Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014
Trận đánh mới trong cuộc chiến bệnh sởi
Từ thực tế tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và các báo cáo tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua cho thấy, các ca nhập viện và tử vong hầu hết là do biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, trong khi trận sởi bùng lên cách đây vài năm chủ yếu gây biến chứng não.
Cả hai loại biến chứng đều nguy hiểm, song biến chứng hô hấp nguy hiểm hơn vì rất dễ gây tử vong. Theo tôi, cuộc chiến với bệnh sởi chính thức bắt đầu và đây là trận đánh cần phải được bàn kỹ mới có thể chiến thắng, nhất là vấn đề hỗ trợ hô hấp.
Số ca sởi miền Nam thực tế không thua miền Bắc, tuy nhiên bệnh nặng hay nhẹ là do nhiều yếu tố như nhân lực, cơ địa, vùng miền. Chẳng hạn miền Bắc ít có bệnh tay chân miệng, nhưng miền Nam thì có nhiều hơn.
Tại TP HCM khi thấy có dịch sởi, nhờ các bệnh viện tuyến quận huyện đã được tập huấn nên họ có thể giữ bệnh nhân lại điều trị, nếu gặp khó khăn sẽ nhờ các bệnh viện lớn hướng dẫn. Điều này giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên. Trong khi hiện nay tại Hà Nội, hầu hết bệnh viện tuyến dưới, thậm chí một số tỉnh lân cận cũng chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương và đây chính là lý do gây quá tải.
Bệnh viện Nhi trung ương đang vỡ trận do nhân lực và nguồn lực không gánh nổi. Toàn bộ khoa Nhiễm và khoa Hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương đang được sử dụng để điều trị sởi nhưng vẫn không kham nổi. Vì thế bệnh viện này cần phải được tăng nhân lực và thiết bị gấp đôi hiện tại thì mới giải quyết được.
Để khống chế ca tử vong do sởi, cần có ngay một phác đồ được cập nhật mới, phù hợp với tình hình sởi đang diễn ra. Phác đồ cũ được viết cách đây hơn 5 năm tập trung vào viêm não do thời điểm đó người mắc sởi chủ yếu biến chứng viêm não. Lần này do lượng bệnh nhân bị biến chứng hô hấp nhiều hơn nên phác đồ mới sẽ tập trung vào việc chăm sóc hô hấp.
Phác đồ mới cần phải xoáy vào hỗ trợ hô hấp để giảm tử vong do hô hấp; phương pháp phòng ngừa trong bệnh viện; và phân tuyến điều trị. Đặc biệt hỗ trợ hô hấp sẽ được viết chi tiết (bảo đảm cho trẻ bị suy hô hấp đầy đủ ôxy tùy mức độ bệnh) để các tuyến có thể thực hiện. Muốn làm tốt việc này phải cần thêm máy móc và con người đủ để theo dõi.
Số liệu tổng kết cho thấy đa số các ca tử vong do sởi ở Hà Nội là không chích ngừa, cho nên vấn đề chính để phòng ngừa bệnh sởi là phải chích ngừa. Một trong những sai lầm thường thấy là các bác sĩ tiêm phòng hay tư vấn tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não) rồi một tháng sau mới tiêm văcxin sởi cho các bé. Nhưng với tình hình hiện nay, theo tôi các bác sĩ cần tập trung ưu tiên tiêm văc xin sởi cho các bé vì chậm một tháng là các cháu đã có thể mắc bệnh.
Chúng ta hiện có đủ văcxin sởi. Trẻ dưới 3 tuổi sẽ được tiêm miễn phí, trên 3 tuổi thì tiêm dịch vụ chưa đến 200.000 đồng. Sau khoảng 10 ngày tiêm thì bé sẽ có miễn dịch. Trẻ tiêm rồi thì vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh nhẹ và không gây biến chứng.
Nguyên tắc của bệnh sởi xuất hiện theo mùa, nếu miễn dịch không có thì từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm bệnh sẽ xuất hiện. Sởi tấn công đầu tiên vào những người có nhóm miễn dịch thấp nhất. Như hiện nay, trẻ từ 12 tháng đến 2 tuổi mắc bệnh nhiều nhất do chưa tiêm phòng. Trẻ dưới 12 tháng là đối tượng bị tấn công thứ hai do nhóm này vẫn còn kháng thể từ cơ thể mẹ. Nhóm 9-10 tuổi bị tấn công cuối cùng, nhóm này có thể đã được tiêm từ nhỏ và đến tuổi này thì miễn dịch yếu đi.
Theo quan điểm của tôi, công bố dịch hay không thời điểm này không quan trọng mà là tất cả chúng ta phải làm gì để giải quyết tình trạng bệnh tăng? Ví dụ, truyền thông nên làm gì, người dân ý thức như thế nào, vai trò của điều trị làm gì, vai trò của nhà quản lý làm gì. Vì thế chỉ cần thông báo: "Hiện nay bệnh sởi đang có dịch tới mức tất cả cùng nhau phòng chống từ người dân cho đến truyền thông, đến cán bộ điều trị". Nó đồng nghĩa với việc chỉ đạo địa phương đang có nhiều ca bệnh và cần tập trung cao độ để khống chế bệnh.
Miền Nam dù bệnh sởi chưa bùng phát nhưng theo tôi vẫn cần phải lo chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Thứ nhất phải rà lại nguồn lực thuốc men, trang thiết bị và nhân lực. Thứ hai phải tập huấn lại cho các tỉnh. Các báo cáo hiện không thể hiện ca bệnh ở tỉnh nhưng thực tế ca nhiễm sởi ở Hà Nội vẫn có đến từ các tỉnh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, lượng bệnh nhân ở tỉnh chuyển lên cũng chiếm khoảng 30%. Khi đã tập huấn cho các tỉnh các điều trị thì sẽ giảm tải cho tuyến trên.
Về phía phụ huynh, trẻ mắc sởi thường sốt, viêm họng và ho dữ dội sặc sụa là dấu hiệu cho thấy có thể mắc bệnh, tuy nhiên điều này không đáng sợ bằng khi trẻ bắt đầu thở nhanh. Lời khuyên của tôi là phụ huynh nếu theo dõi thấy trẻ thở nhanh thì nên đưa đến bệnh viện ngay. Ho nhiều hay sốt cao không liên quan đến độ nặng của bệnh mà chủ yếu là lo theo dõi cách thở và chăm sóc ăn uống vì các bé có thể suy sinh dưỡng luôn sau khi mắc bệnh. Ngoài thở nhanh, trẻ mắc sởi còn có thể bị viêm não, triệu chứng nặng là co giật.
Một trong những sai lầm cũng cần lưu ý từ phía các phòng mạch. Thấy trẻ sốt cao ho nhiều nhưng chưa phát ban, các bác sĩ ở phòng mạch nghĩ bé bị hốt ho viêm họng thông thường cho uống corticoid để giảm ho, nhưng điều này dễ gây nguy hiểm bởi corticoid gây giảm miễn dịch, nếu trẻ mắc sởi thì bệnh sẽ nặng hơn.
BS.Trương Hữu Khanh - VNE
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét