Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

10 thành tựu ngành y tế TP HCM

Dùng tế bào gốc điều trị huyết học, kỹ thuật sinh học trong chẩn đoán phôi thai, ghép gan bệnh nhi, lọc máu liên tục trong cấp cứu... là thành tựu tiêu biểu của ngành y tế TP HCM trong những năm qua.

Ứng dụng y khoa đầu tiên được Sở Y tế TP HCM nêu danh nhân kỷ niệm 57 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai. Thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, đây được xem là thành tựu mang tính tiên phong trong việc hạn chế trẻ sơ sinh bất thường, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Với thành công trình này, khoa Xét nghiệm di truyền y học Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã triển khai thành công và đưa vào thực hiện chẩn đoán bệnh thalassemia bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Kỹ thuật QF-PCR được ứng dụng vào việc chẩn đoán hội chứng Down và các bất thường về số lượng nhiễm sắc thể; triển khai các chẩn đoán di truyền cho các bệnh phổ biến khác như bệnh Hemophilia, giải trình tự DNA, chẩn đoán đột biến gen AZF gây hiếm muộn, chẩn đoán nhiễm CMV và Rubella thai kỳ.

Phương pháp lọc máu liên tục của Bệnh viện Nhi Đồng cứu sống nhiều trường hợp trước đó thường tử vong. Ảnh: Thiên Chương

Ứng dụng thứ hai là dùng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý huyết học tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học.

Ca ghép tủy xương đầu tiên của Việt Nam được Bệnh viện Truyền máu huyết học thực hiện vào tháng 7/1995 và thực hiện truyền tế bào gốc máu ngoại vi lần đầu từ tháng 10/1997. Sau đó, cũng chính Bệnh Viện Truyền máu và Huyết học TPHCM đã tiến hành ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn đầu tiên ở Việt Nam.

Hiện tại, trong kỹ thuật cấy ghép, Bệnh viện Truyền máu huyết học có 3 loại sản phẩm ứng dụng tế bào gốc từ tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi và tế bào gốc từ máu cuống rốn. Bệnh viện đã thực hiện thành công trên 100 ca cấy ghép, trong đó gần một nửa là ở trẻ em, và chuyển giao thành công kỹ thuật này cho một số bệnh viện trong nước.

Ứng dụng thứ ba là kỹ thuật tiêu sợi huyết kết hợp lấy cục huyết khối bằng dụng cụ cơ học trong điều trị đột quỵ, can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Nhân dân 115. Kỹ thuật này đã mở ra triển vọng rất lớn cho người bệnh, giúp bệnh nhân có nhiều khả năng hồi phục gần như hoàn toàn, giảm được gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.

Công trình ứng dụng thứ tư là nghiên cứu triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục cho các bệnh nhân tay chân miệng có suy đa tạng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ứng dụng được xem như một phát kiến mà ít quốc qua nào trong khu vực Đông Nam Á thực hiện.

Nghiên cứu nguyên nhân tử vong do bệnh tay chân miệng và dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu của thế giới, nhóm y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định bệnh tay chân miệng làm cho cơ thể tiết ra các hóa chất trung gian trong máu khiến bệnh nặng hơn. Từ đó, bệnh viện đã áp dụng phương pháp lọc máu liên tục, một kỹ thuật hồi sức hiện đại, tích cực trong các trường hợp bệnh tay chân miệng có biến chứng suy đa cơ quan.

Kết quả cho thấy, phương pháp này đã cứu sống được nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 4 trước đây thường tử vong.

Triển khai thành công kỹ thuật ghép gan trên trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng được tính như một nét son của ngành y tế TP HCM.

Ghép gan là một trong những kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chuẩn bị đào tạo nhân sự và đầu tư trang thiết bị ngay từ thập niên 90 để có thể thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên vào tháng 12/2005.

Hiện đây là đơn vị duy nhất của các tỉnh phía Nam có thể thực hiện ghép gan, tính đến nay Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện được 7 ca ghép gan cho trẻ em, chiếm phân nửa số ca ghép gan trong cả nước. Trong đó, có một trường hợp ghép gan cho trẻ nhẹ cân nhất (6 kg), khó khăn và phức tạp mà y văn thế giới đã ghi nhận.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Thiên Chương

Ứng dụng thứ sáu kỹ thuật sinh học phân tử trong hoạt động giám định tại Trung tâm Pháp y TP HCM.

Việc phát triển chuyên sâu về sinh học phân tử trong nhiều năm trở lại đây đã đáp ứng tốt hầu hết các yêu cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục, dấu vết sinh học, xác định quan hệ huyết thống (bao gồm xác định hài cốt liệt sĩ) và bước đầu triển khai ứng dụng phục vụ cho lâm sàng như định lượng vi rút viêm gan B. Từ thành tựu này, giám định pháp y TP HCM đã giúp cho ngành tư pháp xác định được những chứng cứ quan trọng, chính xác và khoa học, đồng thời cũng hỗ trợ cho hệ điều trị truy tìm các nguồn gốc của bệnh từ gene.

Thành tựu thứ sáu là việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh tạo xương bất toàn (bệnh xương thủy tinh) tại Viện Y Dược học dân tộc.

Xương thủy tinh là bệnh lý xương hiếm gặp, có tính di truyền mà nguyên nhân là do tổn thương các sợi collagen của xương làm cho xương rất giòn và dễ gãy sau một va chạm nhẹ. Hiện bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Nghiên cứu sử dụng kết hợp điều trị đông y và tây y của Viện Y dược học dân tộc qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu sử dụng bài thuốc y học cổ truyền kết hợp cao xương cá sấu để tăng mật độ xương, giảm đau, phòng ngừa biến dạng xương. Giai đoạn 2 phẫu thuật chỉnh hình xương giúp cho các cháu phục hồi chức năng, đi lại được dễ dàng hơn.

Ứng dụng công nghệ gene sản xuất thành công nguyên liệu và thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C tại Công ty Sinh học Dược Nanogen là thành tựu thứ 8 được kể đến. Đây được xem là điểm nhấn trong chương trình “Người Việt dùng thuốc Việt”.

Trước đây, khi bị viêm gan siêu vi B hay C người bệnh phải trả một chi phí rất đắt để điều trị. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, thuốc của Nanogen đã được chứng minh có hiệu quả tốt với giá cả phù hợp với người Việt Nam. Công ty đang có kế hoạch nghiên cứu đưa ra thị trường thuốc điều trị viêm gan B, C kháng thuốc và thuốc điều trị ung thư bằng cách sử dụng kháng thể đơn dòng tái tổ hợp.

Kiểm soát hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS là thành tựu thứ 9 của ngành y tế TP HCM. Hơn 20 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều chương trình phòng chống HIV/AIDS tại thành phố đạt được thành tích khả quan, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV.

Các chương trình được đánh giá cao về mặt hiệu quả là Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và tham vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.

Cuối cùng là việc kiểm soát an toàn thực phẩm hiệu quả và hạ thấp số vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngành y tế TP HCM đánh giá công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố từng bước đã được cải thiện, góp phần ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng. Thành phố khống chế không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm truyền qua thực phẩm như tả, cúm A/H5N1 và hạ thấp số vụ ngộ độc thực phẩm qua từng năm.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Đậu que bị “cấm cửa” tại các trường Bắc Kinh

Giới chức y tế Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa ra thông báo cấm tất cả các trường học trong thành phố phục vụ bữa ăn có đậu que cho học sinh nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Giới chức y tế Bắc Kinh đã quyết định "cấm cửa" đậu que tại các trường học để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm - Ảnh: foodnut.com

Tờ Beijing Morning Post ra ngày 15-2 cho biết lệnh cấm áp dụng cho tất cả căngtin tại các trường học ở Bắc Kinh, gồm cả trường đại học, trung học và tiểu học.

Trong buổi làm việc với hơn 100 hiệu trưởng của các trường ngày 14-2, Sở Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết lý do trong các vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học ở thành phố thời gian qua, phần lớn do đậu que không được nấu chín, khiến hàng trăm học sinh bị ngộ độc và ốm.

Cũng theo sở này, các hiệu trưởng sẽ là “người chịu trách nhiệm trước tiên” nếu xảy ra các sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, học sinh và người giám hộ của các em sẽ được mời kiểm tra và giám sát các căngtin trường học. Các quầy thức ăn nhanh ở trường cũng sẽ được giám sát an toàn thực phẩm.