Tắm biển quá lâu ngoài nắng nóng sẽ không tốt cho sức khỏe (ảnh minh họa) - Ảnh: G.T. |
Hình ảnh đó càng rõ nét với người có bệnh tim mạch vì hoạt động co bóp của tim lúc nào cũng chịu ảnh hưởng của hệ thần kinh thực vật. Trái tim vì thế là “miếng mồi ngon” khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi nhiều hoặc quá đột ngột.
Nóng quá mệt tim
Nếu về mặt kích ứng, nhiệt độ bên ngoài quá cao lại thêm kéo dài chẳng khác nào loại stress ác liệt đối với trái tim vốn ưa chuyện nhẹ nhàng. Gặp lúc nóng bức, mạch máu ngoài da phải giãn nở để cơ thể tìm cách giải nhiệt. Khi đó lượng máu về tim phần nào khó tránh hao hụt. Hậu quả là động mạch vành, mạch máu có nhiệm vụ nuôi dưỡng cơ tim, dễ bị thiếu máu. Tim bắt buộc phải tăng năng suất dù đơn đặt hàng chỉ từ “thị trường ảo”. Càng co mạch, máu trên thành tim càng thiếu. Nếu ngay lúc đó ẩm độ ngoài trời tăng cao khiến người bệnh khó đổ mồ hôi, áp lực lên tim càng tăng. Chuyện nhồi máu cơ tim, nếu mạch máu của người đó vốn đã xơ vữa, là dễ như chơi.
Ngược lại, nếu người bệnh đổ mồ hôi như tắm vì trời quá nóng thì tim cũng mệt vì máu sẽ đậm đặc do mất nước. Máu càng sệt càng tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim vì thành tim không đủ dưỡng khí. Không lạ gì nếu huyết áp thu tâm (con số lớn khi đo huyết áp), trị số phản ảnh mức độ co bóp của trái tim, thường tăng khi trời quá nóng.
Người phải đối đầu với nhiệt độ cao đừng quên uống nhiều nước, nếu được nước khoáng càng tốt, để bổ sung chất điện giải. Cũng như đừng quên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa đúng giờ căng bụng, nhất là đừng vận động thái quá khi mặt đã đỏ bừng vì trời nóng. Cũng đừng quên bàn với thầy thuốc để thầy nhẹ tay hơn với phác đồ điều trị trong những ngày nắng gắt, phòng tình trạng tụt huyết áp do giãn mạch ngoại biên.
Lạnh quá cũng mệt tim
Nhưng nếu dựa vào đó rồi tưởng trời lạnh tốt hơn cho tim thì lầm. Gặp lúc rét run thì mạch máu ngoài da co rúm để giữ năng lượng. Hậu quả là huyết áp trương tâm (con số nhỏ khi đo huyết áp) dễ tăng khi hệ thần kinh thấy ớn lạnh. Tim khi đó phải đối đầu với cả hệ thống mạch máu bỗng dưng đồng tình thu nhỏ kích thước. Tình trạng này rất thường gặp ở người làm việc liên tục nhiều giờ trong phòng máy lạnh chạy hết cỡ! Khi đó không chỉ cơ tim mà nhiều nội tạng khác cũng trong tình trạng thiếu hụt dưỡng khí.
Nếu kèm theo các nguy cơ tiềm ẩn của stress, của thói quen chơi thể thao quá độ, của đêm dài mất ngủ... thì không lạ gì với dấu hiệu suy tim như khó thở, choáng váng... bắt đầu xuất hiện ở người trước đó tưởng chừng khỏe mạnh. Do vậy, người thường đối diện với cái lạnh bên ngoài nên tìm cách giảm liều stress khi trời vào đông, tránh tập thể dục quá lâu ngoài trời và đừng quên giữ lòng bàn chân ấm.
Trung dung mới khó
Tim, cũng như người, thường không ưa điều gì thái quá. Nếu về tình chí, quá vui cũng không tốt, quá buồn cũng không xong thì với nhiệt độ cũng thế. Quá nóng hay quá lạnh đều hại tim. Nhưng nhiệt độ bên ngoài xem vậy vẫn ít hại hơn hàn nhiệt từ trong. Tốt nhất là làm sao giữ trái tim đủ ấm tình người để cuộc đời bớt tẻ lạnh, để cuộc sống bớt căng thẳng. Kẹt một nỗi là nói thường dễ hơn làm. Lời khuyên của thầy thuốc xưa nay vẫn thế!
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG - TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét