Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Ứng dụng ánh sáng trong điều trị bệnh da

Ánh sáng là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống. Ánh sáng giúp con người nhìn thấy sự vật, tổng hợp vitamin D tại da, giữ ẩm, diệt tác nhân gây bệnh, điều trị bệnh. Điều trị bệnh da bằng ánh sáng là phương pháp sử dụng ánh sáng (chủ yếu là tia cực tím) để điều trị bệnh da.

Ứng dụng ánh sáng trong điều trị như thế nào?

Việc ứng dụng ánh sáng trong điều trị bệnh đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu mới sử dụng ánh sáng mặt trời. Sau thế kỷ 19, ánh sáng tử ngoại mới được nhận biết. Hiện nay, ứng dụng ánh sáng (quang trị liệu và quang hoá trị liệu) trong điều trị bệnh da rất đa dạng như điều trị bệnh vảy nến, bạch biến, viêm da cơ địa, rụng tóc thể mảng, sẩn cục, xơ cứng bì khu trú, lichen phẳng...

Tuy nhiên, những phụ nữ có thai và cho con bú tuyệt đối không sử dụng điều trị bằng phương pháp PUVB. Ngoài ra, người có tiển sử bệnh bị khối u ở da, bệnh có rối loạn sửa chữa nhân (khô da sắc tố, hội chứng Cockayne gây rối loạn quá trình này). Người có tiền sử người bệnh được điều trị trước đó bằng tia xạ, arsenic hay người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống đều không sử dụng phương pháp này.

Một số trường hợp được bác sĩ chỉ định tương đối như một số bệnh có thể bị nặng lên khi chiếu tia UV, như: pemphigus và pemphigoid...; đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch; bệnh Porphyrie, dày sừng ánh sáng; bệnh lý gan thận nặng; đục nhân mắt.

Điều trị bệnh da bằng ánh sáng có tác dụng phụ không?

Những tác dụng cấp tính là đỏ da, dát bỏng, bọng nước, nôn, buồn nôn (đối với Psoralen dạng uống), ngứa, chóng mặt, đau đầu, viêm da dầu, trứng cá. Những tác dụng phụ mạn tính có thể gặp khi điều trị bệnh da bằng ánh sáng là thoái hóa da: teo da, rối loạn sắc tố, dày sừng ánh sáng; dát tăng sắc tố; ung thư da hắc tố và không hắc tố; đục thuỷ tinh thể.

Các phương pháp điều trị bệnh da bằng ánh sáng

Quang trị liệu trị: Quang trị liệu có tác dụng ức chế quá trình phân chia và nhân lên của các tế bào thượng bì do tác động trực tiếp của UVB lên nhân và phân tử khác. Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tại chỗ: giảm số lượng tế bào thực bào ở da, giảm quá trình hoạt hóa tế bào này với các tế bào miễn dịch khác ở thượng bì. Hiện nay các phương pháp được sử dụng là UVB dải rộng, UVB dải hẹp. UVB dải rộng sử dụng tia tử ngoại bước sóng trung bình 290-320nm, chủ yếu tác động vào lớp thượng bì nhưng thường gây đỏ da nhiều, dễ có tác dụng phụ. Trong khi đó, UVB dải hẹp có bước sóng ở khoảng 300nm đến 313nm có tác dụng nhất, nên việc sử dụng UVB dải hẹp được sử dụng rộng rãi hiện nay, rất có hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến.

Quang hóa trị liệu PUVA: Phương pháp điều trị sử dụng chất nhạy cảm ánh sáng (psoralen) và tia bức xạ không ion hóa có bước sóng dài (UVA). Quang hoá trị liệu PUVA có tác dụng ức chế quá trình phân chia và nhân lên của các tế bào thượng bì do tạo liên kết bền vững giữa psoralen với DNA, RNA dưới tác dụng của tia UVA. Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tại chỗ và toàn thân: giảm số lượng và chức năng tế bào Langerhans, tác động đến tế bào lympho T ở da, ức chế các tế bào miễn dịch sản xuất các chất hóa học trung gian như IL10, TNF-anphal... Các dạng điều trị PUVA bao gồm uống, bôi và tắm psoralen. Cách thức và thời gian sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc đối với mỗi bệnh nhân. Số lần chiếu trong tuần 2, 3 hoặc 4 lần/tuần.

Kết quả điều trị vảy nến sau 29 quang trị liệu UVB.
Điều trị quang động lực: Sử dụng chất nhạy cảm ánh sáng là thuốc được sử dụng ở dạng bôi tại chỗ, uống hoặc tiêm tĩnh mạch như aminolevulinic acid (ALA)... Trong cơ thể, các chất này tập trung với nồng độ cao ở tế bào ung thư và chỉ gây nên phản ứng khi có ánh sáng với bước sóng phù hợp chiếu trực tiếp lên vùng da mà ở đó có tổn thương ung thư. Phản ứng quang động lực giữa chất nhạy cảm ánh sáng và ôxy có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Ứng dụng điều trị trong các bệnh: dày sừng ánh nắng ở mặt và da đầu; ung thư tế bào đáy; bệnh Bowen; vảy nến...

Quang lọc máu ngoài cơ thể: Phương pháp sử dụng bức xạ cực tím chiếu trực tiếp vào máu của bệnh nhân nhằm phá hủy tế bào lympho T bất thường, kích thích sản xuất tế bào T ức chế đặc hiệu và sản xuất các cytokine INF, IL-1, IL-6. Quá trình điều trị: máu được lấy ra khỏi cơ thể đến hệ thống chiếu tia, rồi được chiếu bức xạ UV, máu này sau được chiếu tia sẽ được truyền lại cơ thể sau khi chiếu. Ứng dụng điều trị trong: Hội chứng Sezary; Bệnh tự miễn như: xơ cứng bì toàn thể, Pemphigus vulgaris, viêm khớp dạng thấp.

Một số phương pháp mới

Laser excimer: Bản chất laser cũng là ánh sáng nhưng có một số đặc điểm: chùm ánh sáng hội tụ, một bước sóng, ánh sáng laser có bước sóng 308nm được dùng trong điều trị bạch biến, vảy nến thể khu trú, đảo ngược, mụn mủ lòng bàn tay - bàn chân, thể móng.

Ánh sáng xanh và đỏ trong điều trị trứng cá: có tác dụng diệt P.acne, chiếu 15 phút/ngày trong 12 tuần.

Cùng với sự phát minh mới về kỹ thuật, ứng dụng ánh sáng trong điều trị nói chung và bệnh da nói riêng đang đem lại kết quả tốt, chi phí thấp và an toàn. Ứng dụng ánh sáng tại Việt Nam cũng đã được triển khai tại các cơ sở chuyên khoa da liễu Trung ương và địa phương.

ThS. Lê Hữu Doanh (Bộ môn Da liễu - Trường đại học Y Hà Nội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét