Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ca bệnh sỏi trong khớp vai của anh Cường. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống. |
Bị đau, nhức khớp vai 5 năm nay, anh Cường hết dùng thuốc Đông đến thuốc Tây mà chẳng đỡ. Kết quả khám tại Đại học Y Hà Nội gần đây khiến anh bất ngờ khi biết trong khớp vai của mình có hàng trăm viên sỏi.
Thời gian mới bị bệnh, anhh Nguyễn Văn Cường, 24 tuổi (Hà Tĩnh) chỉ thấy mỏi, nhức, sau đó các cơn đau tăng dần và người bệnh cảm giác như khớp vai bị cứng lại. Ban đầu, anh cho rằng có lẽ do mình vận động quá sức. Sau một thời gian, những cơn đau đến nhiều hơn và khó cử động hơn thì anh tìm đến những biện pháp điều trị dân gian và đông y như xoa bóp, bấm huyệt, chườm nóng... nhưng vẫn không thuyên giảm.
Đi khám bệnh, anh được chẩn đoán là đau khớp và cho dùng thuốc nhưng cũng không có kết quả tốt. Thời gian gần đây, các biểu hiện bệnh càng nặng nề, thậm chí anh còn cảm thấy khớp vai lạo xạo như xương bị vỡ ra.
Kết quả chẩn đoán tại Đại học Y Hà Nội khiến anh bất ngờ: trong khớp vai của anh có rất nhiều sỏi, ước tính đến hàng trăm viên. Bệnh nhân cho hay, trước đây anh chỉ nghe nói đến sỏi trong gan, mật, thận, bàng quang... chứ chưa từng biết có sỏi trong khớp bao giờ. Theo các bác sĩ, trong trường hợp này, dùng thuốc hầu như không có tác dụng mà phải xử lý bằng phẫu thuật để lấy hết sỏi ra mới trả lại sự vận động bình thường cho khớp vai.
Thạc sĩ Trần Trung Dũng, người phẫu thuật cho anh Cường cho biết, những viên sỏi trong khớp vai người bệnh có đường kính 0,5-1cm. Các bác sĩ cũng khá bất ngờ vì số sỏi nhiều quá, phải mất 1 giờ 30 phút mới lấy hết số sỏi ra, đến gần 200 viên.
Những viên sỏi này là do u xương sụn màng hoạt dịch sinh ra. Màng hoạt dịch là màng trong cùng của bao khớp, có vai trò tiết dịch làm trơn bề mặt hoạt động của khớp. U xuất hiện là do sự phát triển bất thường của cấu trúc sụn trong màng hoạt dịch và lắng đọng canxi. Một số cấu trúc này phát triển lên chỉ dính vào màng hoạt dịch bằng một cái cuống giống như chùm nho, các quả nho là những hạt canxi lắng đọng.
Trong quá trình phát triển, các hạt canxi này một phần vẫn nằm trong bao hoạt dịch, một phần khác rơi vào trong khớp. Bệnh lý này chỉ biểu hiện ở một khớp, như khớp háng, gối, vai. Khi các hạt canxi lắng đọng này rơi vào khớp sẽ cọ sát, chèn ép vào sụn, gây tổn thương bề mặt sụn khớp, thoái hóa khớp, làm cho người bệnh đau, hạn chế vận động.
Theo thạc sĩ Dũng, đây là bệnh hiếm gặp. Các dấu hiệu đau, vận động khó dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác của khớp, nếu để quá lâu có thể làm tổn thương khớp nặng nề. Trên phim Xquang thấy được các viên sỏi nhưng không định lượng được mức độ của chúng trong khớp nhiều hay ít. Nhưng hình ảnh trên cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ thì đánh giá được cả mức độ u xương sụn trong màng hoạt dịch và những hạt đã rơi vào khớp.
Các bác sĩ cho biết, biện pháp điều trị tốt nhất với bệnh này là phẫu thuật lấy chúng ra. Trước đây, để xử trí cho những trường hợp này, phải phẫu thuật mở để gắp hết sỏi trong khớp ra và cắt toàn bộ màng hoạt dịch để tránh u xương sụn tái phát.
Tuy nhiên kết quả không như mong đợi bởi khi cắt toàn bộ màng hoạt dịch sẽ làm cho vận động càng khó hơn do khớp không còn bộ phận làm trơn láng bề mặt. Hơn nữa, khi phẫu phải mở đường rạch lớn ở quanh khớp, gây đau nhiều cho người bệnh. Chính vì hạn chế của phẫu thuật mở mà trước đây, nếu gặp các ca bệnh như vậy thì bác sĩ rất cân nhắc khi quyết định mổ.
Giờ đây, quan điểm điều trị cho bệnh lý này đã thay đổi. Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi để lấy hết sỏi trong khớp ra nhưng vẫn giữ nguyên màng hoạt dịch để đảm bảo sự vận hành dễ dàng của sụn khớp. Phẫu thuật nội soi sẽ không phải mở đường mổ lớn, người bệnh sẽ nhanh chóng xuất viện. Người ta cũng tính đến khả năng tái phát của bệnh nhưng sự lắng đọng canxi sẽ phải trải qua thời gian dài, nếu đến một lúc nào đó các hạt sỏi rơi vào khớp thì quá trình tái thực hiện lấy sỏi ra cũng dễ dàng vì chỉ cần nội soi, tránh được nguy cơ dính như thực hiện phẫu thuật mở trước đây.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét