Trong lịch sử ngành y, suốt một thời gian dài các thầy thuốc luôn đau đầu vì một thứ bệnh "ma quái" đã cướp đi mạng sống của không biết bao nhiêu sản phụ sau khi sinh nở - bệnh "sốt sản phụ".
Nói là "bệnh ma quái" vì không một ai biết rõ nguyên nhân tại sao sản phụ sau khi sinh xong thường nên cơn sốt cao rồi nhanh chóng qua đời. Ngay trong những quyển sách cổ xưa (khoảng 1.500 năm trước công nguyên) của người Hindous đã thấy nhắc đến nguy cơ tử vong cao của căn bệnh "sốt sản phụ" và sự bất lực của thầy thuốc trước những cái chết thương tâm này. Không ít người tin rằng đó là hình phạt, là quy luật của "đấng tối cao" đối với loài người, một sinh linh ra đời sẽ phải đổi bằng một sinh linh khác chết đi.
Đến thời Hippocrate (1.000 năm sau), những cái chết của sản phụ vì sốt cao không rõ nguyên nhân vẫn diễn ra phổ biến. Đầu thế kỷ thứ 4, ở La Mã và Ai Cập đã xuất hiện nhiều cơ sở y tế tập trung chăm sóc người bệnh và đỡ đẻ. Đây có thể coi là những bệnh viện đầu tiên trên thế giới, tuy nhiên ở các bệnh viện này, bệnh nhân được xếp vào các buồng bệnh một cách ngẫu nhiên, cho dù họ mắc bất kỳ bệnh gì.
Thời đó giới y khoa chưa hề có khái niệm về các bệnh nhiễm trùng hay các bệnh dễ lây lan. Đối với các bệnh nhân phẫu thuật thì ít khi tránh khỏi biến chứng nhiễm trùng vết mổ. Việc vệ sinh sạch sẽ tay và dụng cụ y tế hầu như chưa được đặt ra mặc dù thời gian này, người La Mã và Hy Lạp đã biết ăn ở vệ sinh, dùng nước sạch, xây dựng nhà cầu và đặt các hố rác cộng cộng.
Sau khi đế quốc La Mã suy tàn, các vấn đề về vệ sinh hầu như bị người dân quên lãng. Người ta rất ít tắm rửa vì cho rằng nước làm lỗ chân lông nở ra khiến chất bẩn xâm nhập cơ thể. Đến tận cuối thế kỷ 18, cũng chỉ mới có rất ít nhà giàu có nhà vệ sinh và thau rửa. Vệ sinh cộng đồng là con số không. Trong các thành phố châu Âu hồi thế kỷ 17, nhiều con đường là nơi để phóng uế và sặc mùi hôi thối. Dịch bệnh lan tràn khắp nơi.
Thời gian này, các nhà hộ sinh bắt đầu mọc lên nhản nhản trên khắp châu Âu. Những tưởng điều đó sẽ giúp cho tỷ lệ tử vong sản phụ giảm xuống, nhưng ngược lại, số sản phụ chết sau sinh càng tăng lên đến mức đáng sợ. Năm 1646, tại bệnh viện Hotel - Duu ở Paris, cứ 20 sản phụ thì chỉ có một người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Câu chuyện xưa như trái đất "chết khi vượt cạn" tiếp tục thách thức bất cứ hội đồng nghiên cứu y khoa nào lúc đó.
Năm 1774, vua Louis 16 yêu cầu các bác sĩ tập hợp lại ở Paris để tìm cách dập tắt cơn dịch bệnh đang hoành hành bệnh viện trung tâm của thành phố. Người ta nghi ngờ là sữa bị bỏ độc, thế là tất cả các nhũ mẫu bị xua đuổi khỏi Paris. Nhưng biện pháp này còn làm cho dịch lan rộng hơn.
Không lâu sau đó, tình trạng tương tự xảy ra khắp châu Âu. Tại London, Paris, Milan, các hội đồng chuyên gia cố gắng tìm hiểu về căn bệnh sốt sản nhưng càng cố sức thì càng chẳng đem đến kết quả gì. Bản danh sách các sản phụ bị tử thần bắt đi ngày càng dài. Tại bệnh viện Vienne - một bệnh viện lớn ở châu Âu thời bấy giờ, số sản phụ tử vong năm 1821 được ghi nhận là 829 trên tổng số 5.139 người vào viện, tức cứ 6 người thì có một người chết. Hay tại bệnh viện Maternité ở Paris, chỉ trong một ngày 1/5/1856, có tới 31 trên tổng số 32 sản phụ vào sinh đã tử vong. Tỷ lệ tử vong ở sản phụ "do sốt" tăng lên chóng mặt: 8% - 10% vào đầu thế kỷ 19 ở châu Âu và châu Mỹ.
Đến tận lúc đó, người ta vẫn chưa có một khái niệm nào về sự bẩn thỉu, chuyện lây nhiễm và vô trùng. Các phòng sinh của bệnh viện thường chật chội, đầy rác rưởi, 4 -5 sản phụ nằm chen chúc trên một giường, thậm chí còn nằm lẫn lộn với các bệnh nhân khác. Trong khi đó, các sinh viên thực tập y khoa và thầy thuốc thì cứ "hồn nhiên" đi từ phòng giải phẫu tử thi sang phòng sinh mà không hề rửa tay.
Trước cái chết hàng loạt không rõ nguyên nhân của sản phụ, một số thầy thuốc như Alexsander Gordon rồi James Bluadell lần lượt lên tiếng nghi ngờ, cảnh giác về sự liên quan giữa tình trạng vệ sinh kém với tình trạng tử vong cao của sản phụ cho dù họ chưa biết gì đến khái niệm vi trùng. Đáng tiếc là họ chưa có cách gì chứng minh được mối nghi ngờ của mình.
Ngày 13/2/1843, bác sĩ người Mỹ Olyver Wendell Holmes đã bắt đầu tiến hành theo dõi và phân tích hàng trăm ca chết sản phụ. Cuối cùng ông kết luận rằng: chính đôi tay của thầy thuốc là nguyên nhân trực tiếp đem đến cái chết cho sản phụ. Ông kêu gọi giới y khoa phải rửa tay thật sạch trước khi thăm khám và đỡ đẻ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phát hiện cũng như lời kêu gọi của ông đã không được các đồng nghiệp nhìn nhận và hưởng ứng, có lẽ bởi họ không đủ can đảm để thừa nhận rằng chính bàn tay cứu người của mình cũng lại có thể giết người một cách dễ dàng và "vô lý" đến như vậy!
Đầu năm 1853, một số bệnh viện lớn ở châu Âu cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp vệ sinh đầu tiên như quét sơn ván và trần nhà để chống thấm, giặt hấp quần áo, dụng cụ y tế ở nhiệt độ 120 - 130 độ C, chỉ thăm khám bệnh nhân khi thật cần thiết... Nhưng họ vẫn chưa quan tâm đến việc khử trùng đôi tay thầy thuốc.
Phát hiện kẻ thù vô hình
Trong thời gian này, tại thủ đô Viên nước Áo, một bác sĩ người Áo - Hung làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vienne, nơi có tỷ lệ tử vong sản phụ cao tới 35%, đã không chấp nhận sự thật nghiệt ngã đó. Ông quyết tâm tìm hiểu cốt lõi của vấn đề. Đúng lúc đó, một nỗi bất hạnh lớn đã đến với người bạn thân của Semmelweis: Giáo sư Jakob Kolletschka đã chết sau một vết xước tay nhỏ do chính con dao mổ xác của mình. Các sự việc này có vẻ như chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng từ chúng, Semmelweis đã rút ra kết luận: Các chất độc giết người (lúc đó ông chưa biết đến vi trùng) đã truyền qua nạn nhân từ các dụng cụ y tế và từ tay thầy thuốc.
Ngày 15/5/1847, Semmelweis bắt đầu áp dụng một nguyên tắc mới tại bệnh viện của ông: tất cả sinh viên và thầy thuốc phải rửa tay với nước chlor trước khi bước vào phòng sinh. Kết quả thật là kỳ diệu: tỷ lệ tử vong của sản phụ giảm xuống một cách đáng ngạc nhiên.
Semmelweis đã yêu cầu các bác sĩ phải rửa tay trước khi thăm khám cho sản phụ. Ảnh: corbis. |
Tuy nhiên, người ta đã tỏ ra lạnh nhạt với các phát hiện của ông. Những thầy thuốc hàng đầu của châu Âu lúc bấy giờ, trong đó có giáo sư Johann Klein - thầy dạy của ông, đã liên kết chống lại ông. Chỉ vì tính bảo thủ và sự đố kỵ mà họ cố tình không nhận ra chân lý. Giống như Holmes ở Mỹ, Semmelweis cũng bị chống đối kịch liệt ở châu Âu. Ông bị cách chức, bị mất việc và cuối cùng chết một cách tức tưởi trong nhà thương điên vào năm 1865. Trong khi đó, đến tận cuối những năm 70 của thế kỷ 19, giới y khoa ở châu Âu vẫn cứ khăng khăng cho rằng: "Nguyên nhân sốt của sản phụ sau khi sinh đẻ là do quá lo lắng, sợ hãi hoặc do một ma lực kỳ bí nào đó!".
Năm 1879, nhà bác học vĩ đại người Pháp tìm ra vi trùng - những vi sinh vật có khả năng truyền bệnh. Mọi việc lúc này mới được sáng tỏ: sự thật là hàng trăm ngàn sản phụ trong nhiều năm qua đã "chết oan" vì bệnh nhiễm trùng. Nguyên nhân gây bệnh là những con vi trùng lây nhiễm từ các dụng cụ sản khoa, từ những bàn tay không tiệt trùng của thầy thuốc và từ môi trường xung quanh. Đến lúc này, người ta mới ngậm ngùi thương tiếc Semmelweis, một người chỉ có "tội" là đã đi trước thời đại. Trường đại học của Budapest đã mang tên ông, khắp châu Âu có các khoá học về Semmelweis trong đó giảng dạy "chiến lược toàn cầu về vệ sinh và vô trùng bệnh viện".
Ngày nay, bệnh nhiễm trùng đã trở thành kiến thức phổ thông của mọi người. Tất cả mọi người trên thế giới đều được khuyến khích rửa tay thật sạch nhiều lần trong ngày để hạn chế các bệnh lây nhiễm. Trong y khoa, nguyên tắc khử trùng đã được đặt lên hàng đầu và được bảo đảm bằng những biện pháp khủ trùng hiện đại nhất. Đáng tiếc là nhân loại đã phải trả một cái giá quá đắt để khám phá ra chân lý khoa học tưởng chừng vô cùng đơn giản này!
(Theo La Recherche, Sức khỏe và Đời sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét