Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

Ăn bánh trung thu "xịn" vẫn bị "tào tháo rượt"?

Q.A., 6 tuổi, ở TP.HCM. Hôm qua cháu ăn một lúc hai cái bánh trung thu, hôm nay cháu bị tiêu chảy phải nghỉ học ở nhà. Ba mẹ cháu rất phân vân không hiểu tại sao bởi bánh mà cháu ăn là bánh của thương hiệu lớn, còn hạn sử dụng.

Ăn quá nhiều bánh trung thu có thể bị tiêu chảy - Ảnh: Như Hùng

Mỗi ngày có khoảng 1.500ml nhũ trấp (thức ăn sau khi đã được cắt nhỏ và nhào trộn với dịch tiêu hóa) đi qua van hồi manh tràng vào ruột già.

Cơ chế gây tiêu chảy

Tại đây, hầu hết nước và các chất điện giải được tái hấp thu và chỉ còn chưa tới 100ml dịch đi ra ở phân. Khi ruột già bị những kích thích khó chịu của sự nhiễm trùng, những tế bào niêm mạc ruột già theo phản xạ tự vệ sẽ tiết ra rất nhiều nước, chất điện giải và chất nhầy nhằm làm pha loãng tác nhân gây khó chịu. Động thái này sẽ làm cho phân di chuyển nhanh về phía hậu môn và gây ra tiêu chảy.

Đó là cơ chế gây ra tiêu chảy do nhiễm trùng, phần lớn các trường hợp tiêu chảy được gây ra theo cơ chế này. Bên cạnh đó còn có một cơ chế gây ra tiêu chảy khác nữa, đó là tiêu chảy không do nhiễm trùng.

Bình thường hầu hết nước trong phân được tái hấp thu qua những tế bào niêm mạc ở thành ruột và phân luôn có tính đẳng trương. Nhưng vì một lý do nào đó làm cho phân không còn mang tính đẳng trương nữa mà trở nên ưu trương, kéo theo là nước không được tái hấp thu mà bị giữ lại trong lòng ruột với một lượng nhiều bất thường và gây ra tiêu chảy.

Những nguyên nhân gây tiêu chảy theo kiểu này có thể kể ra là bệnh tiêu chảy bẩm sinh khi uống sữa có chứa đường lactose, do cơ thể thiếu men lactase nên đường lactose có trong sữa uống vào không được hấp thu mà được bài tiết vào trong phân, kéo theo một lượng lớn nước bị thải ra trong phân gây nên tình trạng tiêu chảy.

Ngoài ra, khi ăn vào một lượng lớn các loại đường và chất béo vượt quá khả năng hấp thu của cơ thể cũng dẫn đến tiêu chảy theo cơ chế tương tự. Vì các loại đường và acid béo bài tiết ra trong phân với lượng nhiều một cách bất thường, làm phân trở nên ưu trương và giữ nước ở lại trong lòng ruột già gây ra tiêu chảy (đường và các acid béo sẽ đóng vai trò những chất keo tạo ra một hấp lực đối với nước, dẫn đến làm tăng bất thường lượng nước trong phân).

Lợi dụng tính chất này của các loại đường, các loại dịch truyền chứa dextrose (gọi là dịch truyền cao phân tử) được bào chế và truyền cho những bệnh nhân bị mất nước và mất máu nặng với hi vọng sẽ giữ được nước lâu hơn trong mạch máu.

Sao ăn nhiều bánh trung thu lại bị tiêu chảy?

Ở đây, bác sĩ không bàn đến chuyện bánh có chất lượng không đảm bảo (bánh bị nhiễm khuẩn, quá hạn ăn vào tiêu chảy là tất nhiên). Bánh trung thu như chúng ta đã biết chứa hàm lượng đường rất cao, hàm lượng đường cao sẽ giúp ngăn không cho vi khuẩn phát triển nên làm tăng thời hạn sử dụng của bánh.

Nếu ăn một lượng bánh trung thu nhiều vượt quá khả năng hấp thu của cơ thể sẽ làm xuất hiện nhiều đường trong phân, kéo theo một lượng nước lớn tháp tùng theo nó vào trong lòng ruột già, gây nên hậu quả là “Tào Tháo rượt” cho thân chủ. Nhưng vấn đề ở chỗ: bao nhiêu là nhiều? Câu trả lời là: tùy từng người, mỗi người có khả năng dung nạp đường khác nhau.

Tuy nhiên, lời khuyên của cổ nhân về đạo ăn uống “đừng ăn đến ngán mới thôi mà nên dừng khi bạn vẫn còn cảm giác thèm và muốn ăn nữa” vẫn còn giá trị trong hoàn cảnh này.

BS TRẦN HOÀI NHÂN - TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét