Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

Ra đường ngày Tết, nhớ an toàn giao thông


Ngày tết sắp đến, số ca nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông (TNGT) tăng vùn vụt... Khi lưu thông trên đường, nhiều người vẫn coi thường sự an toàn cho chính mình và cộng đồng: đi xe gắn máy chở ba, không đội mũ bảo hiểm, chở cồng kềnh, chạy quá nhanh, lạng lách, vượt đèn đỏ...

Vẫn hàng trăm ca cấp cứu/ngày

Sáng 18-1-2010, khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân nam khoảng 25 tuổi, vô danh, đi xe gắn máy đụng với một xe gắn máy khác, được người đi đường đưa vào BV Bình Dương rồi chuyển BV Chợ Rẫy trong tình trạng giập não, xuất huyết. Kết quả chụp CT cho thấy tụ máu não.

Tr.N.P. 20 tuổi, công nhân, ngụ tại Bến Lức, Long An, có rượu khi đi xe gắn máy và va chạm với một xe gắn máy khác. Sau tai nạn anh bị hôn mê, được người đi đường đưa đến BV Bến Lức, sau đó chuyển BV tỉnh rồi chuyển đến BV Chợ Rẫy ngày 20-1, được theo dõi điều trị tại khoa ngoại thần kinh với chẩn đoán chấn thương đầu, vỡ sàn sọ, vỡ xoang hàm, xuất huyết dưới nhện, đến ngày 27-1 còn hôn mê.

Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái - trưởng khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy - cho biết hiện nay số ca vào cấp cứu do TNGT vẫn cao. Trong khoảng 300 ca cấp cứu/ngày thì TNGT chiếm 30%. Dịp Tết dương lịch 2010, chỉ trong ba ngày khoa tiếp nhận 231 ca TNGT, trong đó 160 ca chấn thương sọ não.

Vào dịp lễ tết, thứ bảy, chủ nhật số ca nhập viện vì TNGT tăng khá rõ, gần 100 ca/ngày, số chấn thương sọ não cũng tăng. Từ khi bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì mổ cấp cứu chấn thương sọ não giảm, nhưng ngược lại mổ chấn thương chỉnh hình gãy tay, chân... tăng!


Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2009 cả nước đã xảy ra gần 12.500 vụ TNGT, làm chết hơn 11.500 người, bị thương xấp xỉ 8.000 người. Trong đó TNGT đường bộ làm chết 11.094 người, bị thương 7.559 người, 73% là do xe gắn máy.

Nguyên nhân chính là đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, có rượu, bia...Năm 2009 CSGT cũng đã xử lý 526.510 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy.


Theo các bác sĩ, khi tìm hiểu lúc bị tai nạn bệnh nhân có đội mũ bảo hiểm hay không, đôi khi người bệnh hoặc người đưa đến trả lời mang tính đối phó nên khó đánh giá được một cách chắc chắn. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, trên những tuyến đường ở nông thôn, ngay cả ở các huyện ngoại thành tại TP.HCM, có khá nhiều người không đội mũ bảo hiểm.

Cũng theo bác sĩ Quỳnh Ái, cách đây mấy năm BV Chợ Rẫy có làm một khảo sát yếu tố rượu trên bệnh nhân bị TNGT, kết quả xét nghiệm máu cho thấy tỉ lệ chung có rượu là 32%, nếu tính ở nam lên đến 39,1% - cao gần gấp năm lần so với nữ. Cơ chế “tự té” chiếm gần 40% nguyên nhân TNGT trên bệnh nhân có rượu trong máu cao hơn người không có rượu. Về yếu tố rượu trong TNGT hiện cũng không khác mấy so với trước, vẫn khoảng 30%.

Hãy vì sinh mạng chính mình

Bác sĩ Quỳnh Ái có lời khuyên với mọi người khi những ngày xuân sắp đến, hãy vì sinh mạng của chính mình. Khi đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Trên thực tế có một số ca TNGT nhưng nhờ đội mũ bảo hiểm nên không bị chấn thương sọ não, thậm chí có chấn thương sọ não nhưng mức độ nhẹ. Chất lượng mũ bảo hiểm cũng đang là vấn đề, mũ bảo hiểm dỏm bán ở vỉa hè giá chỉ 30.000 đồng không biết có cứu mạng được người đội?

Những ngày cận tết và tết, nhu cầu đi lại, thăm viếng của mọi người gia tăng. Tập quán bà con ta lễ tết, vui chơi đầu xuân thường có rượu. Người đi đường càng đông và có người uống rượu thì tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Do vậy, khi tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân - đặc biệt là xe gắn máy, không nên uống rượu. Người say xỉn đi bộ cũng có thể bị xe tông chết. Vì thế nếu đã uống rượu thì nên đi xe công cộng để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, nên xây dựng, hình thành ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông dù ở nơi có cảnh sát giao thông hay không, kể cả người đi bộ khi băng qua đường phải đi đúng vạch.

Theo Kim Sơn / Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét