Sau 3 ngày nhập viện với triệu chứng sôi bụng, đi tiêu lỏng nhiều lần, phân có màu trắng đục như nước vo gạo, sáng 6/4, nữ bệnh nhân 25 tuổi, ở quận 8, TP HCM, vừa được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả.
Đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết, đây là trường hợp mắc bệnh tả đầu tiên được phát hiện tại địa bàn thành phố.
Theo các bác sĩ Bệnh Nhiệt Đới, TP HCM, bệnh nhân vào viện trong tình trạng hốc hác, kiệt sức do mất nước. Nghi ngờ tả, các bác sĩ lấy mẫu phân đi xét nghiệm và nhận được kết quả chiều 5/4.
Nhận định từ Sở Y tế, do bệnh nhân nhập viện sớm và kinh nghiệm điều trị của các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, đến chiều 6/4, dù vẫn phải nằm cách ly song tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
Do tả là bệnh dễ lây lan trong cộng đồng, ngay sau khi có thông tin ca tả, Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo phòng Nghiệp vụ Y, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố kết hợp với y tế quận 8, đến nơi bệnh nhân cư trú để điều tra dịch tễ như tìm hiểu yếu tố gây bệnh, lấy mẫu nguồn nước, thức ăn.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, (Sở Y tế), cho biết, tính đến chiều 6/4, việc ngăn dịch lây lan trong cộng đồng đã được thực hiện bằng các biện pháp khử khuẩn toàn bộ khu vực người mắc bệnh. Hai trường hợp tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cũng đã được giám sát.
Để tránh mắc bệnh tả, ông Nghiệm khuyên người dân nên thực hiện việc ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh môi trường.
“Đặc biệt trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân không nên sử dụng những loại nước uống hoặc thức ăn vỉa hè không rõ nguồn gốc. Những thức ăn để lâu, có dấu hiệu không còn tươi cũng tuyệt đối không được ăn”, ông Nghiệm nói.
Riêng những trường hợp có biểu hiện tiêu chảy nhiều lần, uống thuốc không giảm, người bệnh cần nhập viện để được thăm khám và điều trị sớm.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 10 trường hợp nhiễm vi trùng tả, trong đó miền Nam đã có 5 ca tại tỉnh An Giang. Số bệnh nhân còn lại thuộc về các tỉnh miền Bắc.
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét