Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Nhiều nước ngừng mua vacxin cúm H1N1 hay trả lại hoặc cho

"WHO sẽ mở cuộc điều tra những cáo buộc gọi là dịch cúm A/H1N1 giả". Đó là thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong buổi họp báo ngày 12/1 tại Geneve (Thụy Sỹ) trước việc có những tin đồn "dịch cúm A H1N1 là giả".

Tại cuộc họp báo ở Geneve ngày 12/1, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Fadela Chaib cho biết WHO sẽ mở một cuộc điều tra do các chuyên gia độc lập tiến hành để xem xét và đánh giá vấn đề dư luận gọi là "dịch cúm A/H1N1 giả". Bà Fadela Chaib cho biết cuộc điều tra này sẽ được tiến hành khi dịch cúm kết thúc và kết quả điều tra sẽ được công bố công khai. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định việc WHO tiến hành xem xét và đánh giá sau nhiều tháng đối phó với dịch bệnh là hoạt động hoàn toàn bình thường nhằm rút kinh nghiệm cho những đợt đối phó với dịch bệnh trong tương lai.

Thông báo trên của WHO được đưa ra khi mới đây dư luận, đặc biệt ở châu Âu, chỉ trích rằng thực tế dịch cúm A/H1N1 không nguy hiểm như đã được tuyên truyền. Trên thực tế, đã xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau.

Tiêm phòng vaccin cúm A/H1N1.

Một số nước châu Âu cho rằng dịch cúm H1N1 "không nguy hiểm" như người ta tưởng đồng thời cáo buộc việc WHO tháng 6/2009 tuyên bố dịch cúm A/H1N1 là "đại dịch", là do WHO bị sức ép của một số công ty dược. Thậm chí một số ý kiến cho rằng việc tiêm vaccin là thừa và chỉ làm lợi cho các công ty dựơc phẩm. Một số tờ báo châu Âu hôm qua đã dẫn các số liệu cho thấy trong tháng 10, hãng Dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) đã đạt doanh số 1 tỷ đôla từ tiền bán vaccin trong khi đó hãng Novartis Thụy Sỹ thu được khoảng 400 - 700 triệu USD từ việc bán các nguồn vaccin này. Trước những thông tin đưa ra trong tuần qua, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra độc lập về việc liệu có phải dịch cúm A/H1N1 không nguy hiểm như các thông tin trước đó. "Nhiều người dân đã không đi tiêm phòng vì cho rằng dịch không nguy hiểm", đại diện Bộ Y tế CHLB Đức cho biết.

Song Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng quan điểm này là hoàn toàn sai lệch. Việc công bố đại dịch cúm A/H1N1 toàn cầu xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích của người dân, chứ không vì bất cứ lý do nào khác. "Các quyết định sớm được thực hiện trong tình trạng hoàn toàn không chắc chắn. Đây không phải là một lời biện minh mà là sự thực. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi không biết liệu đó là một căn bệnh nặng hay nhẹ, WHO đã phải có những hành động và khuyến nghị", thông cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra ngày 12/1 nhấn mạnh. Trong thông cáo, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho rằng nhầm lẫn có thể xuất phát từ việc đã có một tài liệu trên trang web của WHO nói rằng một đại dịch có thể bao gồm "số lượng rất lớn các ca mắc và các ca tử vong". Tuy nhiên, thông tin này đã được gỡ bỏ ngay sau đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến Tổ chức Y tế Thế giới phải tổ chức phiên họp báo ngày 12/1 vừa qua, trong đó nêu rõ sẽ điều tra các cáo buộc gọi là "dịch cúm A/H1N1 giả".

Lượng vaccin đặt mua sụt giảm nhanh

Ở thời điểm hiện tại, quan điểm còn nhiều khác biệt giữa các bên khiến lượng vaccin sụt giảm. Tờ Le Figaro số ra ngày 12/1 cho biết Chính phủ Pháp mới đây đã đơn phương hủy hơn một nửa số lượng vaccin chống cúm A/H1N1, tương đương 50 triệu liều trên tổng số 94 triệu liều mà nước này đã đặt hàng ở 3 công ty dược phẩm GSK, Novartis và Sanofi-Aventis, bất chấp việc nước này có thể phải bù lỗ khoảng 350 triệu euro phí tổn đền bù. Không chỉ Pháp, mà cả Đức, Thụy Sỹ và Bỉ cũng đang đàm phán với các phòng thí nghiệm để giảm bớt số liều vaccin đã đặt mua trước đó. Ngay cả Mỹ, sau khi đã đặt 251 triệu liều, bây giờ cũng lo điều đình với các hãng dược phẩm để giảm bớt lượng vaccin cần mua.

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, giới chuyên môn cho rằng việc huỷ hợp đồng mua vaccin hàng loạt là do sự lo lắng thái quá của các nhà hoạch định y tế trước nguy cơ bùng phát của dịch cúm A/H1N1. Thụy Sĩ đã đặt mua đến 13 triệu liều, trong khi trên thực tế bệnh dịch không phát triển mạnh và số người dân đi tiêm phòng cúm A/H1N1 không cao. Pháp cũng đặt hàng với tỉ lệ tiêm phòng cho 78% dân số, tiếp theo là Canađa (75%) và Mỹ (30%). Trong khi đó số lượng người đi tiêm chủng ở các nước phương Tây đều không cao.

Hiện tại chưa có thông tin về việc WHO sẽ tiến hành cuộc điều tra ra sao, song giới chuyên môn nhận định việc làm này là cần thiết để giải toả những nghi ngại xung quanh cái gọi là "dịch cúm A/H1N1 giả ". Các nước cũng mong WHO sớm có khuyến cáo thêm để có thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch cúm A H1N1.

Nguyệt Minh (Theo Wall Street Journal và BusinessWeek)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét