Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Thuốc "dỏm": Uống rồi đành chịu!

Thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành ngày càng tăng, trong đó nhiều loại khi bị đề nghị thu hồi đã được bệnh nhân dùng hết. Các đơn vị, cá nhân liên quan vô can trong khi bệnh nhân lãnh đủ, ngay cả việc bồi thường cũng chưa ai tính đến

Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm mặt hàng tân dược kém chất lượng phải thu hồi và tiêu hủy. Các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng rất đa dạng, gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập khẩu; từ kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, corticoid, giảm béo, đau dạ dày, tim mạch, đái tháo đường, tuần hoàn não đến các loại vitamin, đông dược...Thu hồi trên... giấy

Dù số thuốc kém chất lượng bị phát hiện phải thu hồi hoặc đình chỉ lưu hành do không đạt các tiêu chuẩn tăng một cách đáng lo ngại nhưng việc thu hồi thế nào, số lượng được bao nhiêu... vẫn không thấy cơ quan chức năng công bố. Theo quy định, sau khi kiểm nghiệm và phát hiện thuốc kém chất lượng, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế hoặc sở y tế các địa phương phải gửi công văn tới doanh nghiệp, bệnh viện và nhà thuốc yêu cầu thu hồi. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều loại thuốc trước khi có lệnh thu hồi đã được tung ra thị trường, đến các cơ sở khám - chữa bệnh, được bác sĩ kê đơn và bệnh nhân đã sử dụng sạch.



Bệnh nhân hầu như không có thông tin gì về chất lượng các loại thuốc mà họ mua dùng

Trong khi đó, việc ra quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng đến thời gian hoàn tất thu hồi có khi kéo dài cả tháng trời. Ngoài ra, việc nhà sản xuất, phân phối hoặc các cửa hàng thuốc có thu hồi toàn bộ thuốc kém chất lượng hay không thì rất khó kiểm soát. Vì lẽ đó mà nhiều loại thuốc kém chất lượng chỉ được thu hồi trên... văn bản.

Chị Nguyễn Thanh Hoa, nhân viên một nhà thuốc GPP (đạt tiêu chuẩn "thực hành tốt quản lý nhà thuốc") ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, cho biết thông thường, các thông tin về thu hồi thuốc được nhận từ Sở Y tế. Mỗi tháng, nhân viên cửa hàng thường đến lấy văn bản này một lần. Chính vì thế, cũng có lúc văn bản về tới nơi thì thuốc đã được bán hết hoặc gần hết.

"Trong tình cảnh này thì thông tin thuốc phải thu hồi chỉ có giá trị tham khảo. Bởi lẽ, khi thuốc đã bán cho bệnh nhân thì biết tìm họ ở đâu để thu hồi!"- chị Hoa giải thích. Lý giải cho việc rất nhiều loại thuốc vừa mới được ra "lò" đã tiêu thụ với số lượng lớn, chị Hoa cho rằng một phần do chiến dịch quảng cáo và trình dược viên liên kết "làm" đơn thuốc với bác sĩ để kê toa cho bệnh nhân.

Theo bà Bùi Hải Yến, chủ một hiệu thuốc ở quận Hoàng Mai - Hà Nội, nếu không nhận được văn bản thu hồi thuốc kém chất lượng hoặc nhân viên của hãng không đến thu lại thuốc thì chắc chắn cửa hàng không thể biết. "Đơn cử, với một loại men tiêu hóa bị thu hồi năm 2011, nhà thuốc tình cờ biết được sản phẩm này bị ngừng lưu hành là do khách hàng đọc báo rồi nói lại. Tuy nhiên, đợi mãi nhưng chúng tôi cũng chẳng thấy ai đến thu hồi. Cũng may là nhà thuốc chỉ còn 2 - 3 vỉ nên đành bỏ đi, chứ nếu có nhiều thì không biết xử lý thế nào" - bà Yến băn khoăn.

Không dễ kiểm soát

Một dược sĩ trưởng khoa dược ở một bệnh viện tại Hà Nội cho biết tháng nào ông cũng nhận được thông tin thuốc kém chất lượng, đề nghị phải thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi những loại thuốc này hoàn toàn trên tinh thần tự giác chứ không có ai giám sát rằng bệnh viện đã sử dụng bao nhiêu, nay còn thế nào...

"Chẳng hạn, các thuốc chứa hoạt chất Buflomedil, do gây ra những phản ứng có hại nghiêm trọng trên tim mạch và thần kinh, có thể dẫn đến tử vong mà Cục Quản lý dược vừa có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, yêu cầu dừng ngay việc kê đơn, sử dụng. Thời điểm chúng tôi nhận được văn bản, qua kiểm kê, khoa dược còn khoảng 20 ống thuốc chứa hoạt chất này nên đã niêm phong và trả lại đơn vị phân phối. Tuy nhiên, nếu bệnh viện lờ đi thì cũng không có đơn vị nào đứng ra kiểm kê, đối chứng để thu hồi" - ông lo ngại.

Cũng theo dược sĩ nêu trên, lâu nay, việc thu hồi thuốc là do doanh nghiệp sản xuất, công ty phân phối đứng ra thực hiện nhưng nếu không bị cơ quan quản lý thúc ép thời gian thì chẳng ai dại gì thu hồi ngay. "Hiện tượng này cũng có thể xảy ra ở các nhà thuốc. Không loại trừ trong lúc "tranh tối, tranh sáng", vì lợi nhuận, họ vẫn cố tình bán thuốc bị thu hồi cho bệnh nhân. Với loại hàng hóa đặc biệt như thuốc thì bệnh nhân thông thường không thể biết đâu là loại kém chất lượng. Vì thế, họ luôn mua theo đơn của bác sĩ hay sự tư vấn của nhân viên nhà thuốc" - ông phân tích.

Một đại diện Cục Quản lý dược cũng thừa nhận với hơn 40.000 nhà thuốc trên cả nước và hơn 20.000 số đăng ký thuốc đang lưu hành, việc giám sát thu hồi sản phẩm kém chất lượng là chuyện không đơn giản. Điều đáng nói là trong hàng ngàn loại thuốc bị phát hiện kém chất lượng và phải xử lý thu hồi những năm qua, phần lớn trước đó đều đã được Cục Quản lý dược hay sở y tế địa phương thẩm định về chất lượng, cấp số đăng ký và cho phép lưu hành, trong đó thuốc nhập khẩu chiếm số lượng rất nhiều. Vì thế, dư luận không khỏi băn khoăn rằng phải chăng vì việc cấp phép lưu hành cho những loại thuốc ngoại quá dễ dàng nên đã để nhiều sản phẩm không bảo đảm chất lượng lọt ra thị trường?

Tác hại khôn lường

Dược sĩ Lê Quốc Thịnh, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện 71 Trung ương, cho biết có thể với vài bệnh lý thông thường, nếu trót uống phải thuốc kém chất lượng cũng không bị ảnh hưởng nhiều nhưng với bệnh mãn tính thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

"Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết nhưng do lỡ uống phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết chẳng những không xuống mà lại lên vù vù thì khác gì đẩy họ đến chỗ chết. Hay như thuốc hạ huyết áp, nếu mua phải loại đã mất tác dụng thì biến chứng sẽ rất khôn lường, thậm chí mất mạng. Đó là chưa kể thuốc kém chất lượng có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại sức khỏe" - ông Thịnh khuyến cáo.

Đến nay, không ai biết được đã có bao nhiêu loại thuốc kém chất lượng được bệnh nhân bỏ tiền ra mua mà bệnh vẫn nguyên vẹn, thậm chí nặng thêm. Tuy nhiên, theo nhiều nhà thuốc, họ chưa từng gặp bệnh nhân nào mua thuốc rồi nghe tin nó kém chất lượng mà mang trả lại.

Điều đáng nói nữa là từ trước đến nay, chưa có cơ quan nào lên tiếng bồi thường cho bệnh nhân nếu họ chẳng may bị kê đơn hay mua phải thuốc kém chất lượng. "Chúng tôi từng đề nghị người dân nếu mua phải loại thuốc kém chất lượng phải trả lại ngay cho người bán nhưng nếu đã trót uống rồi thì cũng đành chịu!" - TS Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận. Một dược sĩ cảnh báo nếu cơ quan quản lý không có chế tài xử phạt nghiêm minh thì mỗi năm, hàng ngàn loại thuốc kém chất lượng lại tiếp tục đổ vào Việt Nam và không loại trừ nước ta có nguy cơ trở thành "bãi rác" thuốc "dỏm" của các nước công nghiệp phát triển. Phớt lờ chuyện đền bù

TS Trịnh Văn Lẩu, nguyên viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, cho rằng số lượng thuốc bị thu hồi có tần suất dày đặc hơn chưa hẳn do tiền kiểm thiếu chặt chẽ mà là vì công tác hậu kiểm được thực hiện thường xuyên hơn. Những năm qua, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xét nghiệm thuốc. Hằng tháng, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đều cử cán bộ lấy mẫu thuốc ngẫu nhiên trên thị trường về kiểm nghiệm và báo cáo Cục Quản lý dược.

Theo TS Lẩu, ngoài một số loại thuốc nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng khí hậu thì những sản phẩm chỉ chạm vạch về giới hạn nhiễm khuẩn, chưa chuẩn về màu sắc như công bố hay hàm lượng thiếu chút ít... cũng vẫn được đơn vị kiểm nghiệm báo cáo về cơ quan quản lý.

Ông Lẩu khẳng định khi kiểm nghiệm phát hiện thuốc kém chất lượng, chính doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu là nơi chịu trách nhiệm và sẽ phải đi thu hồi. "Tuy nhiên, về quyền lợi của bệnh nhân trong chuyện này, chưa thấy đơn vị nào có ý đền bù cho họ" - ông nêu bất cập. D.Thu

Nhan nhản thuốc bị đình chỉ, thu hồi

Chỉ trong vài tháng gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhan nhản các tên thuốc bị đình chỉ lưu hành, thu hồi hoặc rút số đăng ký.

Trong đó, phải kể đến thuốc chống ung thư DBL oxaliplatin 100 mg (của Úc), thuốc điều trị tăng huyết áp Apo - Atenol (Canada), thuốc trị tim mạch Aspirin pH8 500 mg (Công ty Tipharco), thuốc an thần Mimosa (Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC), kháng sinh Ceplor VPC 250 mg (Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long), thuốc tim mạch Acipta (Ấn Độ), thuốc giảm đau hạ sốt Piroxicam capsules USP 20 mg (Ấn Độ), thuốc trị tim mạch - huyết áp Dospirin (Công ty Cổ phần S.P.M), thuốc trị dạ dày Omepro (Ấn Độ), thuốc điều trị cơ xương khớp Diclofenac (Công ty Cổ phần Dược Trung ương Mediplantex), các thuốc chứa hoạt chất Buflomedil điều trị rối loạn tuần hoàn não...

K.Anh - NLĐ

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Bệnh nhân đái tháo đường 9 tuổi

 .
Béo phì trẻ em: Có nên thắt dạ dày, bóc mỡ?

Bé N.N.T. (9 tuổi, ở Hà Nội) đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư khám bệnh sau thời gian điều trị đái tháo đường vì bất ngờ được phát hiện chỉ số đường máu lên tới gần 15mm/lít, chỉ số Hba1c là 11,7%, trong khi chỉ số này ở mức 9% bệnh nhân đã phải tiêm insulin.

Bé T. là một trong số bệnh nhân đái tháo đường type 2 trẻ nhất VN cho đến nay.

Trẻ hóa

TS Nguyễn Thị Thanh Hóa, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nội tiết T.Ư, cho biết bé T. có mẹ bị đái tháo đường, trọng lượng khi sinh của bé là 4,2kg, là hai yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này. Trước khi đến bệnh viện hai tháng, cân nặng của bé ở mức 42kg, là mức khá cao so với cậu bé mới 9 tuổi. Một tháng trước khi nhập viện, bé uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhanh (một tháng sút 4kg).

Là bệnh nhân đái tháo đường, mẹ bé đã sử dụng máy đo đường huyết cá nhân để thử đường máu cho con. Bé đã được đưa ngay đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư để điều trị, rất may do đáp ứng tốt với thuốc uống, hiện lượng đường huyết của bé đã về 7mm/l và chỉ số Hba1c ở mức 9%. Tuy nhiên, bé sẽ phải điều trị suốt đời.

Theo TS Hóa, bé T. là một trong số bệnh nhân đái tháo đường type 2 trẻ tuổi ở VN cho đến nay. Nói là một số nhưng trước bé T. chỉ có một bệnh nhân là trẻ em (8 tuổi) được phát hiện mắc đái tháo đường type 2, nhưng ở thể khác với bé T. là thể kháng insulin. Hiện tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng điều trị cho một bệnh nhân đặc biệt, bé P.T.N., sinh năm 2008, ở Hải Phòng. Bé N. nhập viện điều trị một tháng trước đây sau khi có hàng loạt biểu hiện của bệnh nhân đái tháo đường. 

Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện chỉ số đường máu của bé là 9,8mm/lít và Hba1c là 8,7%, tuy nhiên điều lạ là chưa xác định được rõ ràng bé N. mắc đái tháo đường type 1 hay type 2, nên mẫu xét nghiệm của bé đang được chuyển đến khoa hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai, chờ chuyên gia Mỹ đến VN thăm khám và hỗ trợ.

TS Hóa cho biết trước đây do chưa định lượng được nồng độ insulin và C- peptid, bệnh nhân đái tháo đường dưới 40 tuổi được xem là đái tháo đường type 1, trên 40 tuổi là đái tháo đường type 2. Song hiện nay đã định lượng được hai chỉ số này và việc xác định type bệnh rất dễ dàng. Nhưng có một thực tế là số lượng bệnh nhân đái tháo đường type 2 ở lứa tuổi trẻ đang ngày càng gia tăng rất nhanh.

Phòng bệnh thế nào?

TS Hóa cũng nói thêm khác với những trẻ em ở nhóm có nguy cơ mắc đái tháo đường cao, như có người thân mắc bệnh, trọng lượng sơ sinh trên 4kg, trẻ mập mạp quá mức, thì bé N. có trọng lượng khi sinh chỉ 2,8kg, trước khi nhập viện bé nặng 13kg (sau khi sút 2kg trong một tháng), gia đình bé không ai mắc đái tháo đường. TS Hóa cho rằng còn có những căn nguyên do gen và các yếu tố khác.

Tuy nhiên, TS Hóa khuyến cáo rất nên quản lý thai kỳ, không để thai phát triển quá mức, trọng lượng trẻ sơ sinh từ 3,8-4kg trở lên là nguy cơ cao cả với mẹ và bé. Theo ông Anil Kupur - giám đốc Quỹ Phòng chống đái tháo đường thế giới, chỉ có 6% bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới đạt mục tiêu điều trị, do sau khi mắc bệnh họ vẫn chưa tuân thủ điều trị. 

Tại VN, TS Hóa cho rằng tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường đến viện muộn, nhất là khi có biến chứng mắt, bàn chân, thận... mới đến bệnh viện rất cao. Quản lý thai kỳ, phòng bệnh sớm bằng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên... đang được coi là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

LAN ANH

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Khí thải động cơ gây ung thư

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cho biết khí thải từ động cơ diesel gây ra ung thư phổi và có thể gây ra các khối u trong bàng quang. 

Đây là kết luận được đưa ra sau khi chuyên gia của WHO nghiên cứu trên các công nhân có nguy cơ cao làm trong các ngành mỏ, đường sắt và lái xe.

Các chuyên gia của WHO khuyến cáo mọi người nên tránh hít phải khí thải động cơ diesel.
Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) trước đó nhận định khí thải diesel có thể gây ung thư cho người. Đến nay, IARC chính thức xác nhận nghi ngờ này là đúng sự thật.

Tiến sĩ Christopher Portier, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết dựa theo kết quả, loại khí thải này cần phải được giảm trên toàn cầu để tránh gây thiệt hại sức khỏe con người. 

Theo IARC, con người rất dễ hít phải khí thải từ động cơ diesel trong môi trường sống hằng ngày, từ các loại ôtô, động cơ khác như xe lửa, tàu thuyền hay các máy phát điện chạy bằng động cơ diesel. 
TTO

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Miếng dán thải độc có giải được độc?


“Chỉ cần dán vào lòng bàn chân là các chất độc trong cơ thể được hút ra ngoài, từ đó có tác dụng chữa bệnh”. Những miếng dán thải độc trên thị trường với nhiều nhãn hiệu khác nhau được quảng cáo như thế.
Những miếng dán như thế này được quảng cáo là hút hết chất độc từ cơ thể qua lòng bàn chân - Ảnh: Ngọc Nga
Những miếng dán thải độc hiện nay trên thị trường được quảng cáo “là một giải pháp khoa học thú vị để thải độc tố trong cơ thể”.
Chỉ cần dán là... khỏe?
Hầu hết sản phẩm miếng dán thải độc đều đưa ra lý thuyết: “Chăm sóc bàn chân cũng là chăm sóc sức khỏe cho toàn thân”. Vì vậy muốn chữa hết bệnh cần “hút chất độc ra khỏi người qua gan bàn chân. Những miếng dán thải độc sẽ tác động lên các huyệt đạo ở bàn chân, từ đó hút hết các chất độc từ cơ thể. Sau 8 tiếng dán vào lòng gan bàn chân miếng dán sẽ chuyển qua màu đen, điều đó chứng tỏ chất độc đã được miếng dán hút ra”.
Thậm chí có loại miếng dán thải độc còn đưa ra những quảng cáo chi tiết: “Nếu có bệnh về gan thì miếng dán chuyển qua màu xanh lá cây, bệnh về tim và ruột non chuyển qua màu đỏ, bệnh về lá lách, dạ dày sẽ chuyển qua màu vàng, bệnh về phổi, ruột già chuyển qua màu trắng, bệnh về thận, bàng quang chuyển qua màu đen...”.
Các miếng dán này được quảng cáo có công dụng với hầu hết các bệnh: đái tháo đường, ung thư, tai biến mạch máu não, đau khớp, bệnh ngoài da, hen và thậm chí cả động kinh... Trong hội nghị bán hàng sản phẩm miếng dán K, người thuyết trình còn rao: “K là sản phẩm chăm sóc sức khỏe rất độc đáo ở chỗ không cần ăn, không cần uống, chỉ cần dán bên ngoài thông các huyệt đạo làm tinh sạch máu và các cơ quan nội tạng, nâng cao quá trình trao đổi chất, sức đề kháng...”!
“Chưa được chứng minh”
Những miếng dán thải độc này quảng cáo là được các cơ quan như SIRIM Malaysia, PSB Singapore, FDA Hoa Kỳ chứng nhận chất lượng nhưng chưa nhãn hiệu nào quảng cáo là có giấy phép của cơ quan y tế.
Lời lẽ quảng cáo của các loại miếng dán này nghe rất kêu, sử dụng tiện lợi nhưng hiệu quả vẫn còn là ẩn số. Bà N.T.M.D. (Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương) bị bệnh mề đay mãn tính, uống nhiều loại thuốc vẫn không chữa dứt bệnh. Sau khi được tiếp thị, bà D. liền mua một hộp miếng dán thải độc giá 800.000 đồng. Dùng hết một hộp (10 miếng) bà D. vẫn thấy căn bệnh mề đay không thuyên giảm. Thậm chí những cơn ngứa còn xảy ra dày đặc hơn do trong thời gian sử dụng miếng dán bà D. không uống thuốc bác sĩ đã kê.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Năm, phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc, trong y học cổ truyền chưa có bằng chứng nào công nhận chất độc từ cơ thể có thể đi qua lòng bàn chân ra ngoài. Lòng bàn chân đúng là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, là nơi thể hiện các loại bệnh lý nên trong y học cổ truyền thường có những phương pháp tác động lên gan bàn chân như: day ấn, xoa bóp, bấm huyệt, dùng từ trường... để góp phần chữa bệnh.
Về việc đổi màu của miếng dán, theo bác sĩ Năm, có thể là kết quả của phản ứng giữa mồ hôi vùng da đó bị bít hơi một thời gian dài và một thành phần nào đó của miếng dán chứ không có chuyện chất độc của cơ thể làm miếng dán đổi màu. “Có thể một số người sau khi dùng miếng dán cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm hơn nhưng đó là do tác động của tâm lý người bệnh, còn về tác dụng thực tế vẫn chưa được chứng minh” - bác sĩ Năm cho biết.
Việc sử dụng miếng dán thải độc, bác sĩ Năm khuyên người dùng nên cẩn trọng với những sản phẩm chưa được kiểm định và có nguồn gốc không rõ ràng. Không được nghe theo quảng cáo mà bỏ những loại thuốc đặc trị khiến bệnh tình có biến chứng nặng nề hơn.
NGỌC NGA
Chưa đăng ký tại Cục Quản lý dược
Ngày 31-5, một lãnh đạo Cục Quản lý dược cho hay qua kiểm tra ban đầu, đến nay chưa có sản phẩm miếng dán giải độc nào đăng ký lưu hành tại Cục Quản lý dược. Theo cơ quan chức năng, đã là miếng dán giải độc thì không thể không đăng ký lưu hành tại cơ quan quản lý dược, tuy nhiên còn phải xem thành phần, cơ chế giải độc, tác dụng dược lý... của sản phẩm, để xem sản phẩm thuộc loại nào trước khi đăng ký lưu hành.
Giám đốc Bệnh viện Châm cứu T.Ư Nghiêm Hữu Thành cho biết đã thấy một số người quen sử dụng miếng dán giải độc, và “theo họ thì cũng có tác dụng nhất định”- ông Thành cho biết. Tuy nhiên không nên dùng liên tục, vì sản phẩm này có tính mài mòn da ghê gớm, có trường hợp khi bóc miếng dán ra đã bị xé rách cả mảng da.
TTO

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Đài Loan mang lại gương mặt trẻ cho chị Mai

Các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Y khoa Trung Hoa của Đài Loan (CMUH) đã bước đầu chữa trị thành công cho cô gái 28 tuổi người Quảng Nam tên Nguyễn Thị Ngọc Mai, bị mắc chứng bệnh lão hóa sớm hiếm thấy.

Nguyễn Thị Ngọc Mai (giữa) cùng em trai và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Trần Hồng Cơ (bìa trái), sau khi được điều trị ở Đài Bắc - Ảnh: AFP
Theo Đài phát thanh Đài Loan, 40 y bác sĩ của CMUH đã nhận trách nhiệm chữa trị cho cô. Theo các chuyên gia này, bệnh tình của cô rất phức tạp do bị nhiều biến chứng phức tạp từ hội chứng Werner như đau u nội tiết, xơ hóa phổi và teo mạch máu.
Nguyễn Thị Ngọc Mai với gương mặt bị lão hóa sớm trước khi đến Đài Loan - Ảnh: AFP
Suốt một tháng qua, cô đã phải trải qua nhiều đợt chữa trị khác nhau và một đợt phẫu thuật sọ phức tạp cùng nhiều giai đoạn phẫu thuật thẩm mỹ để phục hồi cấu trúc da bên ngoài. Hiện chứng teo mạch máu của cô đã giảm rất nhiều, còn chức năng phổi cơ bản được cải thiện. Cô có thể bước đi trong giới hạn cho phép mà không còn sợ bị ngất như trước.
Giáo sư Trần Hồng Cơ, thuộc Trung tâm dịch vụ y khoa quốc tế của CMUH cho biết dù gương mặt của cô vẫn còn phù nề do phẫu thuật thẩm mỹ, song cô đã có thể mỉm cười và trả lời trong cuộc họp báo ngày 11-5 vừa qua. “Tôi như được tái sinh, lần sinh thứ nhất là do cha mẹ sinh ra, lần sinh thứ hai là ngày tôi đến Đài Loan, nơi cho tôi những hi vọng mới”- cô nói.
Theo các bác sĩ ở CMUH, Mai đã bị “lão hóa sớm” khi mới 10 tuổi, nhưng gia đình không thể chạy chữa vì quá nghèo. Đến trên 20 tuổi, hiện tượng lão hóa diễn ra càng lúc càng nhanh và khoảng 26 tuổi cô đã có gương mặt của một bà lão 70 tuổi, đi lại khó khăn và mắc bệnh khó thở. Sau đợt chữa trị lần này, tình trạng của cô có thể được cải thiện thêm và cô cần phải tránh ánh nắng trong một thời gian.
Mai đã sang Đài Loan từ cuối tháng 3-2012, dưới sự giúp đỡ của văn phòng đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Đài Loan tại TP.HCM và được chữa trị miễn phí.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Phẫu thuật điều trị Parkinson

Lần đầu tiên ở nước ta, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ phẫu thuật 2 ca bệnh Parkinson trong ngày 11 và 12-4. Thông tin này mang lại niềm vui cho những người mắc căn bệnh khổ sở này
Theo PGS-TS-BS Võ Văn Nho, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, bệnh Parkinson là tình trạng hệ thống thần kinh bị trục trặc theo tuổi tác gây ảnh hưởng đến khả năng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân.
Người mắc bệnh này sẽ bị run tay, run chân và thường xuất hiện ở người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, hiện nhiều người trẻ khoảng 30 tuổi cũng mắc bệnh này.

Cấy điện cực lên não bộ

Lâu nay, bệnh nhân Parkinson thường được điều trị nội khoa, thời gian uống thuốc có thể phải kéo dài suốt đời. Những bệnh nhân Parkinson giai đoạn nặng với nhiều dạng rối loạn vận động, nếu có điều kiện thì đi phẫu thuật điều trị ở nước ngoài với chi phí hàng trăm ngàn USD/ca. Ở nước ta, từ trước đến nay chưa có cơ sở y tế nào thực hiện phẫu thuật để điều trị bệnh này vì ngoài chi phí đầu tư khá lớn còn đòi hỏi chuyên môn của bác sĩ phải đáp ứng.


Các chuyên gia phẫu thuật của Pháp và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hội ý trong một hoạt động hợp tác về điều trị

TS-BS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (TPHCM), cho biết 2 trường hợp sắp được BV phẫu thuật mắc bệnh Parkinson rất nặng, mất kiểm soát các hoạt động chân tay và đã điều trị theo phương pháp nội khoa lâu nay nhưng thất bại. Cả hai bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật can thiệp bằng kỹ thuật cấy điện cực vào não lần đầu tiên triển khai ở nước ta.

Bác sĩ Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, giải thích bệnh nhân sẽ được cấy một hoặc hai điện cực và máy kích thích lâu dài vào cơ thể đồng thời đặt dưới da lồng ngực một máy xung điện. Hai hệ thống này nối với nhau bằng hai dây dẫn cấy dưới da đầu và cổ vai. Khi xung điện tạo ra, não bộ sẽ hoạt động lại bình thường.

Các thiết bị nói trên chạy bằng pin, thường 3 năm phải thay một lần, chúng có khả năng ức chế các bất thường của não. Khi máy vận hành, người bệnh linh hoạt trở lại; sự rối loạn vận động, run cứng hầu như biến mất. Các thống kê y văn cho thấy 70% - 80% bệnh nhân sau khi áp dụng kỹ thuật này đã trở lại sinh hoạt bình thường, 30% giảm bớt triệu chứng.

Ấp ủ gần 10 năm

Bác sĩ Hùng cho biết việc triển khai phẫu thuật bệnh Parkinson là chương trình của tập thể y - bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương ấp ủ gần 10 năm qua. BV đã đưa người đi đào tạo chuyên môn tại Pháp, đầu tư mua sắm hệ thống trang thiết bị hiện đại như phòng mổ, chẩn đoán hình ảnh, khung CRW và phần mềm phẫu thuật, hệ thống Leadpoint, hệ thống đẩy điện cực trong phẫu thuật, hệ thống C-arm, khung cố định đầu (Mayfield), hệ thống tích hợp chụp MSCT với khung CRW…

Ở lần đầu tiên triển khai phẫu thuật Parkinson này, BV Nguyễn Tri Phương được sự hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia phẫu thuật thần kinh của Viện trường Nantes (Pháp). Hiện tất cả các bước chuẩn bị về chuyên môn cho 2 ca phẫu thuật đặc biệt này đã hoàn tất, BV đã sẵn sàng đầy đủ về nhân, vật lực, trang thiết bị.

Ngày 8-4, đoàn chuyên gia phẫu thuật của Pháp, do GS Jean Paul Nguyen dẫn đầu, cùng các thành viên đến TPHCM. Ngày 9 và 10-4, đoàn làm việc với lãnh đạo BV Nguyễn Tri Phương, kiểm tra và vận hành thử các phương tiện phục vụ phẫu thuật, thăm khám bệnh nhân lần cuối để trong hai ngày 11 và 12-4 sẽ phẫu thuật cho 2 ca bệnh Parkinson nói trên.

PGS-TS–BS Võ Văn Nho đánh giá đây là bước phát triển của y học nước nhà trong lĩnh vực điều trị các bệnh về thần kinh và mở ra nhiều triển vọng mới vì người mắc bệnh này đang tăng cao nhưng hầu hết bệnh nhân không đủ tiền để đi điều trị ở nước ngoài.

Trung Quốc truy tố 5 người bán thận mua iPhone

Năm công dân Trung Quốc liên quan đến vụ một thiếu niên gốc An Huy, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, bán thận để có tiền sắm iPhone và iPad sẽ bị truy tố với tội cố ý gây thương tích và buôn bán nội tạng trái phép.

Một thanh niên sử dụng iPad khi đi tàu điện ngầm ở Thượng Hải -Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, năm người bị bắt gồm một bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy một quả thận của cậu bé họ Vương, 17 tuổi, hồi tháng 4-2011 tại tỉnh Hồ Nam. Tuy nhiên do còn nhiều kẻ tình nghi trong đường dây mua bán nội tạng này nên cảnh sát mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ.

Kẻ chủ mưu Hà Vĩ đã dụ Vương bán thận khi biết cậu đang cần tiền mua iPhone và iPad. Hà Vĩ nhận 220.000 NDT (35.000 USD) để sắp xếp cuộc bán thận và chung chi tiền cho bốn bị cáo còn lại. Vương chỉ được nhận khoản tiền 22.000 NDT (3.500 USD). Hiện Vương đang bị suy thận nặng và sức khỏe rất yếu.

Trung Quốc đã cấm mua bán nội tạng người từ năm 2007. Bộ Y tế Trung Quốc thống kê mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người dân cần ghép nội tạng, tuy nhiên chỉ có 10.000 ca được thực hiện. Phần lớn những người có điều kiện đều mua nội tạng ở chợ đen.

Các sản phẩm của Apple rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Giá một chiếc iPhone rẻ nhất là 633 USD, iPad 474 USD. Do đó không phải ai, nhất là thiếu niên, cũng có thể mua được.

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Lê, táo để 2 tháng vẫn tươi

Đó là trái cây chưng tết của gia đình chị Sông Ngân ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM). Theo chị Ngân, những loại trái cây này chị mua trước Tết Nguyên đán 2012.

Sau khi chưng xong, chị không bỏ vào tủ lạnh nhưng đến nay trái cây vẫn tươi nguyên nên gia đình chị không dám ăn.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, một cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết hiện nay có nhiều phương pháp để giữ trái cây tươi lâu. Trong đó, cách phủ màng sinh học là hữu hiệu và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu lê, táo để ngoài môi trường bình thường mà không được bảo quản đúng cách thì chỉ tươi và có thể sử dụng được trong vòng một tuần.

“Trường hợp trên có thể sử dụng chất bảo quản hoặc màng bảo vệ sinh học để giữ trái cây được tươi lâu. Tuy nhiên phải có mẫu cụ thể và qua quá trình xét nghiệm mới đưa ra kết luận chính xác” - vị này nói.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Thử nghiệm vắcxin phòng chống AIDS mới ở người

Các chuyên gia công nghệ sinh học hàng đầu của Cuba cho biết họ đã thử nghiệm thành công một loại vắcxin phòng chống AIDS trên chuột và sẵn sàng tiến hành thử nghiệm trên người, theo AFP.

Các nhân viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở Havana - Ảnh: AFP

Tại hội nghị công nghệ sinh học quốc tế ở Havana ngày 5-3, ông Enrique Iglesias, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Vắcxin phòng chống AIDS được thử nghiệm thành công trên chuột và chúng tôi đang chuẩn bị giai đoạn thử nghiệm với bệnh nhân HIV dương tính nhưng không phải ở giai đoạn cuối”.

Nhóm nghiên cứu điều chế vắcxin Teravac-HIV-1 từ các loại protein tái tổ hợp để “gây ra phản ứng trong các tế bào chống lại virút HIV”.

“Đến nay đã có hơn 100 thử nghiệm vắcxin trên bệnh nhân HIV bị thất bại ở Cuba và các quốc gia khác” - theo ông Iglesias, thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học và di truyền học Cuba.

Cuba chi hơn 200 triệu USD/năm cho các chương trình tuyên truyền và phòng chống HIV/AIDS, bao gồm các chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân HIV/AIDS.

Hơn 600 nhà khoa học từ 38 quốc gia đến tham dự hội thảo công nghệ sinh học quốc tế ở Havana, Cuba ngày 5-3.

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

10 thành tựu ngành y tế TP HCM

Dùng tế bào gốc điều trị huyết học, kỹ thuật sinh học trong chẩn đoán phôi thai, ghép gan bệnh nhi, lọc máu liên tục trong cấp cứu... là thành tựu tiêu biểu của ngành y tế TP HCM trong những năm qua.

Ứng dụng y khoa đầu tiên được Sở Y tế TP HCM nêu danh nhân kỷ niệm 57 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai. Thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, đây được xem là thành tựu mang tính tiên phong trong việc hạn chế trẻ sơ sinh bất thường, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Với thành công trình này, khoa Xét nghiệm di truyền y học Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã triển khai thành công và đưa vào thực hiện chẩn đoán bệnh thalassemia bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Kỹ thuật QF-PCR được ứng dụng vào việc chẩn đoán hội chứng Down và các bất thường về số lượng nhiễm sắc thể; triển khai các chẩn đoán di truyền cho các bệnh phổ biến khác như bệnh Hemophilia, giải trình tự DNA, chẩn đoán đột biến gen AZF gây hiếm muộn, chẩn đoán nhiễm CMV và Rubella thai kỳ.

Phương pháp lọc máu liên tục của Bệnh viện Nhi Đồng cứu sống nhiều trường hợp trước đó thường tử vong. Ảnh: Thiên Chương

Ứng dụng thứ hai là dùng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý huyết học tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học.

Ca ghép tủy xương đầu tiên của Việt Nam được Bệnh viện Truyền máu huyết học thực hiện vào tháng 7/1995 và thực hiện truyền tế bào gốc máu ngoại vi lần đầu từ tháng 10/1997. Sau đó, cũng chính Bệnh Viện Truyền máu và Huyết học TPHCM đã tiến hành ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn đầu tiên ở Việt Nam.

Hiện tại, trong kỹ thuật cấy ghép, Bệnh viện Truyền máu huyết học có 3 loại sản phẩm ứng dụng tế bào gốc từ tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi và tế bào gốc từ máu cuống rốn. Bệnh viện đã thực hiện thành công trên 100 ca cấy ghép, trong đó gần một nửa là ở trẻ em, và chuyển giao thành công kỹ thuật này cho một số bệnh viện trong nước.

Ứng dụng thứ ba là kỹ thuật tiêu sợi huyết kết hợp lấy cục huyết khối bằng dụng cụ cơ học trong điều trị đột quỵ, can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Nhân dân 115. Kỹ thuật này đã mở ra triển vọng rất lớn cho người bệnh, giúp bệnh nhân có nhiều khả năng hồi phục gần như hoàn toàn, giảm được gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.

Công trình ứng dụng thứ tư là nghiên cứu triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục cho các bệnh nhân tay chân miệng có suy đa tạng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ứng dụng được xem như một phát kiến mà ít quốc qua nào trong khu vực Đông Nam Á thực hiện.

Nghiên cứu nguyên nhân tử vong do bệnh tay chân miệng và dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu của thế giới, nhóm y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định bệnh tay chân miệng làm cho cơ thể tiết ra các hóa chất trung gian trong máu khiến bệnh nặng hơn. Từ đó, bệnh viện đã áp dụng phương pháp lọc máu liên tục, một kỹ thuật hồi sức hiện đại, tích cực trong các trường hợp bệnh tay chân miệng có biến chứng suy đa cơ quan.

Kết quả cho thấy, phương pháp này đã cứu sống được nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 4 trước đây thường tử vong.

Triển khai thành công kỹ thuật ghép gan trên trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng được tính như một nét son của ngành y tế TP HCM.

Ghép gan là một trong những kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chuẩn bị đào tạo nhân sự và đầu tư trang thiết bị ngay từ thập niên 90 để có thể thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên vào tháng 12/2005.

Hiện đây là đơn vị duy nhất của các tỉnh phía Nam có thể thực hiện ghép gan, tính đến nay Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện được 7 ca ghép gan cho trẻ em, chiếm phân nửa số ca ghép gan trong cả nước. Trong đó, có một trường hợp ghép gan cho trẻ nhẹ cân nhất (6 kg), khó khăn và phức tạp mà y văn thế giới đã ghi nhận.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Thiên Chương

Ứng dụng thứ sáu kỹ thuật sinh học phân tử trong hoạt động giám định tại Trung tâm Pháp y TP HCM.

Việc phát triển chuyên sâu về sinh học phân tử trong nhiều năm trở lại đây đã đáp ứng tốt hầu hết các yêu cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục, dấu vết sinh học, xác định quan hệ huyết thống (bao gồm xác định hài cốt liệt sĩ) và bước đầu triển khai ứng dụng phục vụ cho lâm sàng như định lượng vi rút viêm gan B. Từ thành tựu này, giám định pháp y TP HCM đã giúp cho ngành tư pháp xác định được những chứng cứ quan trọng, chính xác và khoa học, đồng thời cũng hỗ trợ cho hệ điều trị truy tìm các nguồn gốc của bệnh từ gene.

Thành tựu thứ sáu là việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh tạo xương bất toàn (bệnh xương thủy tinh) tại Viện Y Dược học dân tộc.

Xương thủy tinh là bệnh lý xương hiếm gặp, có tính di truyền mà nguyên nhân là do tổn thương các sợi collagen của xương làm cho xương rất giòn và dễ gãy sau một va chạm nhẹ. Hiện bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Nghiên cứu sử dụng kết hợp điều trị đông y và tây y của Viện Y dược học dân tộc qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu sử dụng bài thuốc y học cổ truyền kết hợp cao xương cá sấu để tăng mật độ xương, giảm đau, phòng ngừa biến dạng xương. Giai đoạn 2 phẫu thuật chỉnh hình xương giúp cho các cháu phục hồi chức năng, đi lại được dễ dàng hơn.

Ứng dụng công nghệ gene sản xuất thành công nguyên liệu và thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C tại Công ty Sinh học Dược Nanogen là thành tựu thứ 8 được kể đến. Đây được xem là điểm nhấn trong chương trình “Người Việt dùng thuốc Việt”.

Trước đây, khi bị viêm gan siêu vi B hay C người bệnh phải trả một chi phí rất đắt để điều trị. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, thuốc của Nanogen đã được chứng minh có hiệu quả tốt với giá cả phù hợp với người Việt Nam. Công ty đang có kế hoạch nghiên cứu đưa ra thị trường thuốc điều trị viêm gan B, C kháng thuốc và thuốc điều trị ung thư bằng cách sử dụng kháng thể đơn dòng tái tổ hợp.

Kiểm soát hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS là thành tựu thứ 9 của ngành y tế TP HCM. Hơn 20 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều chương trình phòng chống HIV/AIDS tại thành phố đạt được thành tích khả quan, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV.

Các chương trình được đánh giá cao về mặt hiệu quả là Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và tham vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.

Cuối cùng là việc kiểm soát an toàn thực phẩm hiệu quả và hạ thấp số vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngành y tế TP HCM đánh giá công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố từng bước đã được cải thiện, góp phần ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng. Thành phố khống chế không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm truyền qua thực phẩm như tả, cúm A/H5N1 và hạ thấp số vụ ngộ độc thực phẩm qua từng năm.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Đậu que bị “cấm cửa” tại các trường Bắc Kinh

Giới chức y tế Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa ra thông báo cấm tất cả các trường học trong thành phố phục vụ bữa ăn có đậu que cho học sinh nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Giới chức y tế Bắc Kinh đã quyết định "cấm cửa" đậu que tại các trường học để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm - Ảnh: foodnut.com

Tờ Beijing Morning Post ra ngày 15-2 cho biết lệnh cấm áp dụng cho tất cả căngtin tại các trường học ở Bắc Kinh, gồm cả trường đại học, trung học và tiểu học.

Trong buổi làm việc với hơn 100 hiệu trưởng của các trường ngày 14-2, Sở Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết lý do trong các vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học ở thành phố thời gian qua, phần lớn do đậu que không được nấu chín, khiến hàng trăm học sinh bị ngộ độc và ốm.

Cũng theo sở này, các hiệu trưởng sẽ là “người chịu trách nhiệm trước tiên” nếu xảy ra các sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, học sinh và người giám hộ của các em sẽ được mời kiểm tra và giám sát các căngtin trường học. Các quầy thức ăn nhanh ở trường cũng sẽ được giám sát an toàn thực phẩm.

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Đua nhau sinh con năm rồng, vui hay lo?

Rồng là con vật duy nhất không có thật trong số 12 con giáp của người phương Đông. Người ta quan niệm sinh con năm rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả gia đình.

Người châu Á tin rằng rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng - Ảnh: Koreatimes

Cassandra Cheong, một sản phụ ở Singapore, rất tự hào khi sắp trở thành mẹ của một đứa bé tuổi rồng. Bà mẹ trẻ 26 tuổi này dự kiến sẽ hạ sinh cô con gái vào ngày 23-1, đúng dịp đầu năm Nhâm Thìn. Không riêng gì cô Cheong, cả gia đình và những người người lớn tuổi trong dòng họ cũng rất vui mừng khi cô sinh một đứa cháu tuổi rồng.

Cơn sốt sinh con năm rồng

Rồng được xem là con vật linh thiêng nhất trong lịch của người châu Á, là biểu trưng cho quyền lực của bậc vua chúa thời xưa. Do đó, người ta quan niệm sinh con trong năm rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả gia đình. Chính vì thế, trong những năm rồng trước đây, tỉ lệ sinh ở các nước châu Á thường tăng cao.

Các bác sĩ ước tính các cặp đôi muốn sinh con trong năm nay thì phải mang thai trước ngày 2-5 bởi vì năm Nhâm Thìn sẽ kết thúc vào ngày 9-2-2013.

Theo Tân Hoa Xã, các chuyên gia ở Trung Quốc dự báo sẽ có khoảng 20 triệu trẻ sơ sinh sẽ chào đời trong năm rồng, tăng tỉ lệ sinh của nước này lên 5%. Tại Hồng Kông, dự kiến có khoảng 100.000 ca sinh vào năm 2012.

Tại Đài Loan, tỉ lệ sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng tăng cao. Các bác sĩ cho biết thực tế xu hướng sinh con năm rồng đã bắt đầu từ cách đây 3-4 tháng.

Tại Singapore, năm rồng lại được xem là cứu tinh cho tình trạng sụt giảm tỉ lệ sinh ở đất nước này. Lịch sử cho thấy khoảng 10% dân số tại Singapore được sinh ra trong hai năm rồng 1988 và 2000.

Giáo sư môn xã hội học Shirley Sun của Trường ĐH Nangyang cho biết: “Tâm lý thích sinh con trong năm rồng sẽ giúp gia tăng dân số. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng sụt giảm bắt buộc chính phủ Singapore phải có những kế hoạch dài hạn, không thể phụ thuộc vào cân chi trong âm lịch”.

Các chuyên gia cũng dự báo rằng sau năm Nhâm Thìn, tỉ lệ sinh có thể sẽ giảm vào năm 2013, năm con rắn.

Niềm vui và nỗi lo

Việc chạy đua sinh con tuổi rồng đã mang lại cơ hội kinh doanh cho các hãng sản xuất sản phẩm cho trẻ em và dịch vụ chăm sóc các bà mẹ. Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International có trụ sở tại London dự đoán doanh số tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ tăng 17% trong năm nay. Các bệnh viện tư cũng bắt đầu chương trình khuyến mãi nhằm thu hút các sản phụ.

Cô Austin Tseng, 32 tuổi, đang siêu âm chú “rồng con” của mình tại một bệnh viện ở Đài Loan - Ảnh chụp ngày 18-1 - Ảnh: AP

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Tại Hongkong, dù chỉ mới bước sang năm mới nhưng các bệnh viện đều kín lịch đăng ký sinh con cho đến hết năm trong khi thông thường các bà mẹ chỉ đăng kí sinh trước 3-4 tháng. Các y tá chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh cũng vừa được tăng lương vì họ sẽ phải làm việc vất vả hơn trong năm nay.

Các bà mẹ ở Trung Quốc đại lục cố gắng sinh con tại Hongkong để con họ có thể hưởng các quyền lợi về chăm sóc y tế cũng như giáo dục. Điều này dẫn đến cuộc biểu tình của hơn 1.500 phụ nữ Hongkong vào tuần trước vì không chịu được sự cạnh tranh về chỗ trong bệnh viện, các dịch vụ chăm sóc, sự giáo dục cho trẻ em…

Mặc khác, “vấn đề này có thể sẽ gây khó khăn trong việc xin vào các trường học, chen chân trong kỳ thi hoặc xin việc làm bởi nhiều người tuổi rồng nghĩa là tỷ lệ cạnh tranh sẽ nhiều hơn” - giáo sư Tong Yuying, khoa xã hội học của Trường ĐH Hongkong, cho biết.

Các chuyên gia cho biết cuộc chạy đua sinh con tuổi rồng đã bắt đầu từ 3-4 tháng trước - Ảnh: Japantoday

Alicia Loo, một bà mẹ Trung Quốc gốc Malaysia có con tuổi rồng, cho biết: “Đây là một phước lành nhưng cũng gây ra nhiều trở ngại. Sắp tới, con trai tôi sẽ bước vào bậc trung học nhưng thật khó vì sự cạnh tranh vào các trường danh tiếng rất cao”.

Cuộc đua vào trường danh tiếng giữa những học sinh tuổi rồng cũng xảy ra tương tự ở Đài Loan. Giáo sư Chen Shee Uan, bệnh viện đại học quốc gia Đài Loan nhận xét: “Sự cạnh tranh giữa những đứa trẻ sinh năm rồng nhất định sẽ khốc liệt hơn”.