Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Để có mùa Trung thu trọn vẹn

Tết Trung thu đang đến gần. Vào mùa này, người ta thường mua bánh để làm quà tặng, nên từ đầu tháng 9 những quầy sạp bánh Trung thu đã nở rộ khắp nơi. Bánh Trung thu cũng rất hấp dẫn người thích đồ ăn ngọt.

vietgle.vn

Nhưng có những thông tin mà người tiêu dùng cần phải biết trước khi thưởng thức bánh trung thu.

Cảnh giác với bánh Trung thu cũ

Ăn bánh trung thu cũ hoặc hết hạn sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc rất cao, cho dù bánh của những thương hiệu nổi tiếng và được sản xuất hợp vệ sinh.

Ngay từ khuya của đêm rằm Trung thu, giá bánh trung thu chỉ còn phân nửa so với trước đó. Càng về sau giá bánh càng rẻ vì bánh càng cũ, chất lượng kém đi, và nguy hiểm là những chiếc bánh này có thể bị ô nhiễm gây ra ngộ độc cho những ai ăn phải.

Vi khuẩn... dạo chơi, gây ngộ độc

Vỏ bánh trung thu được làm bằng bột mì và lòng đỏ trứng. Lòng đỏ trứng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thích hợp cho sự phát triển của vi sinh vật. Trong các phòng thí nghiệm người ta sử dụng lòng đỏ trứng để nuôi cấy vi khuẩn. Trong không khí có rất nhiều vi trùng lơ lửng dạo chơi, những vi trùng này sẽ xâm nhập vào bánh thông qua kẽ hở ở hộp đựng bánh.

Hộp đựng bánh hiện nay chỉ đủ kín để che bụi chứ không ngăn chặn hoàn toàn sự xâm nhập của vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ phát triển mạnh ở vỏ bánh nhờ môi trường có nhiều chất bổ dưỡng, nhất là ở những nơi khí hậu nóng và ẩm như TP.HCM. Vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh, có thể xâm nhập vào phần nhân bánh. Càng để lâu nguy cơ bị nhiễm khuẩn càng cao.

Phần nhân bánh cơ bản gồm: đường, lòng đỏ trứng, lạp xưởng, jambon, mỡ..., trong đó có những loại như lạp xưởng, lòng đỏ trứng rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong thời hạn sử dụng, nồng độ đường cao nên đã ức chế sự phát triển của vi khuẩn, nhưng nếu để lâu đường sẽ lên men rượu thành rượu, nồng độ đường giảm đi, khi đó nhân bánh sẽ là “thiên đường” cho vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn lên men thối và vi khuẩn kỵ khí, sinh sôi nảy nở.

Khi ăn bánh trung thu quá hạn sẽ bị nhiễm khuẩn, nếu nhẹ thì bị “Tào tháo rượt”, nặng thì đau bụng, nôn ói, tiêu chảy ồ ạt, mất nước, trụy tim mạch, có thể tử vong.

Nấm mốc - kẻ thù giấu mặt

Bánh trung thu nếu để lâu sẽ bị nhiễm nấm mốc, phần bột mì ở vỏ bánh sẽ là môi trường thích hợp với nấm, khí hậu nóng và ẩm của nước ta là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc phát triển.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, ở Việt Nam tìm được 30 loại nấm mốc, chiếm tỉ lệ cao nhất là nấm Aspergillus. Có 12 chủng loại Aspergillus, trong đó có 11 chủng sinh độc tố, đáng chú ý là chủng Aspergillus Flagus sinh ra độc tố Aflatoxin - loại độc tố rất độc chẳng những cho người mà còn cho các động vật thí nghiệm nữa.

Trên các động vật thí nghiệm độc tố Aflatoxin gây ra những phá hủy cấp tính ở gan, xơ gan và ung thư gan. Ở trên chuột nhắt trắng, liều gây ung thư gan là 0,4 ppm, tức là cho chuột ăn 0,4 mg/kg thức ăn trong 2-3 tuần có thể dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra Aflatoxin còn gây viêm, hoại tử các tổ chức và nội tạng khác.

Trên người, độc tố Aflatoxin gây ra tổn thương cấp tính ở tế bào gan, về lâu dài có thể làm xơ gan và cuối cùng dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, Aflatoxin còn tác động lên hệ miễn dịch gây ra chứng không tăng bạch cầu (Aleukaemic).

Độc tố khá bền với nhiệt, do vậy đun sôi không làm bất hoạt được độc tố. Hiện chưa có thuốc trị được ngộ độc độc tố này.

Nấm là sinh vật đơn bào, có kích thước rất nhỏ, có mặt trong không khí, sau khi đến “định cư” trên vỏ bánh trung thu sẽ phát triển dần lên, khi đã thành con đàn cháu đống rồi chúng ta mới nhìn thấy những đốm mốc trên bánh. Do vậy, khi chúng ta chưa nhìn thấy đốm mốc ở trên bánh thì có thể bánh đã bị nhiễm nấm và độc tố rồi, ăn bánh này vào vẫn có nguy cơ bị ngộ độc.

Bánh trung thu chỉ nên ăn trong vòng 10 ngày sau khi sản xuất. Sau thời gian này, mặc dù vẫn còn trong thời hạn sử dụng nhưng thành phần bánh đã bị thay đổi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc do vi khuẩn và nấm mốc.

Không nên ăn nhiều bánh Trung thu

Thành phần cơ bản của bánh trung thu gồm: tinh bột, chất béo (mỡ động vật), đường, trứng, trong đó đường rất nhiều. Ngoài ra tùy loại, tùy nhà sản xuất còn gia giảm thêm những chất như lạp xưởng, jambon, hạt dưa, mứt bí... Vì chứa nhiều đường, mỡ động vật và trứng nên khó tiêu hóa, sự hấp thu bánh là không hoàn toàn, ăn nhiều sẽ có cảm giác no hơi, đầy bụng. Do có nhiều đường nên nếu ăn một lượng lớn bánh trung thu một lúc có thể gây ra tiêu chảy thẩm thấu.

Vì chứa nhiều mỡ, nhiều đường nên bánh trung thu sẽ không tốt cho những người bị đái tháo đường, những người bị các bệnh tim mạch, người cao tuổi. Trên thị trường hiện đã có bánh trung thu dành cho người ăn chay, tuy nhiên bánh này vẫn còn chứa quá nhiều đường.

Để có một mùa Trung thu ngọt ngào và trọn vẹn nên sử dụng một lượng bánh trung thu vừa phải, tránh lạm dụng ăn nhiều quá mà không tốt cho sức khỏe.

Giới thiệu hai bánh trung thu bằng vàng ở cửa hàng đá quý thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)
Ăn bánh trung thu nhân vàng, bổ gì?

Những năm gần đây xuất hiện trào lưu mới: bánh trung thu nhân vàng. Vàng được cho vào bánh trung thu dưới hai hình thức: cho nguyên miếng vào trong nhân của bánh, tán nhuyễn ra thành bột rồi cho vào nhân bánh. Cho dù hình thức nào đi nữa thì đây cũng chỉ là sự biến tấu lạc điệu của chiếc bánh trung thu truyền thống mà thôi.

Trào lưu cho vàng bột vào nhân bánh trung thu mới xuất hiện vài năm gần đây trong giới thượng lưu của Trung Quốc. Những người ưa chuộng kiểu bánh này cho rằng ăn vàng sẽ tốt cho sức khỏe. Giá của những chiếc bánh này tương đương hàng triệu đồng Việt Nam.

Thật ra ý tưởng cho vàng vào thực phẩm không mới, đầu tiên là người Ai Cập, sau đó đến người Anh, Mỹ và Trung Quốc thực hiện việc này. Từ năm 1546, trên thế giới đã biết cho vàng vào rượu, vào bánh, vào các món tráng miệng, về sau thấy sức khỏe không cải thiện bao nhiêu nên không làm nữa.

Dưới góc độ y khoa, trong cơ thể người vàng là nguyên tố vi lượng chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ và cũng không có vai trò gì quan trọng. Cho tới nay y văn thế giới chưa ghi nhận các bệnh lý do thiếu vàng và tính cần thiết của việc bổ sung vàng.

Do đó bổ sung vàng không giúp ích gì cho cơ thể, mà có thể gây hại vì làm xáo trộn cân bằng các chất trong cơ thể. Vàng bột rất ít được hấp thu qua đường tiêu hóa, phần lớn vàng trong bánh trung thu ăn vào được thải qua phân. Thế nên, ăn bánh trung thu nhân vàng chỉ bổ... phân mà thôi.

Do vậy, ăn bánh trung thu nhân vàng chỉ là sự hoang phí tiền bạc chứ không nâng cao sức khỏe như một số người lầm tưởng.

BS TRẦN HOÀI NHÂN - TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét