Vào mùa đông, nhiều trẻ thường bị tiêu chảy do rotavirus. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nghe thông tin văcxin Rotarix chứa một loại virus trên lợn, chị Nguyễn Thị Hòa, ở phường 14, quận 5, TP HCM đã vội vã đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì lo không biết con "có mắc bệnh gì không" vì trót uống văcxin này.
Cùng tâm trạng với chị Hòa, nhiều phụ huynh khác tại TP HCM, cũng đã gọi điện hoặc trực đến các điểm tiêm phòng trong tâm trạng hoang mang theo kiểu muốn tìm "thuốc giải".
"Nhà sản xuất văcxin khẳng định đây là loại virus không gây hại, nhưng phụ huynh chúng tôi không thể không hoang mang bởi khẳng định của họ vẫn chỉ mang tính chủ quan. Chúng tôi rất cần ý kiến cao hơn từ các cơ quan y tế", anh Hưng, ngụ ở quận Tân Bình nói.
Tương tự, tại Hà Nội nhiều cha mẹ tỏ ra lo lắng khi đã trót cho con uống văcxin này. Chị Lan (Đội Cấn, Hà Nội) có cậu con trai 20 tháng tuổi đã uống đủ 2 liều phòng tiêu chảy do rotavirus, cũng đôn đáo chạy đi hỏi xem liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con hay không.
Hồi bé được 7 tuần tuổi, nhìn vào sổ ghi ngày tiêm chủng, chị thấy có ghi uống văcxin phòng tiêu chảy, không bắt buộc mà tùy gia đình. Nghĩ cũng là để phòng bệnh cho con, chị đưa con đi uống 2 lần trong 2 tháng liên tiếp.
"Dù hết ngót gần 2 triệu nhưng thấy yên tâm. Đến đợt con phải nằm viện hơn một tuần vì viêm phổi, tôi thấy may mình đã cho con uống vì có nhiều trẻ bị tiêu chảy do rotavirus nhập viện. Nhưng giờ lại có thông tin văcxin đấy có virus lạ, tự nhiên lại thấy lo", chị Lan nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, cha mẹ không cần quá hoang mang nếu con đã trót uống văcxin Rotarix.
Tiến sỹ Lê Văn Phủng, Viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia Văcxin và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) khẳng định, nếu chỉ có một vật liệu di truyền của virus trên lợn mà uống vào thì cũng không cần quá lo lắng. Vì bất cứ một loại văcxin nào cũng đều phải trải qua quá trình kiểm định hết sức chặt chẽ, đảm bảo an toàn mới được phép đưa vào sử dụng.
Cũng theo tiến sĩ, công tác kiểm định trên thế giới cũng như Việt Nam không có khả năng phát hiện được tất cả các chất có thể có trong một văcxin thành phẩm. Mà chỉ có thể đảm bảo phát hiện được những chất có hại cho con người. Những chất vô tình bị nhiễm vào mà không gây hại gì cho con người thì cũng khó phát hiện được.
"Tuy nhiên, tác hại thực chất của nó đến mức nào thì cũng cần phải nghiên cứu", tiến sĩ Phủng nói.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cũng cho biết, từ nhiều năm qua chưa thấy có trường hợp nào "gặp vấn đề" sau khi sử dụng văcxin ngừa rotavirus gây tiêu chảy.
Riêng việc tìm thuốc giải, các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm khẳng định không có loại thuốc này và cũng không cần thiết.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn không khuyến cáo bất kỳ sự thay đổi nào về cách thức sử dụng Rotarix. Văcxin này đã được chứng nhận chất lượng bởi WHO và tình trạng chứng nhận chất lượng vẫn không đổi.
Theo chỉ định, trẻ uống Rotarix lần đầu khi đủ sáu tuần tuổi và lần hai sau đó 1 đến 2 tháng. Cả hai liều phải hoàn tất trước 6 tháng tuổi. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, cho biết, do giá bán lẻ của loại văcxin dịch vụ này khá cao (khoảng 700.000 đồng) nên không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện cho con sử dụng.
Bàn về tính hiệu quả của Rotarix, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cho rằng, đây là một trong những phương án phòng bệnh hữu hiệu bởi khoảng 70% trường hợp mắc tiêu chảy là do rotavirus gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Triệu chứng là trẻ bị nôn ói nhiều trong ngày, sau đó tiêu chảy phân xanh có mùi tanh, đi nhiều lần trong ngày gây mất nước, suy kiệt, trụy tim mạch... Cuối năm 2009, một trẻ ngụ tại quận 8, TP HCM đã tử vong vì virus này.
Do virus lây nhiễm qua tiếp xúc tay-miệng, trong thời gian tạm ngưng sử dụng văcxin Rotarix, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh trong ăn uống và vệ sinh cá nhân cho trẻ.
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét