Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

8 lần sinh, 6 lần chôn con

Trong xóm nhỏ ở xã Hà Phong, Hà Trung, Thanh Hóa, mỗi sinh linh bé nhỏ ra đời, anh chị lại thấp thỏm, hi vọng, để rồi nỗi đau càng nhân lên khi những đứa con ấy tắt dần sự sống.

Ngôi nhà tình nghĩa của họ bao giờ cũng cửa đóng then cài. Những người hàng xóm hiếm khi nhìn thấy chủ nhân của nó vui vẻ cười nói. Ai cũng xót xa cho hoàn cảnh của họ, 8 lần sinh mà có tới 6 lần phải đưa con về với đất mẹ.

Vừa đốt nén nhang thắp lên ban thờ nguội lạnh, nơi hương khói cho 6 đứa con mà chỉ có duy nhất di ảnh của một đứa, anh Phạm Hồng Sơn như câm lặng. Những giọt nước mắt ứa ra, lăn dài trên gò má. Chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh cũng lầm lụi khẽ vén áo, lau những giọt lệ nhạt nhòa trên gương mặt.

Anh Sơn cho biết, năm 1978, anh đi bộ đội, chiến đấu bảo vệ vùng biên ở chiến trường Tây Ninh. Trong một trận đánh, anh bị trúng đạn, mất đi một mắt và ù hết hai tai.

Ngày phục viên, mất sức 71% với một con mắt bị hỏng, đôi tai kém thính, anh chủ yếu sống trong các khu điều dưỡng, khi thì Sầm Sơn, lúc lại chuyển xuống Nga Sơn. Trong những ngày đó, anh đã gặp chị Liên. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì khổ nạn đã tới. Đứa con gái chào đời cứ nay ốm mai đau. Nó lớn lên một chút, anh chị càng đau đớn thấy con không được khôn ngoan như những đứa trẻ khác.

Dù đã ba lần phẫu thuật, Xót vẫn phải nhớ bố mẹ đỡ mới có  thể đứng vững. Ảnh: Hoàng Thùy.
Anh Sơn ngậm ngùi trước bàn thờ 6 đứa con. Ảnh: Hoàng Thùy.

Đứa con thứ 2 ra đời, chân tay cong queo, thân hình dị dạng khiến người nhà sợ không dám bế. Chị Liên chỉ biết một mình ôm con trong tiếng nấc. Nhưng đứa bé ấy sức yếu, lại bệnh tật nên đã không thể qua khỏi. Lần đầu tiên, anh chị phải đau xót đem chôn đứa con còn chưa kịp mở mắt.

Như vòng quay nghiệt ngã của số phận, anh chị cố sinh, mong mỏi một đứa con lành lặn, thì những đứa con sau đều bị mù mắt, hoặc bệnh tim từ lúc lọt lòng mẹ, rồi tật nguyền bẩm sinh khiến sự sống không thể kéo dài.

"Đứa con gái thứ 4 sinh ra đã bị mù một mắt, thân thể lại ốm yếu nên chỉ sống được 7 tuổi là nó cũng qua đời", chị Liên vừa kể vừa khóc.

Với tám lần sinh, vợ chồng người thương binh ấy đã phải đau đớn vật vã với sáu lần chôn con. “Mãi sau này mới nghĩ có thể mình bị nhiễm chất độc da cam, rồi truyền sang cho các con. Chứ lúc ấy cứ tưởng ông trời trêu ngươi, nên càng cố gắng thoát mệnh trời. Ai ngờ đâu càng cố càng xót xa”, anh Sơn ngậm ngùi nói.

Hết đứt ruột chôn con, rồi chạy khắp các bệnh viên chăm con, giờ đây, vợ chồng người thương binh ấy đang phải gồng mình kiếm tiền nuôi hai đứa con bệnh tật. Cô con gái đầu nay ốm mai đau, cậu con trai duy nhất cũng không thể tự chăm sóc bản thân. Mọi việc sinh hoạt vẫn một tay anh chị lo lắng.

Chỉ vào đứa con đang ngồi chơi một mình dưới chiếu, anh Sơn cho biết: “Đấy là thằng Xót. Nó là đứa con trai mà ông trời còn thương, để lại cho nuôi. Thế nhưng đôi chân nó cũng dị dạng, bại liệt bẩm sinh, lại thêm căn bệnh bại não khiến chúng tôi đau lòng quá”.

“Lúc mới sinh, thằng bé không có bàn chân mà chỉ là một khối dính liền nhau, cong queo. Cả gia đình đã vay mượn để đưa cháu đi mổ. Cũng đã phải qua 3 lần mổ khớp gối, khớp háng, khớp bàn chân, qua đủ các bệnh viện chữa trị giờ cháu mới có thể chống nạng đứng được một lúc”, anh cho biết.

Dù đã ba lần phẫu thuật, Xót vẫn phải nhớ bố mẹ đỡ mới có  thể đứng vững. Ảnh: Hoàng Thùy.
Dù đã ba lần phẫu thuật, Xót vẫn phải nhờ bố mẹ đỡ mới có thể đứng vững. Ảnh: Hoàng Thùy.

Dù vất vả là thế nhưng anh chị vẫn cố gắng tằn tiện cho hai con ăn học. Cô con gái học hết lớp 12 rồi ở nhà giúp mẹ việc nhà. Còn Xót không thể tự đi nên hàng ngày anh chị phải đưa, đón em đến trường. Đôi vai anh Sơn, chị Liên đã chai sạn lại vì suốt hàng chục năm cõng con đến lớp.

Mấy năm trước hai vợ chồng mua được một cái xe đạp nên việc đưa đón Xót mới dễ dàng hơn. Nhưng cũng có hôm đang đi gặp mưa, đường trơn khiến hai mẹ con ngã lăn ra đường. Mẹ yếu, con lại nặng và đôi chân không thể cử động, chị Liên không biết làm thế nào, chỉ biết ôm con khóc hết nước mắt. Phải đến khi có người qua đường dừng lại giúp, hai mẹ con mới về được đến nhà.

“Dạo này thằng Xót bệnh nặng nên phải nghỉ học ở nhà để tiện chăm sóc”, anh Sơn cho biết.

Mải lo lắng cho các con, sức anh Sơn cũng yếu dần. Ngày trở trời, những vết thương cũ lại tái phát khiến anh đau nhức không chịu nổi. "Hết con lại đến bố đi viện, nhà tôi có thể xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai rồi", chị Liên cười buồn.

Qua những lần đi viện ấy, số tiền anh chị vay mượn đã lên tới gần trăm triệu. Giờ đây, nguồn thu duy nhất của gia đình chính là cửa hàng chiếu cói của chị Liên ở chợ Đò Lèn. Tronh ánh nắng cuối chiều, gương mặt người thương binh và vợ sạm đen, ưu tư, khắc khoải. Một điều mà cả hai vợ chồng này lo lắng đó là khi họ gần đất xa trời, ai sẽ chăm lo cho hai đứa con bạo bệnh.

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét