Chỉ truyền dịch với sự giám sát của bác sĩ hoặc điều dưỡng - Ảnh: N.C.T. |
Ghé một hiệu thuốc bình dân trên phố Cầu Giấy, Hà Nội hỏi mua chai dịch truyền, cô nhân viên nhà thuốc lập tức giới thiệu ba sản phẩm, ngoài hai chai dịch truyền dạng nước muối 9 phần ngàn, còn có chai dung dịch màu vàng như nước pha viên vitamin C sủi bọt, trên nhãn phụ ghi nhập khẩu từ Đài Loan, nhãn chai thuốc lại ghi nhà phân phối là một công ty ở Myanmar! Theo cô bán hàng, đây là đạm hoa quả, giá chỉ 33.000 đồng/chai, truyền để bồi bổ sức khỏe, mát và đẹp da, các bà các chị đang dùng nhiều...
Loạn truyền dịch
Chị Trần Thị Bích Hồng ở Thanh Xuân (Hà Nội) có thể coi là “con nghiện” dịch truyền. Nhà có người ốm, sốt, bất kể bệnh gì, nguyên nhân do đâu, mức độ ra sao, đã đến mức suy kiệt phải truyền dịch hay không, chị Hồng cũng giục đi...truyền dịch. Cách của chị là mời y tá gần nhà hay y tá quen, mua chai truyền dịch, dây, kim truyền ở hiệu thuốc về nhà và... truyền.
Chị Hằng, một y tá ở trạm y tá phường, cũng hay được mời đến các gia đình trong khu vực quận Cầu Giấy chị ở để truyền dịch. Thôi thì đủ kiểu truyền, cụ già truyền đạm cho khỏe, em bé tiêu chảy, sốt thì cho truyền nước, các chị em truyền “đạm hoa quả”, vừa bồi bổ sức khỏe vừa đẹp da... Dịch truyền giờ rất rẻ, mua đâu cũng có, truyền vào ăn uống có kém thì người vẫn không sút, da dẻ sáng đẹp, ai cũng thích, nhất là các chị em độ tuổi thích làm đẹp.
Thế nhưng khi chúng tôi gặp PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, giám đốc Trung tâm Theo dõi phản ứng phụ của thuốc (Trung tâm ADR, ĐH Dược Hà Nội), TS Hòa giật mình bởi cách suy nghĩ đơn giản của chị em. “Đúng là đang có tình trạng loạn truyền dịch. Bố mẹ già yếu, không ăn được cho truyền chai đạm; thấy cụ già nhà hàng xóm sau truyền đạm trông có vẻ khỏe cũng... mua đạm về truyền cho bố mẹ mình!
Về nguyên tắc, tất cả thuốc tiêm, truyền là thuốc bán theo đơn, phải có bác sĩ chỉ định mới được sử dụng, nếu không có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Như chai dịch truyền đạm là đạm thủy phân, là kháng nguyên; truyền chai thứ nhất, thứ hai không vấn đề gì nhưng đến chai thứ ba kháng thể chống lại kháng nguyên, người bệnh có thể tử vong” - ông Hòa khuyến cáo.
Làm đẹp bằng thực phẩm là tốt nhất
Theo một dược sĩ làm việc tại Bộ Y tế, “đạm hoa quả” là cách nói của thị trường, thực tế sản phẩm này là dịch truyền có bổ sung vitamin. Nếu ăn uống được, tốt nhất nên bổ sung vitamin bằng cách ăn uống các thực phẩm tốt, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng.
Còn PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa nhấn mạnh đến yếu tố mất an toàn của tình trạng truyền dịch tại nhà hoặc tự ý truyền dịch. Theo PGS Hòa, từ đầu năm 2010 đến nay Trung tâm ADR nhận được hơn 300 báo cáo về các trường hợp gặp phản ứng phụ của thuốc, chủ yếu là sau khi điều trị bằng kháng sinh hoặc các thuốc kháng viêm (corticoid). Ngay giữa tháng 4 này, tại Bình Định có hai anh em ruột là học sinh lớp 8 và lớp 6 tử vong sau khi truyền dịch tại nhà nhân viên y tế, mặc dù nguyên nhân tử vong chưa được xác định, nhưng không thể coi thường tính mạng mà truyền dịch tại nhà.
Theo ông Hòa, không thể lường hết mọi phản ứng phụ của thuốc. Mỗi sản phẩm dịch truyền có chỉ định riêng, dung dịch nước muối 9 phần ngàn bù nước trong trường hợp tiêu chảy, mất nước, mất điện giải. Dịch truyền đạm sử dụng trong trường hợp bệnh nhân suy kiệt... Nhưng bệnh nhân ở nhà thì làm sao xác định được mất nước, mất điện giải, suy kiệt đến mức độ nào và cần bù hay chưa.
Chưa kể truyền dịch tại nhà nếu gặp phản ứng phụ sẽ khó cứu chữa do không đủ thiết bị y tế. “Chỉ truyền dịch nếu có y lệnh của bác sĩ và sự giám sát của bác sĩ hoặc điều dưỡng, nhưng người dân còn coi thường nguyên tắc đó, phản ứng có hại là tất yếu” - PGS Hòa nhấn mạnh.
TTO