Chi phí y tế là vấn đề ưu tư rất lớn trong đại bộ phận người đi khám bệnh ở Việt Nam.Y tế Việt Nam được miễn phí cách đây lâu rồi. Vào bệnh viện, người bệnh không phải trả tiền, bác sĩ sẽ quyết định ai được chụp X quang, ai được gây tê để khâu vết thương, ai phải khâu sống. Lúc đó, bác sĩ như một ông Trời, quyền sinh, quyền sát. Chính vì vậy mà đòi hỏi thầy thuốc phải như mẹ hiền, công bằng, đầy ắp lương tâm.
Nhưng rồi nhà nghèo, lấy đâu ra cơm gạo mà nuôi đủ các con, rồi thì đâu phải “mẹ” nào cũng hiền. Còn nhớ cảnh các bác sĩ ngoại thần kinh mỗi người thủ cho mình một cái ống nghiệm, trong đó chứa mấy cây kim Long Well, loại kim luồn dùng một lần rồi bỏ, ngâm trong alcool, để làm mạch não đồ cho bệnh nhân. Nhiều chiêu được phát minh như mài kìm, cắt gọt đầu nhựa của kim, để có thể sử dụng được cả trăm lần. Có những lúc người ta toan tính quay lại thời kỳ chiến tranh, dùng nước dừa để truyền dịch.
Thế rồi Liên Xô sụp đổ, cả đất nước rơi vào hụt hẫng. Chỉ trong vài năm sau, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo. So với cái thời ăn bo bo, dân ta no hơn, ấm hơn. Dịch vụ y tế đã phải trả tiền, bệnh nhân không còn phải ngồi chờ cả đêm. Tất cả vết thương đều được gây tê khi khâu, xuyên tâm liên biến mất… Song song đó, bác sĩ không còn là ông Trời, tôi trả tiền, ông phục vụ. 3.000 đồng tiền công khám bệnh, 35.000 đồng tiền công mổ đại phẫu. Người ta trả công cho các bác sĩ như vậy và bảo: Hãy phục vụ đi.
Khi đòi hỏi phải phục vụ thì họ nhân danh cái nửa tên là thị trường, nhưng cái nửa mang tên định hướng lại đứng ra trả thù lao. Cái nửa mang tên định hướng của nền kinh tế bảo thầy thuốc phải như mẹ hiền. Một nền y tế rẻ mạt theo kiểu định hướng như vậy trong một xã hội điên cuồng chạy theo vật chất mang tên thị trường thì làm sao mà có hiệu quả cao, làm sao đòi hỏi phục vụ như Tây, như Mỹ được, vậy mà cứ so sánh.
Tôi không nhớ rõ thời gian, có lẽ khoảng năm 2003, một người Việt Nam đi sang Mỹ bị chấn thương gãy cột sống, được mổ cố định nẹp vít. Sau 3 ngày chi phí lên đến 105.000 USD. Không có tiền trả, người bệnh bị trục xuất về Việt Nam. Năm 2005, tôi được biết một trường hợp mổ u não tại Đại học Michigan bị biến chứng (sau đó được biết là do bệnh nhân ở giai đọan cuối của AIDS), mới có chưa đến 2 tuần với 3 cuộc mổ, chi phí đã lên đến trên 1 triệu đôla Mỹ.
Cái giá thực sự của y tế Mỹ: tổng chi phí cho một ca mổ ruột thừa: 55.029,31 USD, 2 giờ tiền phòng hồi tỉnh: 7.501 USD, tiền công mổ: 16.277 USD, công gây mê: 4.562 USD, công chích tĩnh mạch: 1.658 USD, thuốc và chi phí tiêu hao: 4.628,75 USD…
Với tiền công cho một ca mổ trung phẫu và các công kèm theo (gây mê, chích tĩnh mạch) như vậy, làm sao mà không làm vừa lòng người bệnh được. Còn cái xã hội nửa thị trường của chúng ta trong khi mọi thứ đều lên giá được, mọi thứ đều thị trường được, duy chỉ có chi phí y tế vì cái chữ "nhân đạo" là không được lên giá. Chẳng ai dám quyết định đưa chi phí y tế về gần với giá thực của nó, chỉ ra sức hô hào, bắt buộc nhân viên y tế phải như “mẹ hiền”.
Đồng ý là chi phí y tế ở Mỹ là quá cao, lợi nhuận của ngành y tế của Mỹ là quá lớn. Thế nhưng chi phí ở Việt Nam phải bằng 1/5, hay chí ít thì cũng 1/10 so với nó thì mới hợp lý. Mọi người cứ hô hào bác sĩ Việt Nam phải nghiên cứu khoa học, phải có báo cáo tầm cỡ quốc tế… thời gian đâu mà làm. Mổ hàng vài trăm ca siêu phẫu mới được bồi dưỡng ngang bằng mổ một ca ruột thừa. Còn phải phòng mạch, cơm, áo, gạo, tiền… thì làm sao mà thống kê, mà báo cáo.
Ông bà ta có câu: “Có thực mới vực được đạo”, ông Marx cũng có nói “vật chất quyết định ý thức”, thế mà cái nền kinh tế thị trường định hướng theo ông Marx lại bảo là cứ làm mẹ hiền đi. Trong cơn bão chạy theo vật chất của cái xã hội thị trường, cái nửa mang tên định hướng ấy đang đè lên dạ dày và lương tâm của những nhân viên y tế, càng ngày càng bóp chặt trái tim của những “mẹ hiền”.
Đồng ý là chi phí y tế ở Mỹ là quá cao, lợi nhuận của ngành y tế của Mỹ là quá lớn. Thế nhưng chi phí ở Việt Nam phải bằng 1/5, hay chí ít thì cũng 1/10 so với nó thì mới hợp lý. Mọi người cứ hô hào bác sĩ Việt Nam phải nghiên cứu khoa học, phải có báo cáo tầm cỡ quốc tế… thời gian đâu mà làm. Mổ hàng vài trăm ca siêu phẫu mới được bồi dưỡng ngang bằng mổ một ca ruột thừa. Còn phải phòng mạch, cơm, áo, gạo, tiền… thì làm sao mà thống kê, mà báo cáo.
Ông bà ta có câu: “Có thực mới vực được đạo”, ông Marx cũng có nói “vật chất quyết định ý thức”, thế mà cái nền kinh tế thị trường định hướng theo ông Marx lại bảo là cứ làm mẹ hiền đi. Trong cơn bão chạy theo vật chất của cái xã hội thị trường, cái nửa mang tên định hướng ấy đang đè lên dạ dày và lương tâm của những nhân viên y tế, càng ngày càng bóp chặt trái tim của những “mẹ hiền”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét