Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Suýt cụt chân vì vết loét nhỏ

àdf
Những bệnh nhân nằm quá lâu dễ bị biến chứng loét. Ảnh minh họa: H.P.
Gần 20 năm bị loét bàn chân, hoại tử đến mức lộ cả khớp, gần đây ông Ninh (70 tuổi, Hà Tĩnh) đi khám lại thì bác sĩ thông báo bàn chân ông có nguy cơ phải cắt cụt. Tuy nhiên sau 2 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, ông đã có thể đi lại bình thường mà không mất chân.

Do bị tiểu đường trong thời gian dài, bàn chân ông bắt đầu xuất hiện những vết loét. Gần 20 năm nay, dù đã đi chữa nhiều nơi nhưng vết loét không liền lại mà ngày càng lan rộng, thậm tím cả một vùng, chảy dịch mùi hôi. Gia đình đã đưa ông sang tận Thái Lan chữa trị nhưng vẫn không ăn thua.

Sau khi về nước, thấy vết thương đau buốt nhiều quá, gia đình vội đưa ông đi bệnh viện khám. Các bác sĩ thông báo khó có thể giữ lại được bàn chân cho ông. Nghe người quen mách Viện Bỏng Quốc Gia có thể điều trị được các vết loét mãn tính, ông mới đến thử chữa với hy vọng còn nước còn tát.

Nhờ áp dụng phương pháp điều trị mới, sau hai tháng điều trị tại Trung tâm điều trị vết thương mãn tính của Viện, ông Ninh đã khỏi hẳn và có thể tự đi lại.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia cho biết, những trường hợp bị vết thương mãn tính được chữa khỏi nhờ áp dụng phương pháp chữa trị mới như ông Ninh không phải là hiếm gặp. Vết thương mãn tính là vết loét bị nhiễm trùng, ngoài 6 tuần không liền được, thi thoảng có chảy dịch. Có bệnh nhân gần mấy chục năm chịu vết loét như thế.

"Bệnh không gây chết người ngay cũng vì thế nhiều người chủ quan, bỏ qua vì cho rằng vết loét đó không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không điều trị dứt điểm, những vết loét đó sẽ trở thành vết thương mãn tính, ảnh hưởng đến chất lượng sống, tâm lý, sinh hoạt của người bệnh", tiến sĩ Lượng nói.

Theo tiến sĩ, những vết loét này có thể là biến chứng của các bệnh như: tiểu đường, viêm tắc động tĩnh mạch, loét do ung thư, các bệnh lý miễn dịch, người già nằm quá lâu, các nạn nhân tai nạn giao thông bị liệt não, liệt tủy... Đây cũng có thể là biến chứng sau xạ trị điều trị ung thư như trường hợp của bé Anh, 6 tháng tuổi, ở Hà Nội.

Bị u máu thể phẳng ở bàn chân, bé đã được điều trị phóng xạ, làm teo u máu tại Bệnh viện K. Nhưng do da trẻ con mỏng nên sau đó bàn chân bé bị loét, lộ cả xương, biến chứng sau điều trị xạ trị. Tế bào bị chết, không liền lại được, khó điều trị. Dù đã được thay băng điều trị 3 tháng nhưng vết thương không khỏi, tiếp tục chảy dịch, đau nhức.

Đến khi được chuyển sang Viện Bỏng điều trị bằng liệu pháp tế bào thì chỉ trong vòng nửa tháng, vết loét bàn chân của bé Anh đã khỏi liền lại, chỉ để lại vết sẹo nhỏ.

"Thực tế, tỷ lệ những người bị vết thương mãn tính có xu hướng ngày càng tăng do các bệnh của xã hội hiện đại như tim mạch, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, ung thư... Đây là những bệnh có tỷ lệ biến chứng gây nên các vết thương, vết loét mãn tính rất hay gặp", tiến sĩ Lượng cho biết.

Theo Tiến sĩ, với những vết loét thông thường, thầy thuốc hay sử dụng các chất sát khuẩn để lau vết thương. Tuy nhiên, với những vết thương khó lành việc dùng thuốc sát khuẩn càng khiến vết thương không lành. Viện Bỏng quốc gia đã áp dụng một số phương pháp mới thay thế phương pháp điều trị truyền thống.

Cụ thể, các biện pháp mới bao gồm hút áp lực âm để làm sạch vết thương và cải thiện nuôi dưỡng tại chỗ, cắt lọc đáy ổ loét, hạn chế sử dụng các hóa chất gây ức chế liền vết thương. Đặc biệt là sử dụng công nghệ sinh học như nuôi cấy tế bào (nuôi cấy tế bào biểu mô da tự thân, tế bào gốc tự thân…).

Tiến sĩ Lượng cho biết, mục đích của các phương pháp là “làm mới” vết thương, biến vết thương mãn tính thành vết thương cấp tính. Việc sử dụng công nghệ tế bào trong điều trị cho phép bổ sung hoặc kích thích các tế bào tại chỗ tái tạo ra các thành phần làm liền vết thương.

Bên cạnh đó, việc kết hợp với một số kỹ thuật ngoại khoa như thay băng, ghép da tự thân hay chuyển vạt da tại chỗ... sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn, giảm được thời gian điều trị. Di chứng để lại của nó rất ít, các vết sẹo thường mềm, phẳng ít gây hạn chế cho vận động cũng như thẩm mỹ.

Sau gần 2 năm triển khai kỹ thuật mới, Viện Bỏng quốc gia đã chữa khỏi hoàn toàn cho hơn 500 bệnh nhân.

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét