Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

'Nên là người bệnh ung thư đủ dinh dưỡng, hơn để suy kiệt, chết mòn'

Các khối u ác tính hình thành trong cơ thể có cơ chế tự dưỡng, người bệnh có đủ dinh dưỡng hay không thì khối u vẫn phát triển. Cách tốt nhất để ngăn suy kiệt, phối hợp với các giải pháp điều trị, là ăn uống đủ chất và phù hợp.

Đây là lời khuyên của Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa ung thư Vũ Văn Vũ và Tiến sĩ, bác sĩ dinh dưỡng Lưu Ngân Tâm, khi tư vấn trực tuyến trên VnExpress.net về nhận biết ung thư phổi, gan, dạ dày, sáng nay. Hơn 3.000 câu hỏi đã được độc giả từ khắp nơi gửi đến nhờ các bác sĩ giải đáp.

- Sau những cuộc nhậu, dạ dày tôi tiết axit rất nhiều, chướng bụng, ăn không tiêu, tôi thường dùng malox để trung hòa axit, hiện nay lúc nào dùng nhiều rượu bia thì tôi lại bị, xin hỏi có phải triệu chứng ung thư không? (Nam, 30 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội)

- Phó chủ nhiệm bộ môn ung bướu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Vũ: Các rối loạn đường tiêu hóa trên như bạn vừa kể có thể do nhiều bệnh lý gây ra, trong đó có ung thư bao tử. Tuy nhiên, các dấu hiệu bạn vừa kể thường gặp nhất trong hội chứng viêm dạ dày tá tràng. Bạn nên khám chuyên khoa để được điều trị thích hợp và chỉ định tầm soát phát hiện sớm ung thư bao tử như nội soi, chụp bao tử cản quang.

- Sau khi đã điều trị ung thư dạ dày (cắt 3/4 + truyền hóa chất 12 lần) thì chế độ ăn uống của người bệnh có cần phải lưu ý gì không? Làm thế nào để biết được mình đã khỏi bệnh hay chưa? Xin cám ơn. (Trần Quang Phú, 41 tuổi, Nghệ An)

- Tiến sĩ, Bác sĩ Lưu Ngân Tâm: Sau quá trình điều trị này, bạn nên lưu ý vấn đề ăn uống tại nhà như sau:

1. Không nên ăn no cho mỗi cữ, nên ăn ít và chia làm nhiều bữa trong ngày vì ăn nhiều sẽ gây đau bụng.

2. Lựa chọn thức ăn dễ tiêu, tránh nhiều dầu mỡ.

3. Hạn chế những thức ăn, thức uống quá ngọt bởi vì khi dùng những thức ăn này với một lượng nhiều có thể gây ra tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau ăn, kế đến là hạ đường huyết và dẫn đến những triệu chứng có thể có như: chóng mặt, mệt mỏi, vã mồ hôi. Nếu nặng có thể gây hôn mê do hạ đường huyết.

4. Nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong ngày, đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt thực phẩm chứa nhiều Vitamin và khoáng chất.

5. Nên vận động nhẹ để cải thiện tình trạng biếng ăn, tình trạng trầm cảm nếu có và phục hồi dần tình trạng teo cơ nếu có.

Hai chuyên gia đang trả lời trực tuyến câu hỏi của độc giả tại tòa soạn VnExpress.net ở TP HCM. Ảnh: Thiên Chương

- Công việc của tôi khá áp lực. Tôi biết loét hành tá tràng vào năm 1997 (+ tính khuẩn Helicobacter Pylori), điều trị dứt nhưng sau đó lại tái phát nhiều lần. Những tháng gần đây tôi thường hay căng cứng vùng thượng vị, hay ợ chua, ăn uống bình thường nhưng không thấy tăng cân (nặng 60 ký, cao 1,67m), đi phân thường xỉn màu, ngủ không sâu. Tôi không nhậu nhẹt, không hút thuốc lá. Xin hỏi về lâu dài có dẫn đến ung thư dạ dày không? Phải làm xét nghiệm gì? Ở đâu? (Nguyễn Hải Lâm, 45 tuổi, TP HCM)

- BS Vũ: Hiện nay người ta biết tình trạng nhiểm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) ở dạ dày mạn tính là yếu tố nguy cơ gây ra ung thư bao tử. Do vậy, bạn nên chú ý việc đi khám để được phát hiện sớm bệnh ung thư bao tử bằng các nghiệm pháp chuyên môn. Để chẩn đoán sớm ung thư bao tử người ta thường áp dụng nội soi bằng ống mềm. Kỹ thuật này có thể thực hiện ở nhiều cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa, nội soi, ung bướu...

- Tôi là nam, năm nay 35 tuổi, làm công việc văn phòng. Với chiều cao 1m73 và cân nặng 82 kg, tôi bị nhiều người chê là béo. Với thói quen hút khoảng 10-12 điếu thuốc/ngày, gần đây tôi có cảm giác đau nhói bên ngực phải, đặc biệt khi vận động mạnh như chạy thể dục buổi sáng... Đi khám sức khỏe tổng thể thì kết quả nói chung là ổn. Xin giải thích rõ về nguy cơ mắc bệnh đối với những người ở lứa tuổi như tôi. (Nguyen Phong, 35 tuổi, TP HCM)

- BS Vũ: Những người trung niên có các yếu tố thể tạng như: béo phì, hút thuốc, uống rượu bia, làm việc căng thẳng, ít vận động thể chất... có nguy cơ cao mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm như: tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, ung thư... Triệu chứng đau bên ngực phải khi vận động mạnh thường gợi ý bệnh lý tim mạch (bệnh mạch vành) và một vài bệnh lý khác. Bạn nên ngưng ngay hút thuốc, hạn chế rượu bia, thiết lập chế độ làm việc, dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao cho thích hợp và đi khám sức khỏe để được tư vấn hướng dẫn về vấn đề này.

- Tôi bị mắc bệnh viêm gan C từ cách đây 13 năm, đến nay tôi thường bị đau sườn bên phải. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi, đến nay bệnh của tôi đã ở vào tình trạng nào? Nghe nói bệnh gan C tuổi thọ dài nhất của con người khi đã nhiễm bệnh thì kéo dài được 20-30 năm. Vậy tôi được sống thêm bao nhiêu năm nữa. Năm nay tôi 32 tuổi sức khỏe cũng tương đối bình thường. Mong chờ câu trả lời sớm từ bác sĩ. (Dungvi0301, 32 tuổi, TP HCM)

- BS Vũ: Bệnh viêm gan C có diễn tiến mạn tính với một tỷ lệ dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Việc theo dõi và điều trị cần được thực hiện ở cơ sở chuyên khoa. Do vậy, để biết bệnh đang ở tình trạng nào bạn nên đến khám tại các phòng khám chuyên khoa viêm gan để được tư vấn, hướng dẫn điều trị cũng như đánh giá tiên lượng bệnh cho chính xác.

- Tôi mắc viêm gan siêu vi B, uống thuốc điều trị 2 năm nhưng chưa khỏi hẳn (không hút thuốc và uống rượu bia). Xin bác sĩ cho tôi biết vì sao tôi lại mắc bệnh này? Gia đình tôi: ba, mẹ, ông, bà đều không có bệnh. Anh em tôi có 6 người thì có đến 3 người mắc bệnh. Bệnh này có khó trị không và khi hết có bị tái trở lại không? Cảm ơn bác sĩ và chương trình của báo. (Huynh Ngoc Duong, 23 tuổi, Đà Nẵng)

- BS Vũ: Bệnh viêm gan siêu vi B được lây truyền theo 2 kiểu dọc và ngang qua đường huyết thanh. Bệnh lây truyền từ mẹ sang con (kiểu dọc) hoặc qua tiếp xúc với người mang virus trong cộng đồng. Việt Nam có tỷ lệ người lành mang virus B khá cao (10-25% tùy theo cộng đồng). Tại Việt Nam, với bối cảnh nhà ở chật chội, điều kiện vệ sinh cá nhân kém, sự lây lan viêm gan B ngoài kiểu dọc còn có thể qua kiểu ngang như: vợ chồng lây qua đường sinh dục, các cá thể trong gia đình lây qua việc sử dụng chung các vật dụng: bàn chải đánh răng, dụng cụ ăn uống. Hai thập niên qua đã có những tiến bộ rất phấn khởi trong phòng ngừa và điều trị viêm gan B, bệnh có thể trị khỏi. Việc theo dõi và điều trị đòi hỏi rất nhiều vấn đề liên quan đến thuốc men, nếp sống, dinh dưỡng... Bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Bác sĩ Vũ: "Chế độ ăn uống và nếp sống là một phương thức hữu hiệu để trị bệnh ung thư: siêng năng vận động, tránh béo phì, khẩu phần ăn uống thích hợp". Ảnh: Thiên Chương

- Tôi năm nay 32 tuổi, buổi sáng ngủ dậy hay mệt, đi xét nghiệm máu thì men gan cao, không biết làm thế nào để hạ men gan. Men gan cao có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? (Khuyen Bui, 23 tuổi, Đà Nẵng)

- BS Lưu Ngân Tâm: Trong trường hợp này bạn nên kiểm tra thêm:

1. Có nhiễm viêm gan siêu vi, đặc biệt viêm gan B và C hay không.

2. Siêu âm bụng tổng quát để kiểm tra tình trạng gan có nhiễm mỡ hay không.

3. Bạn nên kiểm tra có đang dùng một loại thuốc điều trị nào không. Ví dụ: thuốc điều trị tăng mỡ trong máu...

4. Nếu bạn thường xuyên uống nhiều rượu bia thì nên hạn chế bớt.

5. Nếu bạn bị thừa cân béo phì thì phải có chế độ giảm cân dưới sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ dinh dưỡng.

6. Tùy theo loại bệnh gây tăng men gan sẽ có chế độ điều trị phù hợp. Khi đó tốt nhấn bạn nên nhờ đến sự tư vấn và điều trị của bác sĩ.

- Tôi xin chào các bác sĩ, tôi dạo này thường thấy hơi đau bụng mỗi khi ăn sáng về, tôi ăn thường hay cho ớt hơi cay. Sau một lúc về là buồn đi vệ sinh, cũng phải đi hai ba lần mới hết. Cho tôi hỏi như vậy có bình thường không ạ? Cảm ơn các bác sĩ. (Cường Thịnh, 31 tuổi, TP Sơn La)

- BS Vũ: Triệu chứng bạn kể thường liên quan đến hội chứng đại tràng kích thích. Bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được xử trí thích hợp. Những rối loạn tiêu hóa như kể trên có thể là các dấu hiệu báo động ung thư ruột.

- Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu bị mắc lao cách đây một năm, đã điều trị xong. Những người bị mắc lao thì nguy cơ bị ung thư phổi có cao không ạ? Ảnh hưởng lâu dài của bệnh lao sau khi điều trị là như thế nào? Ngoài việc tránh hút thuốc và ngửi khói thuốc thì chế độ ăn uống - tập luyện thế nào để có phổi khỏe mạnh? (Nguyễn Ngọc Tùng, 26 tuổi, Nghĩa Tân - Cầu Giấy Hà Nội)

- BS Vũ: Những vết sẹo xơ để lại sau khi phổi bị nhiễm lao là yếu tố nguy cơ hóa ung thư phổi. Sau điều trị lao bệnh nhân cần có chế độ theo dõi, làm việc, dinh dưỡng thích hợp để tránh việc tái phát cũng như giải quyết các di chứng của điều trị và xử trí các tình huống mới. Bạn nên tránh hút thuốc chủ động và thụ động, việc ăn uống và tập luyện không có gì khác biệt so với bình thường. Tuy nhiên, nếu bệnh lao có để lại một số di chứng như: xơ hóa phổi nặng, dày dính màng phổi... thì bạn cần có chế độ tập vật lý trị liệu riêng dưới sự tư vấn của chuyên gia.

- Thưa bác sĩ Lưu Ngân Tâm, tôi đang bị ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Tôi được tặng một hộp ProSure, sữa chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư, không biết sản phẩm này có giúp gì cho tôi được hay không? Uống thế nào cho đúng? (Hoang Thi Ha, 47 tuổi, Yen The, Tan Binh, TP.HCM)

- BS Lưu Ngân Tâm: Sữa Prosure hiện nay là sản phẩm sữa duy nhất dành cho người mắc bệnh ung thư. Loại sữa này chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cẫn thiết cho cơ thể, đặc biệt giàu năng lượng, nhiều đạm, chứa một loại chất béo thiết yếu, EPA (một loại axit béo Omega 3) giúp làm giảm tình trạng viêm do bệnh ung thư gây nên, đồng thời giúp cải thiện tình trạng biếng ăn và hồi phục sức khỏe.

Sữa này phù hợp cho bệnh lý của bạn, đặc biệt trong trường hợp bạn bị biếng ăn hay có tình trạng sụt cân thì nên bổ sung 1-2 ly một ngày (ly loại 200ml).

- Xin bác sĩ cho em biết làm thế nào để nhận biết bệnh ung thư gan giai đoạn đầu, cách điều trị và phòng ngừa. Xin cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Văn Bé, 34 tuổi, Phan Bội Châu - TP Buôn Ma Thuột - Tỉnh Dăk Lăk)

- BS Vũ: Ung thư gan thường xuất phát trên nền các bệnh lý có sẵn ở gan: viêm gan, xơ gan... Ở Việt Nam hiện nay ung thư gan thường đến sau tình trạng viêm gan siêu vi B và C mạn tính. Các triệu chứng ban đầu rất mơ hồ và không đặc hiệu. Do vậy để chẩn đoán sớm ung thư gan, người ta thường theo dõi sát các bệnh nhân viêm gan siêu vi mạn bằng thăm khám siêu âm (thăm, khám, siêu âm bụng) và thử chất AFP trong huyết thanh. Nếu có bất thường bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cao hơn như: CT scan, cộng hưởng từ... Cách phòng hữu hiệu bệnh ung thư gan hiện nay là: chủng ngừa viêm gan siêu vi, hạn chế tiếp xúc nguồn lây nhiễm (không lạm dụng chích thuốc bừa bãi, cạo gió, chích lễ...), điều trị viêm gan thích hợp, theo dõi định kỳ sau điều trị bệnh viêm gan.

- Xin hỏi bác sĩ thời gian gần đây thỉnh thoảng tôi đi đại tiện thấy có nhiều máu. Tôi rất sợ không biết có phải là hiện tượng chảy máu dạ dày không? Xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Văn Hưng, tuổi, Dai Thinh, Mê Linh, Hà Nội)

- BS Vũ: Triệu chứng có máu trong phân thường xuyên có thể biểu hiện nhiều bệnh lý với mức độ nặng nhẹ khác nhau: viêm loét tiêu hóa, trĩ, bướu, ung thư... Bạn nên khám chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí thích hợp.

Bác sĩ Tâm khuyên hạn chế thức ăn ngọt, tăng cường thực phẩm có chất xơ để tránh khả năng gan nhiễm mỡ. Ảnh: Thiên Chương

- Hiện tượng đau bụng và phân sống có thể là nguyên nhân của các bệnh lý nào? Nếu đi khám thì nên đi khám tại chuyên khoa nào của bệnh viện? (Nữ, 30 tuổi, Hà Nội)

- BS Lưu Ngân Tâm: Có nhiều bệnh lý gây ra tình trạng đau bụng và tiêu phân sống như: bệnh lý tại tuyến tuỵ như: viêm tụy mãn, suy tụy mãn hoặc nhiều bệnh lý tại đường ruột như: viêm ruột hoặc tình trạng dị ứng thức ăn... Trong trường hợp này, bạn nên đi khám ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.

- Được biết con người sẽ dễ mắc bệnh ung thư vào thời kỳ trung niên. Gần đây tôi thường hay bị đau bụng và đầy hơi sau khi ăn no, nhưng triệu chứng xuất đau chỉ xuất hiện khi thức ăn hầu như đã tiêu hóa. Khám bác sĩ thì được biết bao tử mẫn cảm với thực phẩm gây kích thích như cafe, ớt, đồ chua. Đó có phải là triệu chứng ban đầu của ung thư hay không? Cảm ơn bác sĩ. Tang Tien Trung, 40 tuổi, E 5D/3 Phong Phu Binh Chanh, HCM).

- BS Vũ: Chào bạn, người ta chưa thấy có mối liên quan rõ rệt giữa tự mẫn cảm với thực phẩm gây kích thích và bệnh ung thư. Tuy nhiên, bạn cũng cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của mình vì tuổi tác là yếu tố nguy cơ dễ mắc ung thư như bạn đã biết.

- Tôi 24 tuổi, có tiền sử bị viêm phế quản đã 15 năm nay. Năm nào cũng vậy cứ thời tiết chuyển mùa là tôi ho và khó thở, viêm phế quản và thậm chí là viêm phổi. Ban đầu tôi dùng kháng sinh, song mấy năm trở lại đây, nhận thấy, kháng sinh ảnh hưởng nặng tới hệ tiêu hóa của mình, nên tôi chuyển qua dùng Đông y. Tôi muốn hỏi liệu tôi có nguy cơ bị mắc ung thư phổi không? Và có phương pháp nào giúp tôi không bị ho trong thời đoạn chuyển mùa không? Tôi chân thành cảm ơn báo VnExpress và bác sĩ. (Nguyễn Phương Thảo, Hà Nội)

- BS Vũ: Chào bạn, tình trạng viêm nhiễm mạn tính ở phổi có thể là yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi. Cách giải quyết triệu chứng ho khi chuyển mùa phải tùy theo cơ chế bệnh sinh. Nếu do nguyên nhân dị ứng (thời tiết, phấn hoa...) thì phải tránh tiếp xúc, thay đổi chỗ ở...

- Xin chào Tiến sĩ Vũ Văn Vũ. Chú ruột chồng tôi bị ung thư dạ dày, mẹ chồng bị ung thư lưỡi. Chồng tôi bị chức năng gan cao, mỡ trong máu, viêm dạ dày khá nặng (trong khi vẫn hút thuốc lá). Cho tôi hỏi bệnh ung thư có di truyền cho thế hệ sau không? Và việc hút thuốc lá có làm phát triển bệnh nhanh dẫn đến ung thư không? Những thức ăn hay thói quen cần phải kiêng cho bệnh này là gì. Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Vũ. (Linda Dang, 29 tuổi, Giang Văn Minh - Hà Nội)

- BS Vũ: Một số bệnh ung thư mang tính gia đình và có thể di truyền. Tuy nhiên, tỷ lệ di truyền chỉ chiếm 5-7% nguyên nhân gây bệnh ung thư. Các bệnh ung thư bao tử có thể liên quan đến yếu tố gia đình (ví dụ như gia đình Napoleon), ung thư lưỡi không liên quan đến gia đình. Việc hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe nói chung và bệnh ung thư. Chế độ ăn uống và nếp sống là một phương thức hữu hiệu để trị bệnh ung thư: siêng năng vận động, tránh béo phì, khẩu phần ăn uống thích hợp (giảm đạm, mỡ động vật, nhiều rau xanh, trái cây tươi...)

- Tôi 32 tuổi, bị bệnh gan nhiễm mỡ từ lúc 28 tuổi nhưng đi khám bác sĩ không cho thuốc, bảo cữ ăn mỡ trứng và tập thể dục, tôi đã làm theo nhưng hiện tại vẫn còn gan nhiễm mỡ. Xin hỏi bác sĩ như vậy có nguy hiểm không và phải làm sao cho khỏi bệnh (Trương Hoài Ân, 32 tuổi, Ba Tháng Hai, Quận 10, TP HCM)

- BS Lưu Ngân Tâm: Gan nhiễm mỡ lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng viêm gan, xơ gan và cũng có thể gây ung thư gan.

Chế độ dinh dưỡng cho trường hợp của bạn không chỉ cần kiêng mỡ, trứng mà bạn cần lưu ý thêm những vấn đề như sau:

1. Giảm cân nếu bạn bị thừa cân hay béo phì bằng cách giảm lượng thức ăn hàng ngày, tập thể dục đều đặn (ít nhất 3 lần trong tuần, mỗi lần ít nhất 45 phút). Đặc biệt, nếu bạn bị béo phì nặng thì phải dùng thuốc điều trị béo phì nhưng cần có chỉ định của bác sĩ.

2. Hạn chế các thức ăn ngọt (chè, trái cây ngọt, bánh kẹo...).

3. Tăng cường ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ như: trái cây (tránh trái cây ngọt), rau, củ.

4. Trong trường hợp bạn đã áp dụng chế độ dinh dưỡng này trong một thời gian dài mà vẫn còn tình trạng gan nhiễm mỡ, thậm chí nặng hơn thì bạn nên đến bệnh để được khám và điều trị.

Theo hai bác sĩ, tuy phổi, gan, dạ dày là 3 bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam hiện nay (ước tính chiếm 25-30% các bệnh ung thư), dấu hiệu ban đầu mơ hồ, chẩn đoán sớm khó, hiệu quả điều trị còn hạn chế; nhưng có thể phòng tránh được. Ảnh: T.C.

- Chào bác sĩ, hiện tại tôi đã qua giai đoạn hóa trị và đang ở thời kỳ phục hồi. Trước đây tôi đã dùng prosure, bạn tôi khuyên tôi nên tiếp tục sử dụng sản phẩm này trong cả thời gian phục hồi? Vậy tôi có nên dùng hay không? (Phạm Văn Vân, 39 tuổi, Cửa Lò, Nghệ An)

- BS Vũ: Prosure là sản phẩm dinh dưỡng bổ sung rất tốt với năng lượng cao, thành phần dinh dưỡng tối ưu giúp duy trì và phục hồi sức khỏe. Do vậy, nếu có điều kiện bạn nên tiếp tục sử dụng chế phẩm này theo tỷ lệ thích hợp để bổ sung cho chế độ ăn thường ngày.

- Chồng tôi bị viêm gan B, được kê đơn uống thuốc Baraclude 30 viên/lọ. Bác sĩ điều trị thì nói rằng có thể uống bia rượu không cần phải kiêng, trong khi tôi đọc sách báo hay tham khảo ý kiến của nhiều người cũng nói phải kiêng bia rượu, vậy tại sao bác sĩ của chồng tôi lại nói thế? Viêm gan B tôi biết là không thể điều trị hết, nhưng khi số lượng virus giảm đến mức nào đó thì có thể tiêm vaccine được không? Viêm gan B như chồng tôi có thể biến thể sang ung thư gan không? (Xuân Hà, 33 tuổi, Quảng Ninh)

- BS Vũ: Bia rượu là các thức uống có thành phần hóa học độc cho cơ thể cần phải chuyển hóa và giải trừ qua gan. Do vậy, với số lượng nhiều, gan có thể bị hại (viêm gan do rượu). Người bị bệnh viêm gan tốt nhất hạn chế đến mức tối đa việc thêm các chất độc vào cơ thể, trong đó có rượu bia. Khi đã nhiễm viêm gan B thì việc tiêm vacxin thường là không cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định trong một vài tình huống đặc biệt nào đó. Nói chung, những người mắc viêm gan siêu vi B có tỷ lệ 10% chuyển thành xơ gan và 1% hóa ung thư gan.

- Chào BS. Cháu bị viêm dạ dày khoảng 5 năm nay, 8 tháng trước cháu đi khám ở BV có nội soi và BS bảo chuyển sản niêm mạc dạ dày thực quản (không HP) + GERD, sau đó cho Nexium về uống trong 4 tháng. 4 tháng sau nội soi lại thì hết chuyển sản nhưng triệu chứng vẫn còn và vẫn duy trì Nexium(nếu bổ sung primperan thì đỡ hơn). Và mỗi lần bị thì cơ thể cảm thấy rất yếu. Xin bác sĩ cho hỏi những triệu chứng đó có phải của ung thư hay không? Và hướng điều trị luyện tập thế nào? Cám ơn bác sĩ. (Hdh, 24 tuổi, Uk)

- BS Vũ: Hội chứng GERD (trào ngược bao tử thực quản) là yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư đoạn cuối thực quản và tâm vị. Bạn cần thường xuyên thăm khám chuyên khoa để được phát hiện và xử trí thích hợp.

- Những dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư phổi và ung thư dạ dày (Nguyễn Bắc Việt, 54 tuổi, Phòng TC-KH huyện Hải Hậu, Nam Định)

- BS Vũ: Nói chung, các bệnh ung thư biểu hiện ban đầu rất thầm lặng, không có triệu chứng gì đặc hiệu. Người ta thường phát hiện sớm bệnh ung thư thông qua các biện pháp tầm soát và phát hiện sớm cho cộng đồng, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao. Đối với ung thư phổi, triệu chứng ban đầu rất mơ hồ: ho, đau ngực, mệt mỏi, sụt cân... Người ta thường phát hiện bằng cách chụp X quang ngực hoặc CT định kỳ cho những đối tượng hút thuốc lá nhiều tuy chưa xác minh được hiệu quả. Vấn đề chính vẫn là phòng ngừa ung thư phổi bằng cách phòng chống tác hại thuốc lá (chống hút thuốc chủ động và thụ động).

Ung thư gan thường xuất hiện trên nhóm bệnh nhân viêm gan. Việc tầm soát phát hiện sớm được thông qua việc: rà tìm siêu âm bụng và thử AFP trong huyết thanh nhóm bệnh nhân này.

- Chào bác sĩ, hiện tại tôi vừa phẫu thuật ung thư dạ dày xong, trọng lượng cơ thể giảm hơn trước. Tôi cảm thấy rất mệt, mất sức và không có cảm giác muốn ăn. Bác sĩ vui lòng cho biết tôi nên ăn uống ra sao để lấy lại được sức khỏe? (Phạm Thị Năm, 38 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

- BS Lưu Ngân Tâm: Một chế độ dinh dưỡng điều trị lúc này trở nên rất cần thiết cho bạn. Đặc biệt bạn nên lưu ý chế độ ăn uống như sau:

1. Nên chia ra làm nhiều bữa nhỏ trong ngày (4-6 bữa một ngày).

2. Ăn những thức ăn giàu chất dinh dưỡng, giàu năng lượng và đạm, lựa chọn chất béo tốt (EPA, một loại axit béo Omega 3).

3. Chọn thức ăn dễ tiêu, tránh đồ chiên xào nhiều dầu mỡ và thức uống có gas.

4. Bổ sung các thức ăn hoặc thức uống chứa nhiều sinh tố, khoáng chất.

5. Trong trường hợp người chăm sóc bạn không có nhiều thời gian để chế biến thức ăn hợp khẩu vị, bạn có thể chọn những thức ăn hay thức uống để nơi "dễ thấy, dễ lấy và dễ dùng" như các sản phẩm dinh dưỡng uy tín, sữa dành cho bệnh nhân ung thư...

6. Một tinh thần thoải mái, lạc quan, tập thể dục nhẹ sẽ giúp cải thiện tình trạng biếng ăn và mệt mỏi của bạn.

- Xin các bác sĩ cho biết dấu hiệu nhận biết các bệnh ung thư phổi, gan và dại dày như thế nào ạ? (Thu Hien, 30 tuổi, TP Thai Binh)

- BS Vũ: Chào bạn, hiện nay người ta biết sự phơi nhiễm Helicobacter Pylori (HP) là yếu tố nguyên nhân sinh ra ung thư bao tử. Do vậy, những bệnh nhân nhiễm HP cần được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Các dấu hiệu báo động ung thư bao tử thường mơ hồ không đặc hiệu: không triệu chứng, khó tiêu, ợ chua, đau thượng vị âm ỉ... Phương pháp phát hiện và chẩn đoán sớm thường là: nội soi bao tử, chụp X quang bao tử.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư phổi, gan, bạn có thể tham khảo câu trả lời bên trên.

Bác sĩ trầm ngâm trước câu hỏi sống còn của một độc giả: "Tôi còn sống được bao lâu nữa?". Ảnh: Thiên Chương

- Tôi có đọc bài báo về tác dụng của lá nho trong phòng chống ung thư, nhà tôi có trồng dàn nho, vậy tôi ăn lá nho tươi có tốt cho sức khỏe không? Xin bác sĩ tư vấn sử dụng lá nho có hiệu quả? Xin cảm ơn bác sĩ. (Vũ Như Hoa, 35 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng, HN)

- BS Vũ: Theo quan điểm chung của thế giới, có nhiều biện pháp để phòng chống ung thư, trong đó nếp sống và dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng. Ví dụ: không hút thuốc, hạn chế rượu bia, siêng năng vận động, tránh béo phì, sinh hoạt tình dục lành mạnh... là các biện pháp cụ thể xây dựng một nếp sống tốt phòng chống ung thư. Dinh dưỡng thích hợp: đủ năng lượng, thành phần thức ăn hợp lý (cân đối đạm, đường, chất béo, chất xơ...) có tác dụng phòng chống ung thư ruột... Nhiều thông tin liên quan đến các thực phẩm đặc biệt có tác dụng phòng chống ung thư hiện không có chứng cứ khoa học để kết luận.

- Xin bác sĩ cho biết: những dấu hiệu của ung thư dạ dày? Những biện pháp chữa trị hữu hiệu và kiểm soát sự phát triển đối với ung thư dạ dày? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Mạnh Tuấn, 33 tuổi, Hóc Môn - TP HCM)

- BS Vũ: Dấu hiệu của bệnh bạn có thể tham khảo ở trên. Hiện nay phẫu thuật là phương pháp chủ yếu mang tính trị khỏi đối với ung thư bao tử. Bên cạnh đó, xạ trị và hóa trị cũng được áp dụng như biện pháp điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.

- Độ tuổi nào nên đi khám bệnh ung thư và ung thư xảy ra độ tuổi nào? Nhà có người chị ung thư vú, vậy anh em có dính tới bệnh này không? (Chutr@n, 35 tuổi, Nguyen Van Cong, P3, GV)

- BS Vũ: Bệnh ung thư xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh cho đến người có tuổi. Tùy theo giới và độ tuổi mà giới chuyên môn khuyến cáo các chế độ khám phát hiện ung thư khác nhau. Ung thư vú có liên quan đến yếu tố gia đình và di truyền (các gen BRCA 1, BRCA 2), các chị em gái và các cháu gái ruột của người phụ nữ mắc bệnh ung thư vú nằm trong nhóm nguy cơ cao hơn người bình thường, nhất là khi ung thư vú xảy ra ở độ tuổi dưới 40, kết hợp các ung thư buồng trứng, ruột.

- Thưa bác sĩ Lưu Ngân Tâm, mẹ tôi bị K trực tràng, sau khi hóa trị thì bị đi ngoài ra máu nhiều, đã đi kiểm tra và không có dấu hiệu của khối u. Bác sĩ viện K kết luận là bị xuất huyết ruột do hóa chất và cho tiêm thuốc trong 15 ngày. Mẹ tôi ăn cháo thì không bị đau bụng nhưng ăn hoa quả và cơm thì lại bị đau lâm râm. Vậy xin hỏi bác sĩ trong trường hợp của mẹ tôi thì nên ăn những thức ăn gì? (Nguyễn Văn Chung, 29 tuổi, Long Biên, Hà Nội)

- BS Lưu Ngân Tâm: Sở dĩ triệu chứng đau ở đây có thể là do ruột còn yếu nên ăn cơm sẽ khó tiêu hóa hơn, còn hoa quả thì có tính axit và chứa nhiều chất xơ sẽ gây đau bụng sau khi ăn. Thêm vào đó, bạn nên nói hơn rõ tình trạng xuất huyết ban đầu có còn hay không. Trong trường hợp đã hết xuất huyết hoặc chỉ còn ít, bạn có thể tiếp tục cho mẹ bạn ăn cháo hoặc có thể bổ sung những thức ăn, thức uống giàu dinh dưỡng khác như: súp, sữa... Cần lưu ý khi bắt đầu dùng sữa, bạn nên cho mẹ uống lượng ít để thăm dò khả năng tiêu hóa và hấp thu của đường ruột. Nếu sữa được dung nạp tốt thì nên cho mẹ bạn uống nhiều hơn.

Bác sĩ Tâm: "Nhịn ăn, ăn gạo lức muối mè để chữa ung thư là quan niệm sai lầm, bởi nếu bạn không ăn gì cả thì tế bào ung thư và khối u vẫn tiếp tục phát triển nhờ nguồn dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể". Ảnh: T.C.

- Tôi có đọc một vài báo gần đây nói rằng bệnh nhân ung thư nên ăn uống đầy đủ. Khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ liệu có làm cho khối u ngày càng phát triển nhanh hơn không? Nên có chế độ ăn uống như thế nào cho hợp lý? (Hoàng Yến, 43 tuổi, Quận 1, TP HCM)

- BS Vũ: Ung thư là bệnh lý do sự tăng trưởng ác tính của các tế bào. Các khối u khi đã hình thành trong cơ thể có cơ chế tự dưỡng (tự tạo ra các chất kích thích sinh trưởng không chịu sự kiểm soát của cơ thể). Do vậy, trên một cơ thể không đủ chất dinh dưỡng (tình trạng gầy mòn của bệnh nhân), các khối u vẫn tiếp tục phát triển. Vì vậy, việc ăn uống đầy đủ không liên quan đến việc kích thích khối u phát triển.

Đối với bệnh nhân ung thư, chế độ dinh dưỡng hợp lý (giàu năng lượng, thành phần hợp lý, cân đối) sẽ giúp cơ thể bảo toàn các chức năng sống, phục hồi tốt hệ miễn dịch, góp phần hỗ trợ cho các biện pháp điều trị đặc hiệu chống bướu. Thêm vào đó, hội chứng suy mòn do ung thư thường gặp trên bệnh nhân liên quan đến việc các tế bào bướu tạo ra các hoạt chất trung gian làm phân hủy đạm của mô bình thường. Việc bổ sung dinh dưỡng với hoạt chất EPA (có trong sản phẩm sữa Prosure) có tác dụng chống các hoạt chất trung gian này giúp cơ thể cải thiện dinh dưỡng, chống suy mòn, tăng khả năng đáp ứng điều trị chống ung thư.

- Tôi có một người thân bị ung thư phổi đang tự điều trị tại nhà bằng phương pháp nhịn ăn có nguồn gốc từ Nhật Bản. Theo phương pháp này, người bệnh sẽ nhịn ăn liên tục khoảng 10-15 ngày, sau đó chỉ ăn gạo lức muối mè. Phương pháp này cho rằng khi cơ thể đói mà không được cung cấp chất dinh dưỡng, không còn gì để tiêu thụ thì sẽ tấn công khối u làm cho khối u bị tiêu đi. Xin bác sĩ cho biết đây có phải là một phương pháp điều trị ung thư đúng dắn hay không? (Giang Sơn, 26 tuổi, TP Đà Nẵng)

- BS Lưu Ngân Tâm: Phương pháp này thật sự là một quan niệm sai lầm bởi vì thậm chí nếu bạn không ăn gì cả thì tế bào ung thư và khối u vẫn tiếp tục phát triển nhờ vào nguồn dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể. Đặc biệt những tế bào này sẽ lấy năng lượng từ sự tiêu hủy khối cơ của cơ thể trong trường hợp nhịn đói kéo dài. Bên cạnh đó tình trạng này còn kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến vấn đề suy dinh dưỡng như: sức khỏe giảm, khả năng đề kháng của cơ thể kém đi, tăng nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời làm giảm khả năng đáp ứng của các phương pháp điều trị đặc hiệu.

- Lam sao phat hien som ung thu (Nguyen Thi Dieu Tam, 50 tuổi, nguyen than hien)

- BS Vũ: Bệnh ung thư có khởi đầu rất thầm lặng. Khi khối u phát triển nhiều mới gây ra các triệu chứng. Các chuyên gia khuyến cáo một số triệu chứng báo động ung thư nhằm mục đích cảnh báo cộng đồng các dấu hiệu bất thường của cơ thể liên quan đến bệnh ung thư như:

-Chảy máu hay tiết dịch của núm vú.

-Khối u hoặc chỗ dày lên của vú hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

-Thay đổi thói quen của ruột, bọng đái.

-Một vết lở loét lâu không lành.

-Khàn tiếng kéo dài.

-Rối loạn kinh nguyệt hoặc xuất huyết âm đạo bất thường.

Đây là các triệu chứng báo động để cộng đồng đến khám tại các cơ sở chuyên khoa. Tại đây, nhà chuyên môn sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm tầm soát và phát hiện sớm tùy theo tình huống cụ thể.

- Ung thư có điều trị hết hẳn hay chỉ sống sau thời gian sau 5 năm? Tại sao sau điều trị phải kiểm tra định kỳ? Ví dụ như một bệnh nhân ung thư cổ tử cung xác định giai đoạn IB1 đã điều trị xạ trong, phẫu, và tia xạ ngoài xem như đã kết thúc quá trình điều trị, nhưng phải kiểm tra theo định kỳ của bác sĩ, nếu tái phát thì có cách nào điều trị tiếp hay không? (Nguyen Thoi Thuy, 36 tuổi, Quang Ngai)

- BS Vũ: Bệnh ung thư có thể điều trị hết hẳn. Việc xác định tỷ lệ sống 5 năm chỉ là tham số về mặt thống kê của nhà chuyên môn để so sánh kết quả điều trị các bệnh ung thư khác nhau. Một người bệnh qua được 5 năm có khả năng khỏi bệnh hẳn vì phần lớn sự tái phát và di căn hay xảy ra trong 5 năm đầu. Sau điều trị bệnh nhân ung thư thường được theo dõi và tái khám định kỳ với mục đích:

- Phát hiện sớm tái phát và di căn để can thiệp kịp thời.

- Xử trí các di chứng liên quan điều trị.

- Điều trị phục hồi giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.

- Phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh ung thư khác.

Khi bệnh tái phát tùy vị trí và mức độ tổn thương, vẫn có thể điều trị hiệu quả để kéo dài thời gian sống thêm và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

- Tôi năm nay 36 tuổi là nhân viên văn phòng, tôi bị đau vùng thượng vị từ nhiều năm nay, buổi sáng ngủ dậy cứ như là có cục đá đè ở chỗ đó, rất là khó chịu. Tôi cũng đi khám nhiều nơi, kể cả nội soi mà đến nay vẫn không thấy bớt. Lần cuối cùng tôi đi nội soi cách đây khoảng 3 năm. Bác sĩ nói là tôi bị viêm hạng vị. Vây không biết thực tình bệnh của tôi ra sao mà uống thuốc không thấy bớt. Xin cảm ơn Bác sĩ (Lương Quý Thiện, 36 tuổi, Biên Hòa - Đồng Nai)

- BS Vũ: Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng có liên quan đến rất nhiều yếu tố: nhiễm HP, chế độ ăn, tâm lý... Việc điều trị phải toàn diện. Bạn nên khám định kỳ và tuân thủ các chỉ dẫn của nhà chuyên môn cũng như phải có lối sống tích cực, giữ cho tinh thần lạc quan. Không phải bất cứ tình trạng viêm loét dạ dày nào cũng là ung thư nhưng bạn nên cẩn trọng và có chế độ điều trị tích cực hơn.

- Cách đây 6 tháng tôi đi khám vô tình biết được có u máu ở gan, mới đây đi chụp lại xuất hiện thêm 1 u nhỏ nữa. Xin hỏi bác sĩ u này có khả năng chuyển u ác không và cách phòng ngừa để giảm u máu ở gan. Cám ơn bác sĩ (Bình, 28 tuổi, Tổ 8 Định Công, Hà Nội)

- BS Vũ: Bướu máu ở gan được xem là một rối loạn phát triển bẩm sinh, không phải ung thư. Hiện không có cách phòng ngừa, việc xử trí tùy thuộc vị trí và kích thước. Các bướu máu nhỏ ở sâu trong gan thường không phải can thiệp. Các bướu lớn ở vị trí ngoại biên có thể được phẫu thuật phòng ngừa bướu vỡ gây xuất huyết.

- Mẹ tôi được chẩn đoán là ung thư dạ dày và đã được bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày, hiện giờ trong quá trình hóa trị (được 2 lần), nhưng việc ăn uống rất khó khăn, ăn vào thường nôn ra và ăn rất ít. Xin bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng như thế nào là thích hợp để bệnh nhân có được sức khỏe tốt cho những lần xạ trị tiếp theo. Tôi sợ như vậy sẽ không có sức khỏe và sức đề kháng để có thể chịu đựng được những lần xạ trị lâu dài như vậy. (Lê Thế Linh, 30 tuổi, Cần Thơ)

- BS Lưu Ngân Tâm: Trong trường hợp này, việc đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ bạn bằng đường ăn uống là rất khó. Tuy nhiên để có thể đảm bảo dinh dưỡng một phần nhằm tránh tình trạng sụt cân gây bất lợi cho quá trình điều trị hiện tại và sau này, bạn nên chú ý về chế độ ăn uống như sau:

1. Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, có thể ăn từ 8 đến 10 lần một ngày.

2. Chọn những thức ăn, thức uống dạng lỏng hoặc xay nhuyễn đầy đủ chất dinh dưỡng (đạm, khoáng chất, vitamin...).

3. Chọn thức ăn hoặc thức uống dễ tiêu hóa và hấp thu như: cháo thịt, súp xay, sữa...

4. Trong trường hợp mẹ bị ói nhiều lần, bạn nên bổ sung đủ lượng nước và muối khoáng.

5. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm cho mẹ những chất dinh dưỡng miễn dịch như: EPA (có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, cá thu và sữa), Glutamin... sẽ giúp tăng cường chức năng miễn dịch, có lợi cho niêm mạc đường ruột.

- Thưa bác sĩ, tôi 33 tuổi, chưa có gia đình, vừa phẫu thuật ung thư gan. Vậy tôi có nên lập gia đình không? Nguy cơ của tôi như thế nào? (Pham Ngoc Hoa, 33 tuổi, TP Thái Bình)

- BS Vũ: Câu hỏi của bạn quá quan trọng nhưng không đủ các chi tiết. Có nhiều loại bướu ở gan (thường được nhiều người hiểu là ung thư) với đặc điểm bệnh lý và tiên lượng khác nhau. Có những bướu gan có thể trị khỏi sau phẫu thuật và cũng có những người bị ung thư gan có thời gian sống còn rất khiêm tốn. Để có câu trả lời chính xác, bạn nên gặp nhà chuyên môn và cung cấp đầy đủ các thông tin chi tiết hơn.

- Thưa bác sĩ, nhà tôi có bà ngoại bị ung thư vú đang xạ trị, bố chồng tôi bị ung thư gan đã mất. Vậy tôi, chồng và con tôi có nằm trong diện nguy cơ ung thư cao hay không? Trường hợp ung thư gan có di truyền không? (Thuy Nguyen, 29 tuổi, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh)

- BS Vũ: Ung thu vú có chất gia đình. 5-7% người bị ung thư vú là do thừa hưởng các gen ung thư từ mẹ. Do vậy, nếu có người trong gia đình thuộc hệ mẹ mắc ung thư vú (nhất là dưới 40 tuổi) thì các phụ nữ ở đồng thế hệ hoặc thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn cộng đồng. Ung thư gan liên quan đến bệnh viêm gan siêu vi, nhiễm độc gan... và không liên quan đến yếu tố di truyền.

-BS Vũ và BS Tâm: Nhìn chung, ung thư phổi, gan và bao tử:

Đây là các loại ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam hiện nay (ước tính chiếm 25-30% các bệnh ung thư): dấu hiệu ban đầu mơ hồ, chẩn đoán sớm khó, hiệu quả điều trị còn hạn chế.

- Rất may các loại ung thư này thường liên quan đến các yếu tố nguy cơ mà ta có thể phòng tránh được: phòng chống tác hại thuốc lá, tiêm chủng viêm gan siêu vi, điều trị tiệt căn nhiễm HP, lối sống và chế độ dinh dưỡng thích hợp.

- Các tiến bộ chẩn đoán và điều trị giúp bệnh nhân được thừa hưởng chất lượng cuộc sống và thời gian sống còn kéo dài có ý nghĩa.

- Điều trị và chăm sóc bệnh nhân mang tính chất toàn diện, trong đó việc hỗ trợ dinh dưỡng là vô cùng cần thiết cho bệnh nhân.

- Việc chăm sóc và dinh dưỡng bệnh nhân cần phải dựa trên các cơ sở khoa học, tránh hoang mang nghe theo các thông tin không kiểm chứng được.

Tóm lại, ngoài việc tuân thủ các chế độ điều trị đặc hiệu cho bệnh ung thư thì người bệnh cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng phù hợp để có sức khỏe tốt, khả năng đáp ứng điều trị cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đồng thời tinh thần lạc quan, vui vẻ, duy trì tập thể dục đều đặn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hiệu quả điều trị.

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét