưng xét theo khoa học lại mất vệ sinh và gây hại sức khỏe.

Trong thực tế, có những thói quen mà chúng ta thường nhầm tưởng rằng làm như vậy là rất sạch sẽ, vệ sinh, nhưng xét về phương diện khoa học, chúng không những mất vệ sinh mà còn gây hại cho sức khỏe.

1. Dùng giấy trắng, giấy báo để gói đồ ăn. Không ít người vì lý do “nhất cử lưỡng tiện” nên dùng giấy trắng hoặc báo mới để gói đồ. Đó là thói quen vô cùng mất vệ sinh.

Bởi trong quá trình sản xuất giấy các loại, không thể tránh khỏi việc sử dụng chất tẩy rửa. Chất tẩy rửa này sau khi tiếp xúc với thực phẩm sẽ gây ra các phản ứng hóa học, kết quả của những phản ứng ấy là những chất gây hại lưu lại trên thực phẩm. Người ăn phải sẽ có hại cho sức khỏe, nếu ăn những thực phẩm ấy trong thời gian dài có thể gây ngộ độc, thậm chí nguy hại đến tính mạng.

2. Dùng giấy vệ sinh lau chùi đồ dùng đựng thức ăn, trái cây. Theo điều tra chất lượng giấy vệ sinh trên diện rộng ở Trung Quốc, rất nhiều loại giấy vệ sinh vẫn chưa trải qua quá trình khử độc tố hoặc khử độc không triệt để, còn chứa nhiều loại nấm mốc, vi khuẩn rất dễ bị tách ra và bám vào vật tiếp xúc với nó (như lau bát đũa, cốc chén, trái cây…).

Do đó, cần lưu ý lựa chọn những loại giấy ăn đạt tiêu chuẩn khử trùng, khử độc để bảo vệ sức khỏe.

3. Dùng khăn trải bàn ăn bằng nhựa, ni-lông. Điều tiện ích mà một số nhà hàng hiện nay hay dùng đó là dùng ni-lông hay khăn nhựa để trải bàn. Cách làm này vô cùng có hại cho sức khỏe. Bởi nhựa rất dễ bắt bụi, tích lũy nấm mốc, vi khuẩn, hơn nữa bản thân chất liệu nhựa đã chứa trong mình vinyl clorua độc hại. Khi chúng tiếp xúc với khăn ăn hay thực phẩm sẽ lây truyền những chất gây hại vào cơ thể. Nếu những chất này tích lũy lâu, cơ thể dễ dàng mắc các bệnh viêm nhiễm như: viêm nhiễm đường ruột, xơ gan, ung thư gan…

4. Dùng lồng bàn đậy thức ăn để tránh ruồi muỗi. Làm cách này dù có ngăn được ruồi muỗi không đậu trực tiếp trên thức ăn nhưng chúng để lại những tế bào trứng gây bệnh bám trên lồng bàn, rồi rơi vào thức ăn qua khe hở, gây mất vệ sinh, thức ăn dễ bị ôi thiu hơn và đồng thời gây hại cho sức khỏe.

5. Dùng khăn để lau dụng cụ đựng thức ăn, hoa quả. Sau khi rửa đồ dùng chứa thức ăn, hoa quả, tốt nhất nên để chúng nơi thoáng mát chờ khô tự nhiên, chứ không nên dùng khăn để lau chùi. Khăn tuy bề ngoài có vẻ sạch sẽ nhưng bên trong chứa không ít các loại nấm mốc, vi khuẩn. Dùng khăn lau sẽ làm tăng độc tố cho đồ ăn, gây hại sức khỏe.

6. Dùng rượu trắng để khử độc cho bát đũa. Một số người có thói quen dùng rượu trắng để lau bát đũa với mục đích khử trùng. Xét về mặt y học, rượu phải có nồng độ 75% mới có tác dụng khử độc, khử trùng, tuy nhiên những loại rượu trắng bình thường chỉ đạt nồng độ khoảng trên dưới 56%. Do đó, dùng rượu trắng để khử độc về cơ bản là vô tác dụng, hơn nữa nó còn lưu lại mùi
rượu khó chịu, làm giảm hứng thú ăn uống.

7. Hâm nóng lại những thực phẩm dễ biến chất để ăn. Nhiều thực phẩm dễ bị hư hỏng khi để qua đêm hay một thời gian khá dài như: trứng tráng, canh cá… Nhiều người lầm tưởng rằng hâm nóng lại ở nhiệt độ cao những thực phẩm ấy là đã có tác dụng khử độc tố, vi khuẩn. Tuy nhiên, có một số loại vi khuẩn “cứng đầu” sẽ không dễ dàng bị chết khi gặp nhiệt độ cao. Do đó, cần tránh tuyệt đối cách làm thiếu khoa học này.

8. Dùng khăn (giẻ lau) để lau bàn ăn. Sau khi sử dụng khăn lau bàn khoảng một tuần, số lượng vi khuẩn được sản sinh vô cùng lớn. Nếu không giặt rửa thường xuyên sẽ lưu lại vi khuẩn, chất gây hại trên bàn ăn, từ đó gián tiếp đi vào cơ thể bằng nhiều cách.

Do đó, nên thường xuyên rửa hay cho khăn lau bàn vào nước nóng để khử trùng, thời gian khoảng 2-3 ngày là tốt nhất.

9. Cắt bỏ phần trái cây hỏng, dập nát là có thể ăn. Nhiều người cho rằng, cắt bỏ phần quả dập nát đồng nghĩa với việc họ đã “trừ khử” được phần mất vệ sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi cắt bỏ phần dập nát ấy, những phần khác trong trái cây cũng vẫn chịu tác động, nhận những vi khuẩn chuyển hóa từ phần trái cây hỏng, dập nát qua. Thậm chí những vi sinh vật gây hại ấy bắt đầu sinh sản mạnh sang các vùng khác, là tác nhân gây rối loạn cơ thể, đột biến tế bào, từ đó gây ra các chứng bệnh ung thư.

Do đó, dù trái cây có bị hỏng, thối, dập nát một phần nhỏ cũng đừng tiếc rẻ, ngại ngần vứt bỏ.

10. Hễ ngủ dậy là gấp chăn màn. Khi hoạt động, cơ thể tiết ra lượng lớn mồ hôi, khi ngủ cũng không ngoại lệ. Ngay sau khi ngủ dậy mà gấp chăn màn, không để khoảng thời gian ngắn cho mồ hôi ấy khô, bay hơi, lâu dần sẽ gây mùi hôi khó chịu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sản, gây hại cho sức khỏe.

Cách làm đúng: Sau khi ngủ dậy, lật tung chăn màn, để đó khoảng 10 phút rồi mới gấp gọn chúng. Tốt nhất nên phơi nắng chăn màn 1 lần/ tuần.

11. Trường kỳ sử dụng một loại kem đánh răng. Nhiều người cho rằng thay đổi kem đánh răng sẽ làm hỏng men răng, gây viêm nhiễm… do răng phải “gánh chịu” sự thay đổi các thành phần chất hóa học. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm.

Mỗi loại kem đánh răng hay nước súc miệng đều có tác dụng đặc trị riêng biệt mỗi loại vi khuẩn. Do đó, nếu sử dụng một loại kem đánh răng trong thời gian dài sẽ làm cho các vi khuẩn gây bệnh ở khoang miệng “nhờn thuốc”, dần dần thích nghi với điều kiện cũ, từ đó sản sinh chất kháng thuốc gây hại sức khỏe.

Do đó, cần phải thay đổi kem đánh răng thường xuyên, tốt nhất thay theo định kỳ 1-2 tháng thay một lần.

Bé 5 tháng bị chèn ép khí quản - thực quản

Bé Lê Nguyễn Hoàng L., 5 tháng tuổi, nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 vì khò khè kéo dài dù đã điều trị nhiều nơi. Tại khoa hô hấp tuy được điều trị tích cực nhưng bệnh tình của bé vẫn không thuyên giảm nhiều.

Các bác sĩ đã hội chẩn quyết định chụp CT scan dựng hình ngực cho bé, phát hiện bé bị dị tật vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi. Vòng mạch máu này như một chiếc nhẫn kẹp lấy khí quản và thực quản gây chèn ép lên khiến bé khò khè kéo dài. Bé đã được lên chương trình phẫu thuật cắt vòng mạch này nhằm giải phóng sự chèn ép lên khí quản - thực quản. Hiện bé đã hồi phục tốt, hết khó thở và khò khè, bú tốt, lên cân, xuất viện sau bảy ngày.

Vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi là dị tật bẩm sinh hiếm gặp, chiếm dưới 1% tổng các dị tật tim. Bệnh thường có biểu hiện khò khè kéo dài xuất hiện sớm (vài tuần đến vài tháng sau sinh) điều trị thuốc không khỏi. Ở trẻ lớn bệnh thường biểu hiện dưới dạng viêm hô hấp tái phát nhiều lần, nuốt nghẹn, khó thở, chậm lớn...

Theo BS Chìu Kín Hầu - trưởng đơn vị tim mạch kỹ thuật cao Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh có thể gây các biến chứng trầm trọng như đột tử, tổn thương nghiêm trọng lên khí quản, phế quản; do đó phẫu thuật phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Đối với những trường hợp chèn ép có hẹp khí phế quản cố định đòi hỏi phải phẫu thuật tái tạo khí phế quản.