Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Rượu thuốc kỹ mới tốt

Nếu sử dụng rượu thuốc một cách tùy tiện có khi bổ chẳng thấy đâu mà còn vướng những tai họa không thể lường được.

Các quý ông rất quan tâm đến rượu thuốc - Ảnh: N.C.T.

Rượu thuốc là một dạng chế phẩm của y học cổ truyền, được bào chế bằng phương pháp dùng dung môi là rượu để ngâm và chiết xuất các thành phần hoạt chất có trong thảo dược. Rượu thuốc rất dễ làm, tuy nhiên trong quá trình ngâm rượu người bào chế cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây.

1. Chọn rượu

Theo đông y, rượu có tác dụng dưỡng huyết, bổ huyết, hoạt huyết, giảm đau và thông kinh mạch. Rượu được đánh giá là ngon khi có độ tinh khiết cao, trong vắt, sủi tăm lăn tăn, uống có mùi vị thơm, ngọt, cay, có độ cồn tương đối cao (39 đến hơn 45 độ) nhưng êm dịu và không gây đau đầu.

Cần chú ý hiện nay rượu đế được sản xuất tự do tại các địa phương và hầu hết đều nấu bằng phương pháp thủ công, khó quản lý chất lượng nên trong thành phần rượu thường có nồng độ aldehyt cao hơn ngưỡng cho phép. Nồng độ các chất độc trong rượu tự nấu cao hơn 30-80 lần so với các loại rượu do nhà máy sản xuất. Ngoài ra còn những thủ thuật như dùng chút phân đạm để ủ dậy men nhanh hơn, chấm thuốc trừ sâu vào để tăng nồng độ, hoặc dùng cồn công nghiệp là methanol pha thêm nước vào để hạ độ cồn xuống thành rượu bán cho người tiêu dùng với giá rẻ. Đã có rất nhiều vụ ngộ độc gây chết người liên quan đến rượu.

2. Chọn dược liệu để ngâm

Dược liệu có thể là thảo dược, động vật, khoáng vật... Tùy người sử dụng, có thể là thuốc bổ hoặc chữa bệnh. Nên đến thầy thuốc để được hướng dẫn cắt các loại thuốc nào cho phù hợp tuổi tác, giới tính và thể chất của người dùng. Bài thuốc có thể là bổ dương, bổ âm, bổ khí, bổ huyết, hoặc phối hợp cả âm dương khí huyết (bát trân thang, thập toàn đại bổ, thấp khớp...). Không nên tự ý mua các thang thuốc qua quảng cáo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, dễ nhầm lẫn với các cây cỏ độc dẫn đến thiệt mạng như lá ngón, quả móc hùm...

3. Bào chế dược liệu

Chọn dược liệu tốt, không mối mọt, rửa sạch, sấy hoặc phơi khô. Sau đó có thể sao thơm, thái phiến, nghiền nhỏ tùy từng vị. Công đoạn này rất quan trọng, quyết định chất lượng của rượu thuốc, giúp các hoạt chất được chiết xuất dễ dàng.

Đối với động vật có cách chế biến riêng:

- Tắc kè: chặt bỏ đầu từ hai mắt trở lên, bỏ bốn bàn chân, lột da, mổ bụng, bỏ nội tạng, tẩm rượu hoặc mật ong, nướng thật vàng thơm, nhớ giữ đuôi vì đuôi tắc kè chứa nhiều chất bổ.

- Hải mã: theo kinh nghiệm vặt bỏ lông trên đầu, tẩm rượu sao qua. Mổ bỏ nội tạng, phơi hay sấy khô. Khi dùng tẩm rượu, sao qua tán nhỏ, có thể để nguyên ngâm rượu với các thuốc khác (như dâm dương hoắc, câu kỷ tử) để uống.

- Rắn: làm sạch, chặt bỏ đầu, loại bỏ hết máu, tẩm rượu nướng thơm rồi mới ngâm rượu.

- Phủ tạng hoặc các bộ phận động vật như tinh hoàn dê, hổ, hải cẩu, tử hà sa, mật động vật, tất cả đều nhằm mục đích bồi bổ cơ thể, hưng phấn tinh thần... nhưng phải tuân thủ quy trình chế biến, nếu không trong quá trình ngâm sẽ bị thối rữa.

4. Tỉ lệ dược liệu và rượu:

Thường 1/10-1/5, ngâm ở nhiệt độ mát trong nhà 10-15 ngày sẽ thu được dịch chiết có màu sắc đậm đà của dược liệu, có thể làm tăng thêm mùi thơm và vị ngọt bằng các vị thuốc như quế chi, trần bì, đại hồi, mật ong, đường phèn... Lọc qua chai để dùng mỗi ngày.

5. Cách dùng

Rượu thuốc được uống trước khi ăn cơm để kích thích tiêu hóa, giúp khí huyết lưu thông, bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực, mỗi lần 15- 30ml, ngày 2-3 lần. Cẩn thận đối với người cao huyết áp, loét dạ dày, người nóng khó ngủ, trẻ em không nên dùng.

Hiện nay nhiều quán rượu quảng bá các loại rượu “ông uống bà khen”, nhưng trên thực tế chất lượng của rượu ngâm tại các cơ sở trên cũng chưa được kiểm chứng. Một số loài côn trùng như ong đất, bìm bịp, rết, bò cạp... được nhiều người dùng để ngâm rượu uống, nhưng chưa ai rõ hết thành phần độc chất có trong các loại này. Cho nên một số rượu “cường dương” thì vô tình lại là nguyên nhân dẫn đến “liệt dương”.

DS LÊ KIM PHỤNG - TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét