Vụ hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh được Chi cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện ngày 7-1 không phải là lần đầu. Trong quá khứ, nhiều lần nhà thuốc Mỹ Châu đã có những sai phạm tương tự.
Niêm phong thuốc có vi phạm tại kho thuốc Công ty cổ phần dược Minh Phúc trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1 - Ảnh: L.TH.H.
Từ một nhà thuốc ban đầu (hiện gọi là nhà thuốc Mỹ Châu 1) ở đường Hai Bà Trưng, Q.3, đến nay nhà thuốc Mỹ Châu đã phát triển thành hệ thống với 18 nhà thuốc hoạt động ở nhiều quận nội thành của TPHCM. Hệ thống nhà thuốc này thuộc Công ty cổ phần dược Minh Phúc (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3) do bà Lê Thị Mỹ Châu làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Một năm phát hiện ba lần vi phạm
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, trong năm 2008 Thanh tra Sở Y tế và Bộ Y tế đã ba lần kiểm tra nhà thuốc Mỹ Châu 1. Cả ba lần thanh tra đều phát hiện nhà thuốc này có nhiều vi phạm.
Lần đầu vào ngày 12-3-2008, thanh tra Sở Y tế phát hiện nhà thuốc Mỹ Châu 1 vi phạm kinh doanh thuốc không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế cho phép lưu hành vào VN (còn gọi là kinh doanh thuốc phi mậu dịch, đây là hình thức kinh doanh thuốc lậu - PV), không đảm bảo các yêu cầu về bảo quản thuốc, bán thuốc cao hơn giá niêm yết. Thanh tra sở đã ra quyết định xử phạt gần 5,3 triệu đồng.
Lần hai, Thanh tra Bộ Y tế thanh tra (15-5-2008) và sau đó ra quyết định xử phạt 9,5 triệu đồng vì nhà thuốc hành nghề không đúng với phạm vi chuyên môn được quy định trong giấy phép (có hành vi bán buôn thuốc trong khi chỉ được phép bán lẻ); không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản thuốc; không có hồ sơ, sổ sách xuất nhập thuốc đúng quy định; tiếp tục có hành vi kinh doanh thuốc không có số đăng ký.
Lần ba, nhà thuốc Mỹ Châu 1 bị Thanh tra sở thanh tra ngày 10-10-2008 do có đơn của người dân phản ảnh bán thuốc giá cao. Kết quả nhà thuốc bị phạt 6 triệu đồng vì các vi phạm: kinh doanh thuốc không được phép lưu hành, không thực hiện việc ủy quyền theo quy định khi chủ nhà thuốc vắng mặt.
Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra tại nhà thuốc Mỹ Châu ở địa chỉ 338 Lê Văn Sỹ, Q.3 -Ảnh: L.TH.H.
Kiểm tra đâu, sai phạm đó
Không chỉ nhà thuốc Mỹ Châu 1, trong năm 2009 thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng kiểm tra hàng chục lần nhiều nhà thuốc khác trong hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu tại TP và phát hiện không ít vi phạm. Các nhà thuốc này đã bị xử phạt gần 37,5 triệu đồng.
Cụ thể, đầu tháng 7-2009 nhà thuốc Mỹ Châu 1 tiếp tục bị phạt 7 triệu đồng vì hành vi kinh doanh mỹ phẩm không có số đăng ký lưu hành, không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản thuốc. Mỹ Châu 2 (Q.3) bị phạt 2 triệu đồng vì kinh doanh thuốc có nhãn mác thiếu thông tin theo quy định. Các nhà thuốc Mỹ Châu 4 (Q.5), Mỹ Châu 10 (Q.3) cũng bị phạt tiền vì lỗi không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản thuốc, không thực hiện việc mở sổ sách thống kê, không lưu sổ sách chứng từ liên quan đến thuốc hướng tâm thần.
Nhà thuốc Mỹ Châu 6 (Q.Gò Vấp) bị kiểm tra đến ba lần trong năm 2009 và lần nào cũng có vi phạm: kinh doanh thuốc không có số đăng ký lưu hành, kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng, thuốc có bao bì không đầy đủ nội dung, không niêm yết giá thuốc, không thực hiện việc mở sổ sách thống kê, không lưu sổ sách chứng từ liên quan đến thuốc hướng tâm thần, không thực hiện việc ủy quyền khi chủ nhà thuốc vắng mặt.
Nhà thuốc Mỹ Châu 7 (Q.Bình Thạnh) được kiểm tra hai lần đều vi phạm không thực hiện việc ủy quyền khi chủ nhà thuốc vắng mặt, không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản thuốc, không niêm yết giá thuốc. Nhà thuốc Mỹ Châu 8 (Q.4) cũng bị phát hiện có vi phạm về kinh doanh thuốc không được phép lưu hành, kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng, thuốc có bao bì không đầy đủ nội dung theo quy định...
Chưa nhận quyết định đã biết nội dung
Từ kết quả thanh tra nhà thuốc Mỹ Châu 1, Thanh tra Sở có tờ trình (ngày 11-12-2008) với lãnh đạo Sở Y tế là nhà thuốc này đã cố tình kinh doanh thuốc không có số đăng ký và đối phó với cơ quan quản lý nhà nước bằng cách đưa người đến Thanh tra Sở xác nhận có nhờ nhà thuốc mua giùm các thuốc Viagra, Dinacin, Amlor (không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế). Nhà thuốc này cũng không khắc phục những khuyến cáo của Thanh tra Bộ và sở về hành vi kinh doanh thuốc không được phép lưu hành.
Xem xét tính chất, mức độ vi phạm của nhà thuốc Mỹ Châu 1 (ba lần thanh tra đều vi phạm kinh doanh thuốc không có số đăng ký), Thanh tra Sở đã đề nghị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề sáu tháng đối với dược sĩ phụ trách nhà thuốc này là bà Hoàng Hồng Nga.
Lãnh đạo Sở Y tế đã có bút phê (ngày 11-12-2008) đồng ý giao Thanh tra Sở thực hiện và biên bản xử lý sau đó của Thanh tra Sở đã ghi rõ là áp dụng hình thức phạt tiền 6 triệu đồng và phạt bổ sung “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề sáu tháng” đối với bà Hồng Nga. Ngày 19-12-2008, Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt với nội dung như trên. Nhưng khi quyết định chưa được trao, ngày 21-12-2008 bà Hồng Nga đã có đơn đề nghị Sở Y tế xem xét lại.
Cuối cùng, Sở Y tế đã nương tay khi hủy bỏ hình thức phạt bổ sung, nhà thuốc Mỹ Châu 1 chỉ bị phạt tiền và vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Sau đó, nhà thuốc Mỹ Châu 1 tiếp tục vi phạm các quy định của pháp luật, tiếp tục kinh doanh mỹ phẩm không có số đăng ký lưu hành, bảo quản thuốc không đúng quy định và cũng chỉ bị phạt 7 triệu đồng (tháng 7-2009).
Sai phạm của hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu kéo dài, không được xử lý rốt ráo. Do vậy, đầu tháng 1-2010 khi cơ quan quản lý thị trường vào cuộc đã phát hiện không chỉ nhà thuốc Mỹ Châu 1 mà nhiều nhà thuốc Mỹ Châu khác và Công ty cổ phần dược Minh Phúc do bà Lê Thị Mỹ Châu làm chủ cũng có những vi phạm tương tự với số lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, sữa...vi phạm rất lớn.
Không phạt bổ sung Điều 34, khoản 7, điểm a, nghị định 45/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định rõ: với những cơ sở vi phạm kinh doanh thuốc không được phép lưu hành, kinh doanh thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc quá hạn dùng với số lượng trên 50 viên hoặc trên 10 lọ, 10 chai đối với những loại thuốc không phải là thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất, dược chất phóng xạ thì áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề từ 6-12 tháng. Hơn ai hết, Sở Y tế hiểu rất rõ rằng chỉ cần một lần vi phạm là có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung nêu trên. Thế nhưng với những vi phạm nghiêm trọng, liên tục, kéo dài trong năm 2008 như vậy của nhà thuốc Mỹ Châu 1 và một số nhà thuốc Mỹ Châu khác trong năm 2009 thì hình thức phạt bổ sung vẫn không được áp dụng. Vì vậy không khó hiểu khi các vi phạm của đơn vị này cứ tiếp tục kéo dài. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét