Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Đàn ông dễ vô sinh vì bệnh tiểu đường

Neil James-Poole cùng vợ và con. Sau những tác hại mà bệnh tiểu đường gây ra, giờ đây anh hiểu rõ mình phải tuân thủ việc kiểm soát bệnh như thế nào. Ảnh: DailyMail.

Khi Neil bị chẩn đoán mắc tiểu đường, anh biết căn bệnh này có thể gây nguy hiểm cho tim, đột quỵ và suy thận. Nhưng anh không ngờ nó cũng có nghĩa là anh có thể không bao giờ có con.

Neil James-Poole bị chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1 năm anh 21 tuổi. Đây là dạng tiểu đường nguy hiểm nhất, khi mà cơ thể tự tấn công mình và ngừng sản xuất insulin - hoóc môn cần để phân hủy đường trong máu. Kể từ đó, anh phải tiêm insulin 4 lần mỗi ngày.

Tiểu đường tuýp 1 có thể do virus hoặc một bệnh tự miễn gây ra. Nó cũng có tính di truyền. Nếu không chữa trị có thể khiến người bệnh bị hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Ở nam giới, bệnh tuy không làm mất cảm giác cực khoái, song có thể dẫn đến vô sinh. Đó là bởi nó đã phá hủy các mạch máu vốn nuôi các sợi thần kinh nối đến dương vật, DailyMail cho biết.

Khoảng 35% đàn ông mắc bệnh tiểu đường bị rối loạn cương, và 5% trong số họ bị xuất tinh ngược. Các chuyên gia cho biết kiểm soát bệnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa các rối loạn này.

Với Neil, 39 tuổi, một kỹ sư công nghệ thông tin ở Warrington (Anh), bệnh này đã kéo dài vài năm, khiến anh mắc chứng xuất tinh ngược, nghĩa là tinh trùng khi xuất ra lại chảy ngược vào dương vật, và vào bàng quang.

"Tôi từ chỗ sản xuất rất ít tinh trùng đến độ không sản ra cái gì cả", anh kể lại.

Vào thời điểm gặp Sarah, vợ của anh hiện nay, anh đã biết mình có vấn đề. Họ đến gặp bác sĩ, giải thích tình trạng, và thử xét nghiệm. Kết quả thật bất ngờ khi các bác sĩ không tìm thấy một con tinh trùng nào trong bàng quang của Neil, dù chỉ cần một con là đủ để có thai.

"Tôi thực sự như rơi xuống vực - cảm giác như mình không phải là đàn ông thực sự. Tôi cũng biết mình và Sarah muốn có con như thế nào". Cặp đôi thậm chí đã nghĩ đến việc nhận con nuôi hoặc dùng tinh trùng hiến.

Tuy nhiên, Neil vẫn còn may mắn. Sau 6 lần xét nghiệm, các bác sĩ tin tưởng anh còn đủ tinh trùng tốt để có con. Điều đó thành sự thật sau khi bác sĩ lấy tinh trùng từ tinh hoàn của anh, và thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Tháng 9 vừa qua, con gái anh đã chào đời.

Neil đã học được nhiều điều từ bài học này - bệnh tiểu đường của anh giờ đây được kiểm soát tốt. Thay vì đều đặn tiêm insulin 4 lần một ngày, anh tự tiêm cho mình bất cứ khi nào cần thiết, phụ thuộc loại thức ăn đưa vào cơ thể.

Tổn thương với "cậu bé" của anh là không thể phục hồi, nhưng với hai phôi đông lạnh còn lại, cặp vợ chồng này biết rằng họ vẫn còn có cơ hội nếu muốn sinh thêm con.

"Xuất tinh ngược là bất thường, nhưng nó có thể xảy ra với tôi do bệnh tiểu đường, hoặc xảy ra với bất cứ ai khác. Tin tốt lành là tôi tin rằng tôi có thể kiểm soát nó".

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét