Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Cúm gia cầm tái xuất: Nguy hiểm lại rình rập

6 tỉnh, thành phố đã ghi nhận dịch cúm trên đàn gia cầm, thủy cầm trong vòng 21 ngày qua. Trong vòng hơn 1 tháng, 3 người được xác định dương tính với virut cúm gia cầm A/H5N1, trong đó 1 trường hợp đã tử vong. Các chuyên gia nhận định, đây không phải là điều bất thường nhưng phải chăng đã có dấu hiệu chủ quan trong phòng chống dịch?!
Kiểm dịch gia cầm. Ảnh: ĐA

Vẫn có tâm lý chủ quan

Đến nay, theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đã có 6 địa phương ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam được xác định có dịch cúm gia cầm. Đó là Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Nam Định, Khánh Hòa và Tuyên Quang. Trong đó, Tuyên Quang là địa phương mới nhất có tên trên bản đồ cúm gia cầm trong đợt này với ổ dịch được xác định xảy ra trên đàn gia cầm của 1 hộ gia đình tại xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương.

Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây lan ra các địa phương khác trên cả nước là rất cao, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bà con nông dân đang thu hoạch lúa, người dân thả vịt chạy đồng nhiều, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Theo ông Năm, dịch cúm gia cầm liên tiếp tái phát lẻ tẻ ở các tỉnh, thành là do khâu tiêm phòng và triển khai các biện pháp phòng, chống khác của người dân và ở cấp cơ sở chưa tốt, kể cả việc kiểm soát vận chuyển qua biên giới cũng như trong nội địa và kiểm soát giết mổ không được tốt. Thêm vào đó, mấy năm nay, dịch không bùng phát thành đợt lớn nên nảy sinh tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch. “Tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đã được đề ra nhưng trên thực tế lại không được triển khai đến nơi đến chốn tại các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn đang tiếp diễn trong phòng chống dịch”, ông Năm bức xúc. Nhìn vào báo cáo về công tác tiêm vaccin cho gia súc, gia cầm của các địa phương đều rất “đẹp”, đạttỷ lệ cao, nhưng đến khi dịch bệnh xảy ra, qua điều tra trở lại đã phát hiện tại một số tỉnh, số gia cầm thực tế cao gấp 3 lần so với kế hoạch của địa phương. Điều đó cho thấy tỷ lệ tiêm phòng thực tế rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu chống dịch.

Cúm gia cầm trở lại là điều đã được dự đoán trước

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người tại Bộ Y tế chiều 3/3, một lần nữa, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan sang người lại được đẩy lên. TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường nhận định, hiện tại thời tiết mùa đông xuân là điều kiện lý tưởng cho virut cúm lây lan và phát triển, nguy cơ dịch lan rộng và lây lan sang người rất dễ xảy ra.

Ông Nga cũng cho rằng, các địa phương cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm dịch động vật để tránh lây lan sang người. Bằng chứng là ở Tuyên Quang sau khi phát hiện bệnh nhân mắc cúm A/H5N1, ngành thú y mới có báo cáo phát hiện dịch trên đàn gia cầm.

Phun thuốc khử khuẩn phòng chống dịch cúm gia cầm. Ảnh: Trần Minh

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, đã có 3 trường hợp được phát hiện mắc cúm A/H5N1 trên người tại Tiền Giang, Khánh Hòa và Tuyên Quang, trong đó 1 trường hợp ở Tiền Giang đã tử vong. Cả 3 trường hợp này đều có liên quan hoặc có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm, chết.

Như vậy, tính chung từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 115 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người, trong đó 58 trường hợp tử vong (tỉ lệ tử vong là khoảng 50%). Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang tiến hành phân lập virut từ mẫu bệnh phẩm thu thập được để tìm xem có sự biến đổi virut hay không. Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, việc phát hiện trường hợp mắc cúm gia cầm ở người trong dịp Tết Nguyên đán đã được các chuyên gia dự đoán trước và không phải là điều bất thường. Nguyên nhân là do virut cúm A/H5N1 vẫn tồn tại trên đàn thủy cầm, có thể gây bệnh trên đàn gia cầm, thủy cầm khi gặp điều kiện thuận lợi. Tết Nguyên đán cũng là dịp mà các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra sôi nổi nhất. Do đó, người dân cần nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế để đề phòng không bị lây bệnh từ gia cầm.

suckhoedoisong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét