Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Bệnh tay - chân - miệng, chữa thế nào?

(TCM) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do virut đường ruột gây ra, hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là coxsackie virut nhóm A16 (CA16), A10 (CA10) và Enterovirus 71 (EV71).
Biểu hiện nốt phỏng ở lòng bàn chân trong bệnh tay chân miệng
Biểu hiện nốt phỏng ở lòng bàn chân trong bệnh tay chân miệng
Bệnh phần lớn là lành tính và tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, nếu do EV71 thì có thể gây ra các vụ dịch lớn, có thể gây tử vong nhanh chóng cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ. Trong bài này chúng tôi đề cập đến cách theo dõi và xử trí cho bệnh nhân bị TCM do EV71.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh TCM có biểu hiện bệnh cảnh rất khác nhau, có thể không có triệu chứng, có thể sốt nhẹ, phát ban đến thể rất nặng gây tử vong nhanh do biến chứng như phù phổi, suy tuần hoàn, hô hấp với các biểu hiện thần kinh khác nhau.

Nhìn chung đa số là thể nhẹ hay gặp ở cộng đồng. Sau thời gian 2 - 4 ngày nhiễm bệnh trẻ sẽ có các biểu hiện sau: Bệnh thường bắt đầu với sốt 38 - 390C, kém ăn, mệt mỏi, thường đau họng; Sau 1 - 2 ngày sốt thường xuất hiện đau ở miệng, nhìn thấy các vết đỏ rộp lên có thể gây loét. Thương tổn thường thấy ở lưỡi, lợi răng và mặt trong niêm mạc má. Đồng thời xuất hiện các ban đỏ ở da, không ngứa, có thể có mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ở mông.

Những trường hợp có biến chứng nặng về hô hấp, thần kinh phải được theo dõi và điều trị ở bệnh viện.

Chữa trị thế nào?

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị chống EV71, vì vậy việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực nhằm duy trì chức năng sống đối với các trường hợp nặng, đặc biệt có suy tuần hoàn, hô hấp.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị chống virut EV71. Một số nghiên cứu dùng acyclovir là thuốc kháng virut hoặc dùng interferon là một nhóm protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch của hầu hết các động vật nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh như virut, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư. Hiện nay, các chế phẩm interferon gamma chủ yếu được dùng trong các bệnh viêm gan do virut B, C hoặc HIV/AIDS. Còn các loại interferon có khả năng ức chế EV71 vẫn đang được thử nghiệm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương có đưa ra hướng dẫn xử trí bệnh TCM từ năm 2011 như sau:

- Nếu trẻ mới có các dấu hiệu như sốt hoặc bệnh sử có sốt, ban sẩn mụn nước ở tay chân, có thể loét miệng hoặc không. Đây là giai đoạn không có biến chứng có thể điều trị tại nhà các triệu chứng này: dùng paracetamol hạ sốt giảm đau. Uống bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Dùng dung dịch sát khuẩn da như xanhmethylen, milian... và niêm mạc như zytee, kamistad... cho các vết loét. Và hướng dẫn cha mẹ nhận biết các dấu hiệu nguy cơ như sốt cao, li bì, nôn... để đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng chưa có nguy cơ từ 1 - 2 ngày hoặc tới 1 tuần lúc đó bé sẽ hồi phục.
- Nếu trẻ có các dấu hiệu nặng lên cần đưa trẻ tới viện ngay.

Lưu ý: Bệnh TCM là bệnh nhiễm khuẩn do virut đường ruột, nên kháng sinh thông thường không có tác dụng. Các bà mẹ thấy con bị bệnh TCM là dùng ngay kháng sinh mà không biết rằng bệnh TCM do virut nên việc dùng kháng sinh không những không có tác dụng gì đối với bệnh mà chỉ gây hại sức khỏe, làm bệnh nặng lên và tạo nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng rất khó khăn cho việc điều trị bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng.

Phòng ngừa dễ?

Vì chưa có vaccin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là thực hiện vệ sinh tốt được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng:

- Rửa tay đúng và thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn.
- Tránh tiếp xúc (hôn, ôm ấp, dùng chung đồ dùng hoặc cốc chén) với người bệnh TCM.
- Các cơ sở y tế, phòng dịch phải phát hiện và thông báo kịp thời các trường hợp bị bệnh.
BS. Nguyễn Thục Anh - suckhoedoisong

Những rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ

Nhiễm trùng, tụ máu, hoại tử, tử vong... là những nguy cơ mà bệnh nhân phải đối mặt khi quyết định nhờ đến 'dao kéo' để làm đẹp.
 
Phẫu thuật thẩm mỹ cũng giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào đều có rủi ro. Các thủ tục thẩm mỹ có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau, từ kết quả dao kéo không như ý, không tự nhiên, tới để lại sẹo, thậm chí tử vong.

Nhiều người nhầm lẫn cho rằng một số thủ thuật nhỏ không để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng tất cả các ca phẫu thuật, thậm chí là thủ thuật nha khoa đơn giản, cũng có thể để lại biến chứng. Ngoài các rủi ro chung của phẫu thuật, luôn có khả năng phát sinh các vấn đề do gây mê.

3-5535-1400561864.jpg
Thảm họa thẩm mỹ Hàn Quốc, Hang Mioku, biến dạng gương mặt khi kết quả chỉnh sửa không như ý.
Khi tìm kiếm nơi thẩm mỹ, phụ nữ ít khi quan tâm tới chất lượng, tay nghề bác sĩ cũng như cơ sở vật chất mà đôi khi họ lựa chọn vì được giới thiệu hay nghe quảng cáo. 

Những rủi ro trong phẫu thuật thẩm mỹ có thể kể đến:

- Kết quả không như ý: Đây có thể là nỗi sợ hãi lớn nhất của những người tiến hành thẩm mỹ, kết quả cuối cùng không những không cải thiện được ngoại hình mà còn làm tồi tệ thêm.
2-4346-1400561865.jpg
Tori Spelling với vòng một chỉnh sửa bị lỗi.
- Sẹo: Một trong những rủi ro lớn nhất của việc dao kéo làm đẹp chính là sẹo bởi không dễ biết trước được ca phẫu thuật có xảy ra biến chứng gây sẹo hay không. Với một số trường hợp, các bác sĩ có thể xử lý được sẹo. Bệnh nhân có thể làm giảm nguy cơ để lại sẹo bằng cách không hút thuốc và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình phục hồi.

- Tổn hại dây thần kinh: Trong một số trường hợp, dây thần kinh có thể bị hỏng hoặc bị cắt đứt trong bất kỳ thủ thuật thẩm mỹ nào. Hậu quả của loại rủi ro này nhìn thấy rõ nếu đó là một dây thần kinh trên mặt. Khi những dây thần kinh bị tổn thương, nét mặt có thể sẽ trở nên thiếu biểu cảm, mắt hoặc miệng rủ xuống.

- Nhiễm trùng: Tất cả các ca phẫu thuật đều có nguy cơ bị nhiễm trùng. Chăm sóc vết thương và rửa tay thường xuyên có thể giảm thiểu hoặc ngăn chặn nhiễm trùng.

- Tụ máu: Hiện tượng tụ máu sau phẫu thuật là hậu quả của một vùng da nào đó bị sưng và thâm tím. Trong một số trường hợp, biến chứng này khá nhỏ, nhưng nếu máu tụ quá nhiều có thể gây ra đau đớn, thậm chí giảm lưu lượng máu qua khu vực này. Nếu tụ máu quá nghiêm trọng, bác sĩ phẫu thuật sẽ phải loại bỏ chỗ máu tụ bằng ống tiêm hoặc phương pháp khác tương tự.

- Hoại tử: Các mô chết có thể có do phẫu thuật hoặc các vấn đề phát sinh sau thẩm mỹ. Trong hầu hết các trường hợp, hoại tử là biến chứng nhỏ và có thể chữa lành vết thương bằng cách loại bỏ các mô chết tại vết mổ.

- Chảy máu: Với bất cứ thủ thuật nào, chảy máu có thể sẽ xảy ra. Vấn đề này sẽ nghiêm trọng khi máu ra quá nhiều hoặc vẫn tiếp tục chảy sau khi vết thường đã lành. Chảy máu sau phẫu thuật có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân hoạt động quá sớm sau ca thẩm mỹ.

- Tử vong: Mọi ca phẫu thuật đều chứa đựng nguy cơ tử vong, dù tỷ lệ rủi ro là dưới 1%. Trong nhiều trường hợp, điều này xảy ra là do phản ứng với thuốc mê.

4-4242-1400561865.jpg
Bất cứ thủ thuật thẩm mỹ lớn, nhỏ nào cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Tụ dịch: Giống như tụ máu, tụ dịch là hiện tượng các chất lỏng bạch huyết tập trung xung quanh chỗ bị thương. Nếu lượng chất lỏng tích tụ lớn, các bác sĩ có thể chọn làm giảm túi dịch bằng cách loại bỏ chất lỏng với một ống tiêm.
- Máu đông: Không chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, máu đông là một nguy cơ thường gặp ở hầu hết các thủ tục. Cục máu đông không đe dọa tính mạng, trừ khi nó di chuyển thông qua các tĩnh mạch về phía tim và phổi.
- Các vấn đề gây mê: Hầu hết các bệnh nhận có thể chịu được biện pháp gây mê. Tuy nhiên, các biến chứng liên quan đến gây mê là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nguy cơ là rất nhỏ nhưng vẫn có và đó là lý do vì sao bệnh nhân cần lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện thẩm mỹ.
Giảm rủi ro của phẫu thuật thẩm mỹ
Giống như các ca phẫu thuật khác, bệnh nhân có thể giảm nguy cơ gặp các biến chứng bằng cách lựa chọn bác sĩ có tay nghề và cơ sở thẩm mỹ có uy tín. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như bỏ thuốc lá, là rất quan trọng trước khi phẫu thuật. Những người không hút thuốc nhanh lành vết thương và để lại sẹo nhỏ sau phẫu thuật.
Một số bác sĩ thẩm mỹ có thể từ chối phẫu thuật cho người hút thuốc bởi kết quả cuối cùng có thể không tốt.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống khỏe mạnh trước và sau khi phẫu thuật có thể tăng tốc độ chữa lành vết thương và cải thiện tình trạng đóng vết mổ, do đó cũng giảm thiểu sẹo.
Thùy Liên - VNE