Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Cảnh báo mối nguy an toàn thực phẩm ngày Tết

Từ thực tế kiểm tra có nhiều loại thức ăn hàng rong, nước đá nhiễm khuẩn gây bệnh, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành cảnh báo đây có thể là mối nguy đe dọa sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết.

Theo đại diện Sở y tế Quảng Ngãi, trong năm qua và những ngày cuối năm, các đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất hơn 8.200 cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn, phát hiện đến 1.840 cơ sở vi phạm.

“Nhiều mẫu nước đá cây, đá viên tại tỉnh bị phát hiện nhiễm khuẩn E.coli. Ngoài ra, nước uống đóng chai và nhiều mẫu thịt cũng nhiễm khuẩn độc hại. Một số mẫu giò chả cũng có chứa hàn the với hàm lượng cao”, bác sĩ Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Ngãi cho hay.

Cũng theo ông Oai, kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, kết quả cho thấy các loại thức ăn đường phố đều có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn E.coli - loại khuẩn độc hại gây bệnh tiêu chảy.

“Một vài biến thể E.coli có trong thức ăn vốn tạo ra độc chất vô cùng độc hại có thể gây tiêu chảy ra máu. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, suy thận... Những tuýp E.coli khác có thể gây nhiễm trùng đường tiểu hoặc các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng”, bác sĩ Oai nói.

Thức ăn hàng rong, quầy thức ăn đường phố
Thức ăn hàng rong, quầy thức ăn đường phố hiện chưa được quản lý an toàn vệ sinh. Ảnh: Trí Tín.

Tại Đà Nẵng, Sở Y tế tỉnh này cũng cho biết, trên 830 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện trong năm. Trong đó 730 cơ sở chưa được tập huấn về vệ sinh, không khám sức khỏe định kỳ lao động; 100 cơ sở sản xuất thực phẩm có vi sinh vật gây bệnh, điều kiện vệ sinh thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng.

Ở TP HCM, ngoài nhiều vụ phát hiện các cơ sở sản xuất bánh mứt, nước uống đóng chai không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đợt kiểm tra của những tháng cuối năm, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm còn phát hiện nhiều mẫu gia vị không đạt chuẩn về vi khuẩn hiếu khí, men mốc.

9 tấn tương không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị tịch thu tiêu hủy. Hơn 30 tấn tương ớt buộc xử lý tái chế vì có lượng chất Natri benzoate vượt mức cho phép. Cũng trong năm 2010, nhiều cơ sở chế biến thức ăn bị lập biên bản xử lý hành chính vì không đảm bảo vệ sinh, khiến thức ăn gây ngộ độc cho người sử dụng.

Để chấn chỉnh tình hình trên, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là dịp lễ Tết, tại Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết đã lập 67 đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó trọng tâm nhất là kiểm tra các cơ sở sản xuất nem chả, bánh mứt, nước giải khát.

Theo bác sĩ Tiến, một số cơ sở chế biến thực phẩm lén lút sử dụng các hóa chất phụ gia trong quá trình sản xuất, chất phẩm màu ngoài danh mục như dùng hàn the, Rhodamin B, phoocmon trong nem chả, hạt dưa, bánh phở...; dễ gây tổn hại lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Nếu phát hiện những loại hóa chất cấm dùng trong thực phẩm hoặc không công bố tiêu chuẩn, cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Ngãi cũng lên triển khai các biện pháp giảm thiểu mối nguy ô nhiễm thực phẩm như tăng cường công tác quản lý cơ sở chế biến thực phẩm, nhất là những cơ sở không thuộc diện đăng ký kinh doanh. Trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ thông báo danh tính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo mối nguy cho cộng đồng. Chi cục cũng tập huấn và thực hiện cam kết với những cơ sở có thực phẩm bị ô nhiễm.

Tại TP HCM, công tác thanh kiểm tra các mặt hàng trọng yếu phục vụ Tết cũng đang được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm gấp rút tiến hành

VNE

Cháu hiến tinh trùng cho dì ruột

Cậu bé 15 tuổi bí mật hiến tinh trùng cho người bạn đời đồng tính của dì ruột mình để họ có con. Cha mẹ cậu vừa mới phát hiện ra điều đó.

Ông bà Charles và Lynn, cha mẹ của cậu bé Charlie Lowden giờ đây đang phải làm quen với thực tế là hai đứa trẻ mà họ xem là cháu trai và cháu gái (con của em gái mình) hóa ra lại là cháu nội của họ về mặt di truyền.

Họ chỉ phát hiện ra bí mật này vào tháng 12 năm ngoái, sau khi Charlie, 20 tuổi, tử vong sau ca phẫu thuật chứng sa ruột.

Sau cái chết của chàng thanh niên, người ta mới biết rằng nhiều năm trước cậu bé đã hiến tinh trùng (không chính thức) cho dì ruột Sarah Ashman (giờ đã 40 tuổi) và người bạn đời đồng tính của cô là Claire, giờ 30 tuổi, để họ sinh hai đứa con.

Ảnh:
Sarah và Claire Ashman cùng với hai con mình, bé Carlton và Sarah, chúng được thụ thai từ tinh trùng của cháu trai Sarah là cậu Charlie (phải). Ảnh: Telegraph.

Theo Telegraph, cặp đôi này muốn có con, nhưng Claire từng bị sẩy thai. Sau đó, nhờ tinh trùng hiến, Claire đã sinh một cậu bé tên là Carlton, hiện 5 tuổi.

Ba năm sau đó, họ lại đề nghị cậu cháu hiến tinh trùng, và kết quả lần này là bé Sarah, hiện 2 tuổi.

Cặp đôi đồng tính quyết định giữ bí mật danh tính về cha của hai đứa trẻ. Tuy nhiên, cái chết của cậu đã buộc người dì thú nhận tình huống oái ăm với chị gái mình.

"Khi Charlie chết, chúng tôi đã tan nát cõi lòng. Chúng tôi nghĩ đã không còn gì của thằng bé còn lại. Nhưng mà lại có", bà Lowden nói.

"Tôi ước gì chúng tôi đã biết điều này sớm hơn, trước khi thằng bé chết để Charlie biết rằng chúng tôi đã chấp nhận điều đó".

Bà Lowden mô tả việc biết bé Carlton là cháu nội mình "giống như thể chúng tôi đang có Charlie trở lại".

VNE

Suýt cụt chân vì vết loét nhỏ

àdf
Những bệnh nhân nằm quá lâu dễ bị biến chứng loét. Ảnh minh họa: H.P.
Gần 20 năm bị loét bàn chân, hoại tử đến mức lộ cả khớp, gần đây ông Ninh (70 tuổi, Hà Tĩnh) đi khám lại thì bác sĩ thông báo bàn chân ông có nguy cơ phải cắt cụt. Tuy nhiên sau 2 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, ông đã có thể đi lại bình thường mà không mất chân.

Do bị tiểu đường trong thời gian dài, bàn chân ông bắt đầu xuất hiện những vết loét. Gần 20 năm nay, dù đã đi chữa nhiều nơi nhưng vết loét không liền lại mà ngày càng lan rộng, thậm tím cả một vùng, chảy dịch mùi hôi. Gia đình đã đưa ông sang tận Thái Lan chữa trị nhưng vẫn không ăn thua.

Sau khi về nước, thấy vết thương đau buốt nhiều quá, gia đình vội đưa ông đi bệnh viện khám. Các bác sĩ thông báo khó có thể giữ lại được bàn chân cho ông. Nghe người quen mách Viện Bỏng Quốc Gia có thể điều trị được các vết loét mãn tính, ông mới đến thử chữa với hy vọng còn nước còn tát.

Nhờ áp dụng phương pháp điều trị mới, sau hai tháng điều trị tại Trung tâm điều trị vết thương mãn tính của Viện, ông Ninh đã khỏi hẳn và có thể tự đi lại.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia cho biết, những trường hợp bị vết thương mãn tính được chữa khỏi nhờ áp dụng phương pháp chữa trị mới như ông Ninh không phải là hiếm gặp. Vết thương mãn tính là vết loét bị nhiễm trùng, ngoài 6 tuần không liền được, thi thoảng có chảy dịch. Có bệnh nhân gần mấy chục năm chịu vết loét như thế.

"Bệnh không gây chết người ngay cũng vì thế nhiều người chủ quan, bỏ qua vì cho rằng vết loét đó không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không điều trị dứt điểm, những vết loét đó sẽ trở thành vết thương mãn tính, ảnh hưởng đến chất lượng sống, tâm lý, sinh hoạt của người bệnh", tiến sĩ Lượng nói.

Theo tiến sĩ, những vết loét này có thể là biến chứng của các bệnh như: tiểu đường, viêm tắc động tĩnh mạch, loét do ung thư, các bệnh lý miễn dịch, người già nằm quá lâu, các nạn nhân tai nạn giao thông bị liệt não, liệt tủy... Đây cũng có thể là biến chứng sau xạ trị điều trị ung thư như trường hợp của bé Anh, 6 tháng tuổi, ở Hà Nội.

Bị u máu thể phẳng ở bàn chân, bé đã được điều trị phóng xạ, làm teo u máu tại Bệnh viện K. Nhưng do da trẻ con mỏng nên sau đó bàn chân bé bị loét, lộ cả xương, biến chứng sau điều trị xạ trị. Tế bào bị chết, không liền lại được, khó điều trị. Dù đã được thay băng điều trị 3 tháng nhưng vết thương không khỏi, tiếp tục chảy dịch, đau nhức.

Đến khi được chuyển sang Viện Bỏng điều trị bằng liệu pháp tế bào thì chỉ trong vòng nửa tháng, vết loét bàn chân của bé Anh đã khỏi liền lại, chỉ để lại vết sẹo nhỏ.

"Thực tế, tỷ lệ những người bị vết thương mãn tính có xu hướng ngày càng tăng do các bệnh của xã hội hiện đại như tim mạch, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, ung thư... Đây là những bệnh có tỷ lệ biến chứng gây nên các vết thương, vết loét mãn tính rất hay gặp", tiến sĩ Lượng cho biết.

Theo Tiến sĩ, với những vết loét thông thường, thầy thuốc hay sử dụng các chất sát khuẩn để lau vết thương. Tuy nhiên, với những vết thương khó lành việc dùng thuốc sát khuẩn càng khiến vết thương không lành. Viện Bỏng quốc gia đã áp dụng một số phương pháp mới thay thế phương pháp điều trị truyền thống.

Cụ thể, các biện pháp mới bao gồm hút áp lực âm để làm sạch vết thương và cải thiện nuôi dưỡng tại chỗ, cắt lọc đáy ổ loét, hạn chế sử dụng các hóa chất gây ức chế liền vết thương. Đặc biệt là sử dụng công nghệ sinh học như nuôi cấy tế bào (nuôi cấy tế bào biểu mô da tự thân, tế bào gốc tự thân…).

Tiến sĩ Lượng cho biết, mục đích của các phương pháp là “làm mới” vết thương, biến vết thương mãn tính thành vết thương cấp tính. Việc sử dụng công nghệ tế bào trong điều trị cho phép bổ sung hoặc kích thích các tế bào tại chỗ tái tạo ra các thành phần làm liền vết thương.

Bên cạnh đó, việc kết hợp với một số kỹ thuật ngoại khoa như thay băng, ghép da tự thân hay chuyển vạt da tại chỗ... sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn, giảm được thời gian điều trị. Di chứng để lại của nó rất ít, các vết sẹo thường mềm, phẳng ít gây hạn chế cho vận động cũng như thẩm mỹ.

Sau gần 2 năm triển khai kỹ thuật mới, Viện Bỏng quốc gia đã chữa khỏi hoàn toàn cho hơn 500 bệnh nhân.

VNE

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Virut chiến binh và cuộc cách mạng mới trong y học

Có những loại virut chuyên tấn công vi khuẩn, nó sống ký sinh trong cơ thể vi khuẩn, gây bệnh cho vi khuẩn và cuối cùng tiêu diệt vi khuẩn. Nó được biết đến với cái tên “thực khuẩn thể” hay “virut diệt khuẩn”. Trong thời đại mà thuốc kháng sinh đang mất dần hiệu lực, các loại virut này đã bắt đầu được con người sử dụng như những chiến binh để chiến đấu với vi khuẩn.

Nhận diện virut chiến binh

Thực khuẩn thể hay virut diệt khuẩn là một thể “ăn” vi khuẩn, tên khoa học là bacteriophage (theo tiếng Hy Lạp, bacteria nghĩa là vi khuẩn và phage nghĩa làăn hoặc nuốt), thường được gọi tắt là phage. Theo mô tả trong các nghiên cứu, hình dáng của thực khuẩn thể rất đa dạng, có thể là hình tròn, hình đũa hoặc hình sợi. Nhưng cấu trúc và tác dụng của chúng đều như nhau: giống hệt một chiếc bơm kim tiêm. Để tấn công vi khuẩn, trước tiên phage dùng các răng vô cùng nhỏ bám vào mục tiêu. Sau đó chúng dùng sợi râu đặc biệt hình kim chọc thủng màng ngoài của vi khuẩn và bơm tế bào di truyền ADN vào bên trong. Toàn bộ cấu trúc phức tạp của một phage chỉ có kích thước vẻn vẹn vài phần triệu milimet. Khi phân tử ADN của phage đã nằm gọn trong tế bào vi khuẩn, nó sẽ phá ADN của vi khuẩn thành các mảnh vụn rồi sử dụng “chiến lợi phẩm” này để cấu tạo nên ADN của thế hệ phage kế tiếp. Toàn bộ chu trình nhân bản chỉ kéo dài 30 - 40 phút. Trong chu trình đó, tế bào vi khuẩn gây bệnh đã bị biến thành xưởng sản xuất ra các phage. Từ một tế bào vi khuẩn gây bệnh có thể sản sinh ra hàng trăm phage mới. Điều đặc biệt là các phage này không gây hại đối với cơ thể nhưng lại có tác dụng “sát thủ” vô cùng lợi hại đối với các vi khuẩn gây bệnh khác.

Hình ảnh một con virus ăn vi khuẩn.

Năm 1896, Ernest Hanburi, nhà hóa học tham gia thanh toán dịch tả ở Ấn Độ cũng hết sức ngạc nhiên khi phát hiện những người uống nước sông Ganges không hề ngã bệnh. Tuy nhiên, phải hơn chục năm sau, nhà vi sinh học người Canada, TS. Felix d’Herelle mới lý giải được bí ẩn: trong nước con sông ấy có một loại vi sinh vật rất nhỏ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh tả. Felix d’Herelle cũng là người đầu tiên nhìn thấy những vi sinh vật rất nhỏ kia dưới kính hiển vi. Nhưng trình độ khoa học thời đó không cho phép ông nghiên cứu chi tiết cấu trúc của chúng. Ông chỉ nhận biết được rằng, đặc điểm chủ yếu của loại vi sinh vật này là có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn khác. Felix d’Herelle đã công bố kết quả nghiên cứu này và gọi chúng là virut diệt vi khuẩn. Ông cũng là người đầu tiên ứng dụng liệu pháp phage trong y học, để khống chế đại dịch lỵ năm 1917.

Trong những năm đầu của thế kỷ 20, một hãng y tế ở Mỹ đã thành lập bệnh viện chuyên dùng thực khuẩn thể để chữa bệnh truyền nhiễm nhưng lúc bấy giờ, liệu pháp này chỉ được áp dụng theo kinh nghiệm vì cơ sở khoa học của nó chưa được xác nhận đầy đủ. Lúc đó, người ta cho rằng có thể dùng một loại phage để chữa nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn khác nhau. Vì thế, khi một số bệnh đã không được chữa khỏi thì phương pháp này dần dần bị lãng quên. Đến năm 1924, một viện nghiên cứu về phage đã được xây dựng tại thành phố Tbilixi bởi nhà khoa học Nga Eliava. Nhờ đó, cơ chế tác động và cấu trúc phân tử của phage đã được khám phá. Các nhà khoa học Nga đã chứng minh được quần thể của các phage rất đa dạng và mỗi phage chỉ có thể tiêu diệt được một chủng loại vi khuẩn gây bệnh nhất định. Các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, trong nhiều thập kỷ sau đó đã ứng dụng liệu pháp thực khuẩn thể vào điều trị có hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi thuốc kháng sinh xuất hiện với những thắng lợi rực rỡ của nó cùng cách sử dụng đơn giản và hiệu quả hơn đã khiến cho liệu pháp này bị rơi vào quên lãng.

Sự hồi sinh của một liệu pháp cổ điển

Mãi đến gần đây, khi nhân loại nghiêm túc nhìn nhận về cuộc khủng hoảng liệu pháp kháng sinh, khi đã xuất hiện những biến thể vi khuẩn trơ lỳ với mọi loại kháng sinh thì liệu pháp thực khuẩn thể mới bắt đầu có cơ hội được hồi sinh.

Với cơ chế hoạt động theo kiểu “lấy độc trị độc”, vi khuẩn gần như không có cơ may chống đỡ được cuộc tấn công của các thực khuẩn thể. Khác với tất cả các loại thuốc kháng sinh, liệu pháp thực khuẩn thể là “thuốc” duy nhất tự sinh sôi nhiều lên ngay tại chính nơi bị viêm nhiễm khiến cho việc điều trị càng được tăng cường mạnh mẽ. So với các loại thuốc kháng sinh, phage có rất nhiều ưu điểm: Nhờ tính chuyên biệt của phage nên khi phage diệt khuẩn điều trị bệnh thì không gây ảnh hưởng đến vi khuẩn có lợi sống cộng sinh trong đường tiêu hóa. Phage không gây dị ứng như thuốc kháng sinh và cũng không tác động đến hệ thống miễn nhiễm của cơ thể. Có thể dùng phage để phòng và chữa bệnh, trong khi kháng sinh dự phòng khó khăn hơn. Chi phí sản xuất phage rẻ hơn sản xuất thuốc kháng sinh rất nhiều… Nhờ những ưu điểm này mà liệu pháp sử dụng phage trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đang hứa hẹn sẽ làm nên một cuộc cách mạng mới trong y học: thay thế hoàn toàn các thế hệ thuốc kháng sinh sau một thời gian dài sử dụng nay đã có nhiều bất cập.

Hiện nay, các kết quả nghiên cứu về phage đã được ứng dụng rộng rãi ở phương Tây. Trung tâm Vrosoap của Ba Lan là cơ quan hàng đầu thế giới trong các nghiên cứu về phage và sản xuất chúng. Bản thân trung tâm đã được Ủy ban đạo đức sinh học châu Âu cho phép triển khai liệu pháp thực khuẩn thể trên cơ thể người. Tiếp theo là Viện nghiên cứu phage ở Tbilixi (Gruzia). Trong các tủ lạnh của viện nghiên cứu này đang lưu giữ 3.000 loại phage có khả năng chữa bệnh, từ đây các phage sẽ được đưa đi điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở khắp nơi.

Các hãng công nghệ sinh học trên thế giới cũng không bỏ qua cơ hội kiếm lời này. Họ đang ra sức chạy đua để sớm đưa ra thị trường những loại chế phẩm sử dụng thực khuẩn thể. Nhiều công ty dược phẩm của Mỹ, Ấn Độ... đang nghiên cứu thực khuẩn thể để điều trị các căn bệnh vi khuẩn như: lao, vi khuẩn gây nhiễm độc thức ăn, cùng những vũ khí sinh học trong đó có bệnh than... Có thể trong tương lai, phage sẽ trở thành loại “thuốc kháng sinh” hữu hiệu của thế kỷ 21.

Trung Kiên (Theo ScienceDaily)

23 người nhập viện vì ăn thịt trăn bị mắc... giun

Ảnh: Báo Gia Lai.
Ông Nguyễn Văn Hóa, trưởng thôn 7, xã Ia Nhin cũng là một trong số 23 người tham gia bữa ăn thịt trăn và bị mắc bệnh. Ảnh: Báo Gia Lai.
Sau bữa nhậu thịt trăn hơn một tuần, 23 người ở xã Ia Nhin, Chư Pah, Gia Lai phải nhập viện vì triệu chứng sốt cao, co giật, nhức mỏi cơ bắp. Người bệnh hoang mang lo ăn phải "trăn tinh" nhưng cơ quan chức năng xác định, "thủ phạm" là một loại giun móc.

Cuối tháng 8/2010, ông Nguyễn Văn Thông ở xã Ia Nhin mua được con trăn nặng 13kg, mời một số người cùng thôn đến làm thịt, ăn nhậu. Có 23 người tham gia ăn, dùng tiết và uống mật trăn hôm đó. Hơn một tuần sau, tất cả họ đều bị sốt cao, có người co giật, nhức mỏi cơ bắp... phải đi cấp cứu.

Những người này sau khi ra viện không khỏi bệnh hẳn mà sau đó theo chu kỳ, thỉnh thoảng họ lại bị sốt và đau nhức xương, mỏi cơ. Người dân hoang mang sợ mình ăn phải "trăn tinh" hay bị trừng phạt vì ăn thịt trăn thiêng.

Trước vụ ngộ độc lạ lùng này, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Lãnh đạo Cục mới đây cho biết, các chuyên gia đã xác định được nguyên nhân gây bệnh cho những người ăn thịt trăn là do trăn nhiễm ký sinh trùng (giun móc) nên khi ăn thịt, tiết trăn chưa nấu chín, cả 23 người đều bị nhiễm.

Cũng theo chuyên gia, việc những người ăn thịt trăn sau đó bị tái phát bệnh theo chu kỳ do đó là thời điểm sinh sản của giun móc. Khi đến kỳ sinh sản, giun sẽ tiết vào máu các chất độc, khiến cơ thể nổi sẩn ngứa, nhức mỏi, sốt, khi hết chu kỳ này thì cơ thể người bệnh sẽ trở lại bình thường.

VNE

Bác sĩ trượt tay làm rơi bé sơ sinh vào bếp sưởi

Một bé sơ sinh đã bị bỏng nặng khi rơi vào bếp sưởi dưới giường mổ đẻ ở một bệnh viện tại Ankang (Sơn Tây, Trung Quốc).

Mặc dù ngay sau đó được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị, các bác sĩ vẫn không mấy lạc quan về tình trạng của em.

Ảnh: English.cri.cn.
Em bé rơi vào bếp sưởi đang được các y tá thay tã. Ảnh: Hsw.cn.

Hu Xiaoyong, một bác sĩ trong kíp mổ đẻ này cho biết, khi em bé vừa chào đời thì một bác sĩ đỡ đã không giữ được bé do các chất nhầy quá trơn trên da em. Đứa trẻ đã rơi ngay xuống chiếc bếp sưởi dưới gậm giường, do người cha mang đến vì đèn sưởi của bệnh viện bị hỏng.

Theo tờ China Business News, hiện tại sức khỏe bệnh nhi đã ổn định nhưng em vẫn chưa hết nguy hiểm do vết bỏng khá nặng. Bác sĩ chuyên về chấn thương Dong Maolong cho biết, em bị bỏng 60%, chủ yếu ở lưng.

"Cháu bé sẽ rất khó hồi phục hoàn toàn vì các cơ quan của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ, mà vết bỏng lại rất rộng", bác sĩ Dong nói. Theo ông, sau này em bé có thể cần phải ghép da nhưng cũng khó tránh được các biến chứng sau bỏng.
VNE

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Càng ngoáy càng lùng bùng

“Tôi hay đi hớt tóc, ngoáy tai. Mỗi lần vậy, vài ngày sau lại thấy ù tai, nghe có tiếng ồ ồ như gió thổi trong tai, khả năng nghe giảm hẳn. Ngoáy để làm sạch tai, đỡ ngứa tai mà sao càng ngoáy càng lùng bùng vậy bác sĩ?”.

Nhiều người thường có thoi quen cắt tóc, lấy ráy tai - Ảnh: google.com

Khá nhiều bệnh nhân than phiền với bác sĩ như vậy. Đây là những triệu chứng của tổn thương ống tai ngoài.

Ngoáy mọi lúc mọi nơi

Cắt tóc, lấy ráy tai đã trở thành chuyện bình thường đến nỗi chẳng ai lưu tâm đến mặt trái của nó. Tuy nhiên, việc lấy ráy tai tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm và bất lợi bởi dụng cụ để lấy ráy tai kém vệ sinh, sử dụng cho nhiều người mà chỉ lau chùi qua loa cho sạch bụi bẩn. Chúng khá sắc, dễ gây tổn thương những cấu trúc vốn khá mong manh của ống tai khi ngoáy. Có người còn thủ sẵn que móc tai ở những nơi bụi bặm và vô cùng mất vệ sinh như trong túi xách, hộc bàn, khe tủ... và vô tư đưa lên ngoáy tai mỗi khi có thể.

Lại có người khác dưỡng móng tay út thật dài để ngoáy tai cho đã ngứa. Có người sử dụng tất cả những vật dụng sẵn có để ngoáy tai như gọng kính, chìa khóa, tăm xỉa răng... Với những hành vi như vậy dễ hiểu tại sao có nhiều người càng ngoáy càng... lùng bùng lỗ tai.

Tai người là một cấu trúc có chức năng vô cùng tinh xảo, gồm có tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài ngăn cách với tai giữa bằng màng nhĩ. Màng nhĩ tiếp nhận âm thanh, năng lượng của sóng âm sẽ biến thành năng lượng cơ học làm chuyển động xương búa, xương đe và xương bàn đạp theo kiểu liên hoàn.

Lực cơ học này sẽ tác động lên ốc tai (tai trong) làm thay đổi trong thể dịch của ốc tai, sự thay đổi thể dịch này được não giải mã thành những tín hiệu âm thanh. Sự toàn vẹn và mềm mại của màng nhĩ đóng vai trò quan trọng trong sự nghe. Trong khi cấu trúc này lại rất dễ bị tổn thương bởi tình trạng viêm nhiễm, những chấn thương do khí áp (tiếng ồn) và việc ngoáy tai thô bạo.

Ráy tai vô tội

Ráy tai là chất dịch nhầy do những tế bào tuyến trong ống tai ngoài tiết ra, có chức năng chống lại sự xâm nhập của những vi sinh vật lạ (khi có một chú kiến nào đó đi lạc vào tai tức thì sẽ bị ráy tai bao vây và cô lập). Dưới tác động của những nhung mao trên bề mặt của tế bào tuyến, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô và bong ra ngoài.

Cấu trúc giải phẫu của ống tai khá đặc biệt là lớp niêm mạc (có chứa các tế bào tuyến) phủ trực tiếp trên ống xương mà không có những cấu trúc đệm như những cấu trúc khác trong cơ thể nên lớp niêm mạc này rất dễ bị tổn thương do những lực cơ học từ việc ngoáy tai. Khi lớp niêm mạc này bị tổn thương sẽ gây ra hai hậu quả: một là làm tăng bài tiết chất nhầy, hai là nhiễm trùng tại những nơi bị thương tổn.

Những vi trùng và nấm gây ra viêm nhiễm có thể ở tại chỗ trong ống tai ngoài hoặc từ ngoài đưa vào thông qua những dụng cụ ngoáy tai bẩn. Đa số trường hợp nhiễm trùng này ở thể mãn tính, khu trú, ít gây ra những triệu chứng nhiễm trùng như sốt, đau tai, trừ những bệnh nhân bị đái tháo đường hoặc bị suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng chính là ngứa tai (phản ứng viêm làm giải phóng các hóa chất trung gian như histamine, bradykinin, serotonin... gây ra ngứa), ù tai, nghe có tiếng ồ ồ như gió thổi hoặc xe chạy trong tai rất khó chịu, khả năng nghe giảm. Ráy tai nhiều lên trong trường hợp ống tai bị viêm nhiễm, nhưng nó là hậu quả chứ không phải nguyên nhân. Rất nhiều người nhầm lẫn là ráy gây ra ngứa tai nên cố sống cố chết ngoáy, càng ngoáy càng đưa thêm vi trùng và nấm vào tai làm tình trạng tổn thương niêm mạc của ống tai nặng hơn nữa, dẫn đến nhiễm trùng nặng thêm.

Gần đây xuất hiện dịch vụ lấy ráy tai cao cấp trong các spa, lấy ráy tai bằng nhiệt đèn cầy (ear-candling). Tuy nhiên như đã nói ở trên, đa số trường hợp không cần phải lấy ráy tai, dùng nhiệt coi chừng cháy tai chứ không lợi ích gì!

Để tránh bị ngứa tai, ù tai... chỉ có cách duy nhất là không ngoáy tai nữa. Nếu không thể “nhịn” được thói quen vô bổ này thì sử dụng tăm bông sạch thấm nước muối sinh lý và lau tai nhẹ nhàng, mỗi tai dùng một tăm bông riêng biệt để tránh lây nhiễm từ tai bệnh sang tai lành.

TTO

Những hiểu lầm 'chết người' về HIV

àdf
Những người phụ nữ có HIV tham gia chung kết cuộc thi "hoa hậu" HIV. Ảnh: P.N.
Đã 20 năm căn bệnh thế kỷ có mặt tại Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn còn không ít bạn trẻ cho rằng bệnh có thể lây truyền qua muỗi hay côn trùng đốt, ăn uống chung bát đĩa, thậm chí qua đường hô hấp.
Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên quốc gia gần đây cho thấy, hầu hết bạn trẻ đều biết HIV có thể lây truyền qua tình dục không an toàn, tiêm chích, từ mẹ sang con... Tuy nhiên, một số đáng kể vẫn còn cho rằng HIV có thể lây truyền qua muỗi đốt hay côn trùng đốt (26%), qua ăn uống chung bát đĩa (10%) hoặc qua đường hô hấp (13%).

Cách hiểu mang tính bảo vệ thái quá này có thể làm trầm trọng thêm những định kiến xã hội đối với người nhiễm HIV, khiến họ không chỉ bị cộng đồng mà chính cả người thân xa lánh.

Ngay trước lúc sắp được rời trại cai nghiện, anh Hà, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng biết tin mình nhiễm bệnh. Khi đó chân tay anh rụng rời, mọi thứ như sụp đổ hết dưới chân. Điều đau đớn hơn là khi về nhà, người thân biết tin anh bị HIV liền xây cho anh phòng mới để ở. Sau đấy mẹ anh sắm các vật dụng cá nhân cho con trai, như bàn chải, khăn mặt, cốc, chén, bát, đĩa...

"Tôi thấy mình bị cô độc, xa lánh. Mọi người không ai dám đến gần tôi, bóc quả cam đưa cho cháu mà mẹ nó biết là vứt ngay. Đi ra đường thì mọi người bàn tán, xì xào, chỉ trỏ", anh Hà tâm sự.

Cũng vì thế, anh tự giam mình trong căn phòng 7m2, không ra khỏi phòng, không tiếp xúc, không thư từ, điện thoại với ai. Ngày nào cũng thế, người nhà chuyển đồ ăn cho anh bằng những chiếc cốc nhựa của riêng anh qua cửa sổ. Lúc đó, anh chẳng thiết sống nữa, anh tìm đến ma túy và bắt đầu nghiện lại.

“Tôi muốn chơi cho đời mình nát đi, mình không phải là mình nữa, để đỡ phải nghĩ, đỡ phải dằn vặt, đỡ phải đau đớn”, anh Hà cho biết.

Cũng vì ánh mắt ghẻ lạnh, xa lánh của người xung quanh mà không ít người muốn tìm đến cái chết. Có chị em khi biết mình nhiễm HIV đã nấu hẳn một nồi cháo trộn với thuốc trừ sâu để mấy mẹ con cùng chết. Thế nhưng khi nghe thấy tiếng trẻ con hàng xóm gọi con mình, chị như bừng tỉnh, đổ nồi cháo đi. "Suýt nữa thì tôi đã giết cả con mình", người phụ ấy nghẹn ngào nói.

Chị Tòng Thị Thu Hà, 27 tuổi, ở Điện Biên cũng đã 3 lần định ăn lá ngón để giải thoát chính mình. "Lá ngón độc lắm, chỉ cần ăn 3 lá là đủ chết. Nhưng rồi mình cũng không đủ can đảm làm điều đó vì nghĩ sao mình lại phải chết uổng như thế, mình phải cố gắng sống", chị Hà nói.

Và không biết bao nhiêu trẻ vô tình mang trong mình căn bệnh thế kỷ bị cấm đến trường. Với các bé được nuôi dưỡng tại Trung tâm Mai Hòa, Củ Chi, TP HCM, điều ao ước lớn nhất của các em là được đến trường đi học như bao bạn khác chứ không phải chỉ học trong một lớp chỉ có vài ba học sinh.

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử đã khiến chương trình phòng, chống HIV khó tiếp cận với người nhiễm và những người dễ bị tổn thương. Nhiều trường hợp phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV dương tính đã không quay lại chương trình.

Tính đến ngày 30/9/2010, trên cả nước đã có gần 230.000 người nhiễm HIV được phát hiện. Trong đó, hơn 180.000 người vẫn còn sống.

VNE