Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Hoảng vì làm đẹp với tế bào gốc

Phong trào làm đẹp với mỹ phẩm tế bào gốc đang được nhiều chị em mê mẩn và chia sẻ hào hứng trên mạng. Có người khen hiệu quả, có người than tốn hơn 200 triệu đồng mà hiệu quả chưa thấy đâu.

Tinh chất tế bào gốc Rekeni bán ở cửa hàng dụng cụ y tế TT trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Trong khoảng một tháng, chương trình bán phiếu liệu trình “Điều trị sẹo và trẻ hóa làn da bằng tế bào gốc” của thẩm mỹ viện XT (Q.1, TP.HCM) trên nhommua.com được 1.140 người mua. Theo quảng cáo, phương pháp lăn kim DTS roller và tế bào gốc - độc quyền chỉ có tại đây, sẽ cải thiện trên 90% sẹo rỗ, sẹo mụn - đẩy lùi lão hóa, làm mờ vết nhăn, da đẹp lên nhanh chóng.

Giá sốc, điều trị sốc

Chị Nguyễn Lim Bình, một trong những khách hàng mua phiếu này, cho biết từng điều trị da bằng tế bào gốc ở nơi khác với giá 385 USD/lần điều trị nên thấy có phiếu giảm giá chị mua ngay. Tuy nhiên, khi đến thẩm mỹ viện XT, tận mắt thấy nơi đây dùng chung một cây kim lăn cho các khách hàng thì chị ớn lạnh. Nghi ngại chất lượng dịch vụ nên chị Bình không cho nhân viên lăn cây kim còn ròng ròng nước lên mặt mình, đồng thời đề nghị cho xem loại tế bào gốc sẽ bôi.

Nhớ lại, chị Bình bức xúc: “Họ đưa cho coi mấy sản phẩm sẽ dùng, trong đó không có chữ stem cell (tế bào gốc) nào cả. Hỏi tới thì nhân viên không giải thích được nên tôi không làm và đề nghị hoàn tiền nhưng không được”.

Còn chị Dương Như Ý ở Q.Tân Bình, TP.HCM đã mua phiếu để trị nám bằng lăn kim và tế bào gốc, nhưng khi đến nơi nhân viên ở đây lại nói phương pháp này không điều trị nám. Chị Ý cho biết nếu không có phiếu giảm giá thì không cần đến thẩm mỹ viện để lăn kim và bôi tế bào gốc làm gì, cứ ra cửa hàng bán dụng cụ y tế mua một cây lăn giá 150.000 đồng, mua tế bào gốc và thuốc tê ở đấy về nhà tự làm cho rẻ.

Nhiều nước cấm dùng tế bào gốc trong mỹ phẩm

Khoa học đã chứng minh tế bào gốc có thể biệt hóa thành tất cả các tế bào và nội tạng trong cơ thể. Rất nhiều lĩnh vực kinh doanh liên quan đến thẩm mỹ và mỹ phẩm đã lợi dụng khả năng to lớn đó của nó để quảng cáo.

Người ta còn đang tranh cãi và những ứng dụng của tế bào gốc vẫn trong vòng thí nghiệm chứ chưa có một quy trình rõ ràng trong điều trị thật sự cho bệnh nhân. Tế bào gốc và những chất có nguồn gốc tế bào gốc bị cấm dùng trong các sản phẩm mỹ phẩm tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kích thước của tế bào gốc khoảng 15-20 micromet nên không thể thâm nhập qua da. Hơn nữa nguồn tế bào gốc nếu có trong mỹ phẩm hoàn toàn khác với cấu trúc tế bào của người sử dụng, do vậy sẽ xảy ra phản ứng đào thải tế bào lạ và gây ra phản ứng viêm hoặc dị ứng khi sử dụng. Mỹ phẩm công nghệ tế bào gốc của Việt Nam có lẽ sử dụng những chất kích thích sự tăng trưởng của tế bào sợi. Tuy nhiên đây là những men phản ứng của tế bào, vì vậy bảo quản trong một lọ mỹ phẩm thông thường là không tưởng.

TS Nguyễn Văn Thuận
(chủ tịch Hiệp hội Công nghệ sinh học sinh sản châu Á, giảng viên ĐH Konkuk, Seoul, Hàn Quốc)

Không rõ nguồn gốc “thần dược”

Theo chỉ dẫn của chị Ý, chúng tôi đến cửa hàng dụng cụ y tế TT trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM) hỏi mua kim lăn và tế bào gốc.

Nhân viên cửa hàng sau khi hỏi mua để tự làm hay điều trị cho khách thì giới thiệu các loại có giá từ 300.000 đến hơn 500.000 đồng, sau đó bán cho chúng tôi lăn kim có kim dài 2mm. Đọc hướng dẫn trên hộp sản phẩm thấy ghi chỉ được tự dùng tại nhà kim từ 0,3mm trở xuống, trên 0,5mm phải dùng ở các cơ sở y tế và các cơ sở vật lý trị liệu.

Với sản phẩm tế bào gốc, ngoài loại Juvian của Việt Nam có giá 595.000 đồng thì người bán đưa ra loại Chinjuifa Rekeni của Pháp giá 750.000đồng/lọ 8ml. Theo giới thiệu, tinh chất tế bào gốc Rekeni được chiết xuất từ nhau cừu, hiệu quả sẽ thấy sau một tuần sử dụng và mua bao nhiêu cũng có.

Trên hộp đựng và cả sản phẩm đều không thấy ghi nhà nhập khẩu, số công bố mỹ phẩm, tem nhập khẩu... chỉ ghi nơi sản xuất là Công ty Chinjuifa, Đài Loan.

Tại trụ sở Công ty FNC TP.HCM, nơi bán mỹ phẩm công nghệ tế bào gốc sản xuất tại Việt Nam theo mô hình kinh doanh đa cấp, cô chuyên viên tư vấn tên P.Loan giải thích sản phẩm ở đây được bác sĩ Thắng (TS Phan Toàn Thắng, ĐHQG Singapore - NV) chiết xuất tách bỏ nhân tế bào gốc từ màng dây rốn tạo thành dịch nuôi cấy tế bào, dung dịch này bôi lên sẽ kích thích tế bào gốc dưới da phát triển, đẩy lùi sẹo, rỗ do mụn và tái tạo da.

Còn tại thẩm mỹ viện XT, sau khi xem làn da mặt còn đầy sẹo lõm do mụn của chúng tôi, một nhân viên tư vấn cho biết chi phí là 2 triệu đồng/lần điều trị và phải ít nhất sáu lần mới đạt. Cô cũng tư vấn nên mua bộ sản phẩm kim lăn và tế bào gốc chiết xuất từ quả táo với giá 4,45 triệu đồng ở đây về dùng sẽ lợi hơn!

Quảng cáo quá mức

Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết nhiều nơi đã quảng cáo quá mức về công dụng của phương pháp này như điều trị được 90% sẹo lõm, rạn da, nám, thâm... Thực chất lăn kim là một trong các biện pháp cày xới lại da tạo các vết thương nhỏ li ti để da tự tái tạo với sự hỗ trợ của mỹ phẩm.

Hiệu quả phụ thuộc kỹ thuật lăn, cơ địa người lăn và sản phẩm bôi sau lăn. Nếu đạt tối đa ba yếu tố này thì có hiệu quả hơn 50% trong trị sẹo nhưng không hiệu quả với nám hay nhăn da. Kim lăn loại tốt chỉ dùng được năm lần và không dùng chung. Mỗi lần dùng xong phải vô trùng đúng cách.

Bên cạnh đó, “lăn kim bán trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, không biết làm bằng chất liệu có an toàn cho da hay không, mọi người không nên tự ý làm” - bác sĩ Thanh khuyến cáo.

Th.S Phan Kim Ngọc, trưởng phòng thí nghiệm tế bào gốc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho biết người ta mặc nhiên chỉ dùng từ “tế bào gốc” cho người. Do vậy trong quảng cáo phải nói rõ mỹ phẩm chỉ là ứng dụng công nghệ tế bào gốc và có chứa sản phẩm của tế bào gốc.

Theo ông Ngọc, với điều trị da có xâm lấn như phương pháp lăn kim bôi mỹ phẩm, Nhà nước kiểm soát quy trình y đức, quy trình kỹ thuật và chất lượng sản phẩm sử dụng. Người làm chuyên môn phải được đào tạo và cấp giấy hành nghề, kim lăn phải được bộ kiểm định và cấp phép, quy trình làm phải cụ thể và mỹ phẩm dùng phải rõ bản chất.

Theo Th.S Ngọc, cần sớm có bộ luật về nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Ghép thận cho người bị cắt 2 quả thận

Sáng 15-12, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn về việc “bệnh nhân bị cắt 2 quả thận”.

Bệnh nhân Hứa Cẩm Tú

Mục đích chính của cuộc họp chuyên môn này là đưa ra giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, trước mắt bệnh nhân sẽ được chạy thận định kỳ và chăm sóc đặc biệt theo chế độ bệnh lý, miễn phí toàn bộ viện phí và chi phí chạy thận, chờ có nguồn thận phù hợp bệnh nhân sẽ được ghép thận, chi phí ghép thận sẽ được bệnh viện vận động từ nhiều nguồn. Sau khi bệnh nhân ổn định, việc bác sĩ sai chỗ nào hay xử lý kỷ luật thế nào sẽ được giải quyết cụ thể theo Luật khám chữa bệnh.

Tham dự cuộc họp có ban giám đốc bệnh viện; PGS-TS Vũ Lê Chuyên - chủ tịch Hội Thận tiết niệu Việt Nam, phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM; tiến sĩ Đàm Văn Cương, trưởng khoa y Trường đại học Y dược Cần Thơ; bác sĩ Lê Quang Dũng, trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.

Kết luận của hội đồng chuyên môn về trường hợp bệnh nhân Hứa Cẩm Tú bị cắt hai quả thận, PGS-TS Vũ Lê Chuyên cho biết: Bệnh nhân vào viện vì thận trái ứ nước rất to, có sỏi gây mất chức năng, chỉ định phẫu thuật bỏ thận trái là đúng. Nguyên nhân dẫn đến sự cố trong lúc phẫu thuật là do lỗi nhận định ban đầu của bác sĩ, cả kíp mổ không biết đây là thận móng ngựa.

Hình ảnh CT scanner ban đầu có một số phim thấy hình ảnh thận móng ngựa, nhưng bác sĩ đọc phim chẩn đoán không được và cả bác sĩ phẫu thuật vào mổ cũng không biết trước bệnh nhân có thận hình móng ngựa, vì đây là dị dạng rất hiếm gặp. Chính vì vậy trong cuộc mổ đã xảy ra chảy máu và biến chứng ngoài dự đoán. Bác sĩ bắt buộc phải mổ hở ra và cắt thận cầm máu.

Cũng trong sáng 15-12 bác sĩ Lê Quang Võ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết đã có người liên hệ với bệnh viện tình nguyện đăng ký hiến thận cho chị Hứa Cẩm Tú.