Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

Cậu bé di tật ở mặt

Tại sao lựa chọn một bất hạnh khi được báo trước? Có lẽ nhiều người cho rằng chúng tôi "điên rồ" khi quyết định giữ lại đứa bé dị tật ngay khi đã biết rõ qua siêu âm.

"Chị có thể gỡ chiếc mặt nạ gớm ghiếc trên mặt cậu con trai chị được ra không?"- Người phụ nữ xếp hàng phía trước tại quầy thanh toán của siêu thị yêu cầu tôi. Trên tay chị là cô bé gái đang mếu máo khóc vì sợ hãi. Tôi cảm thấy đau lòng và trả lời: "Không có gì đâu. Con trai tôi đang bị ốm thôi mà"- Chị Bianca Cavanaugh (37 tuổi) kể lại.

Hunter khi mới sinh ra đã thiếu may mắn...

Tôi và chồng - anh Eric quen biết nhau trong một quán Bar tại Manhattan (Mỹ). Hai chúng tôi đã có tình yêu "sét đánh" và nhanh chóng dọn về sống chung với nhau. Sau một thời gian, tôi vô cùng hạnh phúc khi biết tin mình có bầu và một đám cưới giản dị đã được tổ chức ngay trong tháng.
Mặc dù công việc của hai vợ chồng khá bận rộn - chúng tôi là phục vụ tại cửa hàng ăn; tuy nhiên chưa khi nào tôi sao nhãng việc chăm sóc và đi khám thai định kỳ. Những tuần đầu tiên, thai nhi phát triển khỏe mạnh và bình thường - điều không nằm ngoài dự đoán của vợ chồng trẻ. Nhưng đến tuần thứ 20 của tháng thứ 5 thì chuyện không mong muốn đã xảy ra. Các bác sỹ gọi chồng tôi lại gần và khuyên anh nên nhanh chóng "giải quyết" vấn đề này. Đứa trẻ phát triển không tốt và khi ra đời chắc chắn sẽ bị dị tật, thậm chí cón ảnh hưởng đến chức năng sống của cháu.

... nhưng đổi lại, thượng đế đã ban cho em người cha người mẹ tuyệt vời

Ngay lập tức, chồng tôi đã phản đối lại ý kiến này. Anh kể lại với tôi và khẳng định với bác sĩ: "Cho dù có khó khăn thế nào chúng tôi vẫn sẽ giữ lấy đứa trẻ. Nó là con của chúng tôi, là máu mủ ruột thịt, không thể tách rời".

Nhiều người cảm thấy vô cùng khó hiểu trước sự lựa chọn nhiều thách thức của hai vợ chồng. Tại sao có thể tránh được rủi ro này từ khi siêu âm mà lại chấp nhận một đứa trẻ dị tật? Có lẽ, đối với họ, đứa trẻ chỉ đơn thuần là một tài sản. Muốn đón nhận hay không là tùy thuộc vào mỗi người. Nhưng đối với chúng tôi thì khác. Con tôi- một phần của tôi. Cháu có hình hài và đang trưởng thành. Nó có bệnh, chúng tôi sẽ cứu chữa. Thử hỏi các bạn có nỡ tâm vứt bỏ con khi nó ốm đau không?

Hunter lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ

Vậy là Hunter đã được chăm sóc đặc biệt từ những ngày tháng phát hiện ra mầm bệnh rối loạn sắc tố đó. Ngay từ khi mới sinh ra, mặc dù đã có sự chuẩn bị tinh thần nhưng hai vợ chồng vẫn thực sự thấy "sốc" khi lần đầu nhìn thấy con. Sau dần, cảm giác ấy mất đi và thay vào đó là sự thương xót vô bờ bến.

Sau nhiều sự cố gắng, từ những ngày phải dùng ống thở trợ giúp hô hấp, giờ đây Hunter đã khỏe mạnh...

Do trong quá trình mang thai, Hunter đã phát triển không khỏe mạnh, khối u lớn trên khuôn mặt cháu chỉ là một trong những biểu hiện nghiêm trọng. Ngay khi mới sinh cháu đã gặp nhiều khó khăn do hệ thống hô hấp chưa hoàn thiện, dây thanh quản và cuống họng đan xen đe dọa đến tính mạng của trẻ sơ sinh…Hunter ngày ngày trưởng thành cùng nhiều lần ra vào viện chữa bệnh. Hiện tại, cháu đang trong quá trình trị liệu cuối cùng để có thể hô hấp một cách dễ dàng mà không cần sự trợ giúp của máy móc.

...và bắt đầu chuẩn bị cho những cuộc phẫu thuật chình hình

Dưới sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cha mẹ Hunter hiện tại đã xin được một bảo hiểm thân thể giành cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trong năm tới Hunter sẽ được thực hiện những ca phẫu thuật chỉnh hình đầu tiên.
Theo 24h

Nọc cóc có thể điều trị ung thư

Sản phẩm Huachansu chiết xuất từ nọc cóc của Trung Quốc được chứng minh là giúp ổn định khối u ung thư. Ảnh:und.nodak.edu.

Các nhà khoa học Mỹ vừa xác nhận huachansu, một loại thuốc Trung Quốc chiết xuất từ nọc cóc khô, với làm lượng chất độc trong mức cho phép, có thể làm chậm sự phát triển của khối ung thư.

Hàm lượng nọc cóc trong loại thuốc này cao gấp 8 lần mức cho phép thông thường, nhóm nghiên cứu từ Trung tâm ung thư M.D. Anderson, Đại học Texas, cho biết.

Đây là kết quả nghiên cứu giai đoạn một của chương trình hợp tác giữa trung tâm này với Bệnh viện Ung thư thuộc Đại học Fudan ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Hãng thông tấn UPI cho biết đây là thử nghiệm lâm sàng chính thức đầu tiên nhằm kiểm tra độc tính của thuốc Huachansu.

Huachansu hiện được dùng rộng rãi tại Trung Quốc để điều trị các bệnh nhân bị ung thư gan, phổi, ruột kết và tuyến tụy.

Trang web của Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ) cho biết nghiên cứu thực hiện trên 15 bệnh nhân mắc những loại ung thư kể trên, từ tháng 1/2005 đến tháng 7/2006. Các bệnh nhân ung thư được uống thuốc này theo 5 loại liều. Kết quả là, không ai bị ngộ độc nặng.

Thuốc cũng giúp ổn định bệnh ở 40% số bệnh nhân trong khoảng 6 tháng. Trong số đó, một bệnh nhân bị ung thư gan đã thu nhỏ được 20% kích thước khối u, đồng thời ổn định bệnh trong hơn 11 tháng. Bệnh nhân này đã được uống thuốc ở liều thấp nhất.

"Theo một cách nào đó, thử nghiệm đã thành công. Thuốc không có độc tính, không có tác dụng phụ, và đã tạo đáp ứng ở một số ít bệnh nhân", một chuyên gia từ Đại học Chicago nhận định. "Nhưng để chắc chắn liệu nọc cóc, hay thành phần hoạt tính của nó, có phải là liệu pháp chấp nhận được hay không, họ cần thêm thử nghiệm giai đoạn hai", ông nói.

Giai đoạn thử nghiệm thứ hai này đang diễn ra tại Thượng Hải và sẽ nghiên cứu tác dụng của Huachansu khi phối hợp với liệu pháp hóa trị ở các bệnh nhân ung thư tuyến tụy tiến triển.

VNE

Xét nghiệm ADN 4 bạn trai vẫn chưa tìm được bố của con

Cô gái trẻ 23 tuổi ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã lần lượt dẫn 4 người bạn trai đến cơ sở giám định ADN nhưng vẫn không xác định được ai là cha đẻ của cậu con trai một tuổi của mình.

Là cô gái phương Bắc xinh đẹp, Tiểu Linh chuyển đến làm việc tại thành phố Hàng Châu và tại đây cô đã có con. Nuôi con nhỏ, không việc làm, không thu nhập… đã đẩy cô gái trẻ vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Chưa hết, do chưa kết hôn mà đã sinh nên Tiểu Linh bị gia đình xa lánh, hắt hủi và kiên quyết không nhận đứa trẻ đáng thương.

Quá đau khổ, cô gái quyết tâm làm rõ trắng đen, yêu cầu những người bạn trai từng đi lại với mình đến cơ sở giám định ADN để xác định ai là bố của bé, đồng thời buộc người đó phải chịu trách nhiệm.

Thêm một lần nữa, cô gái lại rơi vào tuyệt vọng vì tất cả những người mà cô đưa đến đều không phải là cha đẻ của con trai cô.

Để tiếp tục hành trình, Tiểu Linh sẽ lại phải tìm những người bạn trai khác hoặc chuyển sang cơ sở giám định mới để làm lại từ đầu.

VNE

Trẻ nhiễm HIV rước đèn trung thu cùng bè bạn

Từ 18h, hơn 200 bé nhiễm và nghi nhiễm HIV đã có mặt.
Lồng đèn được thắp lên để đêm hội bắt đầu.
Lồng đèn được phát cho từng bé.
Cùng ngồi xem diễn kịch Chú cuội cung trăng.
Được tặng quà gồm bánh trung thu và nến.
Vui cùng chị Hằng.
"Chị ơi, năm sau nhớ ghé thăm chúng em nhé".

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Cứu sống trường hợp bị chém rách phổi và thủng tim

Ngày 26/9, PGS.TS.BS Cao Văn Thịnh, Trưởng khoa Lồng ngực-Mạch máu (LN-MM), Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, cho biết: “Khoa LN-MM vừa cấp cứu thành công một trường hợp bị chém rách phổi và thủng tim”.

Được biết, bệnh nhân L.K.L., sinh 1983, ngụ Q.10, TPHCM do xích mích đã bị chém nhiều nhát dao trên nhiều phần của cơ thể. Bệnh nhân L. được đưa đến BV ND115 cấp cứu trong tình trạng hôn mê và rất nguy kịch.

Cụ thể, trên người anh L. có khoảng 3 vết thương do bị chém ở ngực bên trái, liền kề phần xương ức vùng tim. Các vết chém này đã gây rách phổi bên phải rồi xuyên vào tâm nhĩ phải và màng tim đầy dịch tràn. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị 1 vết thương ở bụng làm rách thành bụng và lòi ruột.

BS Thịnh cho biết, đây là trường hợp bị đa chấn thương dẫn đến mất nhiều máu. Bệnh nhân lại là người thuộc nhóm máu BRh- rất hiếm, ca phẫu thuật đã phải truyền đến 4 đơn vị máu hiếm.

Các BS đã phải thành lập 2 êkíp mổ để tiến hành phẫu thuật các vết thương ở vùng ngực trái và vùng bụng. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải bị cắt 1 phần xương ức để may vết thương. Sau khi được phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn và đang được tiếp tục theo dõi, BS Cao Văn Thịnh nói.

Dantri

Để thức ăn đường phố yên lòng thực khách

Khái niệm thức ăn đường phố được hiểu là những thực phẩm đã chế biến hoặc có thể ăn ngay được bán trên đường phố và những nơi công cộng.

Thức ăn đường phố được nhiều học sinh, sinh viên chọn mua vì tiện lợi, giá rẻ - Ảnh: M.Đức

Từ khái niệm trên có thể hiểu thức ăn đường phố là những cửa hàng bán thực phẩm cố định hoặc hàng rong tại các thành phố, thị trấn, các lễ hội…

Việc phát triển loại hình dịch vụ thức ăn đường phố là nhu cầu tất yếu của cuộc sống vì các lợi ích mang lại từ loại hình dịch vụ này như: thuận lợi, rẻ tiền, giải quyết công ăn việc làm… đặc biệt đối với các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa. Đôi khi thức ăn đường phố còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thức ăn đường phố mang lại cũng đồng nghĩa với nhiều nguy cơ không bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng thực phẩm. Đã có nhiều bài báo, phóng sự, ảnh… phản ánh về tình trạng mất vệ sinh từ một số cửa hàng, gánh hàng không bảo đảm vệ sinh như: nguồn nguyên liệu để chế biến, môi trường chế biến, vệ sinh người bán hàng và đặc biệt là nguồn nước và điều kiện vệ sinh dụng cụ phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố như nồi, niêu, bát, đũa…

Việc không có đủ nguồn nước sạch để vệ sinh dụng cụ phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố dẫn đến tình trạng một chậu nước rửa hàng chục thậm chí hàng trăm bát, đũa, thìa…Từ đó, thức ăn thừa, vi khuẩn gây bệnh không được rửa sạch còn bám trên dụng cụ chính là nguồn lây bệnh cho các khách hàng tiếp theo, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Nước rửa bát, đũa, thìa, đĩa sau đó lại đổ luôn ra đường… cứ như vậy nơi bán hàng lại càng ô nhiễm.

Bánh mì bì, phá lấu bán bên lề đường, một món điểm tâm khá phổ biến

Trên thực tế đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng tình trạng vi phạm vẫn khó tránh khỏi do điều kiện kinh doanh chật hẹp, nguồn nước sạch không đủ, lực lượng thanh tra, kiểm tra không thể liên tục đi thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm.

Người viết bài này đã được tham quan, học hỏi kinh nghiệm quản lý thức ăn đường phố ở một số nước trong khu vực, so sánh với điều kiện thực tế của Việt Nam thấy cũng có nhiều điểm đáng để học tập và áp dụng.

Đặc biệt tại Trung Quốc, các loại hình kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố cũng phong phú, đa dạng như ở ta. Cách đây 15 năm, tình trạng không bảo đảm đủ nước sạch vệ sinh dụng cụ, nước sau khi rửa bát đũa cũng vung vãi ra đường…

Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng này cơ bản được giải quyết bằng cách thành lập các trung tâm xử lý dụng cụ, bát đũa phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố - các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố không được tự rửa dụng cụ bát đũa sau khi sử dụng mà các trung tâm xử lý hằng ngày có xe chuyên dụng, các buổi sáng sớm cung cấp đều đặn số lượng chủng loại bát đũa đã được vệ sinh sạch sẽ theo yêu cầu của các cửa hàng.

Còn trong ngày nếu có nhu cầu sử dụng thêm chỉ cần gọi điện đến trung tâm sẽ có người cung cấp ngay. Mỗi loại bát, đũa, thìa, đĩa… sau khi làm vệ sinh ở trung tâm đều được dán tem kiểm định.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể tự kiểm tra - nếu thấy cơ sở kinh doanh nào không sử dụng bát, đũa, thìa, đĩa… chuyên dụng sẽ phát hiện ngay.

Riêng đối với các trung tâm kinh doanh ăn uống lớn, các siêu thị… có thể có bộ phận xử lý dụng cụ để phục vụ riêng (bộ phận này do siêu thị thành lập và phải có xác nhận đủ điều kiện xử lý dụng cụ do ngành y tế xác nhận). Tất nhiên các cửa hàng đều phải trả một khoản phí phục vụ việc vệ sinh dụng cụ, bát đũa. Việc làm này có một số lợi ích như sau:

Đối với các cơ sở kinh doanh: không phải bố trí nhân công làm vệ sinh dụng cụ; không phải bỏ vốn đầu tư dụng cụ; không phải bố trí riêng một khu để làm vệ sinh dụng cụ và bảo đảm tốt hơn vệ sinh môi trường nơi kinh doanh (vì nơi kinh doanh đã rất chật hẹp).

Đối với cộng đồng: được bảo vệ sức khỏe tốt hơn, hạn chế được các bệnh lây lan qua thực phẩm, đặc biệt là bệnh dịch đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, nếu áp dụng vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông để cộng đồng thấy rõ lợi ích của mô hình này. Các nhà chuyên môn, chính quyền các cấp cần thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, trước mắt có thể áp dụng thí điểm tại các xã phường, nơi chúng ta đang triển khai mô hình điểm về thức ăn đường phố.

Và đặc biệt các doanh nghiệp có ý định đầu tư để cung cấp dịch vụ cũng cần cân nhắc về giá cả của dịch vụ, làm sao để chi phí giảm giữa dịch vụ mới này và việc tự vệ sinh dụng cụ của các cơ sở trước đây không quá chênh lệch.

NGUYỄN THANH PHONG
Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế

Để có mùa Trung thu trọn vẹn

Tết Trung thu đang đến gần. Vào mùa này, người ta thường mua bánh để làm quà tặng, nên từ đầu tháng 9 những quầy sạp bánh Trung thu đã nở rộ khắp nơi. Bánh Trung thu cũng rất hấp dẫn người thích đồ ăn ngọt.

vietgle.vn

Nhưng có những thông tin mà người tiêu dùng cần phải biết trước khi thưởng thức bánh trung thu.

Cảnh giác với bánh Trung thu cũ

Ăn bánh trung thu cũ hoặc hết hạn sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc rất cao, cho dù bánh của những thương hiệu nổi tiếng và được sản xuất hợp vệ sinh.

Ngay từ khuya của đêm rằm Trung thu, giá bánh trung thu chỉ còn phân nửa so với trước đó. Càng về sau giá bánh càng rẻ vì bánh càng cũ, chất lượng kém đi, và nguy hiểm là những chiếc bánh này có thể bị ô nhiễm gây ra ngộ độc cho những ai ăn phải.

Vi khuẩn... dạo chơi, gây ngộ độc

Vỏ bánh trung thu được làm bằng bột mì và lòng đỏ trứng. Lòng đỏ trứng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thích hợp cho sự phát triển của vi sinh vật. Trong các phòng thí nghiệm người ta sử dụng lòng đỏ trứng để nuôi cấy vi khuẩn. Trong không khí có rất nhiều vi trùng lơ lửng dạo chơi, những vi trùng này sẽ xâm nhập vào bánh thông qua kẽ hở ở hộp đựng bánh.

Hộp đựng bánh hiện nay chỉ đủ kín để che bụi chứ không ngăn chặn hoàn toàn sự xâm nhập của vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ phát triển mạnh ở vỏ bánh nhờ môi trường có nhiều chất bổ dưỡng, nhất là ở những nơi khí hậu nóng và ẩm như TP.HCM. Vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh, có thể xâm nhập vào phần nhân bánh. Càng để lâu nguy cơ bị nhiễm khuẩn càng cao.

Phần nhân bánh cơ bản gồm: đường, lòng đỏ trứng, lạp xưởng, jambon, mỡ..., trong đó có những loại như lạp xưởng, lòng đỏ trứng rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong thời hạn sử dụng, nồng độ đường cao nên đã ức chế sự phát triển của vi khuẩn, nhưng nếu để lâu đường sẽ lên men rượu thành rượu, nồng độ đường giảm đi, khi đó nhân bánh sẽ là “thiên đường” cho vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn lên men thối và vi khuẩn kỵ khí, sinh sôi nảy nở.

Khi ăn bánh trung thu quá hạn sẽ bị nhiễm khuẩn, nếu nhẹ thì bị “Tào tháo rượt”, nặng thì đau bụng, nôn ói, tiêu chảy ồ ạt, mất nước, trụy tim mạch, có thể tử vong.

Nấm mốc - kẻ thù giấu mặt

Bánh trung thu nếu để lâu sẽ bị nhiễm nấm mốc, phần bột mì ở vỏ bánh sẽ là môi trường thích hợp với nấm, khí hậu nóng và ẩm của nước ta là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc phát triển.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, ở Việt Nam tìm được 30 loại nấm mốc, chiếm tỉ lệ cao nhất là nấm Aspergillus. Có 12 chủng loại Aspergillus, trong đó có 11 chủng sinh độc tố, đáng chú ý là chủng Aspergillus Flagus sinh ra độc tố Aflatoxin - loại độc tố rất độc chẳng những cho người mà còn cho các động vật thí nghiệm nữa.

Trên các động vật thí nghiệm độc tố Aflatoxin gây ra những phá hủy cấp tính ở gan, xơ gan và ung thư gan. Ở trên chuột nhắt trắng, liều gây ung thư gan là 0,4 ppm, tức là cho chuột ăn 0,4 mg/kg thức ăn trong 2-3 tuần có thể dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra Aflatoxin còn gây viêm, hoại tử các tổ chức và nội tạng khác.

Trên người, độc tố Aflatoxin gây ra tổn thương cấp tính ở tế bào gan, về lâu dài có thể làm xơ gan và cuối cùng dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, Aflatoxin còn tác động lên hệ miễn dịch gây ra chứng không tăng bạch cầu (Aleukaemic).

Độc tố khá bền với nhiệt, do vậy đun sôi không làm bất hoạt được độc tố. Hiện chưa có thuốc trị được ngộ độc độc tố này.

Nấm là sinh vật đơn bào, có kích thước rất nhỏ, có mặt trong không khí, sau khi đến “định cư” trên vỏ bánh trung thu sẽ phát triển dần lên, khi đã thành con đàn cháu đống rồi chúng ta mới nhìn thấy những đốm mốc trên bánh. Do vậy, khi chúng ta chưa nhìn thấy đốm mốc ở trên bánh thì có thể bánh đã bị nhiễm nấm và độc tố rồi, ăn bánh này vào vẫn có nguy cơ bị ngộ độc.

Bánh trung thu chỉ nên ăn trong vòng 10 ngày sau khi sản xuất. Sau thời gian này, mặc dù vẫn còn trong thời hạn sử dụng nhưng thành phần bánh đã bị thay đổi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc do vi khuẩn và nấm mốc.

Không nên ăn nhiều bánh Trung thu

Thành phần cơ bản của bánh trung thu gồm: tinh bột, chất béo (mỡ động vật), đường, trứng, trong đó đường rất nhiều. Ngoài ra tùy loại, tùy nhà sản xuất còn gia giảm thêm những chất như lạp xưởng, jambon, hạt dưa, mứt bí... Vì chứa nhiều đường, mỡ động vật và trứng nên khó tiêu hóa, sự hấp thu bánh là không hoàn toàn, ăn nhiều sẽ có cảm giác no hơi, đầy bụng. Do có nhiều đường nên nếu ăn một lượng lớn bánh trung thu một lúc có thể gây ra tiêu chảy thẩm thấu.

Vì chứa nhiều mỡ, nhiều đường nên bánh trung thu sẽ không tốt cho những người bị đái tháo đường, những người bị các bệnh tim mạch, người cao tuổi. Trên thị trường hiện đã có bánh trung thu dành cho người ăn chay, tuy nhiên bánh này vẫn còn chứa quá nhiều đường.

Để có một mùa Trung thu ngọt ngào và trọn vẹn nên sử dụng một lượng bánh trung thu vừa phải, tránh lạm dụng ăn nhiều quá mà không tốt cho sức khỏe.

Giới thiệu hai bánh trung thu bằng vàng ở cửa hàng đá quý thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)
Ăn bánh trung thu nhân vàng, bổ gì?

Những năm gần đây xuất hiện trào lưu mới: bánh trung thu nhân vàng. Vàng được cho vào bánh trung thu dưới hai hình thức: cho nguyên miếng vào trong nhân của bánh, tán nhuyễn ra thành bột rồi cho vào nhân bánh. Cho dù hình thức nào đi nữa thì đây cũng chỉ là sự biến tấu lạc điệu của chiếc bánh trung thu truyền thống mà thôi.

Trào lưu cho vàng bột vào nhân bánh trung thu mới xuất hiện vài năm gần đây trong giới thượng lưu của Trung Quốc. Những người ưa chuộng kiểu bánh này cho rằng ăn vàng sẽ tốt cho sức khỏe. Giá của những chiếc bánh này tương đương hàng triệu đồng Việt Nam.

Thật ra ý tưởng cho vàng vào thực phẩm không mới, đầu tiên là người Ai Cập, sau đó đến người Anh, Mỹ và Trung Quốc thực hiện việc này. Từ năm 1546, trên thế giới đã biết cho vàng vào rượu, vào bánh, vào các món tráng miệng, về sau thấy sức khỏe không cải thiện bao nhiêu nên không làm nữa.

Dưới góc độ y khoa, trong cơ thể người vàng là nguyên tố vi lượng chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ và cũng không có vai trò gì quan trọng. Cho tới nay y văn thế giới chưa ghi nhận các bệnh lý do thiếu vàng và tính cần thiết của việc bổ sung vàng.

Do đó bổ sung vàng không giúp ích gì cho cơ thể, mà có thể gây hại vì làm xáo trộn cân bằng các chất trong cơ thể. Vàng bột rất ít được hấp thu qua đường tiêu hóa, phần lớn vàng trong bánh trung thu ăn vào được thải qua phân. Thế nên, ăn bánh trung thu nhân vàng chỉ bổ... phân mà thôi.

Do vậy, ăn bánh trung thu nhân vàng chỉ là sự hoang phí tiền bạc chứ không nâng cao sức khỏe như một số người lầm tưởng.

BS TRẦN HOÀI NHÂN - TTO

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

Trói con để chữa 'bệnh' đồng tính

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Inmagine.com.

Biết chuyện cô con gái học cấp 3 chỉ yêu bạn nữ, cha mẹ trói lại và nhốt vào phòng. Nhưng khi thoát ra, cô gái đã nhảy lầu và dọa tử tử nếu bị ngăn cấm.

Vì không hiểu tâm sinh lý nên nhiều bậc cha mẹ, giống như trường hợp trên, khi phát hiện con mình là đồng tính nữ đã tìm mọi cách để con trở lại với cuộc sống bình thường. Họ ép con lấy chồng, quan hệ với người đàn ông khác hoặc đưa con đi trị liệu tâm lý...

"Nhưng dù có lấy chồng, sinh con thì người phụ nữ đó cũng chỉ đang sống giả", bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ, vị thành niên cho biết trong hội thảo về đồng tính nữ tổ chức sáng nay, tại Hà Nội.

Buổi hội thảo có sự chia sẻ thông tin của hai chuyên gia Thụy Điển. Bà Kristina Hulman, cố vấn Hội đồng Chính phủ Thụy Điển về vấn đề phụ nữ cho biết, vào năm 1950, hai phần ba trong số 48 quốc gia châu Âu vẫn xử phạt các mối quan hệ đồng tính nam và nữ hoặc chỉ riêng các mối quan hệ đồng tính nam.

Tuy nhiên, sau đó vấn đề này đã được thế giới công nhận. Và đến năm 1999, lần đầu tiên, luật pháp một số nước châu Âu công nhận gia đình của những người đồng tính nữ và nam. Luật phân biệt đối xử với người đồng giới cũng dần được xóa bỏ ở nhiều nước.

"Tại nước Thụy Điển chúng tôi, từ năm 1950, hội tình dục đồng giới nữ đã được thành lập. Đến năm 1979, tình trạng đồng tính không còn bị các nhà chức trách y tế liệt vào một dạng bệnh lý nữa. Nhiều nước trên thế giới đã cởi mở hơn với người đồng tính nữ", bà Krisina nói.

Kết quả nghiên cứu mới đây tại một số nước châu Âu như Canada, Mỹ cho thấy có tới 70-80% phụ nữ đã kết hôn và sống cùng chồng cho biết từng mơ tưởng quan hệ với người cùng giới. Bản thân hai chuyên gia tham gia buổi hội thảo này cũng là người đồng tính nữ.

Bà Kristina 44 tuổi và có 2 con, nhận ra mình có khuynh hướng tính dục đồng giới năm 38 tuổi. Còn Anneli Svensson, 44 tuổi, chuyên gia Thụy Điển cũng cho biết: "Lúc 16 tuổi, tôi từng cố gắng tự tử vì cảm thấy cô đơn khi phát hiện mình là một lesbian (người đồng tính nữ)".

"Người đồng tính nữ hãy lộ diện mình với gia đình và bạn bè để chính bản thân mình có thời gian chấp nhận mình và để những người khác thích nghi và chấp nhận mình", bà Kristina kêu gọi.

Còn tại Việt Nam, theo bà Nguyễn Vân Anh, đồng tính nữ vẫn là một vấn đề mới mẻ. Đó cũng là một hiện tượng trong xã hội, nhưng không giống với đồng tính nam, họ không dám lộ diện, không dám nói về thân thế mình. Đây chính là sự bất bình đẳng giới.

Nhiều người cho rằng việc nam giới có bất thường về xu hướng tình dục là điều có thể chấp nhận nhưng nếu là phụ nữ thì sẽ bị phê phán là hư hỏng. Khi gặp phải sự kỳ thị, các cô gái đồng tính hoặc là rơi vào bế tắc hoặc cố tình che giấu cái tôi thật sự của mình, sống một cuộc đời bất hạnh. Thậm chí, có trường hợp đã chết vì không tìm được sự cảm thông, hiểu biết của những người thân, quen.

"Đồng tính là xu hướng tình dục, không phải là vấn đề đạo đức cũng giống như việc bạn có mắt màu xanh hay nâu, thấp hay lùn. Đây là điều không thể thay đổi được, khi nó đã mang tính bền vững", bà Vân Anh nói.

Vi thế, để giúp đỡ những người đồng tính nữ, cũng như người thân của họ, Trung tâm của bà đã đưa vào hoạt động đường dây tư vấn miễn phí cho người đồng tính nữ từ tháng 7/2009.

Theo chị Bùi Thị Thanh Hòa, phụ trách tư vấn, đa số người gọi điện đến là các bậc phụ huynh. Họ lo lắng không biết liệu con mình có phải là đồng tính nữ không và làm sao để con trở lại bình thường. Nhiều người nghĩ đó là bệnh hoạn, suy thoái đạo đức hoặc chỉ coi đó là việc đua đòi, nhất thời.

Thực tế, nếu thích bạn đồng giới chỉ vì đua đòi hoặc chỉ là cảm giác nhất thời thì không được gọi là đồng tính nữ. Việc nhận biết một cô gái có phải là đồng tính nữ hay không rất khó, cần phải có thời gian, căn cứ vào liệu cô gái có cảm giác với người đồng giới và có ham muốn muốn thực sự, ổn định và lâu dài hay không.

"Những người đồng giới có thể là những cô gái rất bình thường như bao người khác, thậm chí có vị trí trong xã hội. Điều họ cần chính là sự thông cảm, hiểu biết của người thân và người xung quanh để có thể sống với giới tính thực sự của mình", chị Hòa cho biết.

Sắp tới đây, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ, vị thành niên sẽ xuất bản truyện kể về người đồng tính nữ, sách cung cấp kiến thức và công bố nghiên cứu về người đồng tính nữ.

VNE

Một bé trong cặp song dính ngược đầu nhau tử vong

Rạng sáng 25/9, bé Nguyễn Thị Minh Hồng, một trong hai bé sơ sinh dính nhau ở Bắc Ninh đã tử vong do sức khỏe quá yếu.

Sau ca phẫu thuật mổ tách cặp song sinh, tình hình sức khỏe của hai bé tiến triển tốt hơn so với trước khi tách. Nhưng vì bệnh tim bẩm sinh nên bé Hồng vẫn luôn ở trong tình trạng bão hòa ôxi trong máu cao, dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng khí. Đến sáng ngày 25/9, bé tử vong.

Bé Ngọc Mai vẫn đang được tiếp tục chăm sóc đặc biệt. Nếu sức khoẻ tốt hơn, bé sẽ được phẫu thuật chữa dị tật tim bẩm sinh.

Trước đó, ngày 20/9, vì sức khỏe của bé Hồng ngày càng yếu, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết định mổ tách cặp song sinh sớm hơn dự kiến 2 ngày.

VNE

Cứu sống sản phụ 14 tuổi

Bị tai biến sản khoa, một cô gái 14 tuổi người dân tộc Mông vừa được các bác sỹ Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La cứu sống.

Cô gái Thào Thị Sua trú tại bản Huổi My, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, Sơn La. Sua đang mang thai 7 tháng, đến trạm y tế cơ sở phát hiện chảy máu đường sinh sản và được chuyển lên Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã. Tuy nhiên, sau khi được mổ ở đây, sản phụ mất nhiều máu, kiệt sức. Bệnh viện huyện đã chuyển cô lên Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Ông Thào Pá Sông, bố đẻ của Thào Thị Sua cho biết: Sua mới 14 tuổi, bị "chồng bắt" ở “chợ tình”. Hiện, nạn tảo hôn ở vùng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La còn khá phổ biến, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông.

(Theo TTXVN)

Quỳnh Thy quyến rũ với trắng đen

Người đẹp gợi cảm tiếp tục hút hồn cánh mày râu khi khoe vóc dáng trong bộ ảnh khắc họa một cô nàng cá tính muốn chứng tỏ sự mạnh mẽ của mình bên ôtô, xe máy.

VNE

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Mang họa vì thuốc Đông y

Một bệnh nhân dị ứng thuốc nam, đang điều trị tại Khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, sau một thời gian dù đã đỡ hơn nhiều nhưng mặt vẫn sưng, đỏ. Ảnh: MT.

Uống bát thuốc Bắc đầu tiên vào buổi trưa thì buổi chiều, bà Nghi (Kim Liên, Hà Nội) thấy cả người đỏ mẩn, hai lòng bàn tay bị nứt, đau nhức. Tối đó, thấy bà nước mắt nước mũi chảy ròng, mặt sưng húp, sốt cao, gia đình vội đưa đi cấp cứu.

Bà Nghi, 57 tuổi, bị mẩn ngứa 3 năm nay, uống nhiều loại thuốc, chữa nhiều nơi không khỏi. Được người quen giới thiệu một cơ sở khám chữa bệnh Đông y khá nổi tiếng, bà tìm đến cắt thuốc. Trưa 20/9, bà uống bát thuốc đầu tiên thì đến chiều đã thấy hai bên cánh tay nổi những nốt nhỏ li ti như rôm.

Bà gọi điện hỏi thày thuốc thì được trả lời, có lẽ tại sắc thuốc đặc quá. Đến tối, khi bà khó thở, cả người đã sưng vù thì mới vào viện và được bác sĩ cho biết dị ứng thuốc.

Nằm cùng phòng điều trị với bà Nghi ở Khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Trâm, 24 tuổi, ở Bắc Ninh, cũng bị dị ứng sau 5 tuần dùng thuốc nam.

Cách đây mấy tháng, Trâm đi khám và phát hiện bị u xơ tuyến vú. Được bác sĩ kê thuốc Tây, cô không uống vì sợ sẽ hại người, nhiều tác đụng phụ. Nghe một chị bạn bị cùng bệnh mách đã cắt thuốc nam ở một cơ sở đông y và khỏi bệnh, Trâm cũng đến đó bốc thuốc. Sau 5 tuần dùng, cô bỗng thấy nổi các nốt đỏ rất ngứa ở tay, chân rồi nhanh chóng lan khắp người.

Đến giờ, sau 10 ngày vào viện điều trị, các nốt mẩn đỏ chi chít trên cơ thể cô đã lặn, bớt ngứa nhưng vẫn để lại rất nhiều vết thâm.

Một phụ nữ 59 tuổi khác, ở Hải Dương, sau một tuần dùng thuốc nam để chữa đau lưng cũng bị ngứa, đỏ da toàn thân. Khi nhập viện, bà đã bị nhiễm độc gan, viêm loét hết mắt, miệng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch mai cho biết, các ca dị ứng do uống thuốc nam chiếm số đông bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Hầu hết những người này đều từng nghĩ uống thuốc bắc, nam là lành, mát, nếu không khỏi bệnh thì cũng chẳng hại gì, chẳng bổ chỗ nọ cũng tốt chỗ kia.

Phần lớn họ đều tìm đến thuốc nam hay thuốc bắc để chữa những bệnh đơn giản như ngứa, đau xương khớp... nhưng khi bị dị ứng, thường di chứng để lại rất nặng nề, nhẹ nhất cũng là ngứa, bong tróc da, nguy hiểm hơn có thể lở loét mắt, miệng, mù mắt, suy gan, thận, thậm chí là tử vong.

Theo bác sĩ Trường, thuốc Đông y là một loại thuốc nên cũng có độc tính, có tác dụng phụ, có chỉ định và chống chỉ định, có thể tốt với người này nhưng lại gây hại cho người khác. Nhiều người bị dị ứng bởi dùng loại có thành phần quá phức tạp, công nghệ bào chế không đảm bảo, cây làm thuốc có thể bị phun thuốc trừ sâu, người làm thuốc trộn thêm thuốc tây vào... Ngoài ra, một số người có sẵn cơ địa dị ứng với một thành phần nào đó của thuốc hoặc không chuyển hóa được...

Có người còn bị "vạ lây" vì dùng thuốc không bảo quản đúng, bị hỏng, nấm mốc. Như trường hợp của anh Hòa (Vĩnh Phúc) là một điển hình. Do thỉnh thoảng lại đau nhức xương khớp, anh rủ người hàng xóm tìm đến một thày lang trong vùng, vốn nổi tiếng có bài thuốc chữa đau xương hiệu quả. Tuy nhiên, uống một tuần, anh Hòa bị lở loét khắp người, trong miệng. Ông hàng xóm lấy thuốc giống anh cũng bị tương tự.

Sau đó, cả hai phải nhập viện và được xác định là bị dị ứng thuốc. Khi anh Hòa hỏi tới ông thày, người này vẫn bao biện: "Tôi đảm bảo thuốc đúng bệnh, toàn thành phần tốt, nhưng có lẽ bảo quản không đúng nên đã bị... mốc".

Bác sĩ Trường cho biết, đây là một trong những ca phải điều trị khá lâu ở khoa.

Theo bác sĩ, một trong những điều nguy hiểm khi bệnh nhân sử dụng thuốc Đông là không đi khám, không biết bệnh mà cứ uống theo lời mách, đôi khi còn bốc thuốc ở những cơ sở không được cấp phép. Người bốc thuốc nhiều khi không hướng dẫn cho người bệnh về những tác dụng phụ có thể có, thậm chí khi thấy bệnh nhân bị phản ứng, họ lại bồi thêm rằng như thế mới là thuốc tốt, chứng tỏ đã phát huy tác dụng.

Ông cho biết, dị ứng thuốc Đông thường diễn ra chậm, có người uống vài ngày, có khi vài tháng mới thấy biểu hiện nhưng lại tiếp tục dùng, khiến hậu quả ảnh hưởng lâu dài, nặng nề. Trong khi đó, hiện nay, tại các bệnh viện, hầu như không có xét nghiệm nào thể xác định bệnh nhân bị dị ứng thuốc nam. Muốn làm điều này, các bác sĩ thường chỉ căn cứ chủ yếu vào tiền sử bệnh và sử dụng thuốc của bệnh nhân.

Theo bác sĩ, khi uống thuốc Đông, nếu thấy các dấu hiệu sau, người bệnh phải dừng thuốc ngay và đến khám tại các cơ sở y tế: ngứa, nổi mẩn đỏ, nổi bọng nước trên da, bệnh nặng thêm, viêm đỏ mắt, miệng, họng, sốt cao...

Bác sĩ khuyến cáo, dù dùng thuốc Tây hay thuốc Đông đều phải theo chỉ định của thày thuốc, người dân tuyệt đối không được tự ý cắt hay dùng theo đơn của người khác.

VNE

Suýt chết vì ngộ độc rượu

Sau đêm nhậu "hoành tráng", sáng ra, vừa đứng dậy định ra khỏi giường, thanh niên 24 tuổi ở TP HCM ngã xuống bất tỉnh. Nguyên nhân được các bác sĩ xác định do ngộ độc methanol.

Tại khoa Cấp cứu Hồi sức và Chống độc, Bệnh viện Trưng Vương, sáng 23/9, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu, suy hô hấp. Bác sĩ trưởng khoa Phạm Anh Tuấn nhận định, đây là trường hợp nặng nhất theo phân cấp của chuyên ngành cấp cứu. Song song với việc lọc thận nhân tạo khẩn cấp, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm máu. Kết quả sau đó cho thấy, hàm lượng methanol trong cơ thể bệnh nhân nhiều đến mức có thể gây tử vong.

Sáng nay, sau hơn một ngày cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn phải thở bằng máy.

Người nhà bệnh nhân cho hay, có khoảng 5 người cùng nhậu với nhau hôm ấy, nhưng những người khác do uống ít hơn nên chỉ say và mệt mỏi chứ không ngộ độc như anh này. Rượu gây độc được mua ở quán tạp hóa với giá chưa đến 10.000 đồng một lít.

Chỉ trong hai tháng 10 và 11 năm trước, hơn 10 đệ tử lưu linh ngụ tại TP HCM đã tử vong vì ngộ độc rượu, hàng trăm trường hợp khác phải vào viện điều trị do ngộ độc ở mức nghiêm trọng. Hầu hết xét nghiệm máu của các bệnh nhân đều thấy có chất độc methanol.

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng đã phát hiện nhiều loại rượu bày bán trên thị trường có tạp chất gây độc này. Theo nhận định của các bác sĩ, methanol có trong cồn công nghiệp, người pha chế có thể vì lợi nhuận đã dùng loại cồn giá rẻ này để pha chế.

VNE

Mỹ nhân Hoa ngữ ngực đẹp dù mảnh mai

Lâm Tâm Như trông rất mảnh dẻ, yếu đuối nhưng có vòng một đầy đặn. Chiều cao 1,67 m và cân nặng 44 kg không ngăn cản Trương Bá Chi sở hữu đôi gò bồng đảo đầy sức sống.

Thái Y Lâm (Jolin Tsai) nặng tầm 40 kg nhưng cô có một bầu ngực đáng tự hào, khiến vóc dáng gợi cảm hẳn lên.
Phạm Văn Phương (Fann Wong): Chỉ khi người đẹp dự giải Kim Mã ở Đài Loan trong bộ váy xẻ ngực, mọi người mới có cơ hội chiêm ngưỡng bộ ngực trời phú của cô.
Lâm Tâm Như (Ruby Lin) khá mảnh mai nhưng trong những bức ảnh, vòng một của cô rất sexy khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Thái Thiếu Phân (Ada Choi) cân nặng khoảng 38-42 kg nhưng đôi gò bồng đảo của cô khiến người khác phải ghen tỵ.

Lưu Gia Linh (Carina Lau) có một bộ ngực rất ấn tượng và luôn được cô trưng ra mỗi khi cần.
Lương Vịnh Kỳ (Liang Yong Qi) có vóc dáng thon thả nhưng vòng một của cô khá lớn.
Lâm Hy Lôi (Kelly Lin) thường được mệnh danh là nữ thần sexy. Cô nặng 46 kg, cao 1,70 m và đôi gò bồng đảo góp phần làm cô gợi cảm hơn trong mắt người khác giới.
Trương Bá Chi (Cecilia Cheung) cao 1,67 m và nặng 44 kg nhưng các chỉ số này không ảnh hưởng đến số đo vòng một đẹp của cô.
Trần Kiều Ân (Chen Qiao En) cao 1,66 m và nặng 44 kg nhưng bộ ngực đáng giá đã giúp cô giành được nhiều hợp đồng quảng cáo đồ nội y.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Hai trẻ tử vong vì bệnh 'tay chân miệng'

Chỉ trong ba ngày, hai bệnh nhi ngụ tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã lần lượt qua đời vì những biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng.

Ca vừa tử vong là bệnh nhi 18 tháng tuổi ngụ tại phường An Bình nhập viện Nhi Đồng 2, TP HCM ngày 16/7 trong tình trạng rất nặng do bệnh đã gây biến chứng thần kinh.

Tại khoa Nhiễm của bệnh viện, bé sốt cao, co giật và suy hô hấp. Vài giờ sau đó, bệnh nhi rơi vào tình trạng sốc và tử vong.

Theo lời của gia đình, khoảng 3 ngày trước khi bệnh trở nặng, bé có triệu chứng sốt, hay khóc đêm và có triệu chứng giật mình.

Một bệnh nhi khác, 3 tuổi, ngụ ở phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa cũng nhập viện sau 3 ngày phát bệnh với tình trạng sốc độ 4. Dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa, tuy nhiên bé đã không qua khỏi do những biến chứng quá nặng gây suy hô hấp.

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, cho hay, từ đầu năm đến nay, tỉnh này có khoảng 300 cháu mắc bệnh tay chân miệng. 4 trường hợp tử vong.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm - Thần Kinh, nguyên nhân gây bệnh là do virus. Để hạn chế mắc bệnh, phụ huynh cần giữ vệ sinh các vật dụng mà trẻ thường tiếp xúc như: bình bú, khăn, đồ chơi, sàn nhà… bằng các dung dịch khử khuẩn.

Để hạn chế tử vong, khi thấy trẻ sốt cao kéo dài hơn hai ngày, kèm theo những biểu hiện như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng, khóc đêm, giật mình... thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

VNE

Đàn ông lưỡng tính vẫn có thể có con

Những người đàn ông thừa ít nhất một nhiễm sắc thể X đều được xếp vào hội chứng Klinefelter.

Những người đàn ông bị hội chứng Klinefelter - mang thừa nhiễm sắc thể nữ - giờ đây vẫn có thể có con, nếu được trải qua phẫu thuật để phục hồi tinh trùng, một nghiên cứu mới vừa xác nhận.

Ở nam giới bị hội chứng Klinefelter, thay vì thừa hưởng nhiễm sắc thể XY từ mẹ và bố, họ lại có đến 2, 3 hoặc nhiều hơn nhiễm sắc thể X. Với bộ nhiễm sắc thể XXY hoặc XXXY ..., những người này vẫn được coi là nam giới, nhưng đều bị "ái" và thường bị vô sinh ở các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, tiến sĩ Ranjith Ramasamy và cộng sự từ Bệnh viện Presbyterian ở New York đã sử dụng kỹ thuật phẫu thuật để phục hồi tinh trùng từ 45 trong số 68 bệnh nhân của mình. Trong tổng số 91 lần phẫu thuật, 62 lần đã thành công.

Reuters đưa tin hơn một nửa trong số bạn đời của những người đàn ông này đã có thai bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo - dùng các tinh trùng trên cấy vào trứng của họ. Tuy nhiên, không có lần mang thai nào tới đích cuối cùng.

Nhóm nghiên cứu cho biết kỹ thuật phục hồi tinh trùng có thể hiệu quả hơn ở những người đàn đông trẻ hơn, với tỷ lệ thành công là 71% cho nam giới 22-30 tuổi, 86% cho nhóm tuổi 31-35 và 50% cho nhóm tuổi 36-52.

Một ngày phát hiện gần 300 ca H1N1

Chỉ trong ngày 19/9, VN đã ghi nhận thêm 299 trường hợp dương tính với cúm H1N1. Đây cũng là ngày có số ca mắc cao nhất kể từ khi có người đầu tiên mắc bệnh đến nay.

Theo Bộ Y tế, trong ngày hôm qua, chỉ riêng các tỉnh phía Nam đã có 202 trường hợp, miền Trung - Tây Nguyên 49 ca và miền Bắc là 48.

Trường học là nơi cúm H1N1 dễ bùng phát. Ảnh: Thiên Chương.

Tại TP HCM, đại diện Sở Y tế,cho hay, cùng với 68 ca mắc mới trong ngày 19/9, 4 ổ cúm đã được phát hiện liên tiếp.

Tại Trường mầm non Tuổi Hoa (quận 8), một số bé hiện được phát hiện dương tính sau khi có biểu hiệt ho, sốt, đau họng. Tất cả trẻ tiếp xúc gần đã được cho nghỉ học để phòng bệnh. Trường TH Vạn Nguyên ở cùng quận, học sinh ở một số lớp học cũng đã được cách ly điều trị do mắc cúm.

Sở Y tế TP HCM cũng cho hay, cúm đã tấn công Nhà thiếu Nhi thành phố - nơi thường tập trung trẻ em từ các quận đến sinh hoạt. Ngoài ra, nhiều công nhân tại một công ty may ở đường Bàu Cát, Tân Bình cũng có kết quả dương tính.

Tại một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, cúm cũng thường xuyên xuất hiện ca mới khiến nhiều lớp học thậm chí trường học phải tạm ngừng giảng dạy. Số ca mắc cúm trong cộng đồng theo đại diện ngành y tế các tỉnh, đã không ngừng tăng. Tuy nhiên tại buổi hội thảo về Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm H1N1, hôm 17/9 tại TP HCM, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Y tế dự phòng và môi trường, dự báo: dịch cúm A/H1N1 sẽ có thể bùng phát mạnh và lan rộng trong cộng đồng trong vài tháng tới. Ông Nga đặc biệt quan tâm đến trường học và cơ quan vì theo ông, đây là những môi trường dễ lây lan.

Trước thực trạng cúm ồ ạt tăng ca, đại diện Viện Pasteur TP HCM cho hay, Viện này đang rơi vào tình trạng quá tải xét nghiệm. Hậu quả của việc ùn ứ mẫu chờ xét nghiệm dẫn đến kết quả xét nghiệm kéo dài ngoài ý muốn. Nhiều trường hợp ở các tỉnh phải đến 4 ngày mới có. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều trị và tính mạng của bệnh nhân.

Theo ông tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, hiện Viện vẫn còn tồn hơn 500 mẫu chờ xét nghiệm. Ông Hữu cho rằng, ngành y tế chỉ nên cho lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp nghi nhiễm cúm H1N1 có triệu chứng nặng. Những người có triệu chứng giống cúm, nên được điều trị như ca dương tính mà không cần xét nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nên tăng cường thêm các bệnh viện có đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm.

Tính đến đêm ngày 19/9, Việt Nam đã ghi nhận 6.478 trường hợp dương tính, trong đó, miền Nam chiếm gần 2/3 số ca.

VNE