Chứng kiến con bò cạp đen thui huơ đôi càng to tướng bò tới lui trên cánh tay chị Trần Thị Mỹ, nhiều người sợ xanh mặt không dám nhìn. Mãi sau, vài người mới hoàn hồn lao nhao: "Nó cắn có đau nhức không chị?".
Chị Mỹ chuyên bán bọ cạp ở chợ Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang. Con côn trùng này là một món ăn đặc sản ở các tỉnh miền Tây, đặc biệt được ưa chuộng ở những vùng giáp ranh biên giới Campuchia.
Trước mắt du khách, người phụ nữ thản nhiên dùng tay không để bắt mấy con bọ cạp, nhền nhện đang bò lổn ngổn trong lồng ra để chào bán, đuôi con vật cong lên nhọn hoắt. Chị nói đùa: "Bò cạp chích đau thấu trời, nhưng nếu là nữ bị nó chích chỉ cần lấy tay vỗ lên vai chồng là hết đau liền, còn nam thì vỗ lên vai vợ". Khách bán tín bán nghi: "Với người chưa lập gia đình thì sao?". Chị cười: "Thì ráng chịu chứ sao".
Người phụ nữ này ôm một nắm bọ cạp trên tay mà không sợ bị chích. Chị cho biết đã miễn nhiễm với nọc độc của bọ cạp. Ảnh: Gia Bảo |
Ở chợ biên giới Xuân Tô có nhiều phụ nữ theo nghề bán côn trùng thứ dữ như chị Mỹ. Giữa những chuồng nhốt tắc kè, sóc, nhen, bọ cạp... thấp thoáng nhiều gương mặt phụ nữ trẻ đứng bán hàng. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết họ đều vì mưu sinh đưa đẩy nên trở nên gắn bó với nghề buôn bán những con vật dữ như bọ cạp, rắn rít, tắc kè... Toàn là những loài mà phần lớn phụ nữ vừa nhìn thấy đã la toáng sợ hãi, hay bỏ chạy, hoặc thậm chí ngất xỉu.
Chị Nguyễn Thị Năm, quê ở thị xã Châu Đốc, An Giang, cho biết, bốn năm trước do không có nghề nghiệp ổn định nên chị theo bạn sang vùng biên giới bán côn trùng, bò sát.
Chỉ cái đuôi con bọ cạp cong lên như mũi kim nhọn hoắt, người phụ nữ này kể: "Mấy ngày đầu vào nghề không quen, tay chân luống cuống, tôi bị bọ cạp chích sưng phù cả tay, mình nhức buốt nóng lạnh từng cơn, mất cả tuần mới bớt". Có người sức khỏe yếu đã chết vì bị bọ cạp đốt.
"Ngày nào cũng bị bọ cạp, tắc kè cắn, chích hoài nên tôi bây giờ trở nên miễn nhiễm hay sao đấy, chỉ còn thấy tê tê như ong chích hoặc kiến vàng cắn", người phụ nữ kể. Chị nói, biết là buôn bán động vật hoang dã như thế này nguy hiểm, mà còn bị cấm nữa, nhưng vì gia đình khó khăn quá, chấp nhận làm nghề để nuôi 5 miệng ăn trong gia đình.
Chị Ngô Thị Ngon ở huyện Thoại Sơn, An Giang, bắt lên một nắm rắn có cả những con hung dữ có độc. Ảnh: Gia Bảo |
Ở gần chùa Hang (Hà Tiên, Kiên Giang), có những phụ nữ còn làm bạn với cả rắn. Như chị Phạm Thị Tiến, Phó bí thư chi đoàn ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, chuyên nuôi rắn vi tượng. Chị Tiến nuôi loài bò sát từ năm 2000 đến nay. Năm đầu quân số chỉ vài con, nay đàn rắn đã tăng lên đến gần 400 con.
Chị Tiến nói, rắn vi tượng giá bán 400.000 đồng một kg lại dễ nuôi dễ đẻ nên sinh lời nhanh. Chị nhanh tay túm mấy con rắn đang trườn bò, giải thích: "Rắn vi tượng, vi voi, cắn không độc mà chỉ đau, nhưng khi cắn rắn cắm gãy luôn hàm răng vào trong thịt của mình, đau nhức thấu xương tủy". Những lần bị rắn cắn, người phụ nữ này phải mời bác sĩ phẫu thuật gắp răng rắn ra.
Nghe chị nói, nhiều ông khách bạo dạn định bắt thử rắn, chưa đụng tới nhưng thấy nó ngoắt đuôi ngóc đầu chờn vờn "táp", không ai bảo ai đều rụt tay lại.
Về chợ chuột Sẻo Vong ở xã Tân Hiệp, thị xã Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chứng kiến cảnh những người phụ nữ chặt đầu, lột da chuột, không ít người tò mò thắc mắc: "Chị dám bắt chuột bằng tay à?".
Chị Trương Thị Bé Sáu, có trên 10 năm bán chuột ở chợ Sẻo Vong, đưa tay tóm ngay đuôi chú chuột cơm đang há miệng hăm dọa rồi quật nhanh vào tường. Chỉ nghe tiếng “chét”, con chuột đã bất tỉnh. Chị Sáu kể rằng, muốn không bị chuột cắn tay thì phải bắt ngay đầu hoặc đuôi rồi quay 2-3 vòng là con vật đã đứ đừ.
Để có được những con chuột bán ra chợ, người phụ nữ này thường tổ chức những chuyến săn bắt chuột ở trong rừng. Chị Sáu cho biết, dữ nhất là chuột cống nhum ở rừng đước, rừng tràm. Con nào con nấy đen thui, dữ tợn tới mức dám cắn lại chó mèo nữa. "Tôi bị chuột cống nhum cắn tay hoài. Nó rất khôn, cắn thật đau để mình không chịu nổi đành buông tay ra cho nó chạy thoát".
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét