Câu chuyện của chị có thể là bài học cho những ai thích nghe nhạc quá lớn, khi mà iPod và các buổi nhạc sống đang làm ảnh hưởng đến thính lực của 75% giới trẻ...
"Hai mươi năm trước, khi tôi ra khỏi nhà để đi xem Motorhead - ban nhạc rock Anh được mệnh danh là ồn ào nhất thế giới - những từ của mẹ đuổi theo tôi đến tận cửa: "Một ngày nào đó con sẽ điếc mất thôi!".
Vào lúc đó, tôi chỉ nhướng mắt lên, như mọi cô gái vẫn làm ở cái tuổi 19 quá tự tin ấy, và lao đến nơi đang quẳng ra những âm thanh lên đến 140 decibel - mức mà bây giờ tôi biết rằng còn lớn hơn 10 decibel so với một chiếc máy bay phản lực khi cất cánh.
Những âm thanh đó là quá mức chịu đựng với hầu hết các fan, mọi người lục đục kéo nhau về, nhưng tôi vẫn ở lại. Đêm đó, tôi rời bãi diễn với đôi tai lùng bùng và mất hơn một tuần những tiếng chuông trong đó mới biến mất", chị Phillipa Faulks người Anh kể lại.
Chị Phillipa Faulks giờ đã có thể nghe được nhờ thiết bị trợ thính, nhưng chị cũng hy vọng các bạn trẻ sẽ tránh được sai lầm của mình. Ảnh: DailyMail. |
"Ở tuổi 41, những lời cảnh báo của mẹ năm nào giờ đã hiệu nghiệm, tôi đã mất khả năng nghe của mình và đang phải đeo thiết bị trợ thính.
Xu hướng thích nghe nhạc sống và đến các câu lạc bộ đã gây tổn hại cho đôi tai của tôi đến mức không thể đảo ngược, nghĩa là những âm thanh thường nhật giờ đây không thể đi qua hệ thống thần kinh lên não của tôi được nữa.
Và dường như tôi chỉ là một phần trong một xu hướng mà thôi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 4 triệu người Anh đang gặp phải nguy cơ mất thính lực nghiêm trọng do tiếp xúc với âm nhạc quá lớn, mà thủ phạm là do nghe MP3 và các buổi ca nhạc trong nhiều giờ liền.
Tôi nhìn con gái mình nghe iPod và cầu mong con bé học được từ sai lầm của tôi.
Trục trặc xuất hiện năm tôi hơn 20 tuổi. Tôi làm việc trong một cửa hàng đông đúc với những tiếng ồn ào quanh năm suốt tháng từ những người bán hàng và từ các loa đài. Tôi nhận thấy mình rất khó nghe được tiếng của người mua, và từ "xin lỗi" trở thành từ cửa miệng.
Tôi không nghe thấy khách hàng nói gì, nhưng lại giả vờ nghe được - họ kể với tôi con chó của họ vừa chết, nhưng tôi lại gật đầu và mỉm cười, thật trớ trêu!
Ít lâu sau chồng tôi bắt đầu nhận ra tôi đã nghe nhầm hoặc không nghe thấy. Tôi tự bào chữa rằng đó là do mình mệt mỏi và không tập trung, nhưng trong thâm tâm, tôi nhận ra mình đã nghe kém và rằng những tiếng chuông lại xuất hiện trong tai. Nó khiến tôi đau khổ khôn nguôi.
Vào cuối những năm 20 tuổi, tôi trở nên cáu kỉnh và thu mình - cơn ù tai không cho tôi phút nào yên ả. Cuối cùng, tôi đến gặp bác sĩ, và biết rằng mình đã mất 50% thính lực. Những âm thanh cao, tiếng phone, những bài phát biểu và những âm thanh hàng ngày như biến đâu mất. Tôi không phân biệt được các âm 'th', 'f' và 's', vì thế tôi nghe nhầm.
Bác sĩ giải thích rằng do nhiều năm nghe nhạc lớn đã khiến các tế bào lông thụ cảm tí hon nằm ở tai trong trở nên bẹt dí, đến mức không thể phục hồi, đồng nghĩa với việc tôi không bao giờ có thể nghe đầy đủ trở lại. Và nếu không bảo vệ tai, khả năng nghe sẽ còn kém hơn nữa.
Thật là thảm họa, ở tuổi 28, tôi đã sắp điếc, và được yêu cầu phải tránh xa những môi trường ồn ào nếu không muốn tình trạng xấu đi.
Sự trầm cảm đã khiến tôi xa cách, và trong mắt mọi người tôi trở nên thô lỗ. Tôi đã phải nhờ cậy đến bác sĩ để biết rằng việc giả vờ nghe thấy còn khiến mọi điều tồi tệ hơn.
Tôi đã thử qua nhiều thiết bị trợ thính, trải qua từ những nỗi thất vọng đến vui mừng. Cuối cùng tôi đã tìm được thứ phù hợp với mình, với cái giá 2.500 bảng, không rẻ, nhưng đáng vì nó cho phép tôi có thể nghe trở lại.
Giờ đây, cuộc sống của tôi đã thay đổi, tôi có thể nghe thấy tiếng chuông điện thoại, những cuộc trò chuyện trở nên có ý nghĩa, và tôi có thể xem phim mà không cần nhìn phụ đề nữa.
Con gái tuổi teen của tôi đã học cách đối phó với trục trặc của mẹ khá tốt, luôn nhìn thẳng vào tôi khi nói chuyện, và cố gắng kiên nhẫn khi tôi yêu cầu nó lặp lại điều gì đó đến 10 lần. Chúng tôi đã thảo luận là sẽ giữ cho chiếc iPod của con bé ở mức âm thanh an toàn.
Mặc dầu các bạn trẻ thường nghĩ rằng "chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra với tôi", hoặc "chỉ có người già mới bị điếc", trong cuộc sống hiện đại của chúng ta, nơi mà hầu hết mọi người dành phân nửa thời gian để cắm đầu vào chiếc tai nghe nhạc, rất có thể điều đó sẽ xảy ra với bạn.
Và nếu mẹ bạn từng nói "Cẩn thận kẻo có ngày điếc tai đấy con ơi", thì điều đó quả thực đáng nghe đó bạn".
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét