Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Cứu một cháu bé khỏi tay tử thần 'máu trắng'

Sau gần 8 tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, một bé trai 5 tuổi ở Hưng Yên đã chiến thắng căn bệnh ung thư máu quái ác, một thể ung thư tủy rất hiếm gặp ở trẻ dưới 10 tuổi.

Bệnh khó chữa, tỷ lệ tử vong cao nên các bác sĩ thường bỏ, không điều trị.

Tháng 4 năm ngoái, chị Thúy, mẹ bé Tuấn, thấy con chảy máu mũi rất nhiều, bịt mũi lại thì lại thấy con ói ra máu. Hoảng quá, chị đưa con vào bệnh viện tỉnh khám. Nhưng các bác sĩ không xác định được là do đâu nên chị đưa con vào bệnh viện nhi trong TP HCM khám thì các bác sĩ bảo cháu bị ung thư máu tủy thể M3.

"Lúc nghe tin, chân tay tôi như rụng rời. Có mỗi cậu con trai mà lại như thế, chị gái cháu đã 10 tuổi rồi mà có thấy bị bệnh gì đâu. Trước đó, cháu không hề có biểu hiện gì bất thường", chị Thúy cho biết.

Không tin con mình bị bệnh, một căn bệnh nan y không chữa được, vợ chồng chị đưa con đi khám gần hết các bệnh nhi, chuyên khoa ung thư suốt gần 2 tháng. Thế nhưng, mỗi lần rời một bệnh viện, nỗi tuyệt vọng trọng chị lại càng lớn hơn.

"Càng ngày, tôi càng cảm thấy án tử hình của con treo lủng lẳng trước đầu. Tia hy vọng cứu con càng trở nên vô vọng. Dù vào nam hay ra bắc, câu trả lời vẫn chỉ là 'không chữa được, cháu yếu quá'", chị Thúy tâm sự.

Từ mấy ngày hôm nay, hai mẹ con chị đã chộn rộn chuẩn bị về nhà. Ảnh: N.P.

Dù thế, gia đình chị vẫn cố vớt vát, vay mượn tiền đưa con vào viện để truyền máu, kéo dài sự sống bằng nào hay chừng ấy. Đến khi, các bác sĩ ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nói sẽ thử chữa cho cháu, chị cũng không tin và cũng không dám thử.

"Bao nhiêu bác sĩ ở các bệnh viện lớn đều nói không chữa được, liệu mình có nên thử hay không? Liệu mình có nên tốn tiền thêm mà không biết liệu con có khỏi được hay không?", câu hỏi khiến hai vợ chồng chị đắn đo mãi.

"Nhưng rồi cuối cùng, chúng tôi quyết định thử và cũng xác định từ trước một mất một còn. Các bác sĩ thậm chí còn bảo 'trong khi điều trị, cháu có thể chết bất kỳ lúc nào', nhưng thôi thì cứ thử một lần, đặt cược số phận của con", người mẹ kể lại.

Ngày 8/6/2009, Tuấn vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ thử điều trị trong một tuần đầu tiên. Rất may, điều các bác sĩ dự báo bé có thể tử vong ngay trong quá trình điều trị đã không xảy ra. Thế nhưng, bé lại bị tác dụng phụ do việc dùng hóa chất dẫn đến suy, tiểu cầu giảm, sức đề kháng giảm dẫn đến bị nhiễm trùng huyết.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bàng, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vì phát hiện kịp thời nên sau 2 tuần điều trị thì bệnh nhi đã khỏi. Đến nay, sức khỏe của cháu đã ổn định.

Chiều 18/1 bé được xuất viện. Sau mấy tháng điều trị ở viện, Tuấn cũng lên được 6 cân. Cậu bé ngày mới đầu vào viện còn kêu đau chân, mệt mỏi, chỉ nặng 17 kg giờ đã cười nói vui vẻ, chạy nhảy khắp phòng.

"Dù sao tôi vẫn thấy gia đình mình thật may mắn vì con còn cứu được. Cùng nằm phòng với bé, đã có không ít gia đình ngậm ngùi tiễn đưa con. Mình còn có ngày đưa con ra viện đã là mừng lắm rồi", chị Thúy vừa cười vừa nói.

Tiến sĩ Bàng cũng cho biết, ca bệnh của bé Tuấn vừa hiếm gặp vừa khó chữa. Bệnh ung thư máu ở trẻ hay gặp nhất là bạch cầu cấp, gồm 2 loại: dòng tủy và dòng lympho. Trong đó, dòng lympho thì chữa dễ hơn vì bệnh nhạy cảm với hóa chất. Còn dòng tủy (hay ung thư tủy), chỉ chiếm khoảng 30% nhưng điều trị khó vì kháng thuốc, tỷ lệ tử vong rất cao. Chính vì tiên lượng bệnh xấu nên đến nay, các bác sĩ thường không điều trị những trẻ bị bệnh này.

"Trong đó, trẻ dưới 10 tuổi bị ung thư tủy thể M3 như cháu Tuấn càng hiếm. Bệnh nguy hiểm ở chỗ bé có thể chết bất kỳ lúc nào vì rối loạn đông máu", tiến sĩ Bàng cho biết.

Tuy nhiên, gần đây, các nước trên thế giới mới phát hiện ra có khả năng chữa được thể này, với việc sử dụng thuốc all-trans retinoic acid (tiền vitamin A). Thuốc này có tác dụng làm cho cơ thể không sinh tế bào ung thư, tạo điều kiện sinh tế bào bình thường.

Tỷ lệ thành công cực kỳ cao, nhưng chủ yếu ở trẻ 10 tuổi trở lên, trẻ nhỏ tuổi hơn thì ít gặp. Tại Việt Nam, Viện Huyết học và truyền máu trung ương cũng đang chữa, hiệu quả tốt, nhưng mới chỉ ở người lớn, tiến sĩ Bàng cho biết.

"Chúng tôi đã đắn đo rất nhiều trước khi quyết định thử vì nguy cơ trẻ tử vong hoàn toàn có thể xảy ra. Đang bình thường thì không sao nhưng can thiệp vào bệnh nhi có thể chết ngay. Đây là lần đầu, chúng tôi chữa thành công cho một trẻ bị ung thư máu thể tủy", tiến sĩ Bàng chia sẻ.

Bé sẽ phải tiếp tục điều trị theo lộ trình 6 tháng nữa, mỗi tháng vào viện một lần, mỗi lần điều trị 5 ngày. Tình hình bệnh của bé đã lui dần, nhưng cũng theo bác sĩ không biết bao giờ bệnh sẽ tái phát vì đây là ca đầu. Tuy nhiên, theo các tài liệu thì bênh có thể tái phát nhưng muộn, có trường hợp không tái phát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét