Các bệnh viện, phòng khám tư tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, những ngày qua đều quá tải với lượng khách tăng từ 50% trở lên. Nắng nóng được cho là nguyên nhân khiến trẻ kéo nhau ốm: sốt siêu vi, viêm hô hấp...
Sáng sớm nay, các dãy hành lang của khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chật kín người trong tiết trời ngột ngạt oi bức. Trung bình mỗi giường bệnh có từ hai đến ba trẻ nằm.
Chen chúc cùng hai gia đình khác ngồi trên giường bệnh, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Chín, quê ở huyện Nghĩa Hành thay phiên nhau dùng khăn ướt lau cơ thể hạ nhiệt cho con. Chốc chốc người chồng lại đứng dậy đi ra rồi vào với vẻ sốt ruột, ngực áo phanh ra. Chiếc quạt máy quay một cách lười nhác trên trần. “Công việc đồng áng ngập đầu mà vợ chồng phải gác lại để lên bệnh viện chăm con. Thời tiết hầm hập thế này người lớn còn đổ bệnh nói gì đến mấy đứa trẻ”, anh Chín nói.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết, trong suốt tuần qua, trung bình mỗi ngày có hơn 160 bệnh nhi nhập viện điều trị với các bệnh mùa hè như: viêm hô hấp, sốt siêu vi, viêm phế quản... tăng gấp hai đến ba lần so với những tuần trước khiến cho khoa Nhi trở nên quá tải. "Do số giường bệnh có hạn nên mỗi giường bệnh khoa bố trí hai đến ba bệnh nhi gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị”, bác sĩ Phụ nói.
Các bệnh viện nhi trở nên quá tải, 2-3 cháu phải nằm một giường. Ảnh: Trí Tín |
Vào buổi trưa hoặc chiều tối, các phòng khám nhi tư nhân ở thành phố Quảng Ngãi cũng đông đúc cha mẹ ôm con đi khám bệnh. Theo thống kê sơ bộ của một số phòng khám tư tại đây, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám, điều trị tổng cộng hơn 1.000 bệnh nhi mắc các bệnh mùa hè do nắng nóng.
Nhiều gia đình ở Đà Nẵng cũng mất ăn mất ngủ vì con trẻ thay phiên nhau lăn ra ốm. Tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, trong nửa đầu tháng 5, Khoa Nhi tiếp nhận hơn 1.500 bệnh nhi đến khám và nhập viện điều trị. Trong đó, chủ yếu là mắc các bệnh lý hô hấp do viêm tiểu phế quản, viêm phổi và các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột, rối loạn tiêu hóa...
Các buồng bệnh tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng luôn đặt trong tình trạng quá tải, cao điểm có ngày lên đến 500- 600 bệnh nhi điều trị nội trú. Do giường bệnh quá tải, nhiều bậc phụ huynh phải kê ghế xếp hoặc trải chiếu ngay dưới nền phòng bệnh để có chỗ nằm cho con.
Bà Trần Thị Hai ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng than thở: “Con tôi bị sốt cao kèm theo những cơn ho kéo dài phải cấp tốc nhập viện. Phòng bệnh quá tải nên vợ chồng tôi đưa con ra hành lang ngồi cho thoáng”.
Trong những ngày qua, Bệnh viện đa khoa Bình Định đã tiếp nhận trung bình mỗi ngày từ 500 đến 600 bệnh nhi đến khám, điều trị , tăng hơn 50% so với ngày thường của những tháng trước. Trước tình hình này, bệnh viện buộc phải kê thêm giường bệnh; tăng cường nhân lực, đặc biệt vào hai ngày nghỉ cuối tuần.
Nhiều bố mẹ bỏ cả công việc để đưa con đi khám, điều trị. Ảnh: Trí Tín |
Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Định lo lắng: “Điều lo ngại nhất hiện nay là cùng với bệnh sốt xuất huyết, hàng chục trường hợp bệnh sốt phát ban do Rubella và sởi cũng đã xuất hiện ở một số trường học của huyện Phù Mỹ và Hoài Ân".
Ngành y tế Bình Định đang theo dõi kỹ các điểm trường có số lượng học sinh mắc bệnh nhiều, bởi sốt phát ban lây qua đường hô hấp nên tốc độ phát triển rất nhanh.
Theo ông Lân, việc thực hiện cách ly đối với học sinh bị sốt phát ban trong thời điểm mùa thi sắp tới là vấn đề nan giải. Đối với sốt xuất huyết, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là phải diệt ổ bọ gậy, còn sốt phát ban thì nên tiêm vắc xin phòng bệnh. Ông Lân khuyên, để giữ sức khỏe trong mùa nắng nóng này, người dân cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách đảm bảo chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý…
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cũng khuyến cáo, mùa nắng nóng bố mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, đảm bảo chất dinh dưỡng để phòng các bệnh về đường ruột, đặc biệt cho uống nhiều nước để giải nhiệt. Cho trẻ vui chơi ở môi trường thoáng, mát, nếu trong phòng có máy điều hòa thì điều chỉnh nhiệt độ không quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài môi trường. Ngoài ra, cần giữ gìn vệ sinh môi trường, ngủ phải mắc màn để phòng bị muỗi, côn trùng đốt gây bệnh sốt xuất huyết, viêm não... cho trẻ.
Hiện tại, ngành y tế Đà Nẵng đã tăng cường tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh viêm màng não ở trẻ em. Bệnh này thường xuất hiện vào giữa đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 8 hằng năm.
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét