Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Bệnh nhân vẫn chịu thiệt

Sau hai lần bị Bộ Tư pháp “huýt còi”, Bộ Y tế đã đề xuất bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) bị tai nạn giao thông sẽ được thanh toán viện phí, thay vì phải chờ có chứng nhận không vi phạm Luật giao thông sẽ được trả tiền lại như hiện nay. Tuy nhiên từ đề xuất đến thực hiện còn khoảng cách rất xa...

Đến nay bệnh nhân BHYT bị tai nạn giao thông vào bệnh viện vẫn phải móc tiền túi thanh toán viện phí. Trong ảnh: cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đêm 14-2-2010 - Ảnh: N.C.T.

Và hiện nay người có thẻ BHYT bị tai nạn giao thông vào viện vẫn tiếp tục chịu thiệt khi các cơ quan liên quan có vẻ quen đẩy khó khăn cho dân.

Đẩy khó khăn cho dân

Luật BHYT chỉ cho phép chi trả phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông mà không vi phạm luật. Bà Tống Thị Song Hương cho rằng nếu thanh toán cho toàn bộ người bị tai nạn giao thông như đề xuất nói trên thì vừa không đúng luật, vừa không đạt mục đích giáo dục.

Theo bà Tống Thị Song Hương - vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), điều 40 Luật BHYT quy định cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) có trách nhiệm xác minh người bệnh có vi phạm Luật giao thông hay không và thu lại phí khám chữa bệnh mà quỹ bảo hiểm đã chi trả. Quy định này đồng nghĩa với việc bệnh nhân BHYT bị tai nạn giao thông vào viện sẽ được bảo hiểm thanh toán trước, chuyện xác minh tính sau và do cơ quan BHXH thực hiện. Tuy nhiên theo bà Hương, khi xây dựng các hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, các chuyên gia thấy khó thực hiện điều này...Và phần khó khăn đó đã được đẩy về phía người dân khi quy chế chi trả cho bệnh nhân BHYT bị tai nạn giao thông buộc bệnh nhân khi vào viện phải móc tiền túi trả trước, còn chuyện họ có vi phạm Luật giao thông hay không thì họ phải tự đi xin giấy xác nhận...

Nay từ đề xuất nói trên của Bộ Y tế, các quy định hướng dẫn chi trả cho bệnh nhân BHYT bị tai nạn giao thông vào viện sẽ giao cơ quan BHXH có trách nhiệm cùng với cơ quan công an điều tra, xác minh xem bệnh nhân có vi phạm Luật giao thông hay không. Khi đó, bệnh nhân bị tai nạn vào viện sẽ được thanh toán phí khám chữa bệnh. Nếu bảo hiểm, công an xác minh bệnh nhân đã vi phạm Luật giao thông và kết quả xác minh có được trong thời gian bệnh nhân nằm viện, bệnh nhân phải chi trả phí khám chữa bệnh. Nếu bệnh nhân đã ra viện, cơ quan BHXH thông báo cho bệnh nhân trả chi phí lại cho quỹ BHYT.

Thế nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện cơ quan BHXH cho rằng họ không đủ lực lượng, cán bộ để xác minh từng trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông có vi phạm luật hay không. Kể cả trường hợp xác minh xong, biết rõ bệnh nhân vi phạm luật và đã ra viện nhưng nếu họ nghèo khó, địa chỉ không rõ ràng... thì làm sao đòi nợ. “Nếu “thả gà ra đuổi”, thà thanh toán hết cho bệnh nhân bảo hiểm bị tai nạn giao thông, vì 80% người bị tai nạn giao thông theo xác minh của cơ quan công an là có vi phạm luật”- vị đại diện này nói.

Cơ quan chức năng còn loay hoay kiến nghị

Theo Bộ Y tế, hiện chưa có thống kê về tình hình chi trả cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông từ khi thực hiện Luật BHYT (1-1-2010), nhưng rõ ràng tỉ lệ người có thẻ BHYT bị tai nạn giao thông được thanh toán chi phí tại bệnh viện rất thấp, vì không ai kịp đi báo công an xác minh ngay sau khi bị tai nạn giao thông!

Ông Nguyễn Minh Thảo, phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết cơ quan bảo hiểm đã có văn bản đề xuất ba điểm gửi liên bộ Tài chính - Y tế - Công an đề nghị: quy định rõ cơ quan có vai trò xác nhận vi phạm hoặc không vi phạm Luật giao thông, mẫu giấy xác nhận, cấp có thẩm quyền xác nhận; nếu thực hiện theo hướng Bộ Y tế đề xuất nói trên thì thanh toán cho 100% người có thẻ BHYT bị tai nạn giao thông, không cần xác minh và thu lại phí; nếu không thì thực hiện theo hiện hành, người bệnh cứ thanh toán phí khám chữa bệnh trước, nếu có chứng nhận không vi phạm luật sẽ được chi trả BHYT.

Theo bà Tống Thị Song Hương, hiện các văn bản kể trên mới dừng ở mức “xin ý kiến, là công văn trao đổi nội bộ”. Như vậy trước mắt người có thẻ BHYT nếu không may bị tai nạn giao thông vẫn phải chịu thiệt thòi và tiếp tục chờ đợi...

Mọi việc vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên theo chúng tôi, khi xây dựng những hướng dẫn về chi trả cho bệnh nhân BHYT bị tai nạn giao thông nên rút kinh nghiệm từ các rắc rối trong hướng dẫn thực hiện Luật BHYT thời gian qua. Bởi mới thực hiện luật này sáu tháng, người dân đã gặp đủ thứ rắc rối từ “cùng chi trả” chưa rõ ràng đến chậm trễ cấp thẻ cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và ở nhóm người có công thì vừa được cấp thẻ đã phải đổi thẻ mới, gây tốn kém thời gian và tiền bạc của cả Nhà nước và người dân.

TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét