Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

Gan nhiễm mỡ (24h) - 10-15% dân số nước ta hiện nay mắc triệu chứng gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ
Nhộng tằm có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh và cải thiện chức năng gan

Anh Nguyễn Thanh Hải, 31 tuổi- Trưởng phòng công nghệ thông tin một tập đoàn đa ngành lớn tại Hà Nội đi khám sức khoẻ định kì về, vô cùng ngạc nhiên vì bác sĩ chẩn đoán anh có men gan cao, gan nhiễm mỡ.

Đồng nghiệp và bản thân anh rất ngạc nhiên vì anh là người có tạng người gầy, nhỏ, rất nhanh nhẹn, lại không hay uống rượu bia, không có tiền sử bị bệnh phải dùng nhiều loại thuốc... Bản thân anh Hải lại không thấy biểu hiện đau, mỏi gì đặc biệt. Đọc tài liệu và nghe bác sĩ giảng giải thêm, anh mới biết là: đặc thù công việc ngồi 8-10 tiếng bên máy vi tính, ít thể dục thể thao là nguyên nhân chính khiến anh mắc gan nhiễm mỡ.

Anh Hải chỉ là một trong khá nhiều trường hợp dân văn phòng hoàn toàn không ý thức được mình có lượng mỡ trong gan cao. Mặc dù khoa học chứng minh đây không phải là chứng bệnh nguy hiểm, nhưng thực tế 20-25% trường hợp gan nhiễm mỡ có nguy cơ phát triển thành xơ gan quả thực rất đáng quan tâm.

Tìm hiểu về lá gan của chúng ta

Cơ quan này của cơ thể thực hiện nhiều chức năng phức tạp như: biến đổi thức ăn thành những chất cần thiết cho sự sống và phát triển, sản xuất ra nhiều chất quan trọng sử dụng cho cơ thể; chuyển hoá các thuốc được hấp thụ từ đường tiêu hoá thành dạng cơ thể có thể dùng được, giải độc và bài tiết các chất độc trong cơ thể.

Lá gan phục vụ bạn bằng cách: tạo ra năng lượng một cách nhanh chóng khi cần thiết; sản xuất ra protein mới cho cơ thể; ngăn ngừa sự thiết hụt năng lượng cơ thể bằng cách dự trữ một số vitamin, khoáng chất và đường; điều hoà sự vận chuyển mỡ dự trữ. Gan giúp ích cho sự tiêu hoá bằng cách tạo ra mật; kiểm soát việc sản xuất và bài tiết cholesterol; trung hoà và loại bỏ các chất độc; chuyển hoá rượu; kiểm soát và duy trì nồng độ thích hợp của nhiều chất hoá học và nồng độ của thuốc trong máu; lọc máu và thải các sản phẩm cặn vào trong mật; duy trì sự cân bằng các nội tiết tố; có vai trò của một cơ quan tạo máu ở thai nhi. Gan giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng bằng cách tạo ra các yếu tố miễn dịch và loại bỏ các vi khuẩn lưu thông trong máu; tái tạo mô tổn thương và dự trữ sắt.

Gan nhiễm mỡ khi 5% trọng lượng gan là chất béo. Gan nhiễm mỡ được định nghĩa như là một sự tích luỹ của chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan hoặc quan sát dưới kính hiển vi thấy nhiều hơn 5% số tế bào gan chứa các hạt mỡ.

Những người đặc biệt phải đề phòng bệnh là người làm việc ở văn phòng, người béo phì, đái tháo đường, người có lượng cholesterol cao. Cụ thể, những người dễ mắc bệnh này thường có thói quen ăn uống nhiều chất béo, nhiều năng lượng, uống nhiều rượu, ăn uống kiêng khem không đúng quy cách dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu protein hay can thiệp giảm cân quá nhanh. Uống nhiều loại thuốc cũng gây hại đến gan. Những người làm việc văn phòng ít vận động trong công việc, không có thời gian tập thể dục để chuyển hoá các loại năng lượng, do đó cũng dễ mắc bệnh. Phần lớn các trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng bởi vì tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ nên các biểu hiện của nó cũng khó cảm thấy. Bệnh nhân thường được phát hiện tình trạng gan to, hoặc những sự bất thường nhẹ về chỉ số aminotransferase hoặc alkaline phosphatase khi đi khám bệnh định kỳ.

Tuy nhiên, gan nhiễm mỡ có thể chỉ biểu hiện với triệu chứng mệt mỏi và cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị phải. Với tình trạng gan nhiễm mỡ nặng có thể có triệu chứng vàng da, đau bụng, buồn nôn, ói mửa và gan to nhẹ. Ở những bệnh nhân gan nhiễm mỡ do những nguyên nhân khác nhau thì cũng có kèm theo những triệu chứng toàn thân và những dấu hiệu đặc trưng của những nguyên nhân đó.

Gan nhiễm mỡ, Nội khoa, Y tế - thiết bị, Gan, nhiễm mỡ

Nhộng tằm có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh và cải thiện chức năng gan

Đối phó với gan nhiễm mỡ

Tốt nhất là chúng ta biết cách phòng để không mắc phải bệnh. Đây là bệnh có nguyên lý khá đơn giản nên chỉ cần chú ý, chúng ta sẽ kiểm soát được bệnh, giữ cho lá gan luôn ở trạng thái khoẻ mạnh. Hãy lắng nghe cơ thể bạn, làm quen và duy trì những thói quen lành mạnh về cả thể chất và tinh thần. Ai cũng biết những thói quen ăn uống thừa năng lượng, nhiều chất cồn có hại toàn diện cho tất cả các bộ phận của cơ thể, không riêng gì đối với gan. Nên ăn những thực phẩm gần với thiên nhiên nhất.

Việc tập luyện đều đặn sẽ tăng những mức năng lượng, giảm stress đối với gan, và trong nhiều trường hợp thậm chí làm chậm cả sự bùng phát những biến chứng chắc chắn liên quan với bệnh gan. Bạn nên giữ khối lượng cơ thể ở mức trung bình bằng cách kiểm tra chỉ số BMI lý tưởng của bản thân. Đọc kỹ các chỉ số dinh dưỡng ghi trên bao bì sản phẩm để đảm bảo hạn chế lượng chất béo, lượng calo cung cấp cho cơ thể. Các bác sỹ cũng khuyên rằng nên siêu âm tầm soát bệnh 3 tháng/lần. Kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglyceride máu định kỳ mỗi 6 tháng (hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ tuỳ theo tình trạng bệnh lý của mỗi cá nhân).

Một số thực phẩm khuyên dùng cho người có triệu chứng gan nhiễm mỡ

- Nhộng tằm: Có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh và cải thiện chức năng gan. Nhộng thường dùng dưới dạng các món ăn hoặc tán thành bột để uống.

- Nấm hương: Chứa những chất có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu và tế bào gan. Thường dùng dưới dạng thực phẩm để chế biến các món ăn.

- Lá trà xanh (chè tươi): Có khả năng giảm trừ các chất bổ béo. Trà có khả năng làm tăng tính đàn hồi thành mạch, giảm cholesterol máu và phòng chống sự tích tụ mỡ trong gan.

- Lá sen: Giảm mỡ máu, giảm béo và phòng chống sự tích tụ mỡ trong tế bào gan. Lá sen được dùng hâm uống thay trà hoặc nấu cháo lá sen.

- Ngô, rau cần: Có tác dụng hạ cholesterol trong máu và tế bào gan.

- Các loại rau trái tươi khác như cải xanh, cải cúc, rau muống... có công dụng giải nhiệt làm mát gan. Cà chua, cà rốt, bí đao, mướp, dưa gang, dưa chuột... thanh nhiệt, lợi tiểu. Các loại dầu thực vật như dầu đậu phộng, dầu mè, dầu đậu nành... chứa nhiều acid béo không no có tác dụng làm giảm cholesterol máu; các thức ăn chế biến từ đậu nành, đậu xanh, đậu đen...

Thực phẩm cần kiêng: đồ ăn quá béo bổ như mỡ động vật, lòng đỏ trứng, não và gan gia súc, bơ... Các thứ quá cay và nóng như gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, rượu, cà phê, trà đặc...

Tieudung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét