Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Chì trong trái cây khô ngoại nhập: Độc cỡ nào?

Dư luận trong nước đang xôn xao về việc có hay không nguy cơ trái cây sấy khô nhập từ nước ngoài vào nước ta bị nhiễm chì - một kim loại nặng có độc tính cao? Theo yêu cầu của bạn đọc, TTCT xin giới thiệu bài viết dưới dây nhằm cung cấp thêm thông tin và giải đáp những thắc mắc liên quan đến sức khỏe và chì trong trái cây khô.

Loại trái cây khô bị nhiễm chì - Ảnh: www.dshs.state.tx.us

Sự lo lắng của người dân hoàn toàn có căn cứ, nhất là khi Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và sau đó là Malaysia cảnh báo: không nên sử dụng trái cây khô nhập khẩu của 15 nhà sản xuất và phân phối (trong đó có nhiều sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, được bán ra tại Mỹ dưới dạng xí muội, mứt) vì hàm lượng chì trong các sản phẩm đó cao vượt xa giới hạn cho phép.

Bao nhiêu là độc?

Chì trong trái cây khô có hàm lượng bao nhiêu được xem là độc? Theo quyết định 46 của Bộ Y tế (ban hành ngày 19-12-2007) về quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm, hàm lượng chì trong trái cây là 0,1mg/kg, với loại quả nhỏ (như nho) là 0,2mg/kg, nhưng giới hạn này áp dụng cho trái cây tươi. Do lượng nước mất đi khá nhiều trong trái cây khô, nên so với giới hạn đó thì hàm lượng chì trong 1kg trái cây khô chắc chắn sẽ cao hơn đáng kể.

Dựa trên các tính toán về hàm lượng chì con người có thể hấp thu mà không gây ra các ảnh hưởng có hại, FDA có quy định về hàm lượng chì trong các loại thực phẩm khô được dùng cho người lớn và trẻ em là 0,5 µg chì/g, tức là 0,5mg chì/kg.

Chì từ đâu ra?

Việc xác định nguồn gốc trái cây nhiễm chì cũng rất quan trọng, vì điều này có thể giúp đưa ra những khuyến cáo thích hợp và phòng ngừa việc nhiễm bẩn trong tương lai, thậm chí có thể làm mở rộng diện điều tra. Có hai nguồn có thể gây nhiễm chì:

- Trong quy trình trồng trọt: do trong quá trình sản xuất trước thu hoạch, nguồn nước tưới cây, đất canh tác... bị nhiễm độc chì hoặc dùng các loại phân bón có hàm lượng chì cao làm sản phẩm bị nhiễm độc. Thậm chí nếu nguồn nước rửa trái cây trước khi đưa vào lò sấy bị nhiễm chì và hệ quả là sản phẩm cũng sẽ bị nhiễm theo.

- Trong quy trình sản xuất, chế biến: chì bị nhiễm do nhà sản xuất sử dụng các thiết bị, dụng cụ bằng kim loại có chứa chì hoặc các mối nối, mối hàn có chì. Bởi các loại trái cây dùng làm xí muội, chế biến thành trái cây khô thường có vị mặn của muối lẫn chua của axit. Đây là những chất có tính ăn mòn cao, đặc biệt khi có nhiệt độ cao do quá trình sấy. Chính lượng muối và axit đó trong quá trình chế biến có thể làm ăn mòn kim loại, khiến chì nhiễm vào thực phẩm.

Việc sử dụng than đá làm nhiên liệu để sấy cũng có thể là một nguồn gây nhiễm chì, vì trong than đá có chứa nhiều kim loại khác nhau, nếu quá trình cháy không hoàn toàn thì muội than (bồ hóng) có thể chứa chì và bám vào trái cây được sấy.

Ăn, uống gì để giảm hấp thụ chì?

Sử dụng thực phẩm nhiễm chì vượt quá hàm lượng cho phép, người tiêu dùng có nguy cơ bị ngộ độc chì, nhất là với trẻ em. Nếu ở người lớn lượng chì vào cơ thể được tích tụ trong xương thì ở trẻ em, ngoài xương chì còn tích tụ ở máu, não, thận.

Biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ em có thể bắt đầu từ rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy. Nếu hàm lượng chì tích tụ ở máu cao sẽ gây giảm hồng cầu khiến trẻ xanh xao, mệt mỏi. Nếu chì tích tụ ở thận sẽ gây tiểu đạm, tiểu máu và gây suy thận. Nếu tích tụ ở não, chì có thể gây phù não và phá hủy tế bào não khiến trẻ có biểu hiện kích thích, chậm nhận thức, bại não, liệt, co giật, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Trong trường hợp thường xuyên tiếp xúc với chì, hàm lượng chì trong cơ thể sẽ được tích tụ (tích lũy sinh học) ngày một nhiều gây ngộ độc mãn tính. Người nhiễm có thể bị đau tê ở đầu ngón tay, chân, mỏi bắp thịt, nhức đầu, đau bụng (bệnh đau bụng chì), tăng huyết áp, giảm trí nhớ... Việc uống bổ sung hoặc sử dụng thực phẩm giàu canxi hay sắt có thể làm giảm sự hấp thu chì. Ngoài ra, các thực phẩm như trứng, sữa cũng giúp quá trình đào thải chì ra khỏi cơ thể tốt hơn.

Hiện nay, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng đã bắt đầu vào cuộc. Trong thời gian này, tốt nhất người tiêu dùng “mê” ăn trái cây khô thì chịu khó... nhịn, kiên nhẫn chờ đợi và cảnh giác hơn với các loại trái cây khô này.

NGUYỄN VĂN TRUNG - TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét