Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Cứu sống nạn nhân bị kiếm đâm xuyên đầu

Phim chụp X.Quang của nạn nhân.

Tranh cãi trong việc trả tiền taxi, anh Tuấn bị tài xế dùng kiếm đâm thẳng vào mặt, phải đưa vào viện cấp cứu.

Đêm 19.7, khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Quảng Bình) tiếp nhận bệnh nhân Bùi Ngọc Tuấn (23 tuổi), khách du lịch ở Thanh Hóa bị một thanh kiếm sắc lẹm đâm vào mắt.

Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng ngất lịm, một thanh kiếm đang găm vào mặt. Qua chụp X quang, các bác sĩ nhận định thanh kiếm đâm từ hốc mắt vào tận nền sọ dài khoảng 10cm. Vì tính chất phức tạp của ca bệnh nên các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để xử lí.

Trưa 20.7, các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đã tiến hành phẫu thuật thành công, lấy cây kiếm ra khỏi đầu của anh Tuấn. Mặc dù tính mạng đã được đảm bảo nhưng con mắt trái của nạn nhân sẽ bị hỏng hoàn toàn.

Bị nấm tai vì đi bơi, lấy ráy tai

Vào những ngày thời tiết nóng ẩm, nhiều người đến các khoa tai mũi họng vì tai ngứa ngáy, có lúc như có tiếng gió ù ù trong tai và khả năng nghe kém hẳn. Kết quả thăm khám cho thấy phần lớn họ bị bệnh nấm tai. Tìm hiểu thêm, bác sĩ được biết có liên quan đến sở thích tắm tại các bể bơi, khi tắm xong không vệ sinh tai sạch sẽ. Số khác bị nấm tai do hay đi lấy ráy tai ở hiệu cắt tóc, gội đầu…

Nấm tai, hay còn gọi nhiễm nấm tai ngoài (bao gồm loa tai và ống tai), là bệnh thường gặp ở xứ nhiệt đới có khí hậu nóng và ẩm, trong đó có Việt nam. Nguồn gây bệnh gồm hai dòng nấm: Aspergillus spp, chiếm 90% các trường hợp (ví dụ: Aspergillus. fumigates, Aspergillus niger…) và loại Candida spp, chiếm 10% (ví dụ: Candida. Albicans, Candida. tropicalis).

Bỗng dưng ù tai, nghe kém

Ống tai ngoài có những đặc điểm đặc biệt như thường xuyên bị ẩm ướt, da ống tai mỏng; là nơi dễ bị những tác động gây cọ xát như dụng cụ ngoáy tai, lấy ráy tai bằng kim loại hoặc bông gòn, que tăm hoặc thậm chí que nhang… Ống tai cũng là nơi đặt máy trợ thính cho bệnh nhân bị giảm thính (điếc, nghễnh ngãng...); là nơi dễ bị các bệnh viêm da do dị ứng, mụn trứng cá… Những yếu tố này tạo thuận lợi để vi khuẩn hoặc nấm mọc và phát triển. Ngoài ra, bệnh nấm tai cũng hay gặp ở những người có hệ thống miễn dịch yếu như mắc một số bệnh lý đường hô hấp, bệnh HIV/AIDS… Những người thường xuyên đi tắm ở các bể bơi cũng có nhiều nguy cơ, do khi bơi khó tránh khỏi nước vào tai; nếu không làm khô, vệ sinh tai sạch sẽ thì đây là cơ hội tốt cho các loại nấm sinh trưởng trong tai. Đặc biệt, quá trình thăm khám ghi nhận bệnh nấm tai gặp nhiều nhất ở những người trẻ, trung niên thích lấy ráy tai khi hớt tóc ngoài đường, chợ.

Khi bị nấm tai, bệnh nhân có cảm giác rất khó chịu ở tai và hay than phiền ngứa tai, đau tai. Bỗng dưng thấy ù tai và nghe kém. Khám bệnh, thường thấy nhất là ống tai bị hẹp, đỏ và có hình ảnh giống như bụi trắng của phấn trong ống tai hoặc giống như chất bột nhão rải rác trong ống tai, thậm chí che lấp không thấy được màng nhĩ.

Thận trọng khi tự dùng thuốc trị nấm tai

Để điều trị nấm tai, có thể nhỏ một số dung dịch (NaCl 0,9% hoặc kháng sinh), sau đó làm sạch ống tai bằng cách hút hết những chất bám trong ống tai, giữ cho ống tai khô. Thuốc kháng sinh (nhóm Macrolide, cephalosporine, Doxyciline...) dùng khi có bội nhiễm vi trùng. Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng nấm dạng uống như Fluconazole (Mycosyst, Forcan, Fluconazole…) Đối với thuốc nhỏ tai vừa diệt nấm vừa diệt vi trùng, sử dụng phổ biến là Candibotic (Cloramphenicol BP 5% có tính kháng khuẩn; Beclometasone Dipropionate BP 0,025% có tính kháng viêm tại chỗ, giảm sưng; Clotrimazole USP 1% có tác dụng kháng nấm; Lidocaine Hydrochloride BP 2% có tác dụng giảm đau…), nhỏ tai 4 – 5 giọt/lần với 3 – 4 lần/ngày, kéo dài từ 1 – 2 tuần; hoặc cồn Boric 3% (axít boric 300mg), nhỏ tai 4 – 5 giọt/lần, với 2 lần/ngày, kéo dài từ 1 – 2 tuần.

Khi tự ý dùng thuốc cần lưu ý, thuốc chống nấm Ketoconazol theo đường uống phải thận trọng, đặc biệt đối với người bị bệnh gan. Cũng cần nói thêm, ngày 8.6.2011 cơ quan quản lý dược phẩm Pháp đã ra lệnh ngưng cấp phép lưu hành cho thuốc viên Nizoral có hoạt chất Ketoconazol. Ngày 1.7.2011, cục quản lý dược Việt Nam cũng ra văn bản tương tự về việc sử dụng Ketoconazol. Không dùng thuốc nhỏ tai có chứa hoạt chất Aminoglycosid (neomycin, streptomycin) để điều trị kết hợp chống nhiễm khuẩn cho những trường hợp bị thủng màng nhĩ, vì thuốc sẽ gây độc nặng cho tai và dẫn đến điếc không hồi phục, chỉ được dùng cho những bệnh tai ngoài có màng nhĩ lành.

TS.BS Nguyễn Trọng Minh
khoa tai mũi họng, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM; giảng viên thỉnh giảng, đại học
Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM; hội viên hội Tai mũi họng ASEAN

Hong Kong: phát hiện chất gây dị ứng trong mặt nạ dưỡng da

Ngày 21-7, Ủy ban người tiêu dùng Hong Kong đã kiểm tra và phát hiện 17 loại mặt nạ dưỡng da có chứa chất bảo quản axit hydroxybenzoic có thể gây dị ứng da.

Mua sắm tại một quầy mỹ phẩm ở Hong Kong - Ảnh: Reuters

Các sản phẩm này đang được bày bán trên khắp thị trường Hong Kong với giá từ 30-400 đôla Hong Kong. Theo nhà chức trách, cả các nhãn hiệu mỹ phẩm danh tiếng như Chanel, L’Oreal, Body Shop, Biotherm, Watsons... cũng nằm trong danh sách này. Trong đó sản phẩm mặt nạ dưỡng ẩm mang nhãn hiệu Kiehl’s có hàm lượng chất bảo quản cao nhất.

Trong khi đó, các công ty sản xuất lại lên tiếng khẳng định những sản phẩm này tuy có chứa chất bảo quản axit hydroxybenzoic nhưng hàm lượng vẫn nằm trong mức độ cho phép, tức không vượt quá 0,4%.

Hong Kong chưa có những quy định về tiêu chuẩn hàm lượng chất bảo quản. Nhưng thông báo của Ủy ban người tiêu dùng Hong Kong có tác dụng khuyến cáo người tiêu dùng, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm, tránh các loại mặt nạ dưỡng da có hàm lượng chất bảo quản vượt trên ngưỡng 0,4%.

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Con tôi chết do bác sĩ thiếu trách nhiệm?


Ngày 19-6, con tôi tên Nguyễn Minh Quang (8 tuổi) bị sốt. Vợ tôi đưa con đến khám tại phòng khám đa khoa nhi Nancy (TP.HCM) thì bác sĩ N. chẩn đoán cháu bị viêm amiđan, cho đơn thuốc về nhà uống và hẹn ngày 20-6 tái khám.

Đến ngày tái khám (20-6), bác sĩ N. chẩn đoán con tôi bị sốt ngày 3, hai amiđan to, đỏ... rồi kê toa thuốc và hẹn tái khám từ 16g-19g ngày 22-6.

Đến ngày 22-6, dù đã uống thuốc của phòng khám nói trên nhưng con tôi vẫn sốt cao nên khoảng 14g vợ tôi đưa cháu đến Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM kiểm tra. Tại đây, bác sĩ Th. chẩn đoán con tôi bị viêm họng, tim bẩm sinh rồi kê toa thuốc cho cháu về nhà uống. Gia đình tôi đã tin tưởng vào chẩn đoán của bác sĩ nên đưa con về nhà.

Thế nhưng đến 17g30 cùng ngày con tôi bị ngất xỉu, vợ tôi đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng trên đường đi cháu đã ngưng thở, ngưng tim. Tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã sốc điện và tim cháu đập trở lại nhưng vẫn không thở được. Cuối cùng cháu đã qua đời vì bị sốt xuất huyết ở giai đoạn cuối.

Vợ chồng tôi rất bức xúc trước cách khám bệnh thiếu trách nhiệm của các bác sĩ liên quan nói trên.

Một bạn đọc

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh (giám đốc phòng khám đa khoa nhi Nancy) trả lời:

- Bác sĩ N. trong lần khám đầu tiên đã khám kỹ toàn thân cho bệnh nhi. Lần thứ 2, khi bệnh nhi tái khám bác sĩ N. đã khám và cho bệnh nhi làm xét nghiệm, nhưng kết quả xét nghiệm chỉ thể hiện bệnh nhi bị nhiễm trùng chứ chưa thể hiện mắc bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ N. khám thấy amiđan của bệnh nhi to, đỏ nên đã chẩn đoán: viêm amiđan. Thời gian vàng để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh, nhưng khoảng thời gian này bệnh nhi lại không đến đúng chuyên khoa để được chẩn đoán đúng, mà gia đình tự đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Tai - mũi - họng khám.

Th.S-BS Võ Quang Phúc (phó giám đốc Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM) trả lời: Trong ngành y có những bệnh lý diễn tiến nhanh và bất ngờ không lường trước được. Trường hợp của cháu Nguyễn Minh Quang, theo tường trình của bác sĩ Th., có viêm họng, viêm amiđan và tim bẩm sinh kèm theo.

Bác sĩ Th. có đề nghị cho bệnh nhi xét nghiệm máu nhưng người nhà cho biết đã có xét nghiệm trước đó và đưa ra kết quả bình thường nên bác sĩ lại càng nghĩ nhiều đến bệnh viêm họng hơn là sốt xuất huyết. Vì vậy bác sĩ đã cho toa thuốc về nhà và dặn mẹ cháu khi có gì bất thường thì đưa đến bệnh viện ngay.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, ban giám đốc bệnh viện đã nhắc nhở các bác sĩ ngoài việc cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết, nếu thấy sốt kéo dài còn phải hướng dẫn phụ huynh nhận biết về các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết và lưu ý các dấu hiệu, diễn tiến của bệnh để gia đình tự theo dõi, đến bệnh viện kịp thời và việc thử máu nhiều lần là cần thiết trong trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết.

TTO

Thuốc ào ào tăng giá

Vừa bước ra khỏi nhà thuốc Tuấn (đường Thuận Kiều, quận 5, TPHCM), bà Phạm Thị Khảm, ngụ Bến Cát, Bình Dương, lắc đầu ngao ngán: “Bữa trước mới mua 164.000 đồng/hộp, nay tăng lên 179.000 đồng/hộp rồi. Như thế này làm sao chịu xiết”. Ghi nhận ngày 7-7 cho thấy, hàng loạt loại thuốc chữa bệnh đã ào ào vào đợt tăng giá mới.

Minh họa: A. DŨNG

Lên máu... với thuốc ngoại!

Giá thuốc mà bà Khảm than thở nói trên là Daflon 500mg của Pháp. Đây là loại thuốc có tác dụng thông tĩnh mạch, có mặt khá phổ biến tại thị trường Việt Nam. Theo nhân viên của nhà thuốc Tuấn, mỗi hộp Daflon 500mg có 80 viên và giá bán hiện dao động ở mức 179.000 - 180.000 đồng/hộp, tăng khoảng 10% so với 3 tuần trước đây. Nhân viên này cho biết, từ 2 tuần qua nước phụ khoa Gynofar 250ml cũng đã tăng từ 6.000 lên 7.500 đồng/chai (tăng gần 20%) và nhiều loại thuốc nhập ngoại khác cũng đã biến động.

Cách nhà thuốc Tuấn không xa, tại nhà thuốc Ngân Hà 5 nhiều loại thuốc có giá tăng trở lại sau một thời gian tạm lắng. Cụ thể như Telfast HD 180mg chữa dị ứng da, viêm mũi đã lên mức 7.500 đồng/viên, Fastum Gel đã tăng lên 54.000 đồng/tuýp…

Dạo qua Trung tâm chợ sỉ dược Tô Hiến Thành (quận 10), nhiều cửa hàng thuốc không giấu nổi bức xúc vì đồng loạt nhiều hãng dược cung ứng đề nghị tăng giá thuốc. Một chủ cửa hàng nói: “Mới tạm ổn định được 1 tháng, nay đùng đùng tăng giá”. Tuy nhiên, tìm hiểu được biết phần lớn hãng dược thông báo tăng giá qua điện thoại để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Trong khi đó, tại nhiều nhà thuốc ở khu vực Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, người bệnh đến mua khá sốc vì thuốc tăng giá.

Ông Trần Thanh Hà (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) sau khi mua thuốc tại nhà thuốc L.C cho biết: “Tôi bị đau dạ dày và bác sĩ chỉ định uống thuốc Phosphalugel. Nhưng tuần trước mới mua 91.500 đồng/hộp, nay đã 99.000 đồng/hộp”. Theo phụ trách nhiều nhà thuốc, đa số thuốc tăng giá đợt này đều thuộc các nhóm kháng sinh, vitamin. Đáng chú ý là các loại thuốc đặc trị hiếm muộn, ung thư, viêm gan cũng tăng giá khá nhiều.

Mới đây, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam cũng ghi nhận, nhiều loại thuốc trên thị trường tăng 5%-10%. Trong đó, điển hình vẫn là các loại thuốc ngoại nhập.

Trong khi thuốc nội tham gia chương trình bình ổn thị trường thì thuốc ngoại ào ào tăng giá. Ảnh: TR.NG.

Bình ổn chưa đáng kể

Trong khi đó, chương trình bình ổn giá thuốc của TPHCM vẫn đang triển khai khá rầm rộ nhưng chỉ dành cho thuốc nội. Theo các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thuốc thì doanh số chưa đáng kể sau 2 tháng đưa thuốc đến các bệnh viện cũng như nhà thuốc bán lẻ.

Nhà thuốc Từ Phương (phường Phú Thuận, quận 7) là một trong những nhà thuốc đầu tiên tham gia chương trình bình ổn giá thuốc cho biết, hiện hầu hết nhóm thuốc trong chương trình bình ổn giá đã được đặt hàng như kháng sinh, tim mạch huyết áp, kháng viêm giảm đau.

Điều đáng nói, các loại thuốc này được sản xuất tại các nhà máy trong nước đạt GMP-WHO nhưng giá “mềm” hơn thuốc cùng loại nhập ngoại. Chẳng hạn thuốc trị cảm cúm Paracetamol 500mg của Công ty Dược 3 Tháng 2 (F.T Pharma) chỉ 216 đồng/viên, còn của Công ty Dược Sanofi-Aventis tại Việt Nam có giá 245 đồng/viên; thuốc trị ho Euxamus 200mg của Công ty Dược Euviphamr giá 420 đồng/viên nhưng của Công ty liên doanh Stada Việt Nam là 500 đồng/viên.

Các mặt hàng thuốc khác như tim mạch, kháng sinh nằm trong chương trình bình ổn giá cũng có giá thấp hơn các mặt hàng cùng loại của liên doanh hoặc nhập ngoại như Ladovax của Công ty Euvipharm có giá 7.900 đồng/viên nhưng Plavix của Sanofi-Aventis có giá tới 20.790 đồng/viên và Clopistad của Stada Việt Nam là 9.504 đồng/viên. Tương tự, thuốc kháng sinh Ofmautin 625 của Domesco Đồng Tháp chỉ 6.195 đồng/viên nhưng của GlaxoSmithKline là 11.760 đồng/viên.

Giám đốc một công ty dược trong nước bức xúc: “Cứ cho thuốc nhập ngoại tăng giá mà bắt thuốc nội bình ổn thì thật bất công. Trong khi từ đầu năm đến nay giá thuốc ngoại tăng liên tục”. “Những lý do đó thì chính các công ty dược trong nước cũng gặp phải nhưng muốn tăng giá không phải dễ”, Dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Mekophar cho biết. Tuy nhiên, để không bị “sờ gáy”, các hãng dược nước ngoài thường tăng giá nhỏ giọt và không công khai.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nếu tăng giá tùy tiện sẽ kiên quyết xử lý. Sở Y tế đã yêu cầu thanh tra y tế vào cuộc để kịp thời chấn chỉnh những hãng dược tự ý tăng giá.