Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Mối lo dịch tả từ thịt chó!

Hôm 10 và 12-7 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã tạm đóng cửa hai khu vực cung cấp thịt chó lớn nhất ở Dương Nội (quận Hà Đông) và Đức Giang (huyện Hoài Đức) do qua xét nghiệm đã phát hiện hai mẫu thịt chó nhiễm vi khuẩn tả
Cán bộ y tế lấy mẫu thịt chó để kiểm nghiệm vi khuẩn tả - Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Từ giữa tháng 6 đến nay, đã có 60,5% ca bệnh tả và tiêu chảy cấp ở Hà Nội liên quan đến món thịt chó, vốn được đông đảo dân nhậu ưa chuộng, khiến giới chức y tế lo phát sốt về nguy cơ lây lan bệnh tả.

Có thể tạm ngừng nhập khẩu chó, nếu...

Ông Nguyễn Văn Bình, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trong hai mùa dịch tả vừa qua, Bộ Y tế đã chi gần 20.000 USD (gần 380 triệu đồng) để liên tục xét nghiệm chó nhập khẩu từ Lào và Thái Lan về VN qua cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh). Tốn tiền, lại chẳng phát hiện mẫu bệnh phẩm nào dương tính với vi khuẩn tả tại cửa khẩu. Nhưng về đến VN thì cả năm 2009 và 2010 đều phát hiện mẫu nhiễm tả. Trong đó, năm 2009 là các mẫu thịt chó sống, thớt, nước rửa thịt chó... tại Dương Nội, Hà Đông. Năm 2010, mùa dịch vừa bắt đầu tại Hà Nội, lại tiếp tục phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính ở chó nhập về Dương Nội và Hoài Đức. Và trong số gần 200 ca bệnh riêng tại Hà Nội tính đến chiều 12-7, có 60,5% số ca liên quan đến thịt chó.

Tạm ngừng hoạt động hai khu vực cung cấp thịt chó tại Hà Nội, nhưng ông Bình cho rằng thị trường vẫn còn nguồn thịt chó do hàng nhập khẩu tiếp tục về. “Chúng tôi đang tích cực lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu, nếu phát hiện mẫu dương tính vi khuẩn tả, có bằng chứng về nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng, Bộ Y tế sẽ đề nghị tạm ngừng nhập khẩu chó từ Lào và Thái Lan qua cửa khẩu Cầu Treo” - ông Bình cho biết.

Theo ông Lê Anh Tuấn, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mẫu bệnh phẩm chó nhiễm vi khuẩn tả cho thấy nguy cơ lây lan rất lớn. Theo ông Tuấn, trong quá trình chế biến, vi khuẩn tả có thể dính vào nước rửa thịt, thịt, thớt, tay người chế biến, dao và các dụng cụ chế biến thịt chó khác. Từ đây, vi khuẩn bắt đầu lây lan sang người sử dụng nếu thịt chó chưa được nấu chín kỹ hoặc bàn tay, dụng cụ chế biến nhiễm vi khuẩn. Báo cáo của Bộ Y tế mới đây cũng cho thấy type vi khuẩn tả 2010 có khả năng sống lâu hơn ngoài môi trường, dẫn đến khả năng lây lan kéo dài, nhất là trong điều kiện vệ sinh ở quán ăn không đảm bảo đúng quy trình.

Đun trong 5 phút ở 800C trở lên

Đây là hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội trong tình hình dịch tả và tiêu chảy cấp đang lây lan. Theo đó, người dân cần tuyệt đối tuân thủ ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch, do vi khuẩn tả sẽ chết ở nhiệt độ 80OC trở lên.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 17g chiều 12-7 có 18/29 quận huyện của Hà Nội có người bệnh tả và tiêu chảy cấp. Trên toàn thành phố, tổng số người bệnh lên tới gần 200 ca, tăng 20-30% về số mắc và tăng bốn quận, huyện có người bệnh so với cuối tuần trước. Điều này cho thấy dịch đang ở thời điểm bùng phát. Các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đánh giá những dấu hiệu hiện nay ở Hà Nội cho thấy đang xuất hiện một vụ dịch tả, tiêu chảy cấp mới ở Hà Nội.

Tính đến thời điểm này, Bộ Y tế thông báo đã có 11 địa phương có bệnh nhân tả, trong đó những địa phương mới có bệnh gồm TP.HCM, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định... Nguyên nhân đều liên quan đến thực phẩm. Bệnh tật từ mệng mà ra và ở Hà Nội nguyên nhân ban đầu đã tìm thấy là ở thịt chó, bún ốc, ở Nam Định là nước đá nhiễm tả. Theo ông Lê Anh Tuấn, Hà Nội đang xét nghiệm một số mẫu nước, mẫu thịt chó, tiếp tục xác định nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân có rõ ràng thì dịch mới dễ chống - ông Tuấn nói.

TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét